Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Thần Gặp Thần - 9/2004  


THẦN GẶP THẦN
(1Samuên 5:1-12)

Tháng Chín 2004

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Tuần rồi, hai thành viên mới của hội thánh chúng ta được đặt tên mới. Hôm thứ hai tôi nghe nói rằng Damion đổi tên thành Đavít nghĩa là "được yêu quý". Hôm thứ năm gia đình ông bà Walsh có thêm một cháu nhỏ đặt tên là Timôthê nghĩa là "tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời." Ở nhà chúng tôi có một quyển sách dầy ghi chép nhiều tên cùng với những ý nghĩa của nó. Tôi tin rằng chúng ta ở đây cũng có lúc nào đó thử tìm hiểu xem tên mình nghĩa là gì. Những tên trong Kinh Thánh được đặt rất có chủ ý. Chúng ta nhớ trong sách Ôsê, Ôsê được truyền cho phải đặt tên các con mình thế nào. Một đứa con của ông mang tên là Lô-Am-Mi nghĩa là "không phải là dân ta". Đứa con thứ ba của Ôsê mang tên Lô-Ru-Ha-Ma có nghĩa là "không thương xót". Thế thì hai đứa trẻ này sẽ đi vòng quanh thành mà trở nên sự nhắc nhở thường trực cho dân chúng rằng Đức Chúa Trời đã xây khỏi họ, họ không còn là dân sự Ngài nữa bởi sự chống nghịch của họ và rằng Ngài sẽ không còn thương xót họ nữa. Thế nên những đứa trẻ này là lời nhắc nhở về sự rủa sả.

Lần trước khi chúng ta học đoạn 4, câu chuyện kết thúc với cái tên của đứa bé là "Ycabốt", trong tiếng Hêbơrơ có nghĩa là "sự vinh hiển đã lìa khỏi". Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy rõ điều này nói đến tình trạng thuộc linh của dân Ysơraên trong giai đoạn này bởi sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi họ. Điều này được làm rõ nét cho dân Ysơraên bởi sự kiện hòm giao ước của Đức Chúa Trời đã bị cất đi khỏi họ. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã bị cất đi khỏi dân sự Ngài.

Theo bài học lần trước chúng ta thấy điều này có nguyên nhân chính đáng của nó. Nó liên quan đến sự lãnh đạo của Hêli và sự bại hoại của hai con trai ông là những người đang hầu việc trong đền thờ. Dân Ysơraên đã bị Đức Chúa Trời bỏ đi vì sự gian ác của họ. Đoạn 3 nói rằng "Lời Đức Chúa Trời lấy làm hiếm hoi." Họ không còn được nghe lời Đức Chúa Trời nữa. Đoạn 4 cho chúng ta thấy họ không còn có được sự hiện diện của Đức Chúa Trời nữa. Trong đoạn 5, vấn nạn trong dân Ysơraên bắt đầu được giải quyết.

Có hai vấn đề được giải quyết trong đoạn 5. Hai vấn đề nảy sinh trong đoạn 3 và 4 giờ đây được đề cập đến trong đoạn 5. Chúng ta cần đưa ra và giải đáp cụ thể một câu hỏi rằng "Phải chăng việc dân Ysơraên bị dân Philitin đánh bại nói lên rằng quyền năng của Đức Chúa Trời đã bị giảm sút?" "Phải chăng dân Philitin đánh bại được dân Ysơraên vì Đức Chúa Trời không đủ quyền năng để bảo vệ họ?" Dân Ysơraên cần biết câu trả lời cho câu hỏi đó. Thứ hai, họ cần biết rằng giờ đây khi hòm giao ước đã nằm trong tay dân Philitin, liệu có cách nào hòm giao ước được trả về cho dân Ysơraên nữa không hay nó sẽ cứ ở trong xứ Philitin. Đoạn 5 bắt đầu trả lời những câu hỏi đó.

Trong đoạn 5 chúng ta thấy người Philitin, chắc hẳn là rất háo hức, mang hòm giao ước mà họ vừa chiếm được ngoài trận mạc về thành phố chính của mình là thành Ách đốt. Đây là thành phố ở giữa năm thành phố chính của xứ Philitin. Họ mang hòm giao ước đi cách khải hoàn: "Chúng ta đã đánh bại dân Ysơraên và cướp lấy thần của họ." Điều ban đầu (trong đoạn 4) làm cho họ khiếp hãi giờ đây khiến họ hứng chí. Họ xem chiến thắng đó như là thắng lợi trên dân Ysơraên và trên thần của dân Ysơraên nữa. Thế thì chúng ta cần đặt câu hỏi rằng "Liệu sự việc có đúng như vậy không?" Sự việc xảy ra trong đoạn 5 soi sáng cho chúng ta sự thật của vấn đề.

Đoạn 5 chia làm hai phần: từ câu 1 đến 5 nói đến việc Đức Chúa Trời đánh bại Đagôn là thần của dân Philitin; từ câu 6 đến 12 nói đến việc dân Philitin bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Trong phần đầu, người Philitin đặt hòm giao ước trước tượng thần Đagôn. Trong xứ Philitin, Đagôn chắc hẳn là thần chính. Tên Đagôn nghĩa là "thóc lúa". Có người nói nó có nghĩa là "đám mây mưa". Dù hiểu tên này với nghĩa nào đi nữa, khả năng cao nhất là Đagôn là một thần của sự phì nhiêu. Người Canaan xem thần này là cha của thần Ba-anh mà chúng ta hầu hết đều quen thuộc với tên này. Đây là thần chính của người Phillitin và vì thế họ mang hòm giao ước của Đức Chúa Trời vào ngay trong đền thờ thần Đagôn, ngay phía trước thần này. Việc cướp lấy thần tượng của kẻ thù làm thần của mình khi đánh bại được kẻ thù là rất phổ biến giữa người Canaan và những dân tộc khác trên thế giới trong thời điểm này. Lúc đó đa số người ta theo thuyết phiếm thần, họ tin vào nhiều thần, nên việc chinh phạt được một thần của một dân tộc chỉ đơn giản là thêm một thần vào trong bộ sưu tập thần tượng của mình, càng nhiều thần càng tốt. Vì thế mà việc để hòm giao ước của Đức Chúa Trời trước thần Đagôn có lẽ thể hiện tư tưởng đó: giờ đây họ có thêm một thần nữa.

Tuy nhiên rõ ràng ở đây còn một ý nữa rằng bằng cách đặt hòm giao ước trước mặt tượng Đagôn, họ bày tỏ ý tưởng rằng thần Đagôn cai trị trên Đức Chúa Trời của dân Ysơraên bởi họ bố trí cho thần Đagôn đứng phía trên hòm giao ước của Đức Chúa Trời. Hòm giao ước đang ở vị trí quy phục. Rốt lại, chẳng phải Đức Chúa Trời của dân Ysơraên đã bị Đagôn của người Philitin đánh bại sao?

Việc đặt hòm giao ước như thế cũng là một biểu hiện cho sự hợp tác về quyền lực giữa Đức Chúa Trời của dân Ysơraên và thần Đagôn mà trong đó Đức Chúa Trời ở thế quy phục. Vào thời đó, chiếm được ưu thế chính trị cũng xem như là chiếm được ưu thế tôn giáo. Đức Chúa Trời đã lìa khỏi dân Ysơraên và giờ đây Ngài nằm trong quyền sở hữu của người Philitin. Bởi việc làm của mình, họ cố tình tỏ ra rằng Đức Chúa Trời thua trận, phải chịu thấp kém và khuất phục thần của họ.

Tuy nhiên điều này không thể cứ thế mãi được. Tình huống xem dường như thế đã bị đảo ngược. Mọi việc diễn ra hoàn toàn trái ngược với sự trông đợi. Người ta tưởng rằng Đagôn mạnh sức hơn và Đức Chúa Trời của dân Ysơraên là yếu đuối hơn. Tuy nhiên ngày hôm sau người Philitin ở Ách đốt thức dậy đi đến đền thờ Đagôn và kìa, Đagôn, thần mạnh sức của họ, đã ngã sấp mặt ngay trước hòm giao ước. Đức Chúa Trời không bị hạ xuống mà chính là Đagôn bị hạ xuống. Chính Đagôn đang ở thế thấp kém. Bởi khi một người sấp mặt xuống, như chúng ta thấy nhiều lần trong Kinh Thánh, người đó đang ở một tư thế hạ mình, nhìn nhận ai đó cao hơn mình. Đagôn đang trong tư thế đó.

Người Philitin ban đầu nhìn thấy sự việc và cho rằng hẳn đó là một tai nạn rủi ro thôi; thần Đagôn chắc bị ngã vì lý do khác nào đó. Ngay tức khắc họ tiến đến đỡ thần tượng mình lên. Thế thì một lần nữa, thần Đagôn đứng lên và hòm giao ước ở phía trước nó. Sáng hôm sau, họ lại đến đền thờ thần Đagôn. Và lần này sự việc càng tệ hại hơn hôm trước. Thần Đagôn một lần nữa lại sấp mặt xuống trước hòm giao ước. Nhưng lần này đầu và tay Đagôn đều rơi ra nằm trên ngạch cửa. Rõ ràng đây là biểu hiện cho sự bất lực của Đagôn trước một Đức Chúa Trời toàn quyền của dân Ysơraên. Tại đây là thần của xứ Philitin, một dân tộc tự cho rằng mình hùng mạnh, vị thần vĩ đại mạnh sức đã đánh bại Đức Chúa Trời của dân Ysơraên, lại mất đi cái đầu! Một thần không có đầu thì không thể suy nghĩ được, không có tâm trí và là một thần chết! Một thần không có tay không thể hành động hay làm gì cả! Nó là một hình tượng bất lực, trống rỗng, vô ích. Chỉ có cái mình còn lại. Chúng ta thấy sự tương phản giữa Đagôn, thần của dân Philitin, và Đức Chúa Trời của dân Ysơraên. Tại đây cánh tay của Đagôn, thần của dân Philitin, rơi ra nằm trên ngạch cửa.

Khi đọc ngữ cảnh một cách kỷ lưởng, chúng ta thấy nó thể hiện năng quyền của một Đức Chúa Trời đang hành động. Chúng ta đọc trong câu 6,7, 9 và 11 về "tay Đức Giêhôva" "Tay Đức Giêhôva giáng họa tại đó cách dữ tợn." Đức Chúa Trời không bất lực. Cánh tay Ngài không bị mất đi. Ngài có khả năng hành động hầu bày tỏ sự khôn ngoan, năng quyền và sức mạnh Ngài. Chúng ta nhìn thấy sự tương phản giữa thần của dân Philitin và Đức Chúa Trời của dân Ysơraên. Một bên thì trống rỗng bất lực còn một bên thì quyền năng mạnh sức, Đấng không hề phục những thần tượng của các thời đại. Chỉ có một Đấng năng quyền và đó không phải là Đagôn.

Sự dại dột của người Philitin thật rõ ràng, nó tiếp diễn trong câu 5. Chúng ta tưởng sau khi nhìn thấy tượng thần Đagôn ngã sấp quy phục trước hòm giao ước của Đức Chúa Trời hai lần, họ sẽ từ bỏ thần tượng đó và nhận ra nó bất lực và trống rỗng. Chúng ta tưởng rằng cái đầu và tay rơi ra trên ngạch cửa cho thấy sự dại dột của họ khi thờ phượng thần này. Thế nhưng thay vì xây bỏ Đagôn mà quỳ xuống trước mặt Đức Chúa Trời toàn năng của dân Ysơraên, giờ đây họ lại lập ra một lề thói mới xuất phát từ lòng tôn kính cánh tay gãy lìa của Đagôn: họ tránh không đặt chân lên ngạch cửa của đền thờ nữa. Chúng ta thấy sự dại dột của họ: họ xem ngạch cửa đó là thánh khiết quá đến nổi không dám bước lên trên bởi đầu và tay thần Đagôn đã rơi ra nơi đó. Dù đang thờ phượng một hình tượng vô ích và trống rỗng so với Đức Chúa Trời, họ cứ dấn bước trong sự dại dột mình. Lời Kinh Thánh trong Êsai đoạn 44 khi nói về sự dại dột của những kẻ thờ hình tượng chép rằng "Những thợ chạm tượng đều là hư vô, việc họ rất ưa thích chẳng có ích gì. Những kẻ làm chứng của họ không thấy và không biết, để họ mang xấu hổ. Ai là kẻ tạo một vì thần, đúc một tượng, mà không có ích chi? Nầy mọi kẻ làm bạn về việc đó sẽ bị nhục, những thợ đó chẳng qua là loài người! Họ hãy nhóm lại hết thảy và đứng lên! Chắc sẽ cùng nhau bị kinh hãi và xấu hổ." Kinh Thánh tiếp tục mô tả thể nào thợ rèn và thợ mộc thiết kế những hình tượng mình nhưng chúng đều bất lực, yếu đuối và trống rỗng. Chúng ta thấy người Philitin đều mù quáng trong sự ngu dốt của việc theo đuổi những hình tượng ngoại giáo.

Dù nhận ra rằng thần Đagôn không phải là vị thần siêu việt, người Philitin có thể cho rằng dù thần Đagôn yếu đuối nhưng dân tộc họ thì hùng mạnh, và có lẽ nhờ sức mạnh binh lực mà họ đã chiến thắng Đức Chúa Trời của dân Ysơraên. Có lẽ chính họ tự mình đã thắng trận, có lẽ Đagôn không là gì và không giúp gì ngoài trận mạc, nhưng người Philitin là đầy quyền lực trước mặt Đức Chúa Trời của dân Ysơraên.

Đức Chúa Trời của chúng ta cất đi mọi sự nghi hoặc. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy thành Ách đốt bất chợt rơi vào tình trạng kinh hoàng bởi căn bịnh trĩ lậu. Họ bị dịch bịnh từ Đức Chúa Trời hành hại. Đã chứng khiến sự quy phục của Đagôn trước hòm giao ước, họ không cần phải đợi lâu mới nhận ra rằng bịnh dịch đó đến từ chính Đức Chúa Trời, rằng chính hòm giao ước ở giữa họ đang gây cho họ nhiều rắc rối và nhọc nhằn. Thế nên thành Ách đốt không còn muốn giữ hòm giao ước giữa họ nữa. Họ muốn giao cho ai khác, họ muốn tống nó đi càng sớm càng tốt. Vì thế họ triệu tập một cuộc họp và thành Gát xung phong nhận mang hòm giao ước về. Ít nhiều gì đó điều này thể hiện sự cao ngạo của dân thành Gát. Có lẽ họ cho rằng họ có thể xử lý được năng quyền của Đức Chúa Trời. Thế nhưng khi hòm giao ước đến Gát, dân thành Gát cũng chịu đồng một số phận. Điều này không thể chỉ là chuyện tình cờ bởi hễ hòm giao ước đi đến đâu thì dịch bịnh trĩ lậu tràn đến đó. Rõ ràng dịch bịnh này có liên quan đến hòm giao ước. Đức Chúa Trời của dân Ysơraên đang phán xét những kẻ ác này. Dân thành Gát ngay lập tức đổi ý từ chỗ muốn giữ hòm giao ước đến chỗ muốn tống khứ nó đi như dân thành Ách đốt vậy. Thế nên họ tiếp tục gởi hòm giao ước đến một thành khác trong xứ Philitin. Họ gởi nó đến Éc-rôn. Thành Éc rôn lúc này đã khôn ngoan hơn nên cũng chẳng muốn giữ hòm giao ước lại với mình. Hòm giao ước của Đức Chúa Trời đã trở nên một nan đề lớn: "Ai sẽ giữ hòm giao ước đây?" Chúng ta thấy rằng họ không muốn sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa họ bởi nó quá kinh khiếp cho họ là những người gian ác ngang nghịch. Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời quá kinh khiếp: họ phải đối diện với sự chết và hủy diệt mỗi khi hòm giao ước của Đức Chúa Trời đến nơi họ. Đối với dân ngoại này, sự hiện diện của Đức Chúa Trời là kinh khiếp khiến họ phải chạy trốn khỏi nó. Họ không muốn sự hiện diện của Ngài chút nào.

1Samuên đooạn 5 không khẳng định sức mạnh của người Philitin. Không phải sức mạnh của người Philitin đã chiến thắng Đức Chúa Trời trong 1Samuên đoạn 4. Ấy là bởi Đức Chúa Trời đã lìa bỏ dân Ysơraên. Đức Chúa Trời có một mục tiêu khác. 1Samuên đoạn 5 khẳng định năng quyền của Đức Chúa Trời.

Hôm nay khi học đoạn Kinh Thánh này, chúng ta cũng nên nắm được bài học dành cho chúng ta qua đoạn Kinh Thánh này. Chúng ta biết có nhiều thần tượng xung quanh chúng ta. Nhiều người đặt lòng tin nơi điều này hay điều khác. Thế nhưng khi đến trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, họ phải vỡ vụn. Có những người trong thời đại chúng ta đặt lòng tin mình vào vua chúa, vào những bậc lãnh đạo của đất nước mình, vào ngành an ninh quốc gia, vào những của cải vật chất tích trữ được. Những người khác đặt lòng tin vào mái gia đình mình. Đó là những thần tượng của các thời đại. Khi đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, họ đều phải vấp ngã trừ khi họ là người tin Chúa. Tất cả những ai ở ngoài Chúa sẽ phải chịu sự phán xét của Ngài. Hết thảy những ai không thuộc về dân Ysơraên mới sẽ bị Đức Chúa Trời định tội. Chính việc phải đứng trước sự hiện diện của Ngài là một điều kinh khiếp và họ sẽ chỉ muốn chạy trốn khỏi đó mà thôi. Chúng ta thấy rõ điều này trong sách Khải Huyền khi đọc về sự mở các ấn và kèn thổi, thể nào kẻ ác muốn chạy trốn khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời bởi nó quá kinh khiếp cho họ. Nhưng người công bình và dân Ysơraên thật không phải như vậy. Đối với họ sự hiện diện của Đức Chúa Trời là tuyệt vời. Trong phần sau chúng ta sẽ tiếp tục nói đến điểm đó.

Đoạn Kinh Thánh còn đi xa hơn việc bày tỏ năng quyền của Đức Chúa Trời rằng Đức Chúa Trời là cao hơn thần tượng của dân Philitin và chính dân Philitin. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự trở lại của sự vinh hiển Đức Chúa Trời trên dân Ysơraên là vấn đề đang được đề cập ở đây. Dân Ysơraên đã đánh mất sự hiện diện của Đức Chúa Trời, đánh mất sự vinh hiển Ngài vì tội lỗi của họ, bởi họ đã tẻ bước khỏi Ngài. Đặc biệt trong mối liên hệ đến chức vụ của Hêli và hai con trai ông, sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi dân Ysơraên.

Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta thấy có sự chơi chữ với hai chữ "hành hại cách dữ tợn" (chữ này trong bản tiếng Anh là "heavy" dịch nôm na là "nặng nề") và "vinh hiển". Trong tiếng Hêbơrơ, hai từ đó giống nhau. Có sự chơi chữ ở đây với hai từ ngữ đó. Chúng ta thấy chữ "sự vinh hiển" và "sự hành hại cách dữ tợn" (hay "sự hành hại cách nặng nề") được tìm thấy nhiều lần trong ngữ cảnh của đoạn Kinh Thánh của chúng ta. Trong đoạn 4, chúng ta tìm thấy một điểm thú vị khi đọc phần viết về Hêli ngã ngữa khỏi ghế bên phía cửa: "người già yếu và nặng nề". Thế thì tại đây "nặng nề" có liên quan gì đến "vinh hiển"? Sự "nặng nề" liên hệ đến sự "đè nặng". Trong nhiều phương diện Hêli đã lấy bụng mình làm Chúa mình. Vì thế "sự vinh hiển" của ông là ở nơi bụng ông, ở nơi việc ông ăn cho thỏa dạ mình. Trong đoạn 2 có nói đến các con trai Hêli ăn cắp mỡ dâng lên ở bàn thờ và Hêli cũng ăn những mỡ đó với họ. Thế thì ông dự phần vào sự gian ác của họ. Ông đã lấy bụng mình làm Chúa mình. Chính ông đã trở nên "nặng nề". Đọc đoạn Kinh Thánh của chúng ta hôm nay, chúng ta thấy "sự vinh hiển" của Đức Chúa Trời, "sự hành hại nặng nề" hay "sự đè nặng" của Ngài liên hệ đến chính mình Ngài. Trong đoạn 4 "sự vinh hiển" của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi dân Ysơraên, hòm giao ước lìa khỏi họ và đứa trẻ được mang cái tên là "sự vinh hiển đã lìa khỏi". Tuy nhiên trong đoạn 5 "sự vinh hiển" của Đức Chúa Trời đã trở lại trên hòm giao ước. Mỗi khi đoạn Kinh Thánh nói đến "tay Đức Giêhôva", nó nói đến "sự hành hại nặng nề" hay "sự đè nặng" của Ngài. "Sự vinh hiển" của Đức Chúa Trời một lần nữa được tỏ ra. Nếu chúng ta xem lại trong câu 6 "nhưng tay Đức Giêhôva giáng họa lớn..." (trong bản tiếng Anh là "the hand of the Lord was heavy" dịch nôm na là "tay Đức Giêhôva đè nặng"). "Sự vinh hiển" đã trở lại; Tay Ngài giáng họa "nặng nề" trên dân Ách đốt. Trong câu 7 "tay Ngài giáng họa lớn". Câu 11 "tay Đức Giêhôva giáng họa tại đó cách dữ tợn." Hễ nơi nào có sự hiện diện của Đức Chúa Trời, biểu tượng bởi hòm giao ước, "sự vinh hiển" của Đức Chúa Trời cũng ở đó. Hòm giao ước đi khỏi Ysơraên trong một thời gian bởi sự gian ác của họ. Thế nhưng Đức Chúa Trời sẽ trở lại với dân sự Ngài.

Khi hòm giao ước ở giữa dân Philitin, chúng ta thấy sự hiện diện hiển hiện của Đức Chúa Trời giữa họ gây khó khăn khốn đốn cho họ. Trong khi sự hiện diện của Đức Chúa Trời được dân sự Ngài yêu mến và họ phải than khóc khi thiếu vắng nó, dân Philitin lại gớm ghét sự hiện diện đó. Họ không thể đứng nổi trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời thánh khiết và còn sống. Họ phải bị Ngài phán xét. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy nó còn tỏ ra rằng Đức Chúa Trời đang khởi sự thi hành sự rủa sả của sự tuyệt diệt trên dân Canaan. Hết thảy những ai không thuộc Ysơraên đang ở dưới sự rủa sả đó. Họ đang bị tận diệt. Đức Chúa Trời đang làm tinh sạch xứ đó. Thế thì sự hiện diện của Đức Chúa Trời báo hiệu sự định tội và sự chết cho họ.

Đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời người Philitin lẽ ra nên nhận ra năng quyền Ngài và quỳ xuống trước mặt Ngài. Thế nhưng họ đã không làm thế. Của tế lễ họ dâng lên cho Đức Giêhôva không chuộc được tội lỗi họ. Đagôn và hết thảy những thần tượng mà người ta tin tưởng bên ngoài Đức Chúa Trời đã bị Ngài đánh bại. Trước đó người Philitin tưởng họ có thể điều khiển được Ngài. Thế nhưng họ không thể chịu nổi khi sự hiện diện Ngài đến giữa họ. Việc họ mang hòm giao ước về xứ Philitin là một sai lầm lớn. Họ nhận ra rằng cách duy nhất là trả hòm giao ước về cho dân sự Ngài. Chỉ có dân sự Đức Chúa Trời có thể đứng trước sự hiện diện Ngài mà còn sống. Mọi dân khác không thuộc Ysơraên chắc chắn phải bị tiêu diệt nếu cứ tiếp tục chống nghịch Ngài.

Khi xem đoạn Kinh Thánh này, chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta cần phải xứng đáng khi đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời bởi mọi dân mọi nước sẽ đứng trước Đức Chúa Trời trong sự hiện diện Ngài. Khải Huyền đoạn 11 nói đến hòm giao ước mở ra, mọi người sẽ phải đứng trước Đức Chúa Trời và chỉ những ai được nên trọn vẹn bởi Đấng Christ mới có thể đứng nổi. Chỉ những ai thuộc dân sự Ngài mới có thể đứng trong sự hiện diện của hòm giao ước Ngài mà còn sống. Những ai chống nghịch Ngài chắc chắn sẽ phải chịu sự chết thứ hai, nghĩa là sự chết đời đời.

Đoạn Kinh Thánh cũng nhắc chúng ta về Chúa Giêxu Christ. Ngài là đại diện cho sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Trong bài học trước chúng ta xem đoạn Kinh Thánh liên hệ với Tin Lành Giăng đoạn 1: Chúa Giêxu là sự vinh hiển của Đức Chúa Trời hiện đến trong thời Tân Ước. Ngài hiện đến trong đền thờ Đức Chúa Trời. Ngài đại diện cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ngài là Emmanuên- Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Ngài đến với dân sự Ngài và ngự giữa họ. Tuy nhiên điều gì xảy ra? Người ta có giang rộng cánh tay đón rước Ngài không? Không! Dân Ysơraên tỏ ra rằng họ không thật sự thuộc về dân Ysơraên. Họ khước từ Ngài. Họ giết Ngài đi. Họ treo Ngài lên thập tự. Bởi việc làm đó, những người Pharisi tội lỗi này tưởng rằng mình đã chiến thắng: "Kẻ xưng mình là Đức Chúa Trời giờ đây đã xuống nơi mồ mả! Hắn đã bị đánh bại! Hắn không còn quyền lực gì! Chúng ta đã đắc thắng." Tôi chắc rằng những người Pharisi nghĩ thế khi Chúa Giêxu được mang xuống khỏi thập tự giá và chôn trong phần mộ. Họ ăn mừng sự thua bại của Ngài. Tuy nhiên mọi việc không giống như vẻ bên ngoài của nó. Khi Chúa Giêxu vào phần mộ, lúc sáng sớm ngày Chúa Nhật, các môn đồ Ngài chạy đến phần mộ: Sự chết đã bị đánh bại! Sự vinh hiển của dân Ysơraên đã trở lại! Đấng Christ đã sống lại từ sự chết! Khi nhìn thấy Đấng Christ phục sinh từ sự chết và thăng thiên về trời, chúng ta cũng thấy rằng Ngài sẽ trở lại và hết thảy kẻ thù của dân sự Ngài cũng sẽ bị đánh bại. Hội thánh cũng vậy, Khải Huyền đoạn 11 có nói về những người làm chứng của hội thánh: trãi qua những thời kỳ, những người làm chứng bị giết và nhìn bên ngoài dường như hội thánh đã chết, không còn người làm chứng nữa. Tuy nhiên sau ba ngày rưởi, những người làm chứng được sống lại!

Không! Đức Chúa Trời không bị đánh bại bởi những thần tượng của các thời đại. Đức Chúa Trời không thể bị đánh bại. Vương quốc Ngài còn mãi mãi. Đức Chúa Trời bày tỏ năng quyền Ngài và Ngài sẽ bày tỏ nó ra một lần đủ cả trong ngày phán xét khi hết thảy kẻ ác sẽ ở dưới sự thạnh nộ Ngài và những ai thuộc Ngài sẽ sống với Ngài.

Đoạn Kinh Thánh hôm nay bày tỏ rất rõ rằng Đức Chúa Trời của chúng ta không thể bị đánh bại! Ngài luôn đắc thắng! Ngài là Vua Tối Thượng,Thần trên các thần, Chúa trên các chúa. Chỉ dân sự Ngài có thể sống được trong sự hiện diện Ngài. Quý vị có thuộc dân sự Ngài không? Quý vị có tin Chúa Giêxu Christ làm Cứu Chúa và Đức Chúa Trời của mình không? Quý vị có được Ngài thanh tẩy chưa? Chỉ khi đó quý vị mới sống được trong sự hiện diện Ngài và sẽ sống đời đời. Nhưng với những ai ở ngoài Đức Chúa Trời, những ai sống trong sự gian ác hầu việc các thần tượng khác, họ sẽ phải hư mất và bị định tội. Họ sẽ chết và đến trong sự rủa sả và phán xét của Đức Chúa Trời. Nguyện tất cả chúng ta sẽ vui mừng trong sự hiện diện Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ không phải sợ hãi bởi chúng ta đã được nên thánh bởi huyết Chiên Con. Tôi cầu xin rằng nếu có ai ở đây tấm lòng còn cứng cỏi trước Tin Lành, người ấy sẽ để tâm đến lời cảnh giới của đoạn Kinh Thánh này dành cho những ai thờ phượng những thần tượng khác dù đó là điều gì- là chính bản thân mình, những vật chất của đời này hay bất kỳ điều gì- những thần tượng đó sẽ khiến quý vị thất vọng! Chỉ trong Đấng Christ quý vị mới có thể đứng vững. Xin hãy tin nhận Chúa Giêxu để được cứu rỗi!

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài về Lời Ngài. Chúng con được nhắc nhở về tầm quan trọng của việc chúng con phải ở trong Đấng Christ. Chúng con cầu xin cho mỗi người trong chúng con đều tin nhận Ngài hầu tội lỗi được tha, hầu chúng con sẽ ở trong số những người vui mừng trong sự hiện diện Ngài và không phải sợ hãi khi ở với Ngài bởi chúng con đã là dân sự Ngài. Chúng con cũng cầu nguyện cho những người mà trong đời sống hãy còn là người Philitin- thờ phượng những thần tượng của đời này, tin cậy nơi những điều gì khác- xin Ngài thức tỉnh lương tâm họ hầu họ xoay hướng khỏi sự dại dột mình mà quỳ xuống trước Đức Chúa Trời vĩ đại của trời và đất. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)