Trang Bìa > Đời Sống & Đức Tin > Gây Dựng Đức Tin > Đối Diện Với Sự Chết  


ĐỐI DIỆN VỚI SỰ CHẾT

Ung thư, tai nạn và hàng trăm loại bệnh khác nhau đang chờ đợi để nuốt trửng chúng ta. Sự chết chờ đợi chúng ta giống như một nền xi-măng chờ đợi bóng đèn đang rơi. Nỗi khiếp sợ không tên đã làm cho nhiều người tiêu tốn hàng chục ngàn đô-la chỉ để hưởng thêm một ngày tươi đẹp trong cõi vũ trụ nầy.

Chúa Giê-xu là một tấm gương tốt nhất khi đối diện với khía cạnh của cõi đời đời. Ngài đối diện với sự chết bằng sự kết hợp giữa buồn khổ và vui mừng. Hãy lắng nghe lời của Ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê: "Linh hồn ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta" (Mathiơ 26:38). Các môn đệ đã không làm theo lời Ngài. Chỉ một mình Chúa Giê-xu kêu xin cùng Cha: "Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con! Song không theo ý muốn con, mà theo ý muốn Cha" (Mathiơ 26:39). Ngài thống khổ khi chờ đợi để bị xem là tội nhân khi mang lấy tội lỗi của thế gian.

Không lâu nữa Ngài sẽ bị xem như kẻ tà dâm, mánh khóe, giết người. Là người mang gánh tội lỗi, Ngài biết rằng sự thánh khiết của Ngài sẽ đụng đến sự ô uế của tội lỗi. Ngài khổ sở khi dự phần trong sự đau thương đang chờ đợi Ngài. Thế nhưng Ngài cũng có sự hi vọng, vì sự chết sắp xảy đến là cửa ngõ dẫn về nơi Cha. Thực ra, đó là con đường dẫn đến sự đắc thắng.

Trước khi Chúa Giê-xu đến vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài nói: "Cha ôi! bây giờ xin lấy sự vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển Con nơi chính mình Cha" (Giăng 17:5). Ở chỗ khác chúng ta đọc: "Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời" (Hêbơrơ 12:2). Vâng, trong khoảnh khắc, đó là sự đau đớn, nhưng về lâu dài, đó là sự vinh hiển và vui mừng.

Bạn thân mến! đừng cảm thấy có tội khi bạn đối diện với cái chết bằng sự lo sợ. Chính Chúa Cứu Thế cũng đã trải qua xúc cảm của sự khốn khổ trong đêm trước khi bị đóng đinh trên thập tự giá bằng sự lo sợ và an ủi. Sự vui mừng và buồn rầu xảy đến trong một trái tim cùng một lúc. Lìa trần là điều đau buồn nhưng bước vào thiên đàng là một sự vui mừng.

Chúa Giê-xu chết vào đúng thời điểm.

Trong đêm lễ vượt qua cuối cùng, Chúa Giê-xu nói với các môn đệ mình rằng : "... giờ ta gần đến". Đây là giờ phút thống khổ mà Ngài phải chịu trong vườn Ghết-sê-ma-nê, sự phản bội của Giu-đa và cái chết đau đớn trên thập tự giá. Có một điều thú vị là trước đó chúng ta đọc thấy ba lần: "giờ Ngài chưa đến". Cho đến khi "giờ của Ngài đến" thì kẻ thù không có khả năng chống đối lại Ngài. Ngài đã đến thế gian vào giờ phút đã được định sẵn bởi Đức Chúa Trời và giờ đây Ngài trở về trời đúng như thời gian biểu. Chúa Giê-xu sẽ không chết sớm hơn kế hoạch của Đức Chúa Trời. Giờ của Chúa Cứu Thế Giê-xu ở trong tay của Đức Chúa Cha.

Thật tuyệt vời làm sao khi biết được rằng sự sống và sự chết của Chúa Giê-xu là trong tay của Cha. Cũng vậy, Đức Chúa Trời nắm kỳ hạn và vận mệnh của chúng ta trong tay Ngài. Chúa Giê-xu chết tương đối còn trẻ, lúc đó Ngài khoảng 30 tuổi, trẻ so với tiêu chuẩn của ngày nay và vùng Trung Đông trong thời đó. Nếu chúng ta hỏi: Tại sao Ngài không chết lúc 40, hay 50 tuổi để Ngài có thể làm nhiều hơn trong chức vụ của Ngài? Câu trả lời là: Sự chết Ngài nằm trong thời gian biểu của Đức Chúa Trời chớ không phải của chúng ta.

Bạn thân mến, bạn và tôi không cần phải sống một đời sống dài để làm hết những công việc mà Đức Chúa Trời hoạch định cho chúng ta làm. Có nhiều tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời chết rất sớm. Sớm theo cái nhìn của chúng ta, nhưng đối với Đức Chúa Trời là đúng kỳ hạn. Họ đã làm xong những công việc mà Đức Chúa Cha đã giao cho họ. Sự chết của một em bé xem như là một điều nhạo báng, bởi vì Đức Chúa Trời cất mạng sống của em bé đó đi trước khi em đó sống xong đời của mình. Nhưng thưa bạn, đời sống ngắn ngủi của em bé làm thành ý muốn của Đức Chúa Trời. Dầu chúng ta không hiểu được, nhưng em bé đó đã làm xong công việc được giao cho.

Sự chết của chúng ta đã được hoạch định một cách tỉ mỉ cũng giống như sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Kẻ hung ác, bệnh tật, tai nạn... những điều nầy không thể đến với chúng ta khi Đức Chúa Trời còn giao việc cho chúng ta làm. Chúng ta qua đời theo thời biểu của Đức Chúa Trời chớ không phải của chúng ta. Điều nầy cũng bao gồm tội bất cẩn.

Một người mẹ bất cẩn trả lời: "Được!" cho câu hỏi của đứa con gái nhỏ khi em hỏi: "Con có thể băng qua đường được không?" để rồi chứng kiến đứa con nhỏ của mình bị đụng phải bởi một chiếc xe vận tải. Người đàn bà đó cũng phải hiểu rằng đứa con nhỏ của mình chết dưới bàn tay tể trị tối cao của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy mạnh dạn nói rằng: Ngay cả những tai nạn xảy ra đều nằm trong vòng cai quản tối cao của Đức Chúa Trời.

Dĩ nhiên, có sự khác biệt khi có người gây ra sự chết chưa phải lúc cho người khác, nhưng chúng ta cũng phải tin rằng, ngay cả một tín hữu bị giết bởi một người hung ác, sự chết của người tín hữu đó cũng nằm trong quyền năng tể trị tối cao của Đức Chúa Trời. Hãy nhìn sự việc về những người gian ác chống nghịch lại Chúa Giê-xu và đem Ngài đóng đinh trên thập tự giá theo cách nầy. "Vả, Hêrốt và Bônxơ Philát, với các dân ngoại, cùng dân Ysơraên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ thánh Ngài là Đức Chúa Giê-xu mà Ngài đã xức dầu cho, để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước" (Công-vụ các sứ-đồ 4:27,28). Họ không thể hành động cho đến khi đồng hồ của Đức Chúa Trời điểm giờ, đến khi "giờ của Ngài đến".

Nếu sự chết của Chúa Giê-xu nằm trong kế hoạch tỉ mỉ của Đức Chúa Trời, thưa bạn, chúng ta có thể tin tưởng rằng sự chết của chúng ta cũng tương đương như vậy trong ý muốn của Ngài. Không một người tín hữu nào bước đi theo ý muốn của Đức Chúa Trời chết trước khi công việc của người đó làm xong. Người đó không chết trước khi kỳ hạn của người đó đến. Chúng ta biết Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sức mạnh để sống cũng như sức mạnh để chết.

Chúa Giê-xu chết đúng cách đã định trước.

Có nhiều cách chết khác nhau, bệnh tật, tai nạn, bị giết. Hoàn cảnh khác nhau đối với từng cá nhân. Trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu phải chết trên thập tự giá, là biểu hiện cho sự khiêm nhường và một dấu hiệu không thể lầm lẫn là Ngài bị Đức Chúa Trời rủa sả. Không có được một gian phòng sạch sẽ tại bệnh viện, không có được tấm chăn để che đậy những vết máu sỉ nhục trên thân thể của Ngài.

Ngài chết một cách nhục nhã, bị đóng đinh trong một thân thể lõa lồ để cho mọi người nhìn thấy. Khi được đưa cho rượu hòa với một dược, Ngài từ chối cách trị bệnh đó của thời cổ để Ngài có thể chết với tất cả cảm giác mà những người xung quanh có thể nhận thấy được. Ngài uống cạn chén đau khổ, nhận lấy hết tất cả sự kinh khiếp nhất mà sự chết có thể đem đến.

Tai nạn xe, đau tim, ung thư, tất cả những điều nầy được Đức Chúa Trời dùng để mở cửa thiên đàng cho con cái của Ngài. Chúng ta được gọi về khẩn cấp không phải vì nửa may nửa rủi. Đấng đếm biết số tóc trên đầu của chúng ta và nhìn thấy con chim sẻ rớt xuống nắm hết vận mạng của chúng ta trong bàn tay yêu thương của Ngài.

Chúa Giê-xu chết cho một mục đích đúng.

Sự chết không chỉ là một sự chấm dứt bi thảm của một đời sống tươi đẹp. Trong ý định của Đức Chúa Trời, sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu làm thành sự cứu chuộc cho những người mà Đức Chúa Trời đã chọn. Chúa Giê-xu nói về những người nầy là "những kẻ Cha đã ban cho con". Khi Ngài kêu lớn tiếng: "Mọi sự đã được trọn!", công việc Ngài đã hoàn tất.

Sự chết của chúng ta cũng phục vụ cho mục đích thiêng liêng. Hiển nhiên, nó không thể làm xong sự cứu chuộc cho người khác, nhưng nó có nghĩa là chúng ta kinh nghiệm được sự cứu chuộc mà Chúa Cứu Thế ban cho chúng ta. Sự chết là cửa ngõ mà chúng ta lìa bỏ sự hạn chế, sự đau đớn của đời nầy để bước vào thiên đàng. Ngày chúng ta qua đời là ngày chúng ta được vinh hiển.

Chúa Giê-xu chết bằng sự giao thác đúng.

Lời cuối cùng của Ngài là: "Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!" (Luca 23:46). Khi chết, Chúa Giê-xu giao thác chính Ngài cho Đức Chúa Cha là Đấng mà Ngài yêu quí. Tôi tin rằng Chúa Giê-xu đi về cùng Đức Chúa Trời ngay tức thì. Ngài nói với tên cướp bị đóng đinh bên tả của Ngài: "Hôm nay, ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi" (Luca 23:43). Họ cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của thiên đàng trong chính ngày đó.

Những người chết với một linh hồn đã giao thác hoàn toàn nơi Đức Chúa Trời có thể được bảo đảm rằng linh hồn của họ sẽ được ở nơi bến bờ an toàn. Sự chết là đầy tớ của Cha sai đi để đem những con cái của Ngài về nhà.

Bạn có chắc thiên đàng là nơi đến của bạn không? Chúa Cứu Thế hi sinh mạng sống trên thập tự giá hoàn toàn đủ để những người tin cậy nơi Ngài sẽ đi ngay vào thiên đàng sau khi chết. Thực tế, nếu bạn tin cậy nơi Ngài, bạn đã ở trong nước của Ngài, sống lại và đồng trị với Ngài. Vì vậy, khi chúng ta chết, chúng ta không cần sợ hãi gì cả, vì chúng ta như bước qua biên giới để vào nhà đời đời của chúng ta.

Mặt khác, "Ai tin Con thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó" (Giăng 4:36). Một người qua đời khi tội lỗi chưa được đền trả bởi Chúa Giê-xu sẽ không được về ở với Chúa mà sẽ bị phán xét bởi Đức Chúa Trời rồi bị quăng vào địa ngục để chịu hình phạt đời đời cho tội lỗi của người đó. Kinh Thánh mô tả địa ngục là "nơi có khóc lóc và nghiến răng" (Mathiơ 13:42).

Bạn thân mến, không ai trong chúng ta được bảo đảm chắc chắn rằng mình sống đến ngày mai. Khi sự chết đến, nó sẽ không chờ đợi ai. Không ai trong chúng ta tránh khỏi sự chết, trừ khi ngày Chúa trở lại để phán xét thế gian nầy đến trước. Nếu Chúa trở lại mà tội lỗi của bạn chưa được đền trả thì cũng giống như bạn qua đời mà không có một Cứu Chúa cho mình.

Bạn có biết sau khi chết bạn sẽ về đâu không? Nếu Chúa Giê-xu trở lại đêm nay, bạn sẽ được về ở với Ngài nơi thiên đàng hay phải chịu hình phạt nơi hỏa ngục đời đời cho tội lỗi của bạn? Hãy van xin Ngài cứu bạn đang khi còn cơ hội.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)