Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Nhờ Quyền Phép Đức Chúa Trời Giữ Cho - 3/2007  


NHỜ QUYỀN PHÉP ĐỨC CHÚA TRỜI GIỮ CHO
(1Phierơ 1:5)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Đọc trong sách Xuất Êdíptôký chúng ta thấy dân Ysơraên đang ở dưới ách nô lệ. Họ đang ở trong xứ Êdíptô, một dân hơn hẳn họ và có sức mạnh để áp chế họ. Dân ấy đối xử với họ cách độc ác, giết hại con trẻ của họ, áp bức họ, đánh đập họ bằng roi. Lúc bấy giờ thực chất họ là một dân không có chút hy vọng mà chỉ tràn đầy thất vọng cho đến khi Đức Chúa Trời can thiệp, cho đến khi Đức Chúa Trời dùng quyền năng Ngài hành động để giải cứu họ khỏi ách nô lệ. Đức Chúa Trời nhớ đến lời hứa bởi giao ước của Ngài với tổ phụ họ và can thiệp cho tuyển dân Ngài. Ngài giải cứu họ khỏi ách nô lệ. Ngài dẫn họ đến cơ nghiệp họ, đến đất hứa, đến xứ mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho Ápraham, Ysác và Giacốp. Sách Xuất Êdíptô ký mô tả xứ ấy là xứ đượm sữa và mật. Nói cách khác, đó là một xứ mà họ sẽ ao ước bước vào. Đức Chúa Trời đã hứa với họ rằng họ sẽ nhận lãnh xứ đó. Lời hứa của Đức Chúa Trời đảm bảo rằng xứ Canaan sẽ thuộc về họ. Khi đọc sách Xuất Êdíptô ký, chúng ta đọc thấy rằng người Ysơraên đang trên một chuyến hành trình từ Êdíptô đến cơ nghiệp họ.

Khi đọc 1Phierơ, những tín hữu thời Tân Ước được dạy dỗ phải nhìn thấy mình trên nhiều phương diện cũng tương tự như dân Ysơraên đây. Cơ Đốc nhân đang trên chuyến hành trình, họ là những người khách bộ hành, là người ngoại quốc trên thế gian này. Họ chỉ đi ngang qua mà thôi. Được giải cứu khỏi sự tuyệt vọng, ách nô lệ của tội lỗi, Cơ Đốc nhân đang trên đường đi nhận lãnh cơ nghiệp đời đời của mình. Thế thì thật phải lẽ nếu gọi đời sống Cơ Đốc nhân là một chuyến hành trình, một cuộc hành hương đến cơ nghiệp đã được dành sẵn trên trời cho chúng ta. Mối tương quan giữa hội thánh Tân Ước với Ysơraên Cựu Ước được hàm ý rất mạnh mẽ trong đoạn 1 và còn trở nên rõ ràng hơn trong đoạn 2 câu 9 và 10 khi hội thánh Tân Ước chúng ta mang lấy tên của dân sự thời Cựu Ước. Thế thì chúng ta là một dân đang trên cuộc hành trình, đang đi qua sa mạc hướng đến đất hứa. Nghĩ đến điều đó định hình sự hiểu biết về đời sống chúng ta nơi đất thấp này và có ý nghĩa cho chúng ta. Trước tiên, nó giúp chúng ta hiểu thực chất của thế gian này. Thế gian này là đồng vắng, một nơi khô hạn, trống rỗng và đôi khi còn khó sống với nhiều thử thách, vấn nạn, khổ đau và căng thẳng của nó. Đây không phải là nơi chúng ta ao ước đặt để niềm hy vọng mình lâu bền. Đây không phải là nơi chúng ta chất chứa của cải mình. Nó bị lu mờ khi so với xứ mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta. Nó lu mờ khi so với vinh hiển của cơ nghiệp đời đời trên trời của chúng ta. Phải, chúng ta đang đi qua một đồng vắng. Chúng ta không nhìn lại đời sống cũ trước kia của chúng ta ở Êdíptô. Chúng ta không nhìn lại đời sống cũ của chúng ta trong ách nô lệ tội lỗi. Chúng ta không lằm bằm cùng Đức Chúa Trời về những ngày tháng trong sa mạc của chúng ta bởi biết rằng những điều này sẽ qua đi và chỉ tồn tại ngắn ngủi cho đến khi chúng ta đặt chân đến miền vinh hiển. Chúng ta không lằm bằm than vãn về đời sống này. Chúng ta cứ tiến tới về phía cơ nghiệp chúng ta. Chúng ta vẫn còn trên chuyến hành trình. Tuy nhiên chúng ta là một dân thánh như dân Ysơraên xưa vậy được kêu gọi sống tôn vinh, thờ phượng và phục sự Đức Chúa Trời. Đang khi còn trên cuộc hành trình dưới đất này, chúng ta bước đi như những người hầu việc Đức Chúa Trời.

Cuộc hành trình này thật nguy hiểm với nhiều hiểm họa của nó. Chúng ta tự hỏi dù rằng cơ nghiệp chúng ta được Đức Chúa Trời giữ cho trên trời nhưng liệu chúng ta có đi được đến nơi, chịu đựng được đến cùng không? Liệu chúng ta có thể xử lý được những khó khăn của đời sống Cơ Đốc những khi mọi sự đó dường như quá sức chúng ta không? Đôi khi chúng ta chỉ muốn đầu hàng hoặc lằm bằm như dân Ysơraên xưa về những nỗi cực nhọc trên đường. Vâng, đường đi của chúng ta có khó khăn. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng ma quỷ như sư tử rống đi rình mò chung quanh chúng ta, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Có những người dọc đường chúng ta đi qua tìm cách bắt bớ hội thánh, chế nhạo đức tin chúng ta, tấn công những giá trị và niềm tin của chúng ta. Có những bạn bè có thể quyến dụ chúng ta trở lại đời sống tội lỗi. Có những dục vọng xác thịt dẫn đến sự theo đuổi những thú vui đời này, vật chất, của cải... dường như chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc nơi những điều đó. Có những cám dỗ dẫn dụ chúng ta rời bỏ đời sống Cơ Đốc mà trở về với đời sống tội lỗi. Có những sự nãn lòng, thất vọng, buồn rầu. Thế có phải cơ nghiệp vinh hiển mà Đức Chúa Trời nói đến trong 1Phierơ đoạn 1 câu 4 là ngoài tầm tay với của chúng ta? Nó ở trước mặt chúng ta nhưng nó cũng xa vời quá đến nổi trái tim và đôi chân yếu mỏn của chúng ta không bước đến nổi?

Câu 5 cho chúng ta biết rằng cơ nghiệp chúng ta không chỉ được giữ gìn cho chúng ta mà Kinh Thánh còn cho chúng ta biết rằng chúng ta được quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho để nhận lãnh nó. Chính Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng ta có thể hoàn tất được cuộc hành trình từ khởi điểm đến khi chung cuộc. Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ và bảo vệ dân sự Ngài. Câu 5 nói rằng những tín hữu nhờ quyền phép Đức Chúa Trời giữ cho. Tại đây trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp là một từ ngữ hay được dùng trong quân đội. Nó có nghĩa là một vị trí được gìn giữ bảo vệ an toàn. Đôi khi nó được sử dụng để chỉ một đơn vị đồn trú. Thế thì nó mang ý nghĩa rằng Đức Chúa Trời bảo vệ những gì bên trong đó và ngăn không cho những gì bên ngoài xâm phạm vào đó. Theo ý đó, chúng ta đang được bảo vệ trong sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Không gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi tay Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta là những người tin Chúa, chúng ta được quyền năng và sức mạnh toàn quyền của Đức Chúa Trời bảo vệ, quyền năng mà Đức Chúa Trời nói đến trong Rôma đoạn 8 từ câu 35 đến câu 39: "Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? Như có chép rằng: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày; Họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt. Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần. Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta." Những người tin Chúa được bảo vệ thật an toàn đến nỗi cả danh sách liệt kê những yếu tố trên lẽ ra có thể phân rẽ chúng ta khỏi cánh tay Đức Chúa Trời, mà vẫn không thể làm điều đó bởi chúng ta được che chắn, bảo vệ, giữ gìn bởi quyền năng Đức Chúa Trời. Không ai có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương Ngài. Quyền năng Đức Chúa Trời giữ gìn chúng ta. Điều này đôi khi được đề cập đến như là sự bền bĩ của tín hữu, điểm sau cùng trong năm điểm TULIP của tín lý Calvin. Điều này cũng được đề cập đến rõ ràng trong Bài Xưng Nhận Tín Lý Westminster chương 17 câu 1: "Những người đã được Đức Chúa Trời tiếp nhận vào số những kẻ được Ngài yêu thương, được Thánh Linh Ngài kêu gọi một cách hiệu quả và thánh hóa, không thể nào hoàn toàn hay sau hết sa ngã khỏi ân điển Ngài mà chắc chắn sẽ cứ bền bĩ trong ân điển ấy cho đến cuối cùng và được cứu đời đời."

Chúng ta thấy những kẻ được cứu sẽ luôn được cứu, luôn bền bĩ . Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ họ đến cuối cùng. Đây là sự dạy dỗ được nhắc lại trong nhiều nơi khác trong Kinh Thánh nữa. Philíp đoạn 1 câu 6 chép: "Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ." Giăng đoạn 6 và 10 nói rằng hết thảy những người được gọi sẽ đến và không ai sẽ bị rứt khỏi tay Đức Chúa Cha. Sự cứu rỗi là thuộc về chúng ta. Nó thuộc về chúng ta trong hiện tại. Chúng ta được bảo đảm về kết quả cuối cùng của nó. Chúng ta được bảo đảm rằng cơ nghiệp thuộc về chúng ta và rằng chúng ta được quyền phép Đức Chúa Trời gìn giữ cho đến cuối cùng. Nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài thì chúng ta có thể yên nghỉ trong sự bình an. Chúng ta có thể yên nghỉ vì biết rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo toàn công việc Ngài trong chúng ta cho đến cuối cùng.

Nhưng chúng ta được gìn giữ như thế nào? Kinh Thánh cho chúng ta biết chúng ta được gìn giữ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Quyền năng được nói đến tại đây là gì? Sự so sánh tương đồng của Kinh Thánh là thích hiệp. Chúng ta hãy nghĩ đến dân Ysơraên. Khi họ đi trong đồng vắng, khi họ được Ngài cứu khỏi một dân mạnh sức, giải cứu khỏi ách nô lệ, ngay lập tức họ đến Biển đỏ, một nơi mà tự họ không thể vượt qua được. Trong khi đó ngay sau lưng họ là đội quân Êdíptô với những xe ngựa và lính kỵ của họ đang áp tới đoàn dân đông không có phương thế tự vệ này. Họ phải làm gì đây? Cái chết là số phận chắc chắc cho họ ngoại trừ có quyền năng Đức Chúa Trời can thiệp. Sách Xuất Êdíptô ký cho chúng ta biết rằng khi dân sự đi trong đồng vắng, người Êdíptô bị ngăn lại bởi Đức Chúa Trời làm mù mắt họ. Trụ mây trụ lửa của Đức Chúa Trời đứng giữ dân Ysơraên và quân đội Êdíptô. Biển đỏ mở ra và dân Ysơraên đi ngang qua như đi trên đất khô. Người Êdíptô theo riết dân Ysơraên nên bước xuống Biển Đỏ liền bị chìm chết dưới dòng nước biển. Quyền năng Đức Chúa Trời đã giải cứu họ. Một lần trong đồng vắng người Ysơraên đói và khát, một lần nữa họ đối diện với cái chết. Họ phải làm sao để sống sót đây? Họ lằm bằm mà nói rằng thà họ cứ ở Êdíptô thì sung sướng hơn cho đến khi một lần nữa quyền năng Đức Chúa Trời can thiệp để cứu họ. Đức Chúa Trời cung cấp mana từ trời để nuôi họ. Ngài cho họ nước uống khi Môise lấy gậy đập vào hòn đá. Ngài cung cấp cho họ. Ngài cứu họ. Ngài còn cho họ thịt chim cút ăn thỏa thuê. Trong khi những kẻ thù trong sa mạc đứng lên nghịch cùng dân Ysơraên, Đức Chúa Trời bằng quyền năng của Ngài đứng với dân sự Ngài và đánh bại những kẻ thù của họ. Balaam đến rủa sả dân Ysơraên nhưng Đức Chúa Trời khiến con lừa mở miệng nói hầu Balaam đổi sự rủa sả mình thành lời chúc phước. Bằng quyền năng của Đức Chúa Trời, dân Ysơraên cứ hết lần này sang lần khác được bảo toàn trong chuyến hành trình của mình cho đến khi họ đặt chân đến cơ nghiệp cho đến khi Đức Chúa Trời ban cho họ phước hạnh của xứ Canaan.

Thế nhưng hình bóng Cựu Ước của dân Ysơraên cũng chẳng sánh vinh hiển được thực tế trọn vẹn của sự giải cứu mà chúng ta có được trong Đấng Christ và cơ nghiệp đời đời mà Ngài mang đến cho chúng ta. Chúng ta thấy bởi quyền năng Đức Chúa Trời, chúng ta đã được cứu. Chúng ta đã được cứu khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự thống khổ. Chúng ta đã được mang vào mối tương giao với Đức Chúa Trời. Bởi quyền năng Ngài, chúng ta được gìn giữ bình an.

Khi nghĩ đến quyền năng Đức Chúa Trời thi hành vì chúng ta, chúng ta buộc phải nghĩ đến quyền năng Ngài trong sự phục sinh được nói đến trong câu 3, "...Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống." Sự trông cậy sống được ban cho chúng ta nhờ sự Đức Chúa Giêxu Christ sống lại. Sự sống lại này là kết quả của quyền năng Đức Chúa Trời. Êphêsô 1:19-20, "...quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình, mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời..." Quyền năng của sự sống lại nầy, quyền năng đã khiến Đấng Christ sống lại, cùng quyền năng đó cũng đã khiến chúng ta sống lại từ sự chết, sự chết của tội lỗi và sự thống khổ, để có một sự sống mới. Quyền năng của Đức Chúa Trời khiến chúng ta được sống lại trong Đấng Christ và cũng gìn giữ chúng ta cho đến cuối cùng. Quyền năng đã khiến Đấng Christ sống lại cũng bảo đảm cho chúng ta về sự cứu rỗi của chúng ta.

Trên chuyến hành trình trong đồng vắng, khi chúng ta trải qua vùng sa mạc nầy nơi mà chúng ta đang sống chúng ta được nuôi dưỡng. Chúng ta được nuôi dưỡng như thế nào? Chúng ta được nuôi bằng nước hằng sống. Nước hằng sống ban cho chúng ta bởi Đấng Christ. Chúng ta được ban cho bánh hằng sống để thoả mãn sự đói khát của chúng ta. Chúng ta được khích lệ, được thêm sức bởi Lời của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh. Chúng ta được trang bị bởi Đức Chúa Trời để đánh trận như trong Êphêsô đoạn 6. Chúng ta được ban cho vũ khí của Đức Chúa Trời hầu chúng ta có thể đứng vững. Chúng ta thấy đó, trong suốt cuộc hành trình trong đồng vắng nầy chúng ta được Chúa cung cấp những nhu cầu mà chúng ta có cần. Ngài khích lệ chúng ta và ban cho chúng ta có sức để đứng vững. Chúng ta có thể đọc Lời Ngài để được nuôi dưỡng hầu cho chúng ta tiếp tục bước đi thêm từng ngày nhờ quyền năng của Ngài. Chúng ta không thể đánh trận nầy một mình. Chúng ta không thể đứng vững bởi sức mạnh riêng của chúng ta. Chúng ta đứng vững nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời. Nếu để tự chúng ta, chúng ta phải nhìn nhận rằng chúng ta yếu đuối, nhu nhược. Nếu để tự sức riêng của chúng ta chắc chắn chúng ta sẽ chết mất trong đồng vắng, hoặc đi ngược về Êdíptô, hoặc làm mồi cho kẻ thù. Không, Thánh Kinh cho chúng ta biết ở đây rằng chúng ta được chăm sóc hay gìn giữ bởi quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời. Giữa sự thử thách và hoạn nạn, quí vị là dân sự của Đức Chúa Trời hãy nhờ cậy Chúa là Đấng gìn giữ quí vị trong bàn tay Ngài.

Thánh Kinh tiếp tục cho chúng ta biết trong câu 5 rằng chúng ta được gìn giữ bởi quyền năng Ngài qua đức tin. Chúng ta thấy đó, sự cứu rỗi được ban cho chúng ta qua đức tin, qua sự tin cậy của chúng ta nơi Chúa trong công tác cứu chuộc của Đấng Christ. Chúng ta cũng đọc thấy trong Thánh Kinh rằng đức tin mà chúng ta nói đến ở đây cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Đây không phải là điều tự lòng chúng ta làm mà Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã hành động trong chúng ta. Đức tin bày tỏ ra lẽ thật về tính cách của sự cứu rỗi của chúng ta, nó cho chúng ta biết rằng không phải bởi thành tích của chúng ta. Không phải nhờ việc làm mà chúng ta đến được đất hứa. Không phải bởi sức mạnh riêng của chúng ta nhưng bởi thành tích của Đức Chúa Trời. Ấy là sự tin nhận vào điều Đức Chúa Giêxu làm cho chúng ta khi Ngài chết trên cây thập tự giá. Như câu 21 chép đức tin và sự trông cậy của chúng ta đặt nơi Đức Chúa Trời. Nó được tìm thấy nơi Ngài chớ không phải nơi chúng ta. Nếu để tự chúng ta chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta, bởi đức tin, ngay bây giờ đã nhận lấy điều mà Đức Chúa Trời đã hứa, điều đó đã thuộc về chúng ta.

Câu Kinh Thánh hôm nay cũng cho chúng ta biết rằng sự cứu rỗi không phải cho tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa gì? Sự cứu rỗi chỉ thuộc về những ai tin, chỉ những người được chọn, chỉ những người được Đức Thánh Linh mở lòng ra để đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời. Nói vậy giống như tạt nước lạnh vào mặt của nhiều người trên thế giới vì họ tin và nghĩ rằng tất cả mọi tôn giáo bằng cách nào đó đều dẫn đến thiên đàng. "Con đường nào cũng dẫn về La Mã" đi ngược lại sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Kinh Thánh dạy rằng chỉ có một con đường cứu rỗi duy nhất, chẳng có cách nào đến được với Đức Chúa Trời nếu không qua Đức Chúa Giêxu Christ. Công vụ Các Sứ Đồ 4:12 chép: "Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu." Không bởi Phật Giáo, không bởi Hồi Giáo hay bất cứ tôn giáo nào khác, không bởi tiên tri, giáo sư hay người lãnh đạo, chỉ bởi Đấng Christ mà thôi. Để nhận được cơ nghiệp chúng ta phải tin nhận Chúa Giêxu Christ. Đức tin của chúng ta phải đặt ở nơi Ngài. Chúng ta phải tin cậy vào nơi Ngài, nơi công tác Ngài đã làm trên thập tự giá đền trả cho tội lỗi của chúng ta để thoả mãn sự đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tin nhận và tin cậy vào nơi Ngài.

Khúc Kinh Thánh nầy tiếp tục cho chúng ta biết rằng chúng ta sẽ được gìn giữ cho đến khi "được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt". Nói cách khác khúc Kinh Thánh nầy cho chúng ta biết sự gìn giữ nầy không phải chỉ tồn tại trong giây lát, rằng Đức Chúa Trời chỉ gìn giữ chúng ta một thời gian trên đất nầy rồi sau đó sẽ bỏ rơi chúng ta. Không, Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ chúng ta cho đến khi sự cứu rỗi của chúng ta đến, cho đến điều được bày tỏ ra trong ngày sau rốt. Trong ngày phán xét những ai thuộc về Đấng Christ, những ai ở trong Đấng Christ sẽ cai trị cùng với Ngài, được đem về cùng với Ngài, sẽ được lãnh cơ nghiệp và sống trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ được gìn giữ cho đến ngày cuối cùng. Ấy là ngày cuối cùng khi mà mọi người sẽ được phân chia ra: người gian ác sẽ bị hình phạt bởi Chúa và bị quăng vào hồ lửa và sự đoán phạt đời đời, còn những ai ở trong Đấng Christ sẽ được ban cho "...sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em" (Câu 4). Những ai trong Đấng Christ sẽ được gìn giữ cho đến ngày lớn và vinh hiển ấy.

Chúng ta thấy khúc Kinh Thánh mà chúng ta học hôm nay là sứ điệp của sự hi vọng và khích lệ. Nó khích lệ và cho chúng ta sự hi vọng đang khi chúng ta còn bước đi trong cuộc hành trình trong đồng vắng trên đất nầy. Khi chúng ta đối diện với thử thách, nản lòng, đau buồn, khó khăn thì Đức Chúa Trời qua quyền năng, qua công tác của Ngài, qua Con phục sinh của Ngài có thể khiến chúng ta bước đi và đứng vững cho đến ngày cuối cùng. Qua Ngài chúng ta có thể chiến thắng cho đến khi chúng ta về đến nhà. Amen.

Lạy Cha quyền năng thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì ân điển của Đấng Christ và quyền năng của sự sống lại, là quyền năng cũng khiến chúng con sống lại từ trong kẻ chết. Xin cho chúng con tin cậy nơi Đấng Christ. Xin cho chúng con ăn năn tội lỗi mình hầu cho cơ nghiệp này sẽ thuộc về chúng con. Xin Ngài gìn giữ chúng con trong phút giây thử thách. Xin giữ chúng con trên cuộc hành trình này hầu chúng con có thể mạnh mẽ và chịu đựng cho đến khi chúng con đến được đất hứa. Xin ban cho chúng con sức mạnh khi chúng con gặp vấn nạn, nãn lòng, xin cho chúng con nhìn về lời hứa Ngài và được yên ủi. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Dịch từ bài giảng của Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)