Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Tin Lành Mác > Ăn Năn và Tin Nhận - 9/2010  


ĂN NĂN VÀ TIN NHẬN

"Sau khi Giăng bị tù, Đức Chúa Jêsus đến xứ Ga-li-lê, giảng Tin-Lành của Đức Chúa Trời, mà rằng: Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin Lành." (Mác 1:14-15)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giê-xu christ,

Trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta sáng hôm nay chúng ta được giới thiệu về một người giảng dạy vĩ đại. Ngài là người giảng đạo vĩ đại hơn hết và tất cả những ai giảng dạy sẽ làm tốt nếu học theo Ngài. Bài giảng của Ngài được ghi lại trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, tóm tắt lại sứ điệp căn bản mà mọi bài giảng theo sau phải lấy nó làm chủ đề then chốt. Ấy là tiếng kêu thúc giục mọi dân tộc, mọi nước rao báo sự đến của nước Đức Chúa Trời và nhu cầu cấp bách của nhân loại phải xây khỏi vương quốc tối tăm mà bước vào vương quốc sáng láng. Ấy là lời kêu gọi hãy tin nơi Chúa Giêxu, vị vua và Đấng Cứu Chuộc của vương quốc này. Sứ điệp Chúa Giêxu mang lại là Phúc Âm tinh ròng và giản dị. Ấy chính là trọng tâm của đức tin Cơ Đốc. Ấy chính là nền tảng mà trên đó hội thánh vững lập. Ấy chính là sứ điệp này mà chúng ta được dạy phải rao ra cho thế gian ngày nay.

Khi hội thánh đi lạc lối, ấy thường là vì những người chăn không còn lắng nghe bài giảng này của Đấng làm đầu những kẻ chăn. Thay vào đó, những người chăn này đã thay thế vào một tin lành khác, một sứ điệp khác, một sứ điệp không còn đặt trọng tâm nơi Đấng Christ mà ở nơi khác. Đa số những gì hình thành những bài giảng luận trong thời hiện đại chỉ tập trung vào những gì trên thế gian này mà không phải là vào nước Đức Chúa Trời. Những người theo phái tự do phóng khoáng quan tâm nhiều hơn đến nước của con người và những nhu cầu trên thế gian hơn là kêu gọi người ta đến với sự ăn năn và đức tin. Thế nhưng ngay cả những người truyền giảng cũng có thể đánh mất trọng tâm của Tin Lành trong sự giảng dạy của mình. Sự giảng dạy có thể xoay vào khía cạnh đạo đức và hướng về con người nhiều hơn. Những bài giảng khi ấy chỉ là những sách hướng dẫn làm thế nào để trở nên người chồng, người vợ, người thương nhân tốt v.v. .. Vắng bóng khỏi những bài giảng này là trọng tâm nơi Đấng Christ và đời sống của chúng ta trong Ngài.

Bài giảng trong đoạn Kinh Thánh sáng hôm nay của chúng ta thật rõ ràng. Nó là sự tóm tắt của toàn bộ sự giảng dạy của Chúa Giêxu. Chắc vài người trong chúng ta ước gì tôi cũng bắt chước Chúa Giêxu mà giảng ngắn gọn như thế, chúng ta có thể chắc rằng những bài giảng của Chúa Giêxu chứa đựng nhiều hơn là chỉ lặp đi lặp lại chỉ hai câu. Một lần nữa, sứ đồ Mác cho chúng ta một phiên bản cô đọng của sứ điệp Ngài thế nhưng trong đó ông cũng cho chúng ta những yếu tố căn bản của sứ điệp Phúc Âm. Chúng ta có thể thấy trong bài giảng này là đặc tính của toàn bộ sứ điệp Tin Lành và mục vụ của Đấng Christ. Mọi điều Chúa Giêxu nói và làm trong Tin Lành này cuối cùng đều gắn bó với sứ điệp mà với nó Ngài đã khởi sự chức vụ mình. Hôm nay chúng ta muốn lắng nghe lời giảng của Đấng Christ trong sách Tin Lành Mác và hiểu được vì sao nó thật là quan trọng đối với chúng ta ngày nay.

Chúng ta muốn cùng nhau xem xét những điểm sau: Thứ nhất, bối cảnh của bài giảng hay lời giới thiệu của bài giảng của Đấng Christ. Thứ hai, tầm quan trọng của sự đến của nước Đức Chúa Trời. Cuối cùng, người ta cần phải đáp lại thế nào với sự đến của nước Đức Chúa Trời.

Thứ nhất, chúng ta hãy cùng xem xét bối cảnh của bài giảng. Khi chúng ta xem xét bối cảnh của đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay, chúng ta chắc còn nhớ trong lần trước rằng Mác đoạn 1 từ câu 1 đến 13 có thêđược xem là phần giới thiệu của sách Tin Lành Mác. Các câu 14 và 15 bắt đầu một phần mới nhấn mạnh chức vụ của Chúa Giêxu. Mục tiêu của phần giới thiệu là loan báo sự đến của Đấng Christ và xác định Ngài là ai. Chúa Giêxu được thông báo và giới thiệu cho độc giả. Trong phần giới thiệu, trọng tâm đặt nơi những đối tượng khác đang khẳng định gốc tích của Chúa Giêxu là Đấng đã được Cựu Ước dự báo trước sẽ đến cứu chuộc dân sự Ngài. Các tiên tri làm chứng, Giăng Báp Tít làm chứng, Đức Chúa Trời và Đức Thánh Linh Ngài làm chứng, và thật là châm biếm thay chính Satan cũng làm chứng cho sự thật rằng Chúa Giêxu là vị vua công bình mà các tiên tri đã nức lòng dự báo.

Sau khi sự nhận diện của Chúa Giêxu được minh chứng, người đưa tin lui vào hậu trường. Chúng ta được cho biết sứ đồ Giăng bị bắt vào ngục. Tại đây chúng ta không được cho biết thêm thông tin nào về lý do của nó dù Mác đoạn 6 sẽ cho biết thêm chi tiết. Giăng Báptít, một nhân vật quan trọng trong lịch sử cứu chuộc, không thể đứng ngăn lối Đấng Christ hay làm che mờ Ngài đi. Đấng Christ là trọng tâm của Tin Lành này và từ đây trở đi, chính lời dạy và đời sống Ngài mới là trọng tâm của vấn đề. Giăng phải bị hạ xuống. Chúa Cứu Thế phải được cất lên.

Dù có sự tương đồng giữa Giăng và Chúa Giêxu vì cả hai đều đến giảng Tin Lành, cả hai đều nói về sự ăn năn, cả hai đều là sự ứng nghiệm của lời tiên tri, nhưng rõ ràng có những điểm khác nhau. Giăng giảng với tư cách là người báo trước về sự Đấng Christ đến. Ông nhận mình giống như những tiên tri thời xưa. Thế nhưng khi Chúa Giêxu đến, Ngài nói rằng giờ đã đến khi các lời tiên tri được ứng nghiệm. Ngài đã đến. Luật pháp và các lời tiên tri nói về Ngài.

Chúng ta cũng được cho biết trong đoạn Kinh Thánh này rằng Chúa Giêxu bắt đầu chức vụ Ngài ở Galilê. Trong phần giới thiệu, Chúa Giêxu từ Galilê đến Giôđanh để được làm phép báp tem. Tại đó Ngài đến như là một người đại diện đơn lẻ, người duy nhất mà chúng ta được cho biết đang đến với Giăng từ Galilê, một người đại diện cho một toàn thể. Như chúng ta sẽ thấy, Tin Lành Mác tập trung chủ yếu vào chức vụ của Chúa Giêxu tại Galilê. Galilê cũng được biết là xứ Galilê của dân ngoại. Khi người Do Thái bị phu tù trở về, đa số họ trở về sống trong xứ Giuđê và chung quanh Giêrusalem. Một số người lập nghiệp tại địa phận Galilê vì có nhà hội ở đó thế nhưng Galilê chủ yếu vẫn là địa phận cư ngụ của nhiều dân ngoại. Ấy là tại Galilê của dân ngoại này mà tiên tri Êsai nói đến trong Êsai đoạn 9 về những kẻ đi trong tối tăm đã thấy ánh sáng lớn. Mathiơ đoạn 4 chép rằng đây là sự ứng nghiệm của lời tiên tri. Chúa Giêxu mang sứ điệp Ngài cho những ai ở trong tối tăm và Ngài kêu gọi họ vào ánh sáng tuyệt vời của Ngài. Chúng ta cũng để ý rằng đây là nơi mà Chúa Giêxu bắt đầu chức vụ nhưng cũng là nơi mà Mác đoạn 16 cho biết Ngài kết thúc chức vụ Ngài sau sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết. Tin Lành của nước Đức Chúa Trời không phải dành cho người Do Thái mà thôi mà là cho hết thảy những ai ở trong nơi tối tăm.

Thứ hai, chúng ta hãy cùng xem xét tầm quan trọng của sự đến của nước Đức Chúa Trời. Chúng ta dời sự chú ý của chúng ta đến nội dung của sứ điệp của Chúa Giêxu. Ngài đã đến mang Tin Lành của nước Đức Chúa Trời. Thế thì Ngài nói với chúng ta điều gì về nước Đức Chúa Trời? Tại sao sự đến của nước Đức Chúa Trời là tin tức tốt lành cho những ai nghe lấy?

Điều đầu tiên mà bài giảng của Chúa Giêxu rao ra là thì giờ đã trọn. Chúa Giêxu chỉ rõ rằng thì giờ này là một điều đã dự báo từ lâu. Ngài nói với chúng ta rằng sự đến của Ngài là điều đã được tiên báo trước mà giờ đây được ứng nghiệm. Sự đến của Ngài châm rể trong lịch sử cứu rỗi. Những tín hữu chân chánh trong thời Cựu Ước là những người trông đợi giờ phút này giờ đây đã được làm trọn giữa họ.

Khi chúng ta nói đến sự làm trọn của sự đến của nước Đức Chúa Trời, chúng ta hiểu rằng Chúa Giêxu đang nói đến sự ứng nghiệm lời tiên tri Cựu Ước. Ngay từ đầu, sau khi Ađam sa ngã, chúng ta đã đọc thấy về một Đấng sẽ đến đạp đầu con rắn. Dân sự trong giao ước sẽ được phước bởi Đấng này, là Đấng sẽ phá đổ vương quốc của sự tối tăm và ma quỷ. Ápraham nhận lãnh lời hứa rằng các vua sẽ ra từ dòng dõi ông và các nước của thế gian sẽ nhờ ông mà được phước. Lời chúc phước cho Giuđa trong Sáng Thế ký đoạn 49 là cây phủ việt sẽ không lìa khỏi dòng dõi ông. Điều này được nhắc lại bởi Balaam là người nói với chúng ta rằng vua này sẽ bẽ gãy cung của kẻ thù mình. Đavít được bảo rằng vua này sẽ ra từ dòng dõi ông và ngôi Ngài sẽ được vững lập đến đời đời. Các tiên tri nói về đề tài này đã nói đến một Vua công bình sẽ cai trị trên dân sự Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, dân sự Đức Chúa Trời từ lâu đã sống trong sự trông đợi sự đến của Vua của Đức Chúa Trời và vương quốc Ngài. Họ trông chờ vị Vua công bình sẽ phục hồi mối tương giao của họ với Đức Chúa Trời và dẫn họ vào sự công chính. Họ hình dung nước Đức Chúa Trời như là một nước không giới hạn. Họ nhìn thấy trước một vua mà các vua của các dân khác sẽ đến mà thờ phượng Ngài. Họ hiểu rằng Vua của nước Đức Chúa Trời sẽ đến phán xét kẻ thù Ngài và chúng sẽ thất bại ê chề. Nước Đức Chúa Trời sẽ cai trị trong sự khải hoàn. Cả thế gian phải ở dưới sự cai trị của Ngài.

Khi Chúa Giêxu giảng và nói rằng giờ đã đến, Ngài nói về sự khởi đầu của vương quốc vĩ đại ấy. Ngài là Vua mà Kinh Thánh nói đến. Ngài sẽ dẫn dắt dân sự Đức Chúa Trời và đưa họ trở về với mối tương giao cùng Đức Chúa Trời. Ngài sẽ thiết lập vương quốc đời đời của Đức Chúa Trời với dân sự ngài. Ngài sẽ cai trị bằng roi sắt, đập tan kẻ thù Ngài. Ngài sẽ cai trị với sự nhân từ và thương xót trên dân sự mình.

Sự đến của nước Đức Chúa Trời là tin tức vĩ đại cho những ai tin nơi Đức Chúa Trời. Sự đến của nước Đức Chúa Trời là tin tức kinh khiếp cho những ai cứ chống nghịch Ngài.

Sự giảng dạy của Chúa Giêxu dạy cho chúng ta rằng thì giờ đã đến. Nước Đức Chúa Trời đã hiện ra. Vua của nước ấy đã ở giữa họ. Không như một số người ngày nay nghĩ, Đấng Christ không nhìn thấy nước Đức Chúa Trời chỉ là một thực tế trong tương lai mà thực tế đó chưa đến. Những người cho rằng sự đến của nước Đức Chúa Trời là một ngàn năm cai trị của Đấng Christ trong tương lai thì chưa hiểu được sự giảng dạy của Chúa Giêxu khi Ngài dạy rằng thì giờ của nước Đức Chúa Trời đã đến trong sự đến thứ nhất của Ngài. Ây là một thực tế trong hiện tại. Nước Đức Chúa Trời đang ở tại đây. Chúa Giêxu đang được ngồi trên ngôi bên hữu Đức Chúa Trời. Nước Ngài không hề giới hạn. Nó tấn tới khắp nơi trên thế gian. Đồng thời, chúng ta có thể nói rằng nước Đức Chúa Trời đã đến gần. Nó đã bắt đầu nhưng còn chờ đợi đến sự trọn vẹn của nó khi hết thảy những kẻ thù của nước ấy sẽ bị đánh bại và hết thảy số công dân của nước ấy đã được cứu chuộc.

Điều Chúa Giêxu giảng dạy là sự bắt đầu của sự cuối cùng. Nó mang đến tâm trí mọi người cao trào của sự thái lai. Quý vị có phải là thành viên của nước Đức Chúa Trời hay còn bị kể trong số kẻ thù của nước ấy? Quý vị đã đầu phục vua của dân sự Đức Chúa Trời chưa hay còn trong sự chống nghịch? Bằng cách nói về sự đến của nước, Vua đang kêu gọi dân sự Ngài rằng "Các ngươi đứng về phía ta hay nghịch cùng ta?" Ai đang đứng về phía Chúa? Ngài đang kêu gọi quý vị làm công dân của nước Ngài để thoát khỏi sự rủa sả hầu đến đang hiện ra nghịch cùng những ai còn chống nghịch nước Đức Chúa Trời.

Những ai được kêu gọi rao giảng Tin Lành của Chúa Giêxu cũng mang lấy cùng sứ điệp này. Họ kêu gọi người ta đi theo Đấng Christ. Họ nói về sự đến của Ngài như là vua của dân sự Ngài. Họ nói một cách trung tín về đời sống phước hạnh trong nước Đức Chúa Trời mà cảnh cáo về sự rủa sả của Đức Chúa Trời sẽ được bày tỏ ra nghịch cùng những ai tiếp tục sống trong sự bội nghịch.

Cuối cùng, chúng ta hãy cùng xem xét xem chúng ta cần đáp lại sự đến của nước Đức Chúa Trời như thế nào. Sứ điệp của nước Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đáp lời. Sự giảng dạy của Chúa Giêxu kêu gọi người ta đến với sự ăn năn và đức tin. Hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành. Khi nghĩ đến ăn năn, chúng ta hay nghĩ đến sự đau đớn của chúng ta về những tội lỗi cụ thể nào đó. Chúng ta thấy điều đó trong ánh sáng của 2Côrinhtô đoạn 7. Ấy là lòng đau thương chân thành và xây bỏ khỏi đường lối tội lỗi và sống tôn vinh hiển Đức Chúa Trời. Chữ "ăn năn" bao gồm sự xây bỏ khỏi một điều gì đó, một sự chuyển hướng. Ăn năn không chỉ là nhận ra tội lỗi của mình mà bao gồm một sự khước từ con đường tội lỗi trước đây. Chắc chắn rằng ăn năn cũng bao gồm sự nhìn nhận những tội lỗi cá nhân và cụ thể trước Đức Chúa Trời và cam kết sống vâng phục trước mặt Ngài.

Thế nhưng lời kêu gọi ăn năn trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta liên hệ đến sự đến của nước Đức Chúa Trời. Lời kêu gọi ăn năn của Đấng Christ phải được nhìn thấy trong ánh sáng của điều này. Chúa Giêxu đang kêu gọi chúng ta chuyển hướng. Ngài kêu gọi chúng ta xoay hướng khỏi vương quốc tối tăm và bước vào nước sáng láng. Lời kêu gọi ăn năn là lời kêu gọi khước từ vương quốc Satan. Là những người đã từng là kẻ thù của Đức Chúa Trời, chúng ta không thuộc quân đội Ngài. Chúng ta đang được kêu gọi hãy rời bỏ chỗ mình. Nước của Stan đã được định cho sự hủy diệt. Lời kêu gọi của Đấng Christ là lời cảnh cáo cuối cùng hãy bỏ khỏi hàng ngũ ấy và liên kết với nước Đức Chúa Trời. Hãy ăn năn. Hãy khước từ vương quốc tội lỗi, khốn khổ và hủy diệt chắc chắn và trở về với Vua của sự thương xót và yêu thương hầu làm công dân của nước đời đời của Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng được kêu gọi hãy đáp lại lời giảng của Chúa Giêxu bằng cách tin nơi Phúc Âm. Chúng ta phải tin rằng Chúa Giêxu là Con Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tin rằng Ngài là sự ứng nghiệm của những lời tiên tri Cựu Ước. Chúng ta được kêu gọi tin rằng Ngài là vị Vua công bình mở ra nước Đức Chúa Trời, rằng Ngài đã cứu chuộc chúng ta bởi huyết Ngài, rằng Ngài đã ban cho chúng ta sự sống đời đời qua sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết. Chúng ta được kêu gọi hãy tin vào Tin Lành mà Chúa Giêxu đã loan báo. Chúng ta được kêu gọi tin nơi Đấng Christ. Đức tin này bao gồm sự hiểu biết và nhìn nhận lẽ thật.

Thế nhưng đức tin không chỉ bao gồm sự hiểu biết về lẽ thật. Nó bao gồm sự yên nghỉ trong lời hứa của Đức Chúa Trời. Nó bao gồm sự nương cậy nơi Đấng Christ về sự cứu rỗi mình mà không phải nơi chính bản thân. Ây là tin cậy nơi Đấng Christ, nương nhờ Ngài là sự trông cậy duy nhất về sự sống cho chúng ta. Hiểu biết và tin cậy điều đó bởi ân điển Ngài, chúng ta được giải phóng khỏi sự rủa sả và thạnh nộ của Đức Chúa Trời và được trở nên công dân của nước thiên đàng của Đức Chúa Trời. Ấy là nghiêng vào ngực Chúa Giêxu. Ấy chỉ bởi đức tin nơi Đấng Christ mà chúng ta có thể có sự bình an. Đây là Tin Lành mà Chúa Giêxu mang đến. Sự sống trong nước Đức Chúa Trời là siêu việt hơn vương quốc tối tăm.

Tóm lại, thưa dân sự của Đức Chúa Trời, lời giảng của Chúa Giêxu khiến chúng ta đối diện với thực tế về nước Đức Chúa Trời. Nước ấy đã hiện ra trong sự đến của Đấng Christ. Sự thật này ghi khắc cho chúng ta về sự hủy diệt đang đến gần đối với kẻ thù Đức Chúa Trời. Nó bảo đảm cho chúng ta về sự đắc thắng tối hậu đang đến của Đấng Christ trên kẻ thù Ngài và sự cai trị đời đời của Ngài với những ai là công dân nước Ngài. Đây là một sứ điệp đang khuyên nài chúng ta hãy đáp lời. Xin hãy ăn năn và tin nhận. Xin hãy khước từ đời sống trong vương quốc của Satan với sự sụp đổ chắc chắn của nó. Xin hãy trở lại với Vị Vua công bình chân thật và bước theo Ngài. Xin hãy tin nơi sứ điệp của Tin Lành mà Chúa Giêxu mang đến và yên nghỉ trong lời hứa của Ngài. Xin hãy ăn năn và tin nhận thì quý vị sẽ được cứu. Xin hãy tin nơi Chúa Giêxu làm Vua và Đấng Cứu Chuộc của quý vị hầu biết được sự vinh hiển và bình an trong vương quốc đời đời Ngài. Đây là sứ điệp mà hội thánh phải mang đến cho thế gian sa ngã. Trong sự rao giảng, dạy dỗ và truyền giảng, chúng ta hãy nói cho người khác về sự đến của nước Đấng Christ và kêu gọi họ ăn năn và tin nhận Tin Lành. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)