Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Sự Ban Cho Những Người Giảng Dạy Tin Kính - 7/2003  


SỰ BAN CHO NHỮNG NGƯỜI GIẢNG DẠY TIN KÍNH
(Êphêsô 4:11)

Tháng Bảy 2003

"Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư."

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Chúng ta đã để ra mấy tuần để học hỏi về sự hiệp một và sự khác nhau trong hội thánh của Đấng Christ. Hội thánh được hiệp một bởi sự thật là chúng ta đều được cứu bởi một Tin Lành, bởi một Đức Chúa Trời là Đấng chúng ta đặt lòng tin cậy. Chúng ta được hiệp một chung quanh lẽ thật của Tin Lành. Thế nhưng mặt khác, chúng ta cũng khá khác biệt nhau. Là con dân của Đức Chúa Trời, câu 7 có chép mỗi một người được Đấng Christ ban cho ân điển cách khác nhau, Ngài ban cho ân điển, như trong Êphêsô đoạn 3 trình bày, để dự phần hầu việc trong hội thánh Ngài. Ngài ban ân tứ cho mỗi một người trong hội thánh hầu phục vụ cho lợi ích của hội thánh. Chúng ta được ban cho ân tứ bởi Vị Vua đắc thắng của chúng ta. Bản chất của những ân tứ thuộc linh này được trình bày cách chi tiết hơn trong Rôma đoạn 12 và 1Côrinhtô đoạn 12. Đức Chúa Trời có thể sử dụng chúng ta theo nhiều cách hầu chúng ta có thể được kêu gọi vào sự phục vụ trong hội thánh Ngài.

Giờ đây, bước đến Êphêsô câu 11 đoạn 4, chúng ta sẽ đi từ những ân tứ tổng quát của Đấng Christ cho từng thành viên của hội thánh, tức là những ân tứ thuộc linh, đến những ân tứ cụ thể mà Đấng Christ ban cho từng người, mỗi một cá nhân cụ thể được kêu gọi đến từng công tác cụ thể. Trong đoạn 1 câu 22 và 23 chép rằng Đức Chúa Trời ban Đấng Christ cho hội thánh để làm Đầu hội thánh. Và giờ đây Đấng làm Đầu hội thánh ban những con người cho hội thánh để làm sứ đồ, tiên tri, thầy giảng Tin Lành, mục sư và giáo sư . Hôm nay chúng ta muốn cùng nhau xem xét từng chức vụ này và đóng góp của họ vào hội thánh của Đấng Christ.

Những thành viên được kêu gọi vào các chức vụ cụ thể này được kêu gọi từ hội thánh chung. Đấng Christ đã kêu gọi từng người cụ thể vào những chức vụ và phẩm chức cụ thể hầu trang bị cho hội thánh một cách hết sức đặc biệt. Dù mỗi một thành viên đều được ban cho ân tứ để phục vụ, Đấng Christ trong câu 11 nói rằng Ngài đã ban cho một số người phục vụ theo một cách đặc biệt hầu gây dựng thân thể Ngài. Theo như câu Kinh Thánh của chúng ta hôm nay và ngữ cảnh của nó, những người được kêu gọi vào những chức vụ này có thể được nhìn nhận một cách hợp thức như là những ân tứ của Đấng Christ ban cho hội thánh Ngài. Những chức vụ trong câu 11 đây có thể được chia làm hai nhóm riêng biệt. Những chức vụ có thể xem là đặc biệt khác thường đã chấm dứt và làm thành một nhóm, bao gồm chức vụ tiên tri và sứ đồ. Nhóm còn lại gồm những chức vụ bình thường vẫn còn tiếp tục là chức vụ thầy giảng Tin Lành, mục sư và giáo sư.

Vào thời đầu tiên của hội thánh Tân Ước, như chúng ta đã biết khi học về Tân Ước, Chúa Giêxu kêu gọi 12 người phục vụ trong chức vụ sứ đồ, hoặc 13 người nếu chúng ta tính cả sứ đồ Mathia và Phaolô. Chức vụ sứ đồ là rất đặc biệt. Nó thật đặc biệt đối với hội thánh đầu tiên và có những tiêu chuẩn chỉ rõ thể nào một người được gọi là sứ đồ của Đấng Christ. Tiêu chuẩn đầu tiên và trước hết của chức vụ sứ đồ là người đó phải tận mắt nhìn thấy Chúa Giêxu phục sinh. Trong 1Côrinhtô đoạn 9 câu 1, sứ đồ Phaolô trình bày về tư cách của mình, ông hỏi "Tôi chẳng được tự do sao? Tôi chẳng phải là sứ đồ sao? Tôi há chẳng từng thấy Đức Chúa Giêxu là Chúa chúng ta sao? Anh em há chẳng phải là công việc tôi trong Chúa sao?" Sứ đồ Phaolô muốn chứng minh cho người Côrinhtô về quyền hạn của ông đối với họ đã chỉ rõ rằng chính ông đã nhìn thấy Chúa phục sinh. Chúng ta có thể đọc trong 1Côrinhtô 15, sứ đồ Phaolô nói về mình như một thai sanh non vì ông nhìn thấy Đấng Christ trên đường Đamách. Thế nhưng thẩm quyền sứ đồ của Phaolô được khẳng định bởi ông đã nhìn thấy Cứu Chúa phục sinh cũng như tất cả những người khác đã được gọi làm sứ đồ.

Thứ hai, tiêu chuẩn của sứ đồ là người đó phải được Chúa kêu gọi một cách cụ thể và cá nhân cho mục tiêu đó. Một lần nữa, lấy ví dụ của sứ đồ Phaolô, chúng ta có thể xem trong Galati đoạn 1 câu 1. Tại đây sứ đồ Phao lô chỉ rõ như là một phần của chức vụ sứ đồ của ông "Phaolô, làm sứ đồ -chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Giêxu Christ, và Đức Chúa Trời, tức là Cha, Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại-" Chúng ta thấy rằng việc Phaolô làm sứ đồ không phải bởi ai đó đã kêu gọi ông vào chức vụ. Chúng ta đọc trong Công vụ rằng sứ đồ Phaolô nhận lãnh sự mặc khải trực tiếp từ Chúa Giêxu, kêu gọi ông cụ thể vào công tác với người ngoại. Ông được Chúa kêu gọi vào chức vụ sứ đồ của Ngài một cách rõ ràng bằng lời.

Thứ ba, tiêu chuẩn của một người làm sứ đồ là người đó phải được ban cho khải tượng siêu nhiên của Đức Chúa Trời, rằng người đó phải có khả năng lắng nghe lẽ thật, hiểu biết lẽ thật và truyền đạt lẽ thật đó ra một cách không sai trật. Những sứ đồ được ban ơn tứ Thánh Linh một cách đặc biệt để nói ra Lời Đức Chúa Trời và ghi lại Lời đó trong Kinh Thánh. Khi chúng ta đọc Kinh Thánh Tân Ước, chúng ta thấy tất cả các sách trong Tân Ước đều liên quan đến những sứ đồ. Họ được Chúa ban cho khả năng truyền lại sự mặc khải từ chính Đức Chúa Trời.

Cuối cùng, chúng ta có thể nói rằng một trong những khả năng của sứ đồ là họ có thể thực hiện những phép lạ và dấu lạ. Theo Hêbơrơ đoạn 2 câu 4, "Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra..." Với tư cách là tôi tớ Đấng Christ, các sứ đồ cũng có khả năng làm những sự lạ.

Như tôi có trình bày rằng chức vụ sứ đồ là một chức vụ đặc biệt và nó không còn tồn tại khi các sứ đồ thảy đều qua đời. Tôi tin rằng điều này rất rõ ràng trong Kinh Thánh vì khi sứ đồ Giacơ qua đời, chúng ta không thấy các sứ đồ khác họp lại chỉ định một người tiếp nối cho ông. Và khi các sứ đồ khác qua đời cũng vậy, Kinh Thánh không ghi lại gì về những người khác thay thế cho họ. Chức vụ sứ đồ qua đi với những người được Chúa Giêxu kêu gọi ban đầu. Điều này rất trái ngược với tín lý của người Công Giáo La Mã là những người tin rằng chức vụ sứ đồ được lưu truyền lại qua các thế hệ qua các giáo hoàng. Nhưng chúng ta thấy không có sự xác nhận nào trong Kinh Thánh cho sự giảng dạy này. Ngược lại, Kinh Thánh dường như chỉ rõ rằng chức vụ sứ đồ đã ngưng. Điều này cũng trái ngược với sự giảng dạy và giáo lý của giáo hội Mormon vì giáo hội này vẫn còn có 12 sứ đồ cho giáo hội mình cho đến ngày hôm nay. Nhiều giáo hội theo khuynh hướng "ân tứ" cũng tin rằng chức vụ này còn tiếp tục. Nhưng rõ ràng rằng điều này không đúng. Chức vụ sứ đồ được ban cho hội thánh Tân Ước một cách đặc biệt như là những người mà Êphêsô đoạn 2 câu 20 gọi là đặt nền cho hội thánh. Và một khi nền tảng đó đã được đặt xong, sự mặc khải đã được trọn, thì chức vụ của họ cũng chấm dứt.

Thế nhưng chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng tại đây theo Kinh Thánh rằng chức vụ sứ đồ là một ân tứ của Đức Chúa Trời cho hội thánh, rằng chính Chúa Giêxu cho một số người làm sứ đồ trong hội thánh. Ngay cả chúng ta ngày nay cũng được lợi ích từ sự hầu việc của những người đã được Chúa kêu gọi vào chức vụ đó. Những sách của Tân Ước bởi sự linh ứng của Đức Chúa Trời cho các sứ đồ nhắc nhở cho chúng ta về công việc của Đấng Christ thi hành qua các sứ đồ Ngài. Thế thì chúng ta có thể cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho hội thánh một số người làm sứ đồ.

Cũng vậy, khi chúng ta xem xét chức vụ tiên tri, chức vụ này cũng đặc biệt và tạm thời. Dù chúng ta có thể nói theo ngôn ngữ Tân Ước rằng mỗi chúng ta đều là tiên tri, thầy tế lễ và vua. Chúng ta là tiên tri của Đức Chúa Trời theo nghĩa là chúng ta nhận lấy Lời Đức Chúa Trời và chia sẻ cho thế gian. Nhưng tôi tin rằng chức vụ tiên tri được đề cập ở đây là đặc biệt hơn. Nó liên quan đến những người được ban cho Lời đặc biệt, sự mặc khải đặc biệt bởi Đức Chúa Trời để ban phát cho hội thánh. Họ được Đức Thánh Linh cảm động để nói ra những sự mặc khải mà Thánh Linh bày tỏ cho họ và truyền lại cho hội thánh. Chúng ta nhìn thấy điều này rõ ràng trong Cựu Ước khi những tiên tri thời Cựu Ước truyền lại chính Lời Đức Chúa Trời. Họ có thể nhìn biết tương lai. Họ nói bởi được cho biết và dạy dỗ bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

Trong hội thánh Tân Ước, chúng ta cũng thấy rõ rằng có những tiên tri. Chúng ta xem thấy trong sách Công vụ, những người như Agabút là tiên tri của Đức Chúa Trời có khả năng nhìn biết tương lai và truyền đạt lẽ thật thuộc linh. Chúng ta nhìn thấy trong 1Côrinhtô đoạn 14 có trình bày về chức vụ tiên tri: các tiên tri được Đức Chúa Trời kêu gọi để nói cho hội thánh đầu tiên về những sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Thế nhưng với sự hoàn tất của toàn bộ kinh điển Kinh Thánh, chức vụ tiên tri không còn cần thiết nữa bởi lẽ các lời tiên tri, theo như 1Côrinhtô 13 có nói, đã hết. Chức vụ tiên tri trong Tân Ước không còn cần thiết cho hội thánh nữa. Chức vụ đó cần thiết cho hội thánh đầu tiên khi họ chưa có Kinh Thánh Tân Ước như chúng ta ngày nay. Và vì thế sự kêu gọi và mục tiêu của chức vụ đó là đặc biệt cho thời đại Tân Ước và đã hết khi Kinh Thánh Tân Ước được hoàn tất.

Phần Kinh Thánh của chúng ta cũng trình bày rõ rằng chức vụ này đã được Đức Chúa Trời ban cho hội thánh Ngài hầu ban phước và gây dựng hội thánh. Khi chúng ta xem xét về hai chức vụ đặc biệt khác thường này, chúng ta thấy rằng hai chức vụ này đã hết nhưng hội thánh ngày hôm nay vẫn còn cảm nhận được ảnh hưởng của nó. Chắc chắn khi đọc trong Êphêsô đoạn 4 câu 11, chúng ta có thể cảm tạ Chúa vì Đức Chúa Trời đã qua ngôi vị của Đấng Christ ban các sứ đồ và tiên tri và sự phục vụ của họ cho hội thánh, bởi ngày nay chúng ta vẫn còn được lợi ích từ sự giảng dạy của họ.

Giờ đây chúng ta chuyển từ những chức vụ khác thường đã chấm dứt đến những chức vụ bình thường hơn và còn đang tiếp tục. Chức vụ thầy giảng Tin Lành, theo tôi, là một chức vụ còn tiếp tục mãi đến ngày hôm nay. Tôi nói rằng "theo tôi" bởi một số người cho rằng chức vụ thầy giảng Tin Lành cũng đã kết thúc trong thời Tân Ước. Họ liên hệ chức vụ thầy giảng Tin Lành với chức vụ sứ đồ và vì thế họ cho rằng khi các sứ đồ qua đời thì những thầy giảng cũng qua đi. Chúng ta thấy Kinh Thánh nhắc đến nhiều thầy giảng Tin Lành. Philíp, người giảng đạo cho người Êthiôpi, được biết đến như là một thầy giảng. Timôthê là người mà sứ đồ Phaolô viết thơ cho cũng được kêu gọi làm thầy giảng Tin Lành. Cũng vậy, Tít cũng có thể được xem là một thầy giảng. Trong khi một số người cho rằng chức vụ liên hệ đến những thầy giảng này đã chấm dứt, theo tôi, chức vụ của họ không kết hợp với sự ban cho sự mặc khải mới trong Tân Ước hay sự làm phép lạ của những chức vụ tạm thời.

Đúng ra, khi chúng ta xem trong Kinh Thánh, trọng tâm của những người này là mang Tin Lành đến những miền đất mới, những lãnh thổ mới nơi mà hội thánh của Đấng Christ chưa được thiết lập hay truyền đến. Nếu chúng ta xem trong sách điều lệ hội thánh của giáo hội Trưởng Lão Chính Thống, chúng ta sẽ thấy rằng một trong những chức vụ được kể ra là chức vụ thầy giảng Tin Lành vẫn còn đang tiếp tục, rằng sự kêu gọi của họ vẫn còn cho đến ngày hôm nay. Khi chúng ta gởi một mục sư truyền đạo đến một vùng chưa có hội thánh, người đó sẽ được gọi là thầy giảng Tin Lành, là giáo sĩ. Đấng Christ thật sự đã ban cho hội thánh những người được kêu gọi cách đặc biệt và được ơn cho mục tiêu này hầu hội thánh Ngài tiếp tục tăng trưởng và tiếp nhận những người từ mọi dân tộc, mọi nước, mọi thứ tiếng, hầu vương quốc Ngài được tấn tới đến mọi miền trên thế giới. Vì thế, Đấng Christ ban cho hội thánh những người được kêu gọi làm thầy giảng Tin Lành.

Cuối cùng một chức vụ bình thường mà Đấng Christ ban cho hội thánh Ngài là chức vụ của mục sư và giáo sư. Trong khi một số người cho rằng đây là hai chức vụ riêng biệt, một số khác để ý rằng tại đây câu Kinh Thánh không dùng mạo từ xác định, theo như chúng ta cũng thấy trong bản Kinh Thánh của mình "kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư" mà không phải là "kẻ khác nữa làm mục sư, kẻ khác nữa làm giáo sư" như trong những chức vụ khác. Tôi tin rằng nếu xem đây là một chức vụ thì đúng hơn bởi lẽ tất cả những mục sư về bản chất cũng là giáo sư. Thế thì chúng ta phải hiểu rằng những mục sư trung tín giảng dạy Lời Chúa ngày nay, những người dạy dỗ cho hội thánh về Chúa Giêxu, đã được ban cho hội thánh hầu phục vụ cho sự tăng trưởng và thạnh vượng của hội thánh. Tôi muốn chúng ta hiểu rằng điều này không bao giờ nên được xem là sự khoe mình hay tự đề cao đối với bất kỳ một mục sư nào chớ không phải chỉ riêng tôi đây. Xin chúng ta đừng rời khỏi nhà thờ hôm nay mà nghĩ rằng mục sư Renkema tự coi mình là quà tặng của Đấng Christ cho hội thánh theo nghĩa là tôi ít nhiều gì tốt hơn hay quan trọng hơn bất kỳ thành viên nào của hội thánh tại đây. Mặt khác, tôi cầu nguyện và chân thành hy vọng rằng chức vụ giảng Tin Lành mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi có thể bởi ơn Đức Chúa Trời là một quà tặng của Đấng Christ cho quý vị tại hội thánh này.

Đôi khi cũng khó cho chúng ta nhìn nhận rằng mục sư và lãnh đạo hội thánh là những ân tứ ban cho hội thánh. Đôi khi khó cho chúng ta nhìn thấy như vậy bởi nhiều lãnh đạo hội thánh Đức Chúa Trời không dẫn dắt hội chúng đi trong lẽ thật. Nhiều người lãnh đạo thay vì dẫn dắt hội chúng đến với Chúa lại dẫn họ đi xa khỏi Chúa và sa vào con đường bội đạo. Điều này nhìn thấy rõ ràng trong hội thánh Cựu Ước và trong hội thánh Tân Ước nữa. Những lãnh đạo thường dẫn hội thánh sa ngã. Điều này quả là một vấn đề lớn trong hội thánh Tân Ước và Kinh Thánh Tân Ước cũng đề cập đến những giáo sư giả, tiên tri giả và lên án họ. Những người như thế không phải là những ân tứ của Đức Chúa Trời cho hội thánh. Đúng hơn, những người rơi vào bẫy đó không giảng dạy Lời Chúa mà giảng ra ý riêng, thỏa đáp cho người ta những gì mà lỗ tai ngứa ngáy của họ muốn nghe đến.

Thế nhưng các mục sư và giáo sư trung tín của hội thánh Đức Chúa Trời không làm thế. Mục sư và giáo sư trung tín, dù vẫn có những yếu đuối của đời này, được Đấng Christ ban cho hội thánh hầu gây dựng và phát triển hội thánh. Hội thánh Đấng Christ cần cảm tạ Chúa vì những mục sư trung tín với sự kêu gọi của mình. Chúng ta thấy rằng tại bất kỳ hội thánh nào sự khước từ một mục sư trung tín hầu việc trong danh Chúa, là người lên án tội lỗi, là người chỉ cho hội thánh về Đấng Christ là con đường cứu rỗi duy nhất, là người dạy dỗ hội thánh những tín lý chân thật của sự cứu rỗi và hết lòng chuyên tâm cố gắng dạy dỗ Lời Chúa như đã được ghi chép, nếu ai đó khước từ một người giảng dạy Lời Chúa trung tín như thế, thì họ cũng mắc tội khước từ một sự ban cho của Đấng Christ.

Đấng Christ đã ban cho hội thánh Ngài những con người để bước vào các chức vụ này hầu mang lại phước hạnh cho hội thánh, họ hầu việc Chúa bất chấp những yếu đuối của bản thân mà sức mạnh để họ hầu việc cũng chính là sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời trên họ. Chức vụ mục sư và giáo sư là một chức vụ còn tiếp diễn. Nó là một chức vụ mà người ta phải được kêu gọi bước vào, là chức vụ mà Chúa kêu gọi bạn và trang bị bạn làm kẻ giúp việc Tin Lành cách trung tín. Các mục sư, giáo sư và các bậc phụ huynh rất cần hướng dẫn và khích lệ con cái mình nếu chúng nó thể hiện ân tứ hầu việc Chúa để chúng theo đuổi sự kêu gọi đó hầu Đấng Christ có thể ban cho chúng ta là hội thánh Ngài thêm những người rao giảng và giáo sư trung tín, làm tấn tới sự kêu gọi của Tin Lành. Tôi đặc biệt khích lệ những người trẻ suy gẫm kỷ và xem xét trong sự cầu nguyện về sự kêu gọi của Tin Lành của Chúa Giêxu hầu các bạn là những người yêu mến Chúa có thể truyền ra lẽ thật đó cho những người đang khao khát được nghe Tin Lành của Đấng Christ. Nếu các bạn trung tín với sự kêu gọi mà Đức Chúa Trời ban cho các bạn thì, như Đấng Christ phán, các bạn sẽ là những người được ban cho hội thánh hầu gây dựng hội thánh Ngài.

Thưa dân sự Đức Chúa Trời, Đấng Christ đã ban cho chúng ta những người được kêu gọi làm sứ đồ, làm tiên tri, làm thầy giảng Tin Lành, làm mục sư và giáo sư. Hội thánh Chúa cần cảm tạ Ngài về những người bởi ơn Chúa đã trung tín giảng dạy Tin Lành của Đấng Christ trong quá khứ. Chúng ta cũng cần phải tiếp tục cầu xin Chúa dấy lên những người trung tín tiếp nối sự nghiệp giảng dạy lẽ đạo cứu rỗi, rằng Đấng Christ cứ tiếp tục dấy lên những người cho hội thánh Ngài hầu hội thánh có thể phát triển và Tin Lành của Chúa Giêxu Christ có thể được tiếp tục rao giảng. Amen.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài về những chức vụ mà Ngài ban cho hội thánh. Chúng con cảm tạ Ngài về những người Ngài đã kêu gọi hầu việc trong những chức vụ sứ đồ, tiên tri là những người được Ngài cảm động bởi Thánh Linh Ngài hầu dạy dỗ hội thánh lẽ đạo ân điển một cách không hề sai trật. Chúng con cảm tạ Ngài vì giờ đây chúng con có được Lời được linh ứng của Đức Chúa Trời mà Ngài đã ban cho các sứ đồ để ghi chép lại cho chúng con hầu chúng con có thể biết lẽ thật và biết lẽ thật một cách không sai trật để biết rằng Lời đó là đáng tin cậy. Chúa ơi, chúng con cảm tạ Ngài về sự hầu việc của các sứ đồ khi họ truyền rao Tin Lành ra khắp mọi miền trên đất và về sự chúc phước của Ngài trên công tác hầu việc đó. Chúng con cảm tạ Ngài là Đấng ban họ cho hội thánh. Lạy Chúa, chúng con cũng cầu nguyện cho những người được Ngài kêu gọi và ban cho hội thánh ngày nay, là những người được kêu gọi làm thầy giảng Tin Lành, mục sư và giáo sư. Chúng con cầu xin Ngài dấy lên cho hội thánh Ngài những người sẽ trung tín giảng và công bố Lời Ngài hầu họ cũng sẽ là quà tặng của Ngài cho hội thánh Ngài khắp nơi trên thế giới, hầu họ có thể trung tín trong sự giảng dạy Lời Ngài, hầu con cái Ngài được củng cố đức tin. Lạy Chúa, xin giúp họ thực hiện trách nhiệm của mình cách chuyên tâm hết lòng, trong sự khiêm nhường, với ao ước phục vụ, với tình yêu thương dân sự Ngài, và trên hết, với một lòng yêu mến Ngài. Lạy Chúa, chúng con cũng cầu xin Ngài giúp chúng con làm những dân sự biết cảm tạ Ngài về biết bao những phước hạnh và những ân tứ này mà Ngài đã ban cho hội thánh. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)