Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 50 (Tóm Tắt và Kết Luận)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI NĂM MƯƠi
(Tóm Tắt và Kết Luận)

Chúng ta bắt đầu học sách Ru-tơ cách nay cũng khá lâu. Khi mới bắt đầu học tôi nghĩ sẽ có được mười lăm bài là nhiều và có lẽ chỉ một vài lẽ thật thuộc linh được rút ra từ sách nầy thôi. Nhưng khi học thì chúng ta khám phá ra rằng có nhiều bài học thuộc linh thật quí báu liên quan đến Tin Lành.

Chúng ta đã khám phá ra đây là một ẩn dụ lịch sử. Một câu chuyện thật đã xảy ra trong lịch sử cách nay khoảng 1300 năm. Đức Chúa Trời chọn từ những câu nói, những kinh nghiệm theo ý của Ngài để ghi lại trong 85 câu của sách Ru-tơ, nhờ vậy chúng ta có được những ý nghĩa thuộc linh sâu sắc tuyệt vời. Tôi tin rằng sách Ru-tơ là một minh họa cho biết chúng ta phải đến với Kinh Thánh bằng cách nào. Chúng ta phải tra xét để tìm kiếm những lẽ thật thuộc linh sâu hơn trong tất cả những gì chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh. Không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được cách dễ dàng, đôi khi chúng ta không tìm được gì cả. Nhưng chắc chắn rằng nếu chúng ta kiên nhẫn, chịu khó thì sẽ thấy rằng mỗi câu trong Kinh Thánh đều có một lẽ thật thuộc linh tuyệt vời.

Trong những bài học đầu chúng ta tìm thấy rằng Ru-tơ là hình bóng về những người nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nàng là kiểu mẫu của những người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Cũng không khó lắm cho chúng ta khám phá ra chữ bà con trong tiếng Hê-bơ-rơ cũng được dịch là người chuộc. Chúng ta cũng nhanh chóng nhận thấy rằng Bết-lê-hem có nghĩa là Nhà Bánh làm hình bóng về sự cứu rỗi, về sự bảo đảm chúng ta có trong Chúa Cứu Thế. Bây giờ chúng ta sẽ lướt qua sách nầy lại một lần nữa. Trong chương một, có một cơn đói xảy ra tại Bết-lê-hem. Ê-li-mê-léc và gia đình ông bao gồm Na-ô-mi, Mạc-lôn và Ki-li-ôn đi đến xứ Mô-áp và ở tại đó mười năm để tránh nạn đói. Trong khi họ ở đó, Mạc-lôn và Ki-li-ôn chết, Ê-li-mê-léc cũng chết. Na-ô-mi còn lại một mình góa bụa. Rồi bà quyết định trở về Bết-lê-hem. Hai con dâu của bà là Ru-tơ và Ọt-ba đầu tiên muốn đi với bà nhưng Ọt-ba quay trở lại. Chỉ một mình Ru-tơ đi với Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem. Bà trở về Bết-lê-hem hoàn toàn nghèo túng, không gia đình trừ ra đứa con dâu người Mô-áp bị rủa sả.

Na-ô-mi là hình ảnh về dân tộc Y-sơ-ra-ên. Dân Y-sơ-ra-ên được bắt đầu bằng những lời hứa tốt đẹp. Họ ở tại Nhà Bánh nhưng vì cớ tội lỗi của họ, có một cơn đói kém, đói kém về thuộc linh xảy ra trong xứ. Dân Y-sơ-ra-ên thật sự rời bỏ Đức Chúa Trời. Họ trở nên giống như góa bụa, nghèo túng về thuộc linh. Họ là vợ của Đức Chúa Trời nhưng bị Ngài trừ bỏ vì cớ tội lỗi của họ. Một cách chính xác, họ giống như hoàn cảnh mà Na-ô-mi đã trở nên. Bà trở nên góa bụa không có một loại sản nghiệp gì. Nhưng qua Na-ô-mi, Tin Lành được mang đến cho Ru-tơ và Ọt-ba. Ru-tơ và Ọt-ba là hình bóng về người thế gian. Ọt-ba sau cùng quyết định không trở về Bết-lê-hem mà ở lại Mô-áp là hình ảnh của những người nghe Tin Lành nhưng từ chối không muốn. Mặt khác, Ru-tơ là hình ảnh của tất cả những người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta có một câu rất đẹp trong Ru-tơ 1:16 khi Ru-tơ, là người còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển muốn nhận diện mình giống như dân Y-sơ-ra-ên, "Ru-tơ thưa rằng: Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó." Đó là sự đầu phục đến với chúng ta khi chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu. Toàn bộ con người chúng ta gắn bó với Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên, với những lời hứa của Ngài. Chúng ta chia xẻ số phận mình với dân Y-sơ-ra-ên bởi vì họ là những người đầu tiên được Đức Chúa Trời dùng để đem Tin Lành ra.

Rồi họ về đến Bết-lê-hem, Na-ô-mi nói: "Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm." Ma-ra hay Ma-ri có nghĩa là cay đắng. Đó là cảnh ngộ của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Trên phương diện dân tộc họ bị trừ bỏ vì họ đã quay khỏi Đức Chúa Trời. Họ phạm tội và góa bụa, Đức Chúa Trời giống không còn đối với họ. Nhưng khi Na-ô-mi trở về, qua Ru-tơ bà có được sản nghiệp, qua "kẻ còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển" sản nghiệp cũng có được cho Y-sơ-ra-ên.

Chúng ta tiếp tục sang chương hai và thấy Na-ô-mi có một người bà con, Bô-ô, là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ông là một người giàu và có quyền thế, thuộc trong chi phái của dân Y-sơ-ra-ên. Na-ô-mi và Ru-tơ về đến Bết-lê-hem khi bắt đầu mùa gặt cho nên Na-ô-mi sai Ru-tơ đi mót lúa trong ruộng. Bà mong muốn là nàng sẽ tìm được ân sủng. Đây là hình ảnh về dân Y-sơ-ra-ên trên phương diện dân tộc và trên cương vị của các sứ đồ vì họ là người trông giữ Tin Lành, một cách không chủ tâm họ mong muốn rằng thế gian sẽ tìm được sự cứu rỗi. Để tìm được sự cứu rỗi chúng ta phải đi theo những con gặt là hình ảnh của những người đã được cứu. Điều nầy dính liền với lời Chúa Giê-xu phán trong Tân ước, "Ngài phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình." (Lu-ca 10:2). Con gặt là những tín hữu được sanh lại, là những người quan tâm đến việc đem Tin Lành ra cho thế giới.

Ru-tơ bắt đầu mót lúa trong ruộng của Bô-ô. Nàng được Bô-ô đối xử rất tử tế. Ông nói chuyện với nàng, mời nàng uống nước. Ông khích lệ nàng rằng, nếu nàng tiếp tục trong sự trung tín của nàng thì nàng sẽ được phước. Vào bữa ăn trưa, ông ngồi với nàng và đưa cho nàng hột mạch rang và nhúng miếng nàng trong giấm. Đồng thời, ông cũng sắp đặt để nàng có thể mót được nhiều lúa trong ngày đó. Đây là hình ảnh của một người chưa được cứu đến với Nhà Bánh, là Bết-lê-hem, đến trước sự hiện diện của Tin Lành. Nước được nói đến trong chương nầy là hình ảnh của nước Tin Lành mà người đàn bà Sa-ma-ri trong Giăng 4 được bảo, rằng nếu chúng ta uống nước đó thì sẽ không bao giờ bị khát nữa. Ru-tơ ăn hột mạch rang là hình ảnh nàng được nhận diện với sự đổ huyết của Chúa Giê-xu được làm tiêu biểu trong lễ Vượt qua. Việc nhúng miếng trong giấm thì chúng ta đã thấy, Ru-tơ dự phần trong sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế. Vì vậy nàng không còn bị trách móc. Bô-ô nói "chớ làm xấu hổ nàng" c. 15, "chớ trách móc nàng" c.16. Nàng đã đến ở dưới sự chăm sóc của Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nàng không còn ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Nàng không còn bị trách móc hay bị làm xấu hổ nữa. Nói cách khác nàng là hình ảnh về những người đã được cứu. Khi nàng xong một ngày làm việc, đập lúa mình đã mót và mang về cùng với phần ăn trưa còn dư cho mẹ chồng nàng là Na-ô-mi, Ru-tơ trở nên hình ảnh của người được cứu. Nàng bây giờ cũng làm việc trong đồng ruộng như con gặt. Nàng cũng dự phần trong đồ ăn và nước uống thuộc linh là Tin Lành. Bây giờ nàng trở về cùng Na-ô-mi với những gì nàng mót được. Nàng giống như người mang đến Tin Lành. Những dân tộc khác trên thế giới tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là những người ban đầu tiếp nhận Tin Lành từ dân Y-sơ-ra-ên, và bây giờ họ mang Tin Lành nầy trở lại cho dân Y-sơ-ra-ên. Đây là kế hoạch của Đức Chúa Trời cho nên dân ngoại trở thành chứng nhân về Tin Lành cho dân Y-sơ-ra-ên trải qua nhiều thế hệ và tiếp tục cho đến ngày nay.

Khi học sách Ru-tơ chúng ta biết được sách nầy đồng nhất một cách chính xác với tất cả những điều dạy khác trong Kinh Thánh. Khi nàng trở về cùng Na-ô-mi, nàng kể cho bà nghe tất cả những gì đã xảy ra. Na-ô-mi bảo nàng tiếp tục mót trong ruộng nầy, Bô-ô cũng bảo nàng như vậy. Điều nầy ngụ ý rằng Tin Lành đã đến với Ru-tơ nên cần tiếp tục ở lại trong vương quốc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong chương ba chúng ta thấy một kế hoạch rất thú vị. Na-ô-mi bày cho Ru-tơ đến với Bô-ô để xin ông cưới nàng. Nàng đến sân đạp lúa xem chỗ Bô-ô nằm đợi lúc ông ngủ, vào lúc nửa đêm thì vào giở mền và nằm dưới chân ông. Khi Bô-ô phát giác ra nàng thì nàng sẽ xin ông làm người chuộc cho nàng. Nàng làm điều nầy một cách hợp pháp vì Bô-ô là người bà con và ông có thể cung cấp sản nghiệp cho Na-ô-mi và Ru-tơ. Trong điều nầy chúng ta thấy được dân Y-sơ-ra-ên, được Na-ô-mi làm đại diện, có một kế hoạch để chúng ta có thể được cứu. Đức Chúa Trời ban Kinh Thánh cho chúng ta qua dân Y-sơ-ra-ên, trong đó Ngài cho chúng ta biết làm thế nào chúng ta được cứu. Ru-tơ thực hiện một cách chính xác những gì Na-ô-mi bảo nàng làm. Đó là hình ảnh của những người tín hữu được sanh lại. Họ sẽ rất trung tín vâng theo những gì Kinh Thánh tuyên bố. Chúng ta cũng đã thấy trong hành động nằm dưới chân của Bô-ô. Ông là hình ảnh về Đấng Mê-si lên thập tự giá khi nằm xuống, hình ảnh về Chúa Giê-xu chết thay cho tội lỗi của chúng ta. Giở mền dưới chân ông ra là hình ảnh của sự phơi bày sự lỏa lồ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài trở nên tội lỗi vì cớ chúng ta. Ru-tơ nằm dưới chân ông bày tỏ hình ảnh của chúng ta, những tín hữu được sanh lại, được nhận diện trong kinh nghiệm thập tự giá của Ngài. Chúng ta cũng nằm xuống với Ngài. Qua việc nầy Bô-ô thề với Ru-tơ rằng ông sẽ làm người chuộc sản nghiệp cho nàng. Chúa Cứu Thế hứa rằng Ngài sẽ là người chuộc chúng ta. Phần kết luận của chương ba nói đến việc Bô-ô cho nàng sáu đấu lúa mạch để đem về cho bà gia của nàng. Đây là hình ảnh về chúng ta khi được cứu bước vào sự yên nghỉ trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, biểu hiện trong sáu ngày làm việc dựng nên vũ trụ của Ngài rồi kế đến là ngày nghỉ.

Trong chương bốn chúng ta thấy sự giáp mặt của Bô-ô với người bà con khác gần hơn Bô-ô. Trước khi Bô-ô có thể cung cấp sản nghiệp cho Ru-tơ, cơ hội ưu tiên được dành cho người bà con khác. Chúng ta cũng thấy người bà con kia được minh họa trong sách Ru-tơ là đại diện cho toàn thể nhân loại. Chúng ta gần với nhau hơn là Chúa Giê-xu gần với chúng ta. Để làm người chuộc chúng ta, Chúa Giê-xu phải trở nên giống như chúng ta. Ngài phải mang lấy thân xác con người còn chúng ta thì đã mang thân xác con người. Chúng ta được ra lệnh rằng phải yêu thương lẫn nhau, phải phó mạng sống mình cho nhau, phải yêu kẻ thù nghịch mình. Chúng ta được ra lệnh phải tìm cách chuộc lại những người xung quanh mình, nhưng với bản chất tự nhiên con người chúng ta không muốn làm điều nầy, không muốn làm cho sản nghiệp mình bị hủy hoại. Nghĩa là chúng ta không muốn từ bỏ sự ích kỷ riêng của mình. Chúng ta muốn cái gì mình có, muốn làm điều gì mình muốn làm. Giống như người bà con kia từ chối làm người chuộc cho Ru-tơ để cung cấp sản nghiệp cho nàng, chúng ta cũng không muốn cung cấp sản nghiệp cho nhau. Chúng ta đã thấy vì cớ việc nầy nên người bà con kia bị rủa sả. Giày bị lột ra chỉ tỏ rằng ông cũng ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, bị Ngài rủa sả vì không chịu vâng theo điều răn làm người chuộc.

Cũng vậy, con người chúng ta ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời, bị Ngài lên án vì cớ chúng ta từ chối làm người chuộc cho đồng loại mình. Rồi chúng ta thấy một bức tranh rất đẹp, Bô-ô là người bà con, người chuộc, cưới Ru-tơ, người đàn bà bị rủa sả, làm vợ mình. Thật lạ lùng làm sao! chúng ta là những người bị rủa sả bởi Đức Chúa Trời vì cớ tội lỗi mình nhưng có một người chuộc cho chúng ta. Chúng ta được Ngài cưới hầu cho có được sản nghiệp. Dĩ nhiên, sản nghiệp là sự sống đời đời và tất cả những điều cặp theo. Chúng ta thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho chúng ta được mô tả rất đẹp ở đây. Rồi chúng ta thấy trong phần sau của chương nầy điểm trọng tâm được đổi sang Na-ô-mi. Na-ô-mi bây giờ có được sản nghiệp, được xem giống như mẹ của đứa trẻ nầy. Rồi đến lượt đứa trẻ nầy được xem như người chuộc. Chúng ta thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu được nhìn thấy ở đây khi nói về Ô-bết là kết quả của cuộc hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ. Ô-bết có nghĩa là đầy tớ. Chúa Cứu Thế là người đầy tớ chịu khổ. Từ mối liên hệ hôn nhân giữa Bô-ô và Ru-tơ Chúa Cứu Thế đã đến. Khúc Kinh Thánh nầy được kết thúc bằng một gia phổ bắt đầu từ Pha-rết, Bô-ô rồi cuối cùng đến Đa-vít.

Khi làm tóm tắt nầy tôi bị hấp dẫn muốn quay trở lại sách Ru-tơ ở những phân đoạn mà chúng ta đã xem qua để đào sâu hơn nhưng chúng ta không nên làm vậy mà phải tiếp tục học sách khác nữa. Tôi muốn cám ơn bạn đã rất kiên nhẫn với tôi để học xuyên qua loạt bài học nầy. Tôi biết có lúc chúng ta không biết rõ ràng tất cả những điều mà Đức Chúa Trời muốn dạy vì sự hạn chế trong con người xác thịt của tôi. Nhưng tôi hi vọng rằng khi học qua sách nầy với nhau chúng ta có một cảm kích mới về sự giàu có trong Lời của Đức Chúa Trời. Về tình yêu của Ngài không thể tưởng được, về ân điển lạ lùng mà Ngài ban cho chúng ta.

Bạn có thể biết được rằng dù chúng ta ở trong tội lỗi lâu cỡ nào. Dù chúng ta sống phản nghịch Đức Chúa Trời bao lâu hay là tội lỗi của chúng ta có sâu và khủng khiếp chừng nào. Nếu chúng ta trở lại với Ngài cách khiêm nhường như Na-ô-mi và Ru-tơ thì sự cứu rỗi sẽ có. Thật tuyệt vời làm sao một Đức Chúa Trời nhơn từ mà chúng ta có được! Ôi ước mong sao cả bạn nữa, bạn cũng biết chắc chắn rằng bạn được cứu, biết chắc chắn rằng Chúa Cứu Thế là Chúa và Cứu Chúa của bạn. Nếu có một người đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu và người đó là bạn bởi vì bạn nhận ra rằng bạn giống Ru-tơ, giống Na-ô-mi, bạn phải trở về Nhà Bánh thì cũng làm cho sự học bài nầy trở nên đáng giá. Chúa Cứu Thế Giê-xu, Nhà Bánh, là sự cứu rỗi lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Cám ơn bạn rất nhiều đã cho tôi vinh dự được học với bạn bài học trong sách Ru-tơ nầy. Cầu xin Chúa ban phước cho bạn cách dư dật.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)