Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Được Chọn Để Ngợi Khen - 8/2008  


ĐƯỢC CHỌN ĐỂ NGỢI KHEN
(1Phierơ 2:9)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Hôm nay trước tiên tôi muốn nói vài lời với các em thiếu nhi và thiếu niên. Tôi muốn hỏi các em một câu hỏi. Câu hỏi này chắn hẳn cũng quan trọng đối với người lớn nữa nhưng tôi muốn các em suy nghĩ kỷ hơn về câu hỏi này. Giả sử các em đang trò chuyện với một người bạn chưa tin Chúa, bạn ấy muốn hôm nay em chơi với bạn ấy, em trả lời rằng vào ngày Chúa Nhật em đi nhà thờ. Có lẽ bạn em sẽ hỏi em rằng "Tại sao Chúa Nhật nào bạn cũng đi nhà thờ vậy?" Các em trả lời với bạn rằng vì các em là Cơ Đốc Nhân. Thế thì câu hỏi tôi muốn hỏi các em là: Nếu bạn các em hỏi tiếp "Cơ Đốc Nhân là gì?" thì các em sẽ trả lời thế nào?" Tôi cho rằng nhiều em sẽ trả lời rằng "Cơ Đốc Nhân là người tin Chúa Giêxu, tin Đấng Christ, Chúa Cơ đốc." Tất nhiên, ấy là câu trả lời đúng. Tuy nhiên bấy nhiêu chưa đủ để thỏa đáp thắc mắc của bạn em. "Tại sao bạn phải tin nơi Chúa Giêxu?" "Tại sao bạn cần phải làm Cơ Đốc Nhân?" "Tại sao bạn thấy việc làm một Cơ Đốc Nhân là quan trọng?" "Điều đó có ảnh hưởng gì?" 1Phierơ đoạn 2 câu 9 cho chúng ta câu trả lời cho câu hỏi của bạn em. Nó bảo rằng Cơ Đốc Nhân là "dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài." Giờ đây chắc người bạn các em sẽ thấy rối rắm không hiểu em nói gì. Thật ra đây là một cách nói kiểu cọ của ý rằng Cơ Đốc Nhân là những người có mối liên hệ rất đặc biệt với Đức Chúa Trời, rằng chúng ta là dân được lựa chọn của Ngài, chúng ta là dân sự Ngài là bởi Đấng Christ và công việc Ngài làm trên thập tự giá. Chúng ta đi nhà thờ để thờ phượng và ca ngợi Đức Chúa Trời. Chúng ta sống và hầu việc Chúa mỗi ngày bởi chúng ta là dân sự Ngài, chúng ta thuộc về Ngài. Chúng ta ca ngợi Đức Chúa Trời vì Ngài sai Chúa Giêxu đến thế gian để chết thế tội cho chúng ta. Chúa Giêxu trả thay tội chúng ta và bởi thế Đức Chúa Trời không còn nổi giận cùng chúng ta nữa. Ngài yêu chúng ta như là thành viên trong chính gia đình Ngài, như là dân sự quý báu của chính Ngài. Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ấy là ý nghĩa của việc làm một Cơ Đốc Nhân. Chúng ta là dân đặc biệt của Đức Chúa Trời. Bởi đó chúng ta ca ngợi Ngài. Chúng ta ca ngợi Ngài vì Ngài đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi chúng ta. Đó là cách chúng ta có thể trả lời câu hỏi "Cơ Đốc Nhân là gì?" Tất nhiên đây chỉ là phần đầu của lời giải thích cho một người bạn chưa tin Chúa. Tuy nhiên nó cũng tóm tắt cho chúng ta Cơ Đốc Nhân là gì. Thế thì hôm nay chúng ta muốn cùng xem xét câu 9 trong phần Kinh Thánh này một cách chi tiết hơn bằng cách trước hết xem xét "Cơ Đốc Nhân là ai", thứ hai, chúng ta sẽ cùng xem xét "Mục tiêu của Cơ Đốc Nhân", chúng ta đã được kêu gọi làm gì, thứ ba, chúng ta sẽ cùng xem xét "Niềm hy vọng của Cơ Đốc Nhân" được ban cho bởi Đấng Christ.

Thứ nhất, chúng ta sẽ cùng xem xét những đặc điểm của Cơ Đốc Nhân chúng ta. Câu 9 hội tụ nhiều chủ đề đã xuất hiện trong thư tín 1Phierơ cho đến đây. Nó hội tụ lại những gì chúng ta đã học hỏi trong thư tín này và tóm tắt lại những gì ở trước đó. Trong phước hạnh bốn mặt mà chúng ta có trong phần đầu câu 9, "anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời" đưa chúng ta là hội thánh Tân Ước trở về với hội thánh Cựu Ước, với dân Ysơraên thời Cựu ước. Điều sứ đồ Phierơ muốn nhấn mạnh cho đến điểm này là tín hữu Tân Ước chúng ta phải hiểu mình là dân Ysơraên mới, là dân sự mới của Đức Chúa Trời, là dân sự mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn như Ngài đã từng lựa chọn dân Ysơraên. Sự liên hệ với dân Ysơraên này đã được gợi ý nhiều lần trước đó, hội thánh được sánh với dân sự trong cuộc ra đi khỏi xứ Êdíptô, như những khách lạ đang trên chuyến hành hương trong sa mạc. Tuy nhiên, ý này trở nên rõ ràng hơn nhiều trong phần Kinh Thánh hôm nay của chúng ta. Vị sứ đồ muốn chúng ta nhìn thấy địa vị của chúng ta gắn bó chặt chẽ với dân Ysơraên, rằng hội thánh Tân Ước chúng ta là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời. Ông dùng ngôn ngữ Cựu ước để nên rõ điểm này. Đoạn Kinh Thánh mà tôi đang nói đến là Xuất Êdíptô ký đoạn 19 câu 5 và 6, tại đây chúng ta sẽ thấy những điểm rất tương tự với những gì trình bày trong 1Phierơ đoạn 2. Trong đoạn Kinh Thánh đó, Đức Chúa Trời phán cùng dân Ysơraên Cựu ước rằng: "Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho ta. Bấy nhiêu lời đó ngươi sẽ nói lại cùng dân Y-sơ-ra-ên." Nếu chúng ta xem qua hết đoạn Kinh Thánh trong Xuất Êdíptô ký này, chúng ta sẽ tìm thấy ít nhất ba chữ giống nhau được dùng trong đoạn Kinh Thánh đó và đoạn Kinh Thánh của chúng ta trong 1Phierơ đoạn 2. chúng ta cũng có thể xem trong Êsai đoạn 43 câu 20 và 21, "Ta đặt các dòng nước trong đồng vắng và các sông trong sa mạc, đặng cho dân ta đã chọn được uống. Ta đã làm nên dân nầy cho ta, nó sẽ hát khen ngợi ta." Nó nhắc lại điều được đề cập đến trong 1Phierơ đoạn 2 câu 9. Bối cảnh của Êsai đoạn 43 là dân Ysơraên đi qua đồng vắng. Sứ đồ Phierơ đang muốn nói rằng đây là chúng ta, hội thánh Tân Ước, là Ysơraên mới, đang dấn bước trên hành trình ra khỏi Êdíptô mới, chúng ta là dân sự giao ước mới của Đức Chúa Trời. Ý tưởng rằng chúng ta, là hội thánh, là dân Ysơraên Tân Ước đưa ra cho sứ đồ Phierơ một sự chuyển đổi đích thực. Sứ đồ Phierơ và các sứ đồ khác phải có một cách nghĩ mới để có thể nhìn thấy hội thánh là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời. Bởi họ đã lớn lên với sự tin tưởng rằng họ, những người Do Thái, là dân sự duy nhất của Đức Chúa Trời và họ được lựa chọn bởi sự liên hệ của họ với dân Ysơraên. Nhưng chúng ta thấy, dân Ysơraên hầu hết đã khước từ Đấng Christ. Họ là những người nhìn thấy Đấng Christ như là "Đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã". Đấng Christ là hòn đá mà họ đã khước từ. Dân Ysơraên đã quay lưng lại với Chúa, với Đấng Mêsi. Như sứ đồ Phaolô nói trong Rôma đoạn 11, không phải hết thảy dân Ysơraên đều là người Ysơraên. Dân Ysơraên đặc biệt không phải vì huyết thống của họ hay tổ phụ họ mà là vì mối liên hệ của họ với Đức Chúa Trời và Đấng Christ khiến họ trở nên người Ysơraên thật. Những ai tin Đấng Christ, được hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời mới là người Ysơraên thật. Họ là dân sự đặc biệt được Ngài lựa chọn. Thế thì chúng ta cần coi mình như là dân Ysơraên Tân Ước. Chúng ta là những người nhận lãnh lời hứa trong giao ước được ban cho Ápraham, Ysác và Giacốp, lời hứa về sự sống đời đời trong nước Đức Chúa Trời. Chúng ta là dân Ysơraên mới. Điều này mang nhiều ý nghĩa. Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, vị sứ đồ Phierơ bảo rằng chúng ta là "dòng giống được lựa chọn". Như dân Ysơraên được chọn lựa trong Cựu ước: không phải vì bản thân họ có điều gì tài giỏi. Đức Chúa Trời phán dạy rõ điều đó trong Phục Truyền Luật lệ ký đoạn 7, "Vì ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi; Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài. Đức Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi..." Chúng ta thấy nền tảng của sự lựa chọn chúng ta không phải là ở nơi việc làm của chúng ta mà là ở nơi ân điển nhưng không của Đức Chúa Trời. Như dân Ysơraên được lựa chọn vì Đức Chúa Trời yêu mến họ, bởi ân điển nhưng không của Ngài mà không phải vì bất cứ điều gì của chính họ. Cũng thế, Đức Chúa Trời đã chọn lựa chúng ta. Chúng ta là dòng giống được lựa chọn cũng như Ápraham được lựa chọn từ xứ Urơ để làm dân sự Đức Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh hôm nay cũng nói rằng chính Đấng Christ cũng được Đức Chúa Trời lựa chọn. Ngài là hòn đá góc nhà được Đức Chúa Trời lựa chọn. Cũng thế, chúng ta được lựa chọn để làm dân sự Đức Chúa Trời. Trong tiếng Hy Lạp, chữ "dòng giống" là genos. Chữ này có ý nghĩa là dòng dõi hay dòng họ. Bởi đó, những người được lựa chọn là những người trong cùng một dòng dõi. Đối với dân Ysơraên, họ điều là con cháu Ápraham, Ysác và Giacốp. Họ có cùng một di sản, một dòng máu. Điều đoạn Kinh Thánh hôm nay đưa ra là chúng ta có cùng một di sản, không phải một di sản cụ thể vật chất mà một di sản thiêng liêng. Trong Rôma đoạn 5, Kinh Thánh dạy rằng chúng ta là dòng dõi của Ađam thứ hai. Chúng ta được lại sanh bởi một giống không hư nát, bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Chúng ta cùng trong một dòng dõi nếu chúng ta thật sự tin nhận Chúa Giêxu Christ. Chúng ta hiệp một trong sự thật rằng chúng ta đã được sanh lại trong Đấng Christ. Chúng ta là dòng giống được lựa chọn.

Thứ hai, đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết chúng ta là "chức tế lễ nhà vua". Chúng ta thuộc hoàng tộc bởi mối liên hệ của chúng ta với Đấng Christ là vua thật của Ysơraên. Như trong Xuất Êdíptô ký đoạn 19, chúng ta là vua và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời. Chúng ta là nước thầy tế lễ. Chúng ta là thầy tế lễ bởi chúng ta dâng của tế lễ thiêng liêng cho Đức Chúa Trời (1Phierơ 2 câu 5). Trọn đời sống chúng ta dâng lên như của tế lễ cho Đức Chúa Trời, của tế lễ sống như Rôma đoạn 1 câu 12 chép. Chúng ta là thầy tế lễ nhà vua ngày đêm hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ Ngài.

Thứ ba, chúng ta được cho biết chúng ta là một dân thánh. Chúng ta là thánh vì đã được biệt riêng ra để hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta không giống như những người khác trên thế gian. Chúng ta đã được biệt riêng để vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được tẩy sạch tội lỗi bởi huyết báu Đấng Christ. Chúng ta là thánh như ý đề cập trong 1Phierơ đoạn 1 từ câu 13 đến 16. chúng ta là thánh khiết, được biệt riêng ra để hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta là dân thánh. Chữ "dân" tại đây trong tiếng Hy Lạp là ethnos mà từ đó chúng ta có chữ "ethnic" hay "ethnicity". Chữ này hàm ý một nền văn hóa, tập quán, truyền thống. Chúng ta thấy rằng trong nhiều mặt một dân tộc được biệt riêng ra là vì lối sống của họ. Cơ Đốc Nhân được biệt riêng ra bởi đời sống hằng ngày của mình, bởi lối sống và mối tương giao của họ với Chúa. Chúng ta là một dân tộc thánh được biệt riêng ra để hầu việc Chúa để sống đời sống đẹp lòng Ngài, theo ý muốn Ngài. Giống như dân Ysơraên thời Cựu ước được kêu gọi làm một dân tộc thánh, hàm ý rằng họ phải vâng theo ý muốn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Thật ra sự thánh khiết chính yếu của chúng ta tìm thấy trong Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta cũng được kêu gọi đến sự thánh khiết cá nhân trong đời sống trên đất này của chúng ta.

Cuối cùng, đoạn Kinh Thánh chúng ta nói rằng Cơ Đốc Nhân chúng ta là "dân thuộc về Đức Chúa Trời". Tại đây chữ "dân" trong tiếng Hy Lạp là một chữ khác, là chữ lavos. Chữ này được dùng trong Cựu ước trong bản Kinh Thánh bảy mươi, là bản dịch tiếng Hy Lạp của Cựu Ước, chỉ để nói về dân Ysơraên mà thôi. Tại đây trong đoạn Kinh Thánh này, sứ đồ Phierơ dùng chữ này để mô tả dân sự Đức Chúa Trời. Nói cách khác, Cơ Đốc Nhân, những ai tin Chúa Giêxu dù là người ngoại hay người Do Thái, đều là một dân đặc biệt của Đức Chúa Trời, được Ngài quý báu, thuộc về Ngài. chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời và được Ngài yêu mến. Sự liên hệ giữa hội thánh và dân Ysơraên Cựu ước làm chứng cho mối liên hệ đặc biệt và thực thụ của họ với Đức Chúa Trời, mối tương giao thông công của họ với Ngài. Đức Chúa Trời ở cùng họ. Hàm ý tại đây là chúng ta có được mối liên hệ có một không hai với Đức Chúa Trời bởi mối liên hệ của chúng ta với Đấng Christ. Bởi đó, chúng ta là những người thừa hưởng những ơn phước của giao ước từ Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Chúng ta gắn chặt với dân Ysơraên Cựu ước. Như dân Ysơraên là dân đặc biệt được biệt riêng ra cho sự vinh hiển Đức Chúa Trời, chúng ta là hội thánh Tân Ước cũng được biệt riêng ra cho sự vinh hiển Ngài. Chúng ta rất cần nhìn thấy bản thân mình trong ánh sáng này cũng như dân Ysơraên Cựu ước lẽ ra đã nên nhìn thấy họ, là dân thuộc riêng của Đức Chúa Trời hầu sống thánh khiết cho Ngài.

Nhưng vì sao chúng ta cần nói về mối tương quan đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta? Tại sao chúng ta đã được biệt riêng ra? Tại sao Đức Chúa Trời đã lựa chọn chúng ta? Đoạn Kinh Thánh hôm nay chép rằng "anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài". chúng ta đã được kêu gọi, biệt riêng làm dân thuộc riêng Đức Chúa Trời hầu cho chúng ta thờ phượng Ngài. Ấy là trọng tâm quan trọng nhất của chúng ta. Nhiệm vụ trên hết của chúng ta là tôn vinh hiển Đức Chúa Trời, ngợi khen Ngài về công việc diệu kỳ Ngài đã làm cho chúng ta. Chúng ta đã được biệt riêng để ngợi khen và thờ phượng Đức Chúa Trời. Đây cũng là điều được tóm tắt trong bản tín lý Westminster với câu hỏi "Mục tiêu tối hậu của của con người là gì?" "Ấy là để tôn vinh hiển Đức Chúa Trời và vui thỏa trong Ngài mãi mãi." Chúng ta là dân sự Đức Chúa Trời đã được biệt riêng ra để thờ phượng Ngài. Đức Chúa Trời không phải là một Đấng tự cao tự đại muốn mình là trên hết. Ngài không ích kỷ tự cất mình lên cao như thể Ngài cần được chúng ta thờ phượng. Ngài yêu thích sự thờ phượng của chúng ta và xứng đáng được điều đó. Ngài đã ban cho chúng ta chính Con Ngài là Đấng chết trên thập tự giá để cứu chúng ta khỏi tội. Chúng ta đã nhìn thấy bề sâu của tình yêu thương Ngài cho chúng ta. Và bởi công cuộc cứu rỗi vĩ đại này, Đức Chúa Trời đáng được chúng ta ca ngợi. Điều này trên một khía cạnh nào đó tương tự với tình yêu thương của người chồng đối với vợ. Chồng hy sinh bản thân mình cho vợ một cách nhưng không mà không trông đợi vợ đáp lại điều gì. Dầu vậy tất nhiên trong sự ban cho của người chồng, người chồng ao ước được tình yêu thương và sự tôn trọng của vợ đáp lại. Cũng thế, chúng ta cần phải dâng lên sự vinh hiển tôn trọng đó cho Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng sáng tạo trời và đất, Ngài đã tạo nên chúng ta và cũng vì Ngài đã phó chính mình Ngài hết thảy vì chúng ta. Sự thờ phượng Đức Chúa Trời này phải được công bố, sự ca ngợi Đức Chúa Trời phải được rao ra. Đây không chỉ là sự ca ngợi dâng lên Đức Chúa Trời hoặc sự ca ngợi giữa vòng những người quây quần tại đây mà thôi mà là sự công bố cho cả thế giới. Đây là điều chúng ta thấy được lặp đi lặp lại trong Thi thiên. Tác giả Thi Thiên ao ước tôn vinh danh Đức Chúa Trời, rao ra những công việc lạ lùng của Ngài, "Hãy ngợi khen Đức Giê-hô-va, cầu khẩn danh của Ngài; Khá truyền ra giữa các dân những công việc Ngài! Hãy hát, hãy hát cho Ngài những bài ca! Khá nói về các việc lạ lùng của Ngài. Hãy khoe mình về danh thánh Ngài; Nguyện lòng kẻ nào tìm cầu Đức Giê-hô-va được khoái lạc!" (Thi Thiên 105:1-3) Ao ước của tác giả Thi thiên không phải chỉ tự mình tôn vinh hiển Đức Chúa Trời là điều mà ông phải làm mà còn nói về các việc lạ lùng Ngài cho hết thảy những ai nghe đến. Chúng ta nói với người khác tại sao chúng ta ca ngợi Đức Chúa Trời và vì sao Ngài đáng cho chúng ta ca ngợi. Thế thì sự ca ngợi của chúng ta không chỉ dâng lên cho Đức Chúa Trời mà còn là lời công bố cho thế gian về sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta hầu danh Ngài sẽ được tôn vinh.

Chúng ta đặt một câu hỏi xa hơn, "Cụ thể thì chúng ta ca ngợi Chúa về điều gì? Niềm hy vọng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là gì?" Chúng ta đọc tiếp trong khúc Kinh Thánh của chúng ta rằng chúng ta đã được gọi ra "khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài." Đây là điều Ngài đã ban cho chúng ta. Khi nói chuyện với người bạn hỏi chúng ta về ý nghĩa của việc là tín đồ Cơ Đốc, điều này đụng đến ngay tâm điểm của công việc Đức Chúa Trời. Ngài đã kêu gọi chúng ta ra khỏi sự tối tăm mà đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài. Một lần nữa, nếu trở về với Cựu Ước chúng ta tìm thấy sự so sánh rất rõ ràng với dân Ysơraên ra khỏi vòng xiềng xích. Trong Kinh Thánh, Êdíptô thường được liên hệ với sự tối tăm. Đây là một trong mười tai vạ giáng trên Êdíptô. Chúng ta cũng thấy rằng khi dân Ysơraên rời khỏi Êdíptô, người Êdíptô ở trong sự tối tăm trong khi dân Ysơraên được ánh sáng dẫn đường. Đức Giêhôva phán cùng dân Ysơraên rằng họ đã được giải cứu khỏi sự tối tăm đó, khỏi sự tối tăm của nô lệ mà được giải cứu đến cùng sự sáng, được Đức Chúa Trời dẫn dắt. Họ đã được giải cứu khỏi sự tuyệt vọng của kiếp nô lệ. Chúng ta ngày nay cũng thế, đã được giải cứu khỏi sự nô lệ của tội lỗi và sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được giải cứu khỏi sự rủa sả của Đức Chúa Trời nghịch cùng tội lỗi bởi chính Đấng Christ là Đấng chết trên thập tự giá trả thay tội lỗi chúng ta. Chúng ta đã bị định sẵn cho hỏa ngục, cho vương quốc của sự tối tăm, hủy diệt. Chúng ta bị định cho vương quốc của sự tối tăm dưới sự đè nặng của vương quốc Satan nhưnng chúng ta đã được cứu bởi Chúa Giêxu Christ hầu được sống trên trời, nơi sáng láng theo sách Khải Huyền là nơi mà Đức Chúa Trời và Đấng Christ là sự sáng chói.

Có lẽ dùng sự so sánh này cũng thích hợp: Chúng ta hãy nghĩ về sự cứu rỗi của chúng ta theo cách những người thợ mỏ ở Pensylvania cảm thấy khi bị kẹt trong hầm mỏ. Những người thợ mỏ này bị kẹt trong hầm mỏ, bao bọc trong sự tối tăm, họ không có cách gì tự mình thoát ra được. Không được cứu giúp, họ chắc đã chết trong bóng tối đen kịt. Tôi chắc rằng khi họ ngồi đó với nhau và trò chuyện thì sự ngột ngạt của bóng tối đè nặng trên họ như khối đất đá bên trên họ vậy. Không được cứu giúp, có lẽ họ đã chết mất. Mối hy vọng duy nhất của họ là từ trên, nghĩa là ai đó bên trên kia xuống được để cứu họ. Khi họ thoát được và nhìn thấy ánh sáng ban ngày buổi sáng đó, tôi chắc rằng họ cảm thấy như một gánh nặng đã được cất đi. Họ sống rồi! Họ đã được cứu khỏi tuyệt vọng và được ban cho sự sống. Có lẽ đây là mô hình thu nhỏ của thực tế những gì xảy đến cho chúng ta là những người được cứu bởi dòng huyết Đấng Christ. Điều xảy đến cho chúng ta là sâu nhiệm hơn nhiều trong nhiều phương diện. Bởi trước đây chúng ta đang đối diện với sự chết đời đời, sự đoán phạt đời đời khi không có Đấng Christ, cõi đời đời dưới sự ngột ngạt của bóng tối, của hỏa ngục và đau khổ. Thay vào đó, chúng ta đã được ban cho sự sống đời đời trong sự hiện diện yêu thương của Đức Chúa Trời để sống trong sự vinh hiển Ngài, tắm mình trong ánh sáng của Ngài đời đời. Những người thợ mỏ chỉ nếm được chút ít sự vinh hiển mà chúng ta có được trong Đấng Christ.

Thế thì nếu tuần tới này một người bạn chúng ta hỏi chúng ta rằng "Cơ Đốc Nhân là gì?" chúng ta có thể trả lời rằng "Cơ Đốc Nhân như dân Ysơraên trong Cựu ước, là dân được lựa chọn của Đức Chúa Trời. Cơ Đốc Nhân được nên thánh khiết cho Đức Chúa Trời, là dân đặc biệt của Ngài, có mối tương giao đặc biệt với Ngài và hầu việc Ngài ngày đêm trong đền thờ Ngài vì chúng tôi yêu mến Ngài. Chúng tôi đã được dựng nên làm một dân để rao ra sự ngợi khen Đức Chúa Trời. Chúng tôi đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật để tôn vinh hiển Đức Chúa Trời và để vui thỏa trong Ngài mãi mãi. Ấy là mục đích sống của chúng tôi. Chúng tôi không thể vui chơi vào ngày Chúa Nhật mà lại đến nhà thờ vì chúng tôi muốn tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Chúng tôi tôn vinh hiển Ngài vì những gì Ngài đã làm cho chúng tôi. Chúng tôi là dân được chuộc khỏi sự tối tăm của sự đoán phạt của Đức Chúa Trời. Chúng tôi đã được tha tội bởi huyết của Đấng Christ. Chúng tôi đã được ban cho sự sống đời đời trong sự hiện diện vinh hiển của Đấng Christ." Hôm nay chúng ta cần hiểu rằng ấy là đặc tánh của chúng ta. Nếu chúng ta là Cơ Đốc Nhân, nếu chúng ta mang lấy danh hiệu ấy, đã nếm biết Chúa là ngọt ngào và ao ước rao giảng danh Ngài. Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cầu xin Ngài cho chúng con đừng ngại ngần khi phải nói với người khác về ý nghĩa của việc làm một Cơ Đốc Nhân, được mang vào trong mối tương giao với Ngài, được có Ngài ngự giữa chúng con hầu chúng con có thể thờ phượng Ngài như là dân sự Ngài. Chúng con ca ngợi Ngài vì đã đem chúng con ra khỏi sự tăm tối tâm linh mà vào ánh sáng của Ngài. Chúng con ca ngợi Ngài về mọi sự đó. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)