Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Kết Quả Của Sự Công Bình - 5/2009  


KẾT QUẢ CỦA SỰ CÔNG BÌNH
(1Phierơ 3:10-12)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Trong suốt mấy tuần qua chúng ta đã để thời gian xem xét vấn đề Cơ Đốc Nhân cần sống thế nào trong những ngày tháng làm khách bộ hành trên đất này. "Chúng ta cần phải sống thế nào với cương vị là công dân, là tôi tớ, là chồng, là vợ?" là chủ đề của những bài học vừa qua. Chúng ta được kêu gọi thuận phục cách khiêm nhường dưới những người có thẩm quyền trên mình. Chồng được dạy phải quý trọng và hiểu biết vợ. Hết thảy Cơ Đốc Nhân chúng ta được dạy phải yêu thương lẫn nhau, hầu việc nhau. Chúng ta cần phải kiên nhẫn với những người xem thường và bắt bớ chúng ta. Hết thảy mọi điều này nói lên rằng trong bản tánh, tấm lòng, cách sống của chúng ta, chúng ta cần phải nên giống như Đấng Christ. Chúng ta cần phải giống như Ngài, như những người được hiệp một với Ngài. Chúng ta là những người bắt chước Đấng Christ, những người mang ảnh tượng Ngài. Chúng ta là những người thể hiện bản tánh của Ngài trên thế gian này. Khi ý niệm về sự nên giống như Đấng Christ được hội thánh tiếp nhận, hiểu biết đúng đắn và làm theo, nó mang đến một tác động to lớn trong thái độ của chúng ta đối với những người khác mà chúng ta tiếp xúc.

Đoạn Kinh Thánh hôm nay của chúng ta tiếp nối dòng tư tưởng này bằng cách đưa ra cho chúng ta nguyên nhân vì sao chúng ta phải sống theo cách này. "Vả, Ai muốn yêu sự sống Và thấy ngày tốt lành..." Từ ngữ "vả" kết nối đoạn Kinh Thánh này với đoạn Kinh Thánh trước. Tại đây sứ đồ Phierơ trích dẫn Thi Thiên 34, đưa ra cho chúng ta nguyên nhân tại sao chúng ta phải phát huy những bản tánh Cơ Đốc Nhân tin kính. Phierơ bắt đầu bằng lời trích dẫn "ai muốn yêu sự sống và thấy ngày tốt lành..." Lập luận chính của ông tại đây là nếu chúng ta yêu đời và muốn có những ngày tháng tốt đẹp thì chúng ta cũng phải sống công bình tránh khỏi sự gian ác.

Điều đầu tiên chúng ta muốn tìm hiểu tại đây là Phierơ muốn nói gì khi ông nói đến "yêu sự sống". Khi Chúa Giêxu nói đến những người yêu sự sống trong Giăng 12, Ngài nói rằng: "Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất." Ngài nói đến sự "yêu sự sống" như là một thái độ tiêu cực, là điều sai trật. Chúng ta không nên làm theo điều đó. Thế nhưng khi đọc trong 1Phierơ đoạn 3 từ câu 10 trở đi, chúng ta thấy có một ý nghĩa tích cực đối với sự yêu sự sống tại đây. Yêu sự sống là điều chúng ta nên ao ước. Rõ ràng rằng tại đây không hề có sự mâu thuẩn gì mà hai ý bổ sung cho nhau. Giăng 12 nói đến sự sống chỉ chăm chú về đời này, sống theo xác thịt, sống cho những gì hiện tại trước mắt mà hoàn toàn không quan tâm gì đến sự sống đời sau, sống liều lĩnh không để tâm gì đến Đức Chúa Trời và sự công bình Ngài. Giăng đoạn 12 đề cập đến cuộc đời không có Đấng Christ. Ngược lại tại đây Phierơ đang nói đến đời sống trong Đấng Christ. Chúng ta có thể yêu mến, nâng niu, ao ước sự sống mà chúng ta được ban cho trong Đấng Christ. Đây là sự sống mà Đức Chúa Trời đã ban cách nhưng không cho những người đặt lòng tin nơi Ngài. Ngài đã ban cho chúng ta một sự sống đời đời không bao giờ qua đi, được giữ trên trời cho chúng ta (1Phierơ đoạn 1), một sự trông cậy sống. Chúng ta đều là những người kế tự của ân điển sự sống. Ấy là sự ban cho của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Những điều đó có thể được trân trọng. Trong thư tín này, mỗi khi nói về sự sống, vị sứ đồ Phierơ nói về sự sống mới này là sự sống chúng ta có được trong Chúa Giêxu Christ Cứu Chúa chúng ta. Ấy là sự sống mà chúng ta yêu mến trân trọng.

Tuy nhiên chúng ta có thể đặt câu hỏi "Liệu sự sống đề cập đến tại đây có phải chỉ là sự sống mà chúng ta đã được ban cho trong tương lai hay không?" "Có phải sự sống mà chúng ta yêu mến là sự sống trên trời không hay nó cũng bao gồm cả đời sống trên đất này nữa?" Nói cách khác, ơn phước liên hệ đến sự công bình đó có khởi sự ngay trong hiện tại không hay là điều mà chúng ta chỉ có được tại bên kia thế giới, khi chúng ta đến thiên đàng, mà chúng ta nhìn thấy tương lai trước không? Đoạn Kinh Thánh chỉ rõ rằng sự yêu sự sống của chúng ta và thấy ngày tốt lành là một thực tại trong hiện tại sẽ được trọn vẹn khi chúng ta bước vào thiên quốc. Sự sống của chúng ta trong Đấng Christ đã bắt đầu trong hiện tại mà không phải chỉ thuộc cõi tương lai. Chúng ta đã được làm cho sống lại trong sự sống mới ngay trong hiện tại. Những ngày tốt lành của chúng ta đã bắt đầu, đặc biệt khi chúng ta nhìn mọi sự đó trong sự so sánh với sự trống rỗng của đời sống mà vị sứ đồ nói đến trong đoạn 1. Rõ ràng đoạn Kinh Thánh nói đến phước hạnh liên quan đến sự công bình đến với chúng ta ngay bây giờ. Mắt Chúa dõi xem chúng ta ngay trong hiện tại. Ngay trong đời này, Ngài lắng nghe lời cầu xin của chúng ta. Đôi khi Cơ Đốc Nhân xem nhẹ những ơn phước trong đời này. Họ cho rằng không có gì đáng yêu mến nơi đời sống hiện tại. Họ cam chịu đời sống đau đớn khốn khổ và chỉ chờ đợi ngày tốt lành trong đời sau mà thôi. Tuy nhiên đây không phải là thái độ của Thánh Kinh, không phải là thái độ của sứ đồ Phaolô. Trong Philíp đoạn 1 câu 21, đang khi bị giam cầm trong nhà tù La Mã vì tội giảng Tin Lành ân điển, giữa sự bắt bớ, đánh đập, ông đã nói rằng: "Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy." Ông bị ép giữa hai bề. Dù cuộc đời dẫy đầy khổ sở đau đớn, sứ đồ Phaolô yêu sự sống mình trong Đấng Christ. Ông yêu mến sự hầu việc Đấng Christ. Ông ham thích chia sẻ Tin Lành cho những ai chưa nghe đến. Ông thích được khích lệ những thánh đồ mà ông đã rao giảng Tin Lành cho. Ở trong Đấng Christ, ông thỏa lòng giữa sự bắt bớ. Dù cuộc đời có sóng gió, ông yêu mến Chúa. Ông biết tình yêu mến Chúa và ngày tháng của ông là tốt lành. Ông được Đức Chúa Trời ban phước. Hẳn nhiên ông biết chắc và chờ đợi những ngày tháng tốt lành hơn trong tương lai. Tuy nhiên ông vẫn yêu mến đời sống mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông trong Chúa Giêxu Christ ngay trong chính đời này. Đoạn Kinh Thánh hôm nay dạy chúng ta yêu sự sống. Đây là điều chúng ta ao ước, là điều tốt lành cho chúng ta. Chúng ta cần yêu mến sự sống mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mà không phải sự sống của thế gian này.

Nếu chúng ta muốn yêu sự sống và thấy ngày tháng tốt lành, Kinh Thánh tiếp rằng chúng ta cần phải sống công bình, giữ gìn miệng lưỡi mình khỏi sự ác, tìm kiếm sự hòa bình, lánh điều dữ mà tìm điều lành, tìm kiếm sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Chúng ta rất cần để ý rằng tại đây không có ý nói rằng sự sống đời đời của chúng ta hay đời sống hiện tại của chúng ta trên đất này là kết quả của sự công bình riêng của chúng ta. Chúng ta không nên đọc đoạn Kinh Thánh này và cho rằng "Nếu tôi gìn giữ miệng mình khỏi sự ác, xây khỏi sự ác, tìm kiếm sự hòa bình thì Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng sự sống đời đời cho chúng ta." Ý tưởng đó sẽ mâu thuẩn với hết thảy phần còn lại của Thánh Kinh. Chúng ta chẳng được cứu bởi công trạng của chính chúng ta. Sự sống chúng ta chẳng phải được ban cho bởi sự công bình riêng của chúng ta. Kinh Thánh dạy nhiều lần rằng ấy là bởi sự công bình của Đức Chúa Giêxu Christ. Đấng Christ đã làm trọn mọi đòi hỏi của luật pháp Đức Chúa Trời. Ấy chính là sự công chính của Ngài ban cho chúng ta cách nhưng không đã cứu chúng ta và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Ấy chính là sự chết của Chúa Giêxu trên thập tự giá đã trả thay sự không công bình của chúng ta, thỏa mãn sự công chính của Đức Chúa Trời khiến chúng ta được làm hòa trước mặt Đức Chúa Trời. Kinh Thánh luôn tỏ rõ rằng sự sống chúng ta có được trong Đấng Christ là một sự ban cho từ Đức Chúa Trời. Sự công bình chúng ta là trong Đấng Christ chớ không phải là nơi chính chúng ta. Chúng ta là những người thừa kế. Là người thừa kế, chúng ta không làm gì để được hưởng gia tài mà chỉ nhận lãnh điều ban cho mình mà thôi. Tuy nhiên đoạn Kinh Thánh cũng nói rõ rằng nếu chúng ta đã được làm nên công bình, nếu tấm lòng chúng ta đã được nên tinh sạch bởi huyết báu Đấng Christ, thì kết quả tự nhiên của điều đó là chúng ta sống một cách công chính, tìm kiếm sự công bình. Nếu chúng ta không có chút khao khát nào về sự công bình, về đời sống sống cho Chúa Giêxu Christ thì chúng ta hãy tự hỏi xem mình có nếm biết sự tốt lành của Chúa chưa. Tuy nhiên nếu chúng ta yêu mến sự sống mà chúng ta đã được ban cho trong Đấng Christ, yêu mến những ngày tháng tốt lành mà chúng ta đã nhận lãnh từ tay Ngài, thì cách sống của chúng ta sẽ phản ánh điều Thi thiên 34 nói đến. Chúng ta sẽ sống công bình, sẽ ghét điều ác và tìm kiếm làm theo sự tốt lành.

Đoạn Kinh Thánh tiếp tục đưa ra cho chúng ta những điểm chi tiết, những việc làm công chính nào chúng ta cần làm. Trước hết, nếu chúng ta yêu sự sống và muốn thấy ngày tốt lành, chúng ta "phải giữ gìn miệng lưỡi". Theo sách Giacơ, điều này không dễ chút nào. Gia cơ đoạn 3 câu 6 và 8 chép: "Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lửa địa ngục đốt cháy... Nhưng cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết." Đây là những từ ngữ mạnh mẽ mô tả cái lưỡi. Dầu vậy, là Cơ Đốc Nhân, chúng ta được kêu gọi phải giữ gìn miệng lưỡi mình khỏi sự ác. Miệng lưỡi chúng ta không được để cho lửa địa ngục đốt cháy. Lưỡi chúng ta phải bày tỏ một tấm lòng đã được biến cải bởi Tin Lành ân điển. Chúa Giêxu dạy chúng ta rằng không phải vật đi vào miệng làm ô uế mà chính là những gì từ miệng ra mới làm dơ dáy người bởi nó tỏ bày tấm lòng của người ta mà làm ô uế người ấy. Chúng ta thấy nếu chúng ta phải giữ gìn miệng lưỡi mình thì trước tiên tấm lòng chúng ta phải được tẩy sạch bởi huyết báu Đấng Christ. Chỉ khi nào tấm lòng chúng ta đã được tẩy sạch bởi Tin Lành, khi Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự trong lòng chúng ta thì chúng ta mới có thể gìn giữ miệng lưỡi mình. Miệng lưỡi chúng ta sẽ bày tỏ bản tánh của Đấng Christ mà không phải bản tính của Satan. Một hình ảnh rất sinh động của vấn đề này trình bày trong Thi Thiên 39 câu 1, "Tôi nói rằng: Tôi sẽ giữ các đường lối tôi, Để tôi không dùng lưỡi mình mà phạm tội: Đang khi kẻ ác ở trước mặt tôi, Tôi sẽ lấy khớp giữ miệng tôi lại." Tác giả Thi Thiên quan tâm đến những lời nói của miệng mình. Ông nói đến việc lấy khớp giữ miệng mình lại. Chúng ta hãy thử hình dung điều này, có ai đó canh gác ngay cửa miệng chúng ta để canh chừng những lời ra từ đó xem có điều gì trái ngược với ý Chúa không. Ông nói đến mức là lấy khớp giữ miệng mình lại. Chúng ta rất cần canh giữ những lời của miệng mình bởi những lời của miệng chúng ta có thể làm thương tổn người khác. Rất nhiều lần những lời nói thiếu tình yêu thương ra từ miệng chúng ta đeo đẳng trong lòng và tâm trí của người bị thương tổn trong một thời gian rất dài. Lời nói Cơ Đốc Nhân phải khích lệ lẫn nhau trên bước đường theo Chúa. Chúng ta cần hầu việc lẫn nhau, cần nói ra những lời thể hiện tấm lòng đã được biến cải bởi Đấng đã yêu thương chúng ta. Chúng ta cần phản ánh tình yêu thương Đấng Christ. Nếu chúng ta có Đấng Christ trong lòng mình thì lời nói chúng ta phải thể hiện điều đó. Thế thì điều đó cũng dẹp đi mọi sự ngồi lê đôi mách, nói xấu người khác, nói về người khác theo cách mà chúng ta không thể nào dám nói trước mặt họ y như vậy, một cách xem thường, hạ thấp chẳng hạn. Thế thì chúng ta cần gìn giữ môi miệng mình khỏi điều ác, canh giữ miệng mình. Và nếu điều đó là khó quá cho chúng ta, hãy khớp miệng mình lại.

Chúng ta không chỉ được dạy dỗ gìn giữ lưỡi mình khỏi điều ác, chúng ta còn phải giữ miệng mình khỏi lời gian dảo. Rõ ràng rằng chúng ta, những người giống Đấng Christ, những người đã được Tin Lành Chúa thay đổi, phải nói ra lẽ thật. Đấng Christ là nguồn lẽ thật. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời không nói dối. Nếu bản tánh chúng ta thật sự phản ánh ảnh tượng của Đấng Christ thì môi miệng của chúng ta sẽ không nói ra lời gian dảo. Thay vào đó, chúng ta sẽ nói ra lẽ thật. Tôi tin rằng điều này là quan trọng đối với người lớn cũng như đối với trẻ em nữa. Hôm nay tôi cũng muốn nói vài lời với các em nhỏ. Khi cha mẹ hỏi các em điều gì đó, em có nói sự thật không? Các em có nói thật khi ba mẹ hỏi các em có làm điều gì đó sai quấy không? Kinh Thánh dạy chúng ta rằng nếu chúng ta là Cơ Đốc Nhân, chúng ta yêu mến Chúa, yêu mến sự sống mà Ngài ban cho chúng ta, thì chúng ta phải nói sự thật. Cũng thế, người lớn cũng phải nói sự thật với nhau. Tôi khích lệ chúng ta kiểm tra xem những lời ra từ miệng chúng ta có phản ánh bản tánh của Đấng Christ đang ngự trong chúng ta không.

Hơn nữa, đoạn Kinh Thánh tiếp tục dạy chúng ta "phải lánh điều dữ". Suy nghĩ về câu này, chúng ta trước hết phải hiểu "điều dữ" là gì. Có nhiều hình thức của điều dữ. Có nhiều cách để chúng ta vi phạm điều này. Đôi khi chúng ta nghĩ đến điều dữ theo nghĩa cực đoan. Chẳng hạn như Sadam Hussein hay Hít-le là những người dữ. Nhưng đó có phải là phạm vi của điều dữ không? Có phải điều ác là những gì gian ác hơn mọi người khác không? Tôi tin rằng Kinh Thánh nhìn điều ác đơn thuần là sự chống nghịch ý muốn Đức Chúa Trời. Cơ Đốc Nhân chúng ta được dạy phải làm điều lành không phải theo mắt nhìn của chúng ta mà theo mắt nhìn của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy dân Ysơraên trong Cựu Ước làm những điều tốt theo mắt họ. Nhưng những điều ấy lại là gian ác trong mắt Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta phải lánh khỏi mọi điều làm ô uế đền thờ của Đức Chúa Trời, những gì không thánh khiết tốt đẹp dưới mắt Ngài. Chúng ta phải lánh những điều quyến dụ chúng ta, lánh sự tà dâm, sách báo khiêu dâm, trộm cắp, gian dối, phải hiếu kính cha mẹ, không tham lam những gì Đức Chúa Trời không ban cho mình, hết lòng hết trí hết sức mà hầu việc Đức Chúa Trời, yêu mến Ngài. Nếu chúng ta lánh điều dữ thì sự hầu việc Chúa là trọng tâm của đời sống chúng ta. Chúng ta theo đòi những sự tốt lành, tìm kiếm sự vâng phục theo ý muốn Đức Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh tiếp tục dạy chúng ta, "tìm sự hòa bình mà đuổi theo." Sứ điệp của Chúa Giêxu xuyên suốt những ngày trên đất của Ngài là chúng ta phải là những người giảng hòa, "Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!" Rôma đoạn 12 dạy chúng ta rằng chúng ta phải hết sức có thể được mà sống hòa bình với mọi người. Đây là cách chúng ta phải sống giữa thế gian hư mất này. Không phải lúc nào chúng ta cũng đạt được sự hòa bình đó. Tại chỗ khác trong Kinh Thánh Chúa Giêxu phán Ngài đã không đến để ban sự hòa bình, bèn là mang gươm giáo. Cũng có lúc người ta không đón nhận sứ điệp của Tin Lành một cách tử tế mà phản ứng lại với sự bắt bớ và ghét bỏ. Tuy nhiên trong khả năng tối đa của chúng ta, chúng ta phải sống hòa bình với người khác, không tìm kiếm sự tranh cãi, gây khó khăn. Chúng ta cần tìm kiếm sự hòa bình trong mối quan hệ với người khác. Tuy nhiên không chỉ là sự hòa bình trong mối quan hệ xã hội mà thôi, để tìm kiếm sự hòa bình chân thật, chúng ta ao ước một sự hòa bình sâu xa hơn. Một phần của việc tìm kiếm sự hòa bình là mang Tin Lành bình an cho người khác để dạy họ ý muốn Chúa, để dạy họ rằng chính họ cần ân điển của Chúa Giêxu Christ. Bởi khi ấy chúng ta có thể từng trải sự bình an thật, không phải chỉ là sự hòa bình với nhau mà thôi mà là sự bình an với chính Chúa. Đây là sự bình an mà con cái Chúa chúng ta phải tìm kiếm cách trung tín trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Hãy tìm kiếm sự công bình và theo đuổi nó.

Kinh Thánh dạy rằng "Vì mắt Chúa đoái trông người công bình". Tôi muốn nhấn mạnh tại đây rằng sự công bình này không phải là sự công bình của riêng chúng ta. Nếu chúng ta tự xét mình trong tấm gương của ý muốn Chúa chúng ta cũng sẽ thấy điều đó. Chúng ta biết rằng tự chúng ta không công bình. Tuy nhiên chúng ta là công bình trong Đấng Christ. Tội lỗi chúng ta đã được tha thứ nếu chúng ta yêu mến Chúa, xưng nhận tội lỗi mình trước Ngài. Ngài hứa với chúng ta rằng: "Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác." Chúng ta đã được khiến cho hoàn toàn đẹp lòng Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Và bởi sự công bình mà chúng ta đã được ban cho trong Đấng Christ mà lời cầu nguyện của chúng ta được nghe đến. Đã được làm nên công bình, chúng ta cũng tiếp tục sống công bình. Đức Chúa Trời ở cùng chăm xem lắng nghe lời cầu nguyện của những kẻ công bình trong Ngài.

Kinh Thánh tiếp tục dạy chúng ta ở phần cuối rằng "Nhưng mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác." Tôi muốn chúng ta suy gẫm về "mặt Chúa". Đây là một cách nói ẩn dụ mạnh mẽ về về sự phán xét và rủa sả kinh khiếp của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy trở lại sách Xuất Êdíptô Ký, Môise xin được thấy Chúa, Chúa nói cùng ông rằng ông không thể nhìn thấy mặt Đức Chúa Trời bởi nếu nhìn thấy, chắc chắn ông sẽ chết. Bởi lẽ, Môise cũng như tất cả chúng ta, đều là tội nhân. Nếu đối diện với Đức Chúa Trời, ông sẽ phải chết. Môi se chỉ nhìn thấy sau lưng Đức Chúa Trời mà thôi và chỉ làm được khi ông được chính cánh tay Đức Chúa Trời che phủ. Nếu chúng ta phải đối diện với Đức Chúa Trời và Ngài đối nghịch cùng chúng ta, điều đó thật đáng kinh khiếp thay! Nếu chúng ta cứ miệt mài trong sự gian ác mình thì Ngài nghịch cùng chúng ta. Tôi không muốn ai trong chúng ta phải trải qua điều này. Chúng ta chỉ có thể bước vào sự hiện diện Đức Chúa Trời và ngắm xem mặt Ngài nếu chúng ta đã được làm nên công bình trong Đấng Christ.

Là những người yêu mến sự sống mình trong Đấng Christ, muốn thấy những ngày tốt lành, nếm biết ân huệ của Đức Chúa Trời, chúng ta hãy sống đời sống công bình, canh giữ miệng lưỡi mình khỏi sự ác, nói ra lẽ thật, lánh khỏi mọi điều ác, làm mọi điều tốt lành trong mắt Đức Chúa Trời. Xin chúng ta hãy tìm sự hòa bình mà đuổi theo. Xin chúng ta hãy sống vì sự công bình của Đức Chúa Trời. Amen.

Lạy Cha thiên thượng từ ái của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài về lời Ngài đã khích lệ chúng con trong sự công chính. Chúng con đã được ban cho một sự sống mà chúng con trân trọng, đời sống hầu việc Ngài, sự sống không hề chấm dứt, sự sống ban cho chúng con những ngày tốt lành dù phải chịu khổ đau thử thách. Lạy Chúa, chúng con ca ngợi Ngài về mọi sự này và ao ước của chúng con là lánh khỏi điều ác, khước từ lối sống cũ của chúng con và sống vì sự vinh hiển Ngài. Xin cho chúng con canh giữ miệng lưỡi mình hầu nó không gây rắc rối hay tổn thương mà khích lệ lẫn nhau trong Chúa. Chúng con cũng xin Ngài thanh tẩy tấm lòng chúng con khỏi sự ác, khiến chúng khỏi lánh khỏi mọi điều cám dỗ. Xin cho chúng con tìm kiếm sự hòa bình trong khả năng tối đa của mình với người khác. Xin ở cùng chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)