Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 29 (Ru-tơ 3:15-16)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI HAI MƯƠI CHÍN
(Ru-tơ 3:15-16)

Chúng ta đang học đến Ru-tơ 3:15. Ru-tơ đã đến với Bô-ô để yêu cầu xin ông làm người chuộc sản nghiệp cho nàng. Ông đã đồng ý làm theo đề nghị của Ru-tơ. Bây giờ là sáng sớm, ông muốn nàng rời khỏi đó để không ai biết rằng nàng đã đến sân đạp lúa, ông không muốn có sự hiểu lầm trong trí của dân làng Bết-lê-hem.

Nhưng trước khi nàng đi, ông đã làm một việc rất lạ. "Người lại nói: Hãy giơ ra áo tơi của nàng mặc, rồi nắm nó cho chắc. Nàng bèn giơ ra; người trút cho sáu đấu lúa mạch, biểu nàng đem đi; đoạn người trở vào thành." "đấu" ở đây không có trong nguyên văn, người dịch đã thêm chữ nầy vào để cho có lý hơn thay vì "trút cho sáu lúa mạch". Có nhiều khía cạnh về việc nầy hình như rất lạ. Nếu ông thật sự muốn tặng cho Ru-tơ một món quà, chắc chắn ông sẽ không muốn cho nàng mang lúa vào sáng sớm như vậy. Tốt hơn ông nên nói rằng lúc nào đó trong ngày ta sẽ sai đầy tớ mang đến cho nàng một ít lúa bởi vì ta thương nàng lắm. Ông thương nàng nhiều lắm cho nên bắt nàng ra về mang theo số lúa như một đầy tớ như vậy thấy không đúng chút nào. Nếu ông thật sự muốn tặng nàng thì ông nên để vào một cái bao hay vật gì mà họ dùng để đựng lúa vào thời đó để nàng có thể mang đi dễ dàng. Nhưng nàng mang số lúa đó bằng gì? Bằng áo của nàng.

Đức Thánh Linh đã hướng dẫn ông hành động một cách kỳ lạ như vậy để khi việc nầy được ghi lại cũng phục vụ cho ẩn dụ lịch sử. Chúng ta biết điều nầy đã xảy ra, ông lấy sáu phần, sáu tách hay sáu gì đó để trút lên áo của nàng. Kinh Thánh không nói rõ chi tiết nhưng đây là một đơn vị để lường lúa, có lẽ theo ý nghĩa lịch sử, Bô-ô làm điều nầy là một dấu chỉ về tình yêu của ông đối với Ru-tơ. Chắc chắn chúng ta có cảm giác rằng việc nầy có một lẽ thật thuộc linh vì ngôn ngữ nầy rất là lạ theo bối cảnh lịch sử.

Trước hết, Ru-tơ có mặc áo choàng, khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu giống như Ru-tơ đến với Bô-ô, tất cả chúng ta đều có đồ mặc. Đồ mặc mà chúng ta có trước khi chúng ta đến với Ngài là công việc của chúng ta, đồ che đậy mà chúng ta thử dùng để làm hòa với Đức Chúa Trời. Trước khi được cứu, chúng ta thử làm điều nầy điều nọ. Chúng ta cố gắng sống một đời sống đạo đức, cố gắng vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời, thận trọng trong cách sống của chúng ta bởi vì chúng ta muốn là người xứng đáng trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta cố gắng ép xác mình bằng mọi cách có thể được bởi vì chúng ta muốn Đức Chúa Trời nhìn và thấy chúng ta xứng đáng.

Nhưng tất cả những đồ mặc đó không có giá trị gì, nó không thể che đậy được tội lỗi của chúng ta. Mỗi lần chúng ta cố gắng vào thiên đàng bằng công việc của chính mình hay một phần công việc thiện của mình thì sẽ không bao giờ thành công. Công việc thiện của chúng đều bị vấy bẩn bởi tội lỗi. Chúng ta mang sự vấy bẩn đó đến với Đức Chúa Trời để yêu cầu Ngài nhìn công việc lành của chúng ta tưởng rằng chúng ta tốt lắm. Những việc đó sẽ không bao giờ giải hòa giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, sẽ không cung cấp cho chúng ta sản nghiệp được. Bô-ô nói với Ru-tơ: "Hãy giơ ra áo tơi của nàng"*. Nói cách khác, hãy cất khỏi ngươi những ý nghĩ cho rằng ngươi sẽ được cứu bởi những việc thiện lành của mình vì nó không ích lợi gì cả.

"Nàng bèn giơ ra; người trút cho sáu đấu lúa mạch". Sáu lúa mạch là gì? Trong Kinh Thánh số sáu thường chỉ đến sự sáng tạo. Bạn có nhớ trong Sáng Thế Ký chương một Đức Chúa Trời dựng nên trời đất trong sáu ngày, và ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Công việc sáng tạo là công việc của Đức Chúa Trời, con người không có dự phần gì trong việc đó. Cuối cùng ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Trong Kinh Thánh đó cũng là hình bóng về công việc cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm công việc cứu chuộc chúng ta, xong thì Ngài nghỉ.

Chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ 4:4,5 "Vì luận về ngày thứ bảy, có chép rằng: Ngày thứ bảy Đức Chúa Trời nghỉ cả các công việc Ngài. Lại một chỗ khác có chép rằng: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta." Ở đây cùng một chữ "nghỉ" Đức Chúa Trời nói về sự nghỉ ngơi sau khi sáng tạo và Ngài nói về sự nghỉ ngơi chúng ta sẽ vào khi chúng ta được cứu. Vì vậy Ngài đặt sự nghỉ ngơi sau khi sáng tạo và sự nghỉ ngơi của sự cứu rỗi ngang nhau. Theo cách ấy, Ngài đặt sáu ngày sáng tạo và công việc mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã làm để cứu chúng ta song song nhau bởi vì chúng ta có thể bước vào sự yên nghỉ của Chúa Giê-xu duy nhất nhờ bước vào công việc mà Ngài đã làm. Ngài đã làm công việc cứu rỗi bằng cách lên thập tự giá. Chỉ khi nào công việc đó hoàn tất thì chúng ta mới được cứu. Cho nên chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ 4:10, "Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy." Khi chúng ta bước vào sự yên nghỉ mà Đức Chúa Trời cung cấp được làm kiểu mẫu bởi sự nghỉ sau khi sáng tạo, thì chúng ta cũng nghỉ công lao của chính chúng ta để bước vào sự yên nghỉ của Ngài.

Chúng ta cũng thấy điều nầy rất đẹp trong sách Ru-tơ, Bô-ô bảo: "Hãy đưa ta áo tơi của nàng". Hãy giao lại công việc của chúng ta cho Chúa Cứu Thế, hãy ngừng công việc của chúng ta. Bô-ô nói, hãy để ta trút lên áo đó sáu lúa mạch và sẽ trở thành đồ mặc cho nàng. Nói cách khác, hãy để công việc ta làm trên thập tự giá là đồ mặc cho ngươi rồi thì ngươi sẽ thật sự bước vào sự yên nghỉ đời đời. Bạn có thể bắt đầu thấy được hình ảnh nầy không?

Bạn có nhớ khi Đức Chúa Trời ban mười điều răn chép trong Xuất Ê-díp-tô ký, Ngài phán: "Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh". Trong Phục truyền Luật-lệ ký chương 5, Đức Chúa Trời cho biết lý do phải giữ ngày Sa-bát Ngài phán trong câu 12, "Hãy giữ ngày nghỉ đặng làm nên thánh, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã phán dặn ngươi. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: chớ làm một công việc nào hết, hoặc ngươi, con trai con gái, tôi trai tớ gái của ngươi, hoặc bò, lừa, hoặc một trong các súc vật của ngươi, hay là khách ở trong nhà ngươi, hầu cho tôi trai và tớ gái ngươi cũng được nghỉ như ngươi. Khá nhớ rằng ngươi đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi dùng tay quyền năng giơ thẳng ra đem ngươi ra khỏi đó; bởi cớ ấy cho nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có dặn biểu ngươi phải giữ ngày nghỉ."

Bạn thấy không? Đức Chúa Trời cho biết lý do phải giữ ngày sa bát vì dân Y-sơ-ra-ên bị làm nô lệ tại xứ Ê-díp-tô và Ngài đã dắt họ ra khỏi đó bằng cánh tay quyền năng của Ngài, Ngài đã giải thoát họ khỏi sự làm nô lệ cho xứ Ê-díp-tô. Làm nô lệ cho xứ Ê-díp-tô và được cứu ra khỏi đó là hình bóng về nô lệ cho tội lỗi và được giải thoát bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì vậy, Đức Chúa Trời xem ngày sa bát ngang hàng với sự cứu rỗi của chúng ta. Chúa Giê-xu là hình bóng về ngày Sa-bát bởi vì trong Ngài chúng ta được tự do khỏi làm nô lệ tại Ê-díp-tô, nghĩa là nô lệ cho tội lỗi. Chúng ta được tự do phục sự Đức Chúa Trời trong đồng vắng trên đường đến xứ Ca-na-an như dân Y-sơ-ra-ên đã làm. Nhưng trong Xuất Ê-díp-tô ký chương 20, khi Đức Chúa Trời nói về giữ ngày sa bát thì Ngài đưa ra một lý do khác về việc giữ ngày sa bát, câu 11 "vì trong sáu ngày, Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh."

Xin nhớ, ngày sa bát là hình bóng về sự yên nghỉ mà Đức Chúa Trời cung cấp qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, và sáu ngày dựng nên trời đất vì thế cũng là hình ảnh về sự cứu chuộc mà Đức Chúa Trời cung cấp qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bạn có nhớ ngày thứ nhất Đức Chúa Trời dựng nên sự gì không? "Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng." Và ai đã đến làm sự sáng của thế gian? Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến làm sự sáng của thế gian. Có một sự song song trực tiếp ở đây giữa sự sáng tạo nên trời đất và sự cứu chuộc mà Đức Chúa Trời cung cấp qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là điều mà chúng ta thấy trong Ru-tơ chương 3 khi Bô-ô bảo Ru-tơ: "Hãy đưa ta áo tơi của nàng", rồi ông trút vào sáu lúa mạch.

Về thuộc linh, Đức Chúa Trời bảo chúng ta: Hãy giao cho ta đồ mặc bằng công lao của các ngươi, những việc đó không giúp ích gì cho ngươi trong việc nhận lấy sự sống đời đời. Hãy để ta đổ đầy nó bằng công việc của chính ta, rồi ngươi sẽ là người nhận được sự yên nghỉ thuộc về những người kinh nghiệm sáu ngày làm việc mà ta đã kinh nghiệm. Đây là cách mà chúng ta đến với thập tự giá, chúng ta được chất đầy công việc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. "... đoạn người trở vào thành." Thành mà chúng ta sẽ vào nhờ chiếc áo công bình của Chúa Cứu Thế, nhờ công việc của Ngài đã làm. Khi chúng ta được bao phủ bởi sự yên nghỉ của Ngài, chúng ta bước vào sự yên nghỉ của sự cứu rỗi và sẽ không bao giờ cố gắng làm việc để trở nên hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời, để lập công với Ngài. Chúng ta vào trong thành của Đức Chúa Trời, thành của Đức Chúa Trời thật ra là chính Ngài, chúng ta bước vào trong Ngài. Ngài là nơi cư trú đời đời của chúng ta. Đó là hình ảnh đẹp mà chúng ta thấy ở đây.

Tiếp tục học câu 16, chúng ta đọc "Ru-tơ trở về nhà bà gia mình; người hỏi: Có phải con gái ta chăng?" Khi Bô-ô khám phá ra Ru-tơ vào lúc nửa đêm ông đã hỏi: Ngươi là ai? Ông đã không biết nàng là ai vì lúc đó ban đêm, ông cũng không nghĩ ra được ai là người đang nằm dưới chân ông. Nhưng chúng ta đã thấy theo nghĩa thuộc linh ám chỉ tại thập tự giá Đức Chúa Trời hỏi tại sao chúng ta đến với thập tự giá? Chúng ta đến đó với công việc của chính chúng ta, chúng ta đến đó mong rằng Đức Chúa Trời sẽ nhận ra chúng ta bởi vì những gì chúng ta đã làm hay là với một sự hạ mình van xin sự cứu rỗi bằng hai bàn tay trắng? Chúng ta có đang đến với Chúa bằng lòng đau thương thống hối không?

Bây giờ chúng ta thấy Na-ô-mi hỏi cùng một câu hỏi: Ngươi là ai, có phải con gái ta chăng? Theo bối cảnh lịch sử thì không có lý, nhưng theo nghĩa khác thì cũng có lý. Hiển nhiên bà biết rằng đó là Ru-tơ, họ đã sống với nhau nhiều năm. Bà biết Ru-tơ một cách tận tường, bà là người sai Ru-tơ đi để hỏi Bô-ô làm chồng nàng. Bà hoàn toàn nhận thấy được tất cả những chuyển biến, vì vậy khi Ru-tơ trở về nhà lúc sáng sớm nơi Na-ô-mi và Ru-tơ sống, Na-ô-mi không cần phải hỏi: Ngươi là ai? Bà biết đó là Ru-tơ, nhưng theo ý nghĩa khác có một sự khéo léo về việc nầy. Bà thật ra hỏi rằng: Con vẫn còn là Ru-tơ người Mô-áp, người đàn góa không có tương lai hay con đã thành công trong việc yêu cầu cuộc hôn nhân? Con sẽ trở thành bà Bô-ô không? Vì vậy chúng ta thấy rằng bà thật ra hỏi: Con có thành công trong việc nhận được sự cứu giúp từ Bô-ô không? Tương lai con sẽ ra thế nào? Chúng ta chỉ đoán vậy thôi, chúng ta không thật sự biết tại sao bà nói như vậy.

Nhưng chúng ta biết Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời một lần nữa khiến bà nói những chữ nầy và ghi lại cho chúng ta để chúng suy gẫm ý nghĩa thuộc linh mà Chúa muốn nói ở đây. Câu nói nầy liên quan đến mối liên hệ giữa con người với Chúa Cứu Thế. Bạn biết, có hai loại người trên thế gian. Những người được cứu và những người không được cứu. Người được cứu thuộc về vương quốc của Chúa Cứu Thế, họ có tên và một chỗ ở với Ngài. Người không được cứu là tôi mọi cho Sa-tan, số phận của họ sẽ ở trong địa ngục và không ai còn nhớ đến họ nữa.

Sau khi chúng ta cúi xuống tại thập tự giá, chúng ta bắt đầu tìm kiếm Chúa Cứu Thế. Có câu hỏi cho chúng ta: Ngươi là ai? Từ thời điểm đó ngươi là ai? Ngươi vẫn còn là tôi mọi cho Sa-tan không hay ngươi đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời? Tôi tin rằng đó là điều ám chỉ trong câu nói ở đây. Mỗi người trong chúng ta có thể tự hỏi câu nầy. Chúng ta là ai? Có phải chúng ta giống như những người khác trên thế gian không ngừng đau khổ, hy vọng rằng một ngày nào khác, ở đâu đó, sẽ có một kế hoạch mà chúng ta không thật sự biết và mọi sự sẽ được tỏ ra lúc cuối cùng. Hay là, chúng ta có thể biết được: Tôi là con cái của Đức Chúa Trời, tên của tôi đã được biên vào đó, tôi đã được chọn bởi Chúa Cứu Thế từ trước khi sáng thế, tôi biết tôi đã được sanh lại, tôi biết tôi được an toàn đời đời.

Ngươi là ai? Bạn là ai khi bạn đọc bài học nầy? Bạn có biết được Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của bạn không? Đó là một câu hỏi quan trọng, trừ khi chúng ta có thể trả lời câu hỏi nầy một cách khẳng định, quả quyết: Vâng! tôi biết Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa của tôi bởi vì tôi đã thật sự hạ mình trước mặt Ngài, tôi đã giao thác trọn đời tôi cho Ngài. Tôi biết rằng tội lỗi của tôi đã được tha. Tôi yêu mến Đức Chúa Trời bằng hết cả tấm lòng của tôi, bởi vì Ngài đã cứu tôi. Trừ khi chúng ta có thể trả lời như vậy, chúng ta vẫn còn là nô lệ của Sa-tan và bị dành sẵn cho địa ngục. Cầu xin Đức Chúa Trời ban ân điển của Ngài trên bạn.

*Nguyên văn "Hãy đưa ta áo tơi của nàng".

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)