Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Công Tác Của Những Người Mang Chức Vụ - 8/2003  


CÔNG TÁC CỦA NHỮNG NGƯỜI MANG CHỨC VỤ
(Êphêsô 4:12)

Tháng Tám 2003

"Để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ."

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Công việc của một người được kêu gọi làm mục sư trong hội thánh là gì? Theo như chúng ta đã học lần trước, tại sao Đấng Christ ban chức vụ này cũng như những chức vụ khác, như chúng ta đã học trong câu 11, cho hội thánh Ngài? Đây là một câu hỏi quan trọng mà những người đang ước ao bước vào chức vụ hay đã được gọi vào công tác hầu việc đó trong nước Đức Chúa Trời cần hiểu rõ. Chúng ta cần hiểu thật rõ sự kêu gọi đó nghĩa là gì?

Sứ điệp mà tôi muốn công bố cho hội thánh từ Lời Chúa ngày hôm nay không đơn giản là một sứ điệp có tính cách học thuật dành cho những buổi hội thảo hay những buổi nhóm họp của mục sư truyền đạo mà có ý định dành cho toàn thể hội thánh. Chính quý vị cũng cần hiểu được mục đích của những chức vụ mà Đấng Christ ban cho hội thánh Ngài. Nó quan trọng để quý vị có thể hiểu công việc của một mục sư không phải là để giải trí hay luôn cung cấp cho quý vị những gì quý vị muốn nghe. Nhưng nhiệm vụ của mục sư là để hầu việc thân thể Đấng Christ theo cách nhằm gây dựng nó, giúp hội chúng thêm lên sự hiểu biết Đấng Christ để giúp họ trưởng thành, giúp họ hiểu được ân điển của Đấng Christ. Chúng ta thấy rằng vai trò của mục sư là khích lệ sự tăng trưởng tâm linh cho những người mà Đức Chúa Trời đã đặt để mục sư chăm sóc. Trong khi phần Kinh Thánh trình bày vai trò của họ với tư cách là những người mang chức vụ, nó cũng là một sứ điệp cho các thánh đồ về nhiệm vụ của họ phải lắng nghe và học tập từ những người trung tín hầu việc trong các chức vụ đã được nói đến trong câu 11.

Êphêsô đoạn 4 câu 12 trình bày câu hỏi tại sao Đấng Christ ban những chức vụ và những người tương ứng mang lấy các chức vụ ấy cho hội thánh Ngài. Nói cách khác, nó mô tả công việc của họ. Vì thế lần này chúng ta sẽ cùng nhau học câu 12 này. Và câu hỏi chính yếu trước tiên mà chúng ta phải trả lời khi đến với câu Kinh Thánh này là câu Kinh Thánh này phải được dịch thế nào mới chính xác. Câu 12 có ý nói rằng mục sư được giao cho một công việc hay theo một cách giải thích khác, mục sư được Đấng Christ ban cho hai công việc hay ba công việc trong hội thánh. Có nhiều ý kiến khác nhau về cách dịch và giải nghĩa câu này mà điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cách chúng ta xem và hiểu nó.

Cách đầu tiên để hiểu câu này là Đấng Christ ban những chức vụ này cho hội thánh hầu họ có thể trang bị những người trong hội thánh, nghĩa là các thành viên hội thánh, để những người này phục vụ và gây dựng thân thể Đấng Christ. Nói cách khác, công việc của mục sư là trang bị quý vị để làm công việc của chức dịch trong hội thánh. Rõ ràng đây là một trong những trách nhiệm mà những người hầu việc Chúa được kêu gọi phải thực hiện. Cách diễn giải này rất phổ biến trong những người thuộc chánh giáo muốn giảm bớt sự chú trọng trên các chức vụ trình bày tại đây và nhấn mạnh sự dự phần của toàn thể mọi thành viên trong công việc hội thánh. Theo cách đó thì công việc của mục sư hay các chức vụ khác thực chất là lánh né công việc và để cho các thành viên tự mình được trang bị để hầu việc.

Cách giải thích thứ hai xuất phát từ bản Kinh Thánh New King James mà chúng ta mới đọc đây. Bản Kinh Thánh này bỏ đi dấu phẩy sau những chữ "các thánh đồ được trọn vẹn" và đi tiếp đến "công việc của chức dịch" mới có một dấu phẩy nữa trước những chữ "sự gây dựng thân thể Đấng Christ"; như thế nó hàm ý rằng có hai trách nhiệm được giao cho người mang chức vụ trong hội thánh Đức Chúa Trời là trang bị cho chức dịch và gây dựng thân thể Đấng Christ. Thế nhưng thực chất cách giải thích này cũng không khác với ý kiến thứ nhất rằng mục sư được kêu gọi chủ yếu là để trang bị cho hội thánh cho công việc của chức dịch.

Tôi tin rằng cách giải thích cuối cùng là cách tốt nhất, đặc biệt khi chúng ta đọc trong nguyên ngữ. Cách giải thích cuối cùng này xem ba nhóm từ trong câu 12 này là độc lập như là ba nhiệm vụ của những người được kêu gọi vào chức vụ này. Đây là cách dịch mà bản Kinh Thánh Kinh James chọn và tôi cũng tin rằng nó hiểu được ý của câu Kinh Thánh này cách chính xác hơn.

Đúng vậy, và tôi tin rằng rất quan trọng khi hiểu được rằng mỗi thành viên cần biết sử dụng những ân tứ mà Chúa ban cho mình trong những lãnh vực nào đó hầu gây dựng khích lệ lẫn nhau, chúng ta đã nói về điều này trong câu 7 rằng mỗi một người trong chúng ta đã được ban cho ân tứ với mục đích đó, câu 16 cũng cho thấy một ý chung rằng mỗi một chúng ta sử dụng ân tứ của mình cho sự gây dựng hội thánh. Nhưng tôi tin rằng trong câu 12 những điều này được đặc biệt chọn lựa ra như là những trách nhiệm của những người được kêu gọi vào chức vụ này. Nghĩa là, những người được kêu gọi vào chức vụ này được kêu gọi đến một ý nghĩa cao hơn trong trách nhiệm và vì thế phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong sự thực hiện chức vụ mình theo cách đó. Vì thế tôi tin rằng chúng ta rất cần hiểu câu 11 và 12 trong ngữ cảnh rằng Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Ngài những chức vụ này nhằm phục vụ cho một trách nhiệm ba mặt, nhiệm vụ gồm ba mặt. Tôi không muốn phân tích sâu vào mọi lý do ủng hộ cách giải thích đó, tuy nhiên có rất nhiều lý do nếu chúng ta xem trong Hy văn sẽ thấy cách giải thích trách nhiệm ba mặt này là đúng với Kinh Thánh.

Hôm nay chúng ta muốn cùng nhau xem xét sự kêu gọi và trách nhiệm ba mặt này của người mang chức vụ: trước tiên, chúng ta muốn xem xét sự làm cho các thánh đồ được trọn vẹn, thứ hai, chúng ta muốn xem xét công việc của chức dịch họ hay sự hầu việc của họ và cuối cùng chúng ta muốn xem sự gây dựng thân thể Đấng Christ. Tôi muốn xem xét từng trách nhiệm này cách riêng biệt.

Điều đầu tiên mà những người mang chức vụ này, nghĩa là các sứ đồ, tiên tri, thầy giảng, và mục sư, được kêu gọi phải đảm đương là sự làm cho các thánh đồ được trọn vẹn. Chữ "các thánh đồ" ý nói đến những người thánh. Ở đây không giống như cách hiểu của những người theo quan điểm Công Giáo La Mã tin rằng để được trở thành thánh đồ, chúng ta phải đạt đến một mức độ thánh khiết nào đó trong chính con người mình. Rõ ràng đây không phải là quan điểm của Kinh Thánh. Những thánh đồ là tất cả những người tin nhận nơi Chúa Giêxu Christ. Họ là thánh đồ không phải vì họ tự mình đã đạt đến một mức độ trọn vẹn nào đó nhưng bởi họ đã được dòng huyết Chúa thánh hóa. Họ là một dân tộc thánh, đây cũng là nghĩa cơ bản của chữ "thánh đồ". Nó bao gồm hết thảy những người thánh của Đức Chúa Trời bởi họ đã được rửa sạch bởi huyết Đấng Christ và vì họ đã được biệt riêng khỏi thế gian. Họ là dân sự của Đức Chúa Trời.

Thế thì trách nhiệm của những người mang chức vụ như đã nêu là làm cho các thánh đồ được trọn vẹn. Chữ "làm trọn vẹn" trong tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa là làm cho hoàn tất. Ý nghĩa của chữ này dưới dạng động từ ở một phần Kinh Thánh khác có ý nói đến một điều gì đó chưa được hoàn tất cần phải được hoàn tất, một điều gì đó còn chưa trọn vẹn cần được làm cho trọn vẹn. Và công việc làm cho các thánh đồ được trọn vẹn chắc chắn không phải là một việc mà mục sư hay sứ đồ tự sức mình làm cho hội thánh được. Công tác làm cho các thánh đồ được trọn vẹn là một công tác hai mặt.

Trước tiên, trách nhiệm đó là ở nơi sự giảng dạy về Tin Lành của Chúa Giêxu cho các thánh đồ của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy rằng các thánh đồ được trọn vẹn không phải vì những gì mà các mục sư nói hay làm mà bởi chính Cứu Chúa, bởi chính Tin Lành của Chúa Giêxu Christ mà họ được nghe qua sự giảng dạy Lời Đức Chúa Trời của những mục sư trung tín. Trách nhiệm lớn nhất của những người mang chức vụ đó chính là giảng dạy về Đấng Christ và chỉ về một mình Ngài mà thôi, hướng dân sự của Đức Chúa Trời đến với sự cứu rỗi qua Đấng Christ bởi không có con đường cứu rỗi nào khác. Công việc của mục sư thực chất không phải là kể những chuyện hài cho hội chúng cười hoặc thấy vui vẻ thoải mái. Công việc của mục sư là hướng hội chúng đến với Đấng Christ là Đấng làm cho hội chúng được trọn vẹn. Chúng ta thấy rằng đây là trách nhiệm của sứ đồ, tiên tri, thầy giảng, mục sư. Họ đều có một mục tiêu thật là giảng dạy Tin Lành hầu cho những ai lắng nghe Lời Đức Chúa Trời rao giảng có thể được kéo đến với Chúa Giêxu Christ là Đấng cứu chúng ta khỏi tội lỗi, là Đấng bị đoán xét thay cho chúng ta, và những ai lắng nghe sự giảng dạy đó có thể tin và xoay hướng khỏi con đường gian ác mình để được Đấng Christ làm cho trọn vẹn.

Theo Rôma đoạn 10 câu 17, "đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng." Mục sư trung tín giảng dạy Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn người ta đến tin nhận Chúa Giêxu Christ. Vì thế tôi tin rằng thánh đồ của Đức Chúa Trời cần lắng nghe chăm chú khi nghe giảng Lời Chúa. Nếu đây là trách nhiệm của những người công bố Lời Chúa, những người được Đức Chúa Trời linh cảm để viết Lời Ngài, tức là các sứ đồ và các tiên tri, nếu đây là trách nhiệm của họ thì quý vị phải chăm chú vào Lời mà họ công bố đó, rằng quý vị lắng nghe Tin Lành của Chúa Giêxu và đáp ứng bằng cách đặt lòng tin vào Lời đó, cầu xin Chúa mở lòng quý vị để hiểu được Lời Ngài đang được rao ra cho quý vị. Không phải mục sư hay chính chúng ta thay đổi được lòng mình, nhưng ấy là công việc của Thánh Linh. Vì thế chúng ta cầu nguyện rằng khi chúng ta được nghe Lời Chúa thì tấm lòng và đời sống chúng ta được Ngài biến đổi.

Thứ hai, những người mang chức vụ cách trung tín làm cho các thánh đồ được trọn vẹn không chỉ trong việc hướng họ đến với Đấng Christ mà còn trong sự dạy dỗ họ về quá trình của sự nên thánh. Một phần trong trách nhiệm của mục sư theo Kinh Thánh là đối diện với tội lỗi trong đời sống của những cá nhân tín hữu và khích lệ họ bước đi với Chúa. Trách nhiệm hai mặt này, nghĩa là giúp đỡ hỗ trợ tín đồ trên bước đường nên thánh cũng như sự giảng dạy Tin Lành của Chúa Giêxu Christ cũng được tìm thấy trong các thư tín. Các thư tín của Đức Chúa Trời qua các sứ đồ giảng dạy cả về Tin Lành của Đấng Christ, sự cứu rỗi của chúng ta, và rồi trên nền tảng đó, cũng giảng dạy về đời sống mới của chúng ta trong Đấng Christ như là những tín hữu đã được thánh hóa nữa. Thế thì trách nhiệm của mục sư trung tín trong sự làm trọn vẹn bầy chiên là dạy họ về sự nên thánh trong ý nghĩa của mối tương giao của họ với Đấng Christ.

Trách nhiệm thứ hai của những người mang chức vụ mà Đấng Christ ban cho hội thánh là "công việc của chức dịch" hay theo một số bản dịch là "công việc phục vụ". Nói cách khác, vai trò của những người được kêu gọi vào những chức vụ đó là vai trò phục vụ. Họ là một đầy tớ cho dân sự của Đức Chúa Trời. Ý tưởng về sự phục vụ đó không phải là mới mẻ. Ý tưởng đó đã được ghi khắc trong các sứ đồ của Chúa Giêxu trong suốt chức vụ của Ngài. Chính Chúa Giêxu đã minh họa điều này rõ ràng nhất trước các môn đồ Ngài khi Ngài lấy khăn và chậu mà rửa chân cho họ. Chúng ta thấy rằng vai trò của những người mang chức vụ này là vai trò hầu việc cho hội thánh và cho Đấng Christ. Họ phải bắt chước Đấng Christ trong sự hầu việc của mình với hội thánh. Sứ đồ Phaolô cũng nhiều lần nói về mình là một đầy tớ hay tôi tớ của Đấng Christ trong phần mở đầu của các thư tín của ông. Mục sư, thầy giảng, tiên tri và sứ đồ là những tôi tớ của Đấng Christ và họ phải nhận ra mình trong vị trí đó.

Bất kỳ mục sư nào công bố Lời Chúa rất cần phải nhận ra rằng hội thánh không được gây dựng nên bởi chính mình mục sư hay do nơi điều gì đó đặc biệt của mục sư đó mà người khác không có được, cũng như hội thánh không được gây dựng chung quanh trọng tâm là mục sư. Mục sư phải là một tôi tớ, một tôi tớ khiêm nhường và trung tín của Chúa, sẵn sàng hy sinh của mình cho công việc hội thánh. Công việc của chức dịch là một sự phục vụ, cho đi chính mình vì nhu cầu của người khác. Thế thì trách nhiệm của những người được kêu gọi vào chức vụ đó là phải làm như thế. Và trách nhiệm của quý vị là dân sự của Đức Chúa Trời là tiếp nhận những tôi tớ như thế bằng tình yêu thương và chăm chú vào sứ điệp mà họ nhân danh Chúa mang đến cho hội thánh.

Cuối cùng, trách nhiệm của một mục sư theo phần Kinh Thánh của chúng ta là gây dựng thân thể Đấng Christ. Chữ "gây dựng" ra từ một từ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "xây dựng lên". Vấn đề ở đây không phải đơn giản có nghĩa là trách nhiệm của mục sư là xây dựng về số lượng hội thánh mà mình được kêu gọi hầu việc mặc dù chắc chắn đó một phần trách nhiệm của hội thánh là truyền giảng và làm chứng về Tin Lành hầu nhiều người sẽ được chào đón vào bầy chiên, dân sự Đức Chúa Trời luôn ao ước nhìn thấy hội thánh phát triển như thế. Thế nhưng rõ ràng rằng mục tiêu của mục sư không chỉ là những con số vì đôi khi để gây dựng và phát triển hội thánh, chúng ta lại phải làm cho hội thánh thu nhỏ lại. Và vì vậy, đôi khi kỷ luật trong hội thánh là cần thiết và sự giảng dạy Lời Chúa một cách trung tín cũng thật khó nghe. Nhiều người khi nghe Lời Chúa sẽ rời bỏ hội thánh vì không muốn dung chịu sự giảng dạy trung tín. Vì thế đôi khi sự gây dựng dân sự Đức Chúa Trời không đưa đến kết quả về số lượng. Nhưng chúng ta vẫn cầu nguyện rằng sự hầu việc trung tín của những tôi tớ Đức Chúa Trời sẽ rao Tin Lành ra và mang người ta đến với Chúa.

Ý tưởng về sự được gây dựng này cũng nói về sự tăng trưởng tâm linh của hội thánh. Êphêsô đoạn 2 dùng cùng một từ đó trong câu 20, "Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Giêxu là đá góc nhà." Đây chính là ý tưởng muốn trình bày tại đây. Khi các sứ đồ và tiên tri công bố Lời Đức Chúa Trời, những người được nghe sẽ hiểu sứ điệp Tin Lành và tiếp tục lớn lên trong ân điển và sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Vai trò của họ là nói cho người khác về Đấng Christ và cầu nguyện rằng Thánh Linh Đức Chúa Trời sẽ soi sáng lòng người ta. Vì thế vai trò của mục sư là sự phát triển tâm linh của thân thể Đấng Christ. Ao ước và mục tiêu của mục sư hay những người mang chức vụ này là nhìn thấy có sự tiến bộ trong sự hiểu biết những lẽ đạo của ân điển, có sự tăng trưởng khi những người nghe được lớn lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời, các tín hữu có thể hiểu được trọn vẹn hơn lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, được thêm sức mà đứng vững trước sự cám dỗ của thế gian, hầu khi được nhắc nhở về ân điển của Đấng Christ, họ có thể nhìn thấy đời mình được giấu trong Ngài và không bị dẫn dụ bởi những người muốn dẫn dắt dân sự Đức Chúa Trời đi sai lạc. Thế thì trách nhiệm của những người mang chức vụ đó là giảng dạy và công bố Lời Đức Chúa Trời hầu những người trong hội thánh có thể lớn lên trong sự hiểu biết Ngài. Chúng ta thấy rằng Kinh Thánh dạy chúng ta phải lớn lên trong sự hiểu biết và vì vậy khi chúng ta được kêu gọi lắng nghe sự giảng dạy trung tín, chúng ta được kêu gọi lớn lên trong sự hiểu biết Ngài. Chúng ta không được làm những người cứ chết mất trong sữa của Lời Đức Chúa Trời, nhưng khi chúng ta nghe sự giảng dạy Lời Chúa, chúng ta phải lớn lên, khi chúng ta tự đọc Lời Chúa, chúng ta phải tiến bộ trong đời sống chúng ta với Chúa. Trách nhiệm của chúng ta là lắng nghe và lớn lên khi Lời Đức Chúa Trời được rao giảng cho chúng ta.

Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Ngài những chức vụ này. Trong Êphêsô đoạn 4 câu 11 mà chúng ta học lần trước chép rằng "Ngài đã cho người này làm sứ đồ..." Đây là sự ban cho của Ngài cho hội thánh. Ấy là vì sự phát triển của hội thánh và ích lợi của quý vị mà chúng ta được ban cho những người mang chức vụ này. Chúng ta thấy điều này thật rõ ràng khi nghĩ đến những gì chúng ta đã nhận lãnh từ những sứ đồ và tiên tri trong Lời Đức Chúa Trời. Ấy chính là bởi họ mà chúng ta tìm thấy và được lớn lên rất nhiều trong sự hiểu biết Chúa. Nhưng chúng ta cũng cầu nguyện rằng sự giảng dạy Lời Đức Chúa Trời cách trung tín sẽ tiếp tục mãi đến ngày cuối cùng.

Chúng ta thấy rằng vấn đề ở đây không phải là ở con người. Không có gì đặc biệt trong chính con người được kêu gọi làm mục sư nhưng ấy là sứ điệp và chức vụ mà người đó được Đấng Christ kêu gọi để mang đến cho dân sự Ngài mới là điều đặc biệt. Trách nhiệm của quý vị, là hội thánh, là lắng nghe Lời Đức Chúa Trời được giảng dạy và tra xem nó có thật không như những người Bêrê đã làm, để xem thử sự giảng dạy đó có trung tín theo Lời Đức Chúa Trời không. Trách nhiệm của quý vị khi lắng nghe Lời Đức Chúa Trời là cứ lớn lên trong sự hiểu biết, là tấn tới từ sữa đến đồ ăn cứng trong Lời Đức Chúa Trời, là tăng trưởng trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta được kêu gọi sử dụng những gì Ngài ban cho hội thánh bởi chức dịch của các sứ đồ, tiên tri, thầy giảng và mục sư đã được ban cho chúng ta. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con cảm tạ Ngài về những người rao giảng Lời Ngài, là những người đã giảng dạy Lời đó cách trung tín xuyên suốt dòng lịch sử. Chúng con cảm tạ Ngài vì những người đã được kêu gọi vào những chức vụ đặc biệt này trong hội thánh. Chúng con cũng nhận ra gánh nặng của chức vụ họ và trách nhiệm mà họ phải đảm đương. Chúng con cầu nguyện cho họ rằng Ngài sẽ giữ họ trong sự trung tín và mạnh mẽ, trong sự khiêm nhường trước mặt Ngài, không khoe mình, hay xây dựng hội thánh chung quanh chính mình. Cầu xin Ngài dùng họ làm những bản chỉ đường dẫn người khác đến với Đấng Christ là Chúa và Đấng Cứu Chuộc.

Chúng con cầu xin rằng bởi có nhiều giáo sư giả và thầy giảng giả, xin Ngài cũng làm hư đi những người đó cùng sự giảng dạy của họ và dấy lên cho hội thánh Ngài những người sẽ trung tín giảng dạy Lời Ngài, không sợ sệt mà trình bày rõ ràng Lời đó để đối diện với tội lỗi, để chỉ cho người khác rằng Tin Lành của ân điển là con đường cứu rỗi duy nhất và cảnh tỉnh người ta rằng trừ khi họ ăn năn trở lại cùng Đức Chúa Trời, họ phải ở dưới sự định tội của Ngài.

Lạy Chúa, chúng con cầu xin Ngài dấy lên và ban cho hội thánh Ngài những người được kêu gọi vào những chức vụ đó hầu họ có thể hầu việc cách trung tín. Chúng con cầu xin Chúa cho chúng con là hội thánh Chúa biết lắng nghe Lời được giảng dạy cho chúng con hầu chúng con có thể thử nghiệm xem sự giảng dạy đó có chân thật đáng tin cậy theo Kinh Thánh không hầu chúng con có thể lắng nghe và vâng phục Lời Ngài như được giảng giải cho chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)