Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Sự Giàu Có Của Cơ Nghiệp Vinh Hiển Ngài - 8/2001  


SỰ GIÀU CÓ CỦA CƠ NGHIỆP VINH HIỂN NGÀI
(Ê-phê-sô 1:18-19)

Tháng Tám 2001

"Lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao*, và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình"

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Thế Giêxu. Hôm nay chúng ta được vinh dự suy gẫm về một thực sự lớn lạ và vinh hiển, một lẽ thật lớn và vinh hiển được bày tỏ ra trong Thánh Kinh. Chúng ta sẽ để thì giờ suy gẫm về đề tài rất gần gũi và ưa chuộng của mọi tín hữu đã được Đức Chúa Trời kêu gọi, đó là sự chúng ta được hưởng cơ nghiệp thiên đàng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, sự giàu có của thiên đàng, sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta. Còn gì thích thú hơn là để thì giờ nghĩ đến và suy gẫm về kết quả cuối cùng của sự cứu rỗi của chúng ta, rằng chúng ta sẽ cai trị với Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế đời đời cho đến muôn đời.

Chúng ta sẽ xem xét về sự giàu có của sự vinh hiển Ngài ban cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế qua việc Ngài ban cho chúng ta cơ nghiệp của Ngài. Trong những lần trước chúng ta đã được học bài cầu nguyện của Phao-lô từ câu 15 đến 23 của đoạn 1. Lời cầu nguyện của ông cho hội thánh Ê-phê-sô và sau nữa là cho tất cả những ai được có cơ hội đọc thư tín nầy. Hai lần trước chúng ta đã thấy lời cầu nguyện nầy được dâng lên cho Đức Chúa Trời là Cha, giờ đây xin cho chúng ta được mở mắt hầu hiểu được sự mầu nhiệm của Tin lành, nguyện chúng ta được soi sáng để hiểu được 3 điều đặc biệt trình bày sau đây. Lần trước chúng ta tập trung vào sự trông cậy về sự kêu gọi của Ngài. Lần nầy chúng ta sẽ tập trung vào "sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ". Chúa cho phép, lần tới chúng ta sẽ suy gẫm về quyền năng của sự sống lại của Chúa Cứu Thế.

Hôm nay chúng ta sẽ suy gẫm về "sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ". Trước hết, chúng ta muốn xem xét vấn đề giảng nghĩa hay câu hỏi phát sinh ra khi chúng ta học phần Kinh Thánh nói đến cơ nghiệp của Ngài tại đây, kế đến chúng ta sẽ suy nghĩ đến sự vinh hiển dư dật của cơ nghiệp Ngài và cuối cùng chúng ta sẽ xem suy gẫm tại sao hội thánh rất cần phải học biết về những điều nầy.

Nếu quí vị xem phần sau của câu 18 nói về "sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao*" thì quý vị sẽ thấy vấn đề tranh luận chính ở đây là ở những chữ "cơ nghiệp vinh hiển Ngài". Có hai cách diễn giải những chữ nầy. Theo cách thứ nhất, nhiều người giải thích rằng những chữ nầy ý nói các thánh đồ được đề cập đến trong câu nầy là cơ nghiệp của Ngài. Theo cách giải thích nầy cơ nghiệp được nói đến ở đây không có nghĩa là cơ nghiệp chúng ta được ban cho bởi Đức Chúa Trời nhưng chúng ta là cơ nghiệp của Ngài. Chúng ta không thể bác bỏ cách giải thích này vì cho rằng lập luận này không vững, vì Kinh Thánh nhiều chỗ gọi dân sự của Đức Chúa Trời theo cách đó, rằng chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời và là cơ nghiệp của Ngài.

Xin chúng ta xem với nhau vài phần Kinh Thánh. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 34:9, "Lạy Chúa! Nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin hãy đi giữa chúng tôi, vì dân nầy là một dân cứng cổ. Xin hãy tha sự gian ác cùng tội lỗi, và nhận chúng tôi làm cơ nghiệp Chúa." Ở đây Môi-se xin Chúa đừng hủy diệt dân sự của Ngài và ông gọi dân sự của Đức Chúa Trời là cơ nghiệp của Ngài. Cũng giống như vậy, Phục Truyền-luật-lệ Ký 9:26, "Vậy, vì cớ Đức Giê-hô-va có phán rằng Ngài toan diệt các ngươi, nên ta cứ sấp mình xuống trước mặt Đức Giê-hô-va trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, cầu khẩn Ngài mà rằng: Chúa Giê-hô-va ôi! xin chớ diệt dân sự của Chúa, là cơ nghiệp của Chúa, mà Chúa đã lấy sự oai nghiêm Ngài chuộc lại, và nhờ tay quyền năng rút ra khỏi xứ Ê-díp-tô." Câu 29 lặp lại những chữ đó, "Song chúng vốn là dân sự và cơ nghiệp của Chúa" Nhiều câu khác cũng nói đến giống như vậy, Phục Truyền-luật-lệ Ký 32:9, 1Các Vua 8:51 và trong một số Thi-thiên. Xem xét những câu Kinh Thánh nầy, chúng ta được xem như là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Điều nầy cũng không xa lạ gì với sách Tin lành Giăng. Nhiều lần trong sách Tin lành Giăng Chúa Giê-xu nói đến những thánh đồ là những người được ban cho Ngài. Những ai được Chúa kêu gọi là cơ nghiệp của Ngài. Là cơ nghiệp của Ngài chúng ta cũng được chia sẻ cái vinh dự là được ở cùng Ngài. Đây là một cách giải thích chữ "cơ nghiệp" của Đức Chúa Trời trong câu 18.

Một cách giải thích khác nhấn mạnh một quan điểm khác cho rằng cơ nghiệp được nói đến là cơ nghiệp của chúng ta nhưng cơ nghiệp đó là quà tặng của Đức Chúa Trời ban cho hội thánh Ngài. Đây là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời và cuối cùng Ngài sẽ ban cho dân sự Ngài. Dù cách giải thích trên kia cũng có ý nghĩa và có thể chấp nhận khi học phần Kinh Thánh nầy nhưng tôi cho rằng dường như cách giải thích thứ hai thích hợp với đoạn văn nầy hơn vì những lý do sau đây: Thường thường khi Tân ước nói đến cơ nghiệp thì nói đến cơ nghiệp Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài. Khi nghiên cứu Cựu ước chúng ta thấy cơ nghiệp ban cho dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ Cựu ước là đất hứa, xứ Ca-na-an, đó là cơ nghiệp mà họ nhận được từ nơi Đức Chúa Trời. Trong Tân ước hầu hết những lần đề cập đến cơ nghiệp là nói đến phần thưởng trên thiên đàng được ban cho dân sự của Đức Chúa Trời. Vì vậy khi xem xét trong bối cảnh của Tân ước, cách giải thích nầy là thích hợp hơn. Đồng thời nó cũng thích hợp với ý tưởng của sách Ê-phê-sô.

Chúng ta đã thấy điều nầy được nói đến hai lần trước. Xin xem câu 11, "Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán", thêm nữa trong câu 14, "Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài." Một lần nữa, cả hai câu nầy nói về cơ nghiệp mà chúng ta nhận được từ nơi Đức Chúa Trời. Cơ nghiệp thiên đàng mà Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài.

Khi học bài cầu nguyện của Phao-lô trong Ê-phê-sô đoạn 1, chúng ta thấy lời cầu nguyện của Phao-lô cho các thánh đồ ở Ê-phê-sô phát sinh từ hay đặt nền tảng trên câu 3 đến câu 14 của đoạn 1. Phao-lô cầu nguyện cho lẽ thật được tỏ ra sẽ được ứng dụng vào đời sống của người tin Chúa trong hội thánh. Cũng vậy, người ta có thể xem Cô-lô-se 1:12 có đề cập đến cơ nghiệp, "Hãy tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng" Một lần nữa, cơ nghiệp được nói đến là điều mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Tôi tin rằng khi quí vị học phần Kinh Thánh nầy trong phạm vi của Tân ước thì cơ nghiệp được nói đến trong câu 18 nầy bao gồm cơ nghiệp được ban cho hội thánh, là hi vọng về thiên đàng cho hội thánh. Dù chúng ta không phủ nhận cách giải thích thứ nhất, chúng ta có bằng chứng để thấy rằng cơ nghiệp nầy là cơ nghiệp ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời. "Cơ nghiệp vinh hiển Ngài" nhấn mạnh rằng cơ nghiệp mà chúng ta có là từ nơi Đức Chúa Trời chớ không phải điều gì đó tự chúng ta tìm được. Đó là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài.

Thánh Kinh giãi bày cho chúng ta thấy cơ nghiệp ban cho chúng ta trong nhiều phần Kinh Thánh. Đặc biệt chúng ta muốn suy gẫm về hi vọng của Cơ-đốc nhân, chúng ta phải hiểu rằng sự hi vọng đó không phải là mơ hồ viễn vông hay sự hi vọng trong sự hoài nghi bấp bênh như hi vọng của thế gian, nhưng Thánh Kinh dạy chúng ta rằng đây là sự hi vọng chắc chắn được mua lấy cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế. Như chúng ta đã đề cập đến, cơ nghiệp nầy chúng ta đang nếm biết ngay cả trong hiện tại bởi Đức Thánh Linh làm việc trong chúng ta, mà chắc chắn chúng ta cũng trông đợi đến ngày mà cơ nghiệp sẽ được ban cho chúng ta cách trọn vẹn.

Hôm nay tôi muốn suy gẫm về cơ nghiệp lớn lao và vinh hiển mà chúng ta được ban cho trong Chúa Cứu Thế và để suy gẫm xin chúng ta đọc một vài phần Kinh Thánh. Những phần Kinh Thánh nầy sẽ cho chúng ta thấy được hình ảnh của thiên đàng và xác định những gì Chúa Cứu Thế đã mua lấy cho chúng ta. Xin mở ra với tôi trong Khải huyền 7, như tôi thường nói đây là một trong những phần Thánh Kinh mà tôi ưa thích nhất. Trên một phương diện nào đó phần Kinh Thánh này cho phép chúng ta vén bức màn để nhìn vào sự vinh hiển của thiên đàng đang chờ đợi chúng ta. "Sự ấy đoạn, tôi nhìn xem, thấy vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là, cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con. Vả, hết thảy thiên sứ đứng vòng chung quanh ngôi và chung quanh các trưởng lão cùng bốn con sanh vật, sắp mặt xuống trước ngôi, mà thờ lạy Đức Chúa Trời, mà rằng: A-men! Sự ngợi khen, vinh hiển, khôn ngoan, chúc tạ, tôn quí, quyền phép và sức mạnh đều về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô cùng! A-men. Bấy giờ một trưởng lão cất tiếng nói với tôi rằng: những kẻ mặt áo dài trắng đó là ai, và bởi đâu mà đến? Tôi thưa rằng: Lạy chúa, chúa biết điều đó. Người lại phán cùng tôi rằng: Đó là những kẻ ra khỏi cơn đại nạn, đã giặt và phiếu trắng áo mình trong huyết Chiên Con. Ấy vì đó mà chúng được ở trước ngôi Đức Chúa Trời, và ngày đêm hầu việc Ngài trong đền Ngài; còn Đấng ngồi trên ngôi sẽ che chở chúng dưới trại Ngài. Chúng sẽ không đói không khát nữa; cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại đến mình. Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sống; Đức Chúa Trời sẽ lau hết nước mắt nơi mắt chúng" (Khải huyền 7:9-17). Đây là lời hứa, là sự hi vọng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.

Cũng xin quí vị mở ra với tôi trong Khải huyền 21, chúng ta có thể đọc cả đoạn để thấy được sự vinh hiển của trời mới đất mới ban cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế, nhưng chúng ta chỉ đọc với nhau 4 câu đầu mà thôi. "Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhứt và đất thứ nhứt đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa. Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình. Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết ,cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi" (Khải huyền 21:1-4).

Khi xem phần đầu tiên nhất của Thánh Kinh, người ta thấy vườn Ê-đen, người ta nhìn A-đam và Ê-va ăn trái cây cấm và rơi vào tội lỗi, người ta thấy sự sa ngã đó lan ra và kết quả của nó là sự chết, than khóc, đau buồn. Trong Chúa Cứu Thế sự than khóc và đau buồn đó được cất khỏi, lời hứa của thiên đàng được ban cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế. Trời mới đất mới là nơi không còn đau buồn, không còn nước mắt, không còn bệnh tật, không còn phạm tội bởi vì tội lỗi đã được cất khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nơi đang chờ đợi chúng ta trong Chúa Cứu Thế là nơi không còn tội lỗi nữa. Tác động của tội lỗi hoàn toàn được xóa bỏ và chúng ta sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời Rất Cao. Đó là điều đang chờ đợi chúng ta.

Xin xem trong Khải-huyền 22:1-5, "Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân. Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa; ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài; chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình. Đêm không còn có nữa, và chúng sẽ không cần đến ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ soi sáng cho; và chúng sẽ trị vì đời đời", "Song le, như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài" (1Cô-rinh-tô 2:9).

Không có lời lẽ nào diễn tả được cơ nghiệp mà Đức Chúa Trời ban cho những ai tin nhận Ngài. Không có nơi nào trên đất nầy mà quí vị từng đến có được sự vinh hiển, đẹp đẽ giống như vậy. Không có lúc nào trong đời sống của quí vị vui mừng hơn lúc đó. Không có mối tương giao thân mật nào mà quí vị từng có với bất cứ ai có thể so sánh với sự thân thiết mà quí vị sẽ có với Chúa là Đức Chúa Trời. Quí vị thấy không? "Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến..." về điều mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta trên thiên đàng. Trong Chúa Cứu Thế chúng ta được ban cho sự giàu có vượt quá mọi sự tưởng tượng mông lung nhất. Sự giàu có của thiên đàng là cơ nghiệp của chúng ta vượt quá tất cả mọi sự trên đất nầy. Không gì có thể so sánh được với điều mà chúng ta được ban cho trong Chúa Cứu Thế.

Quí vị hãy suy nghĩ về những gì trên thế gian nầy, về những bông hoa mà quí vị hái chưng trên bàn, thấy thế nào nó sẽ tàn héo và chết đi. Dù chúng nó rất xinh đẹp trong một lúc nào đó nhưng rồi chúng nó sẽ tàn héo. Nhưng cơ nghiệp mà chúng ta được ban cho trên thiên đàng trong Chúa Cứu Thế tồn tại đời đời. Cơ nghiệp đó không bao giờ bị cất đi. Sẽ không còn sự mục nát, không còn sự chết. Cơ nghiệp đó lớn hơn tất cả những gì trên thế gian nầy, nó không bị hư hỏng hay mục nát, nó không bị tác động bởi tội lỗi. Tôi phải cố hết sức tìm ra những chữ có thể cho quí vị thấy được một bức tranh tương xứng, thích hợp mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế nhưng tôi không thể tìm được, bởi sự giàu có vượt quá mọi sự diễn đạt của lời nói. Chúng ta biết điều chúng ta được ban cho trong Chúa Cứu Thế lớn hơn tất cả những sự tưởng tượng cao xa nhất của chúng ta.

Tại sao chúng ta rất cần nên biết điều nầy? Tại sao lời cầu nguyện trong Ê-phê-sô đoạn 1 xin cho mắt chúng ta được mở ra để "hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao"? Tại sao chúng ta rất cần được nhìn thấy hay được nhắc nhở về điều nầy? Tất nhiên, nguyên nhân trước nhất mà chúng ta nghĩ đến là vì đây là một sự yên ủi lớn cho chúng ta. Nó cho chúng ta niềm hi vọng về điều chưa xảy đến mà Chúa Cứu Thế đã làm trọn cho chúng ta. Nó đem đến sự yên ủi lớn cho chúng ta trong hoạn nạn vì biết rằng thế gian nầy không phải là nhà của chúng ta. Chúng ta là khách lạ khi phải trải qua những sự đau khổ, thử thách trên đời nầy. Những điều đó sẽ qua đi. Những ai trong Chúa Cứu Thế sẽ không bao giờ phải trải qua những điều đó một lần nữa nơi thiên đàng. Chúng ta có niềm hi vọng về sự sống đời đời.

Đức Chúa Trời truyền dạy chúng ta trong lời Ngài rằng chúng ta phải chăm xem trông đợi Chúa Cứu Thế, luôn luôn chăm xem Ngài vì đó là mục đích và hi vọng của chúng ta. Nó cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về những gì trên thế gian nầy để chúng ta không bị quá vướng bận vào sự vui thú của thế gian và những gì thuộc về nó. Nếu chúng ta quá vướng bận về những gì của thế gian nầy thì chúng ta sẽ bắt đầu xem đây là nhà đời đời của chúng ta. Không, Thánh Kinh dạy chúng ta trong 1Phi-e-rơ 1 rằng chúng ta là khách lạ trên thế gian nầy. Chúng ta sống trên đất nầy một thời gian rồi chúng ta cũng sẽ tàn héo như cỏ. Điều duy nhất còn lại là cơ nghiệp mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế Giêxu.

Chúng ta nhìn xem sự giàu có của thiên đàng để nhìn thấy được điều Chúa Cứu Thế đã làm trọn cho chúng ta. Điều nầy giục lòng chúng ta cảm tạ, ngợi khen Đức Chúa Trời phải không? Khi suy nghĩ về ân điển Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khi Ngài gọi chúng ta về ở với Ngài đời đời, khi suy nghĩ về một nơi không còn có tội lỗi và chúng ta được gọi về để ở nơi đó, chúng ta được thúc giục mà cảm tạ Chúa Cứu Thế Giêxu bởi vì Ngài đã cất tội lỗi chúng ta đi hầu cho chúng ta được ở với Ngài đời đời. Những ai còn sống trong tội lỗi sẽ không được chia sẻ sự vui mừng, sự hi vọng về cơ nghiệp đó bởi cơ nghiệp đó chỉ dành cho những ai ở trong Chúa Cứu Thế mà thôi.

Đang khi chờ đợi được hưởng cơ nghiệp đó chúng ta không được bảo rằng mình phải lánh khỏi thế gian. Chúng ta được kêu gọi sống trong thế gian nầy. Có nhiều người cho rằng Cơ-đốc giáo là liều thuốc phiện ru ngủ khiến người ta không quan tâm quá đến những việc thuộc về thế gian nầy. Thánh Kinh dạy chúng ta rằng chúng ta phải làm việc trên thế gian nầy, chúng ta phải là đầy tớ của Chúa Cứu Thế trên thế gian nhưng chúng ta không xem đây là nơi hi vọng đời đời của chúng ta. Hi vọng của chúng ta là ở trên thiên đàng. Sự hi vọng của chúng ta là sự trông đợi được sống với Đức Chúa Trời trong trời mới và đất mới. Khi suy gẫm về sự dư dật của cơ nghiệp chúng ta, chúng ta nhận ra rằng chúng ta giàu có xa hơn những gì có thể so sánh được. Người ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng Bill Gate là người giàu có nhất thế giới, nhưng Bill Gate không thể bì được với sự giàu có thật sự của một người nghèo nhất trong những người tin Chúa. Bởi vì người nghèo nhất trong những người tin Chúa có được sự giàu có của Tin lành và sự hi vọng của sự sống đời đời. Đây không phải là sự giàu có sẽ trở nên vô ích cho quí vị một khi quí vị qua đời. Đây là sự giàu có của Đức Chúa Trời vượt quá bất cứ sự giàu có nào trên đất nầy. Vì vậy, lời cầu nguyện trong Ê-phê-sô 1 xin cho chúng ta hiểu được sự vui mừng của cơ nghiệp chúng ta, để chúng ta hiểu được sự vĩ đại của sự giàu có mà chúng ta có trong Chúa Cứu Thế, rằng trong Chúa Cứu Thế chúng ta được sự giàu có không gì có thể so sánh được.

Cuối cùng, sự vinh hiển của cơ nghiệp chúng ta tương phản rõ ràng với kết cục của kẻ ác. Những ai vẫn cứ sống trong tội lỗi sẽ bị hình phạt. Thiên đàng không dành cho tất cả mọi người. Tôi nhận ra một điều khi tôi dự nhiều đám tang. Tại đám tang người ta tưởng như tất cả mọi người chết đều lên thiên đàng, ai cũng được cứu bất kể người đó có sống một đời sống tin kính hay có tin nhận Chúa Cứu Thế hay không. Ai cũng muốn dùng điều đó để an ủi những người thân trong gia đình người quá cố, nhưng chúng ta phải nói rằng tại nhiều đám tang người ta chỉ có sự hi vọng hảo huyền, sự an ủi giả dối bởi người kia đã không qua đời trong Chúa Cứu Thế.

Quí vị thấy không? Sự hi vọng giải bày ra cho chúng ta trong Ê-phê-sô đoạn 1 là hi vọng cho những ai tin nhận Chúa. Vì vậy, chúng ta là dân sự của Chúa phải hiểu rằng chúng ta phải tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giêxu hầu có thể dự phần trong những đặc quyền của sự cứu rỗi. Tại đám tang của những ai tin nhận Chúa thì có sự yên ủi và hi vọng về sự sống đời đời nhưng ai hư mất bên ngoài Chúa sẽ phải chịu hình phạt. Quí vị thấy không? Khi nhìn thấy sự tương phản, chúng ta thấy rất rõ rệt phước hạnh của sự trông cậy mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế. Bởi Chúa Cứu Thế đã mang lấy trên Ngài hình phạt vì cớ tội lỗi của chúng ta, chỉ trong Chúa Cứu Thế chúng ta mới được hưởng đặc quyền của sự hi vọng về cơ nghiệp chúng ta trong Chúa Giêxu.

Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, khi suy gẫm về phần Kinh Thánh nầy chúng ta được nhắc nhở rằng, nếu chúng ta là người tin nhận Chúa Cứu Thế thì chúng ta có được niềm hy vọng và cơ nghiệp thiên đàng được ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giêxu. Xin hãy yên nghỉ trên sự yên ủi đó, tiến bước với sự bình an vượt quá mọi sự hiểu biết và biết rằng không gì có thể làm rúng động cơ nghiệp đang chờ đợi quí vị bởi Chúa Cứu Thế đã làm trọn cho quí vị rồi. Đối với quí vị là những ai chưa tin nhận Chúa, quí vị được nhắc nhở rằng không có niềm hi vọng nào cho quí vị ở bên ngoài Chúa Cứu Thế Giêxu. Xin hãy ăn năn và tin nhận Ngài để rồi quí vị cũng sẽ nếm biết niềm hi vọng của cơ nghiệp chúng ta trong Chúa Cứu Thế. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, Chúa ôi, con cầu xin Ngài cho mỗi chúng con biết được sự vinh hiển dư dật của cơ nghiệp dành cho các thánh đồ. Xin Ngài cho chúng con hiểu được sự giàu có mà chúng con được ban cho trong Ngài. Sự giàu có vượt quá mọi sự giàu có thuộc về thế gian nầy, sự giàu có đời đời, không bao giờ bị cất khỏi chúng con, sự giàu có đã được chuộc mua cho chúng con bởi Chúa Cứu Thế.
Chúa ôi, xin cho mỗi chúng con có được sự hi vọng đó. Con cũng cầu nguyện cho những tấm lòng vẫn còn cứng cỏi từ chối sứ điệp Tin lành được mở ra với lẽ thật. Xin cho mắt họ cũng được soi sáng về sự hi vọng của sự kêu gọi họ đến với sự vinh hiển của cơ nghiệp, và về sự hi vọng của quyền năng sống lại của Chúa Cứu Thế. Chúa ôi, xin cho mỗi chúng con nhận được phước hạnh nầy. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.

* Chỗ này trong bản tiếng Anh viết là "the riches of the glory of His inheritance in the saints" cũng có thể dịch là "sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài nơi các thánh đồ"

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)