Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Yêu Ngài Hay Ghét Ngài - 02/2001  


YÊU NGÀI HAY GHÉT NGÀI
(Ê-phê-sô 1:3)

Tháng Hai 2001

"Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời."

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu ThếGiê-xu của chúng ta. Ê-phê-sô 1:3 mà chúng ta sẽ tập trung học hôm nay là một câu rất dài, bắt đầu từ câu 3 tiếp tục không ngừng cho đến câu 14. Hai trăm lẻ hai chữ trong tiếng Hy-lạp lập thành một câu mà mỗi chữ bổ nghĩa cho nhau. Mỗi câu bổ nghĩa và giải thích sâu hơn cho câu đi trước nó. Nếu quí vị xem những bản dịch của Kinh thánh thì sẽ thấy hầu hết đều ngắt câu nầy trong tiếng Hi-lạp ra nhiều câu nhỏ để dễ đọc, có lẽ để cho dễ hiểu hơn. Vâng, khi chia một câu thật dài ra thành nhiều câu nhỏ thì giúp dễ đọc hơn nhưng sẽ có sự mất mát nếu quí vị làm như vậy.

Tôi tin rằng có một sự cố ý trong việc kết hợp lại thành một câu ở đây. Quá trình tiến hành dẫn chúng ta đi từng bước, từng chữ, từng sự bổ nghĩa để thấy được những sự lạ lùng hết sức trong công việc của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi của chúng ta. Trong một câu nầy chúng ta có thể thấy được công việc của mỗi thành viên trong ba ngôi của Đức Chúa Trời trong việc hoàn tất và ứng dụng vào công việc của Chúa Cứu Thế cho sự cứu chuộc chúng ta. Vì thế cho nên rất quan trọng cho chúng ta phải tỉnh táo để nhận biết thực tế rằng câu nầy trong Kinh Thánh là một câu đơn chiếc, hợp nhất, giãi bày cho chúng ta công việc của Đức Chúa Trời cho sự cứu rỗi của chúng ta.

Khi nói như vậy tôi sẽ phá luật riêng của tôi trong một mức độ nào đó và tập trung vào câu 3. Tôi sẽ có ý định xem xét câu nầy trong loạt bài giảng bắt đầu bằng câu 3 buổi tối hôm nay. Dĩ nhiên, lý do là khi quí vị xem thì thấy câu nầy có nhiều điều để nói đến. Có nhiều việc lớn lao mà chúng ta phải suy gẫm, đơn giản không thể nào bàn bạc, giải thích một cách đầy đủ trong một bài giảng dài nửa tiếng đồng hồ. Vì vậy chúng ta sẽ ngắt nó ra, dĩ nhiên với sự hiểu biết trong trí của chúng ta về sự hợp nhất của khúc Kinh Thánh nầy.

Câu 3 là bước đầu tiên trong loạt của nhiều bước và chúng ta bắt đầu leo lên và chú ý đến sự sâu sắc trong Lời của Đức Chúa Trời trong câu đặc biệt nầy của Kinh Thánh. Trước hết, buổi tối hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu xem xét thực tế rằng câu nầy bắt đầu bằng sự ngợi khen Đức Chúa Trời. Đây là tiêu điểm của những điều đi theo. Ý định của câu nầy muốn cho chúng ta suy gẫm, tại sao chúng ta phải ngợi khen Chúa? Thứ hai, là người tin Chúa, tại sao chúng ta phải ngợi khen Ngài? Và cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét cái nguồn của phước hạnh mà chúng ta có. Sứ đồ Phao-lô được Chúa hà hơi bắt đầu bằng sự ngợi khen danh của Đức Chúa Trời, bắt đầu "Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta".

Chữ Hi-lạp được dùng ở đây cho chữ ngợi khen là cùng một chữ trong ngữ vựng tiếng Anh là lời ca ngợi. Khi quí vị nghĩ đến lời ca ngợi thường thường được dùng trong đám tang là lúc mà người còn sống suy gẫm về cuộc đời của người qua đời. Thường thường người ta ca ngợi, bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã qua đời. Nhưng cách ở đây thì cao cả hơn nhiều về điều mà chúng ta làm. Chúng ta ca ngợi Chúa khi chúng ta suy gẫm về những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Điều được nhìn thấy ở đây đó là Đức Chúa Trời đáng được ca ngợi. Lòng biết ơn đó nên được bày tỏ đến với Ngài về sự dư dật mà chúng ta được Ngài ban cho. Khi quí vị đọc phần còn lại của câu, từ câu 3 đến 14 thì sẽ thấy được dựa vào lẽ thật nầy, dựa vào những lý do không bao giờ chấm dứt đó là lý do tại sao chúng ta phải biết ơn.

Tại sao chúng ta không thể lặng yên mà sẽ ca ngợi Đức Chúa Trời, là Cha và Chúa Cứu Thế Giê-xu của chúng ta khi chúng ta là người tin Ngài? Một trong những bản chú giải thánh kinh mà tôi học là của ông Williams Hendrickson. Ông nói, câu nầy bắt đầu bằng lời ca ngợi và giống như trái banh tuyết lăn từ trên đồi xuống, càng xuống xa thì càng lớn ra. Tôi nghĩ đó chính xác là điều đang xảy ra ở đây. Khi bắt đầu câu 1, quí vị được bảo phải làm gì, nhưng khi tiếp tục thì quí vị sẽ có nhiều lý do để làm như quí vị được ra lệnh làm trong câu 1.

John Calvin nói về khúc Kinh Thánh nầy: "Lời lẽ cao quí mà Sứ đồ Phao-lô tán dương ân điển của Đức Chúa Trời khi nói với người Ê-phê-sô với ý định là khuấy động lòng của họ để biết ơn, để làm cho họ nóng cháy, làm họ tràn đầy tính khí nầy. Lòng nóng cháy của Phao-lô khuất phục lòng của người khác cũng nóng cháy với sự thành thật hạ mình tràn đầy lời ngợi khen dâng lên Đức Chúa Trời là cha và Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa chúng ta." Quí vị thấy tại sao câu nầy không được chia ra.

Khi chúng ta học tiếp tục từng dòng, từng chữ thì lòng của chúng ta là tấm lòng đã được thay đổi bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu, được đổ đầy càng hơn lòng mong muốn ca ngợi Đức Chúa Trời Cha chúng ta và Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi tiếp tục học những chữ nầy chúng ta được đổ đầy sự ngạc nhiên về chương trình cứu chuộc lạ lùng của Đức Chúa Trời. Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi sự rủa sả của tội lỗi. Ngài xứng đáng với lời ngợi khen của chúng ta. Thật vậy khi xem trong sách Khải huyền lại chúng ta thấy các thánh quây quần bên ngôi của Đức Chúa Trời, tất cả họ đạt đến chỗ hiểu biết đầy trọn những gì bày tỏ ra ở đây.

Họ phải ngợi khen Đức Chúa Trời là Cha và Chúa Giê-xu bởi vì họ đã được ban cho đủ mọi thứ phước thiêng liêng. Như chúng ta thấy, khi nhận được Chúa Cứu Thế là cơ nghiệp, chúng ta muốn hát. Vâng chúng ta muốn reo lên về sự vinh hiển thuộc về Ngài cho Đấng Cứu Chuộc vĩ đại của chúng ta. Vì vậy giống như dừng lại giữa dòng nhạc trước khi bài hát chấm dứt, chúng ta bị bỏ lơ lửng, chờ đợi nốt kế tiếp để cho tròn âm điệu. Chúng ta được mời gọi ngợi khen Đức Chúa Trời là Cha và Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta được thúc đẩy tiếp tục đọc những chữ nầy để hiểu tại sao.

Tại sao ở đây chúng ta được bảo phải ngợi khen Đức Chúa Trời của Chúa chúng ta là Chúa Cứu Thế Giê-xu? Tại sao chúng ta được ra lệnh phải làm điều nầy. Câu 3 nói tiếp về điều nầy phải không? Chúng ta ngợi khen Chúa trước hết vì "Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời". Ở đây Kinh thánh dạy chúng ta phải ngợi khen Chúa về những gì Ngài ban cho chúng ta. Ngài đã ban phước cho chúng ta phải không? Trong Cựu ước chúng ta thấy sự quan trọng khi được người cha chúc phước. Chúng ta thấy Gia-cốp và Ê-sau giành với nhau. Ê-sau bán quyền trưởng nam mình và Gia-cốp cuối cùng gạt cha mình để ông có thể nhận được lời chúc phườc mà Y-sác sắp chúc cho Ê-sau. Cuối cùng Gia-cốp qua sự lường gạt nhận được lời chúc phước.

Lời chúc phước có ý nghĩa là người được chúc sẽ được thịnh vượng. Chúa sẽ ban phước cho người đó, người đó sẽ được chia phần lớn hơn. Thường thường người được chúc là con trưởng nam để nhận cơ nghiệp của cha mình. Chúng ta đọc tiếp trong phần cuối của sách Sáng-thế-ký thì thấy Gia-cốp cũng chúc phước cho con của Giô-sép. Rất quan trọng cho đứa con nhận được lời chúc phước từ cha mình. Nhưng khi xem thấy những phước hạnh được nhận bởi những cá nhân đó, chúng ta thấy phước hạnh của họ không thể so sánh được với phước hạnh mà chúng ta nhận được từ nơi Cha chúng ta ở trên trời. Không có một người cha dưới đất nào có thể ban cho nhiều như vậy. Căn cứ theo câu Kinh thánh nầy chúng ta được ban cho "đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời". Chúng ta còn muốn thêm gì nữa?

Chú ý sự mở rộng ra của ơn phước nầy, chúng ta không được ban cho chỉ một phần hay được bảo phải chia ra với nhiều người khác nữa rồi cuối cùng chúng ta chỉ còn một phần nhỏ. Ở đây Kinh thánh dạy rằng chúng ta được ban cho đủ mọi thứ phước thiêng liêng. Chúng ta được ban phước dư dật cho tất cả mọi nhu cầu của chúng ta. Chúng ta được ban phước không giống như có người cho rằng phước thiêng liêng là ngược lại với vật chất nầy. Nhưng thay vào đó chúng ta xem phước hạnh nầy bằng cái nhìn là phước hạnh được ban cho bởi Đức Thánh Linh. Tôi tin rằng nhóm từ nầy dẫn chúng ta đến phần cuối của câu, đó là câu 13 và 14, nói đến công việc của Thánh linh Đức Chúa Trời là của cầm về cơ nghiệp của ân điển chúng ta trong Chúa Cứu Thế. Nói cách khác phước hạnh trên trời mà chúng ta nhận được là từ nơi Thánh Linh của Đức Chúa Trời là Đấng cho chúng ta nếm trước thiên đàng. Chúng ta được phước một cách thiêng liêng bởi có được Thánh linh ban cho bởi Chúa Cứu Thế hầu cho chúng ta có thể dự phần trong công việc của Ngài.

Đức Thánh Linh khiến chúng ta được vào nơi Chúa Cứu Thế ở trong các nơi trên trời. Đôi khi chúng ta là tín hữu nghĩ rằng thiên đàng là một điều gì đó thuộc về tương lai, ám chỉ về điều gì đó không thực tế trong hiện tại. Dĩ nhiên trong một ý nghĩa điều đó là đúng. Chúng ta còn đang trông đợi thiên đàng. Chúng ta chưa được vào đó. Nhưng Kinh thánh dạy rằng chúng ta ngồi với Chúa Cứu Thế trong các nơi trên trời. Trong một ý nghĩa điều nầy là thực tế trong hiện tại. Tất cả những phước hạnh thiên đàng chưa được ban cho chúng ta nhưng Thánh kinh chỉ tỏ rằng chúng ta đang được ban cho trái đầu mùa của thiên đàng.

Trong mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa Cứu Thế theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta đang ngồi với Ngài ở các nơi trên trời. Để hiểu được điều nầy trước hết chúng ta phải nhận ra rằng, đất nầy không phải là nhà của chúng ta. Chúng ta không thuộc về nơi đây. Kinh thánh dạy chúng ta nhiều lần, chúng ta là khách lạ trên đất. Nơi đây không phải là nhà của chúng ta, thiên đàng mới chính là nhà của chúng ta. Chúng ta không phải là đối tượng bị cai trị. Chúng ta cai trị với Chúa Cứu Thế trên thiên đàng.

Theo Ê-phê-sô 1:13,14, Đức Thánh Linh là của cầm của chúng ta về thực tế đó. Loại phước hạnh nầy là gì khi chúng ta nói đến "mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời"? Tôi nghĩ có một số điều mà chúng ta cần nghĩ đến. Trước hết đó là sự hoàn hảo mà chúng ta được ban cho trong Chúa Cứu Thế. Quí vị thấy không? chúng ta là người hoàn hảo. Thật khó mà tin được điều nầy bởi vì tất cả chúng ta khi nhìn vào chính lòng mình vẫn còn thấy tội trong đó, có lẽ như vậy. Nhưng dười cái nhìn của Đức Chúa Trời, qua huyết của Chúa Cứu Thế, chúng ta là người hoàn toàn. Chúng ta đã được tẩy sạch. Tội lỗi mà chúng ta phạm đã được cất khỏi và Đức Chúa Trời không nhìn thấy chúng nó nữa. Sự cứu rỗi của chúng ta đã được hoàn tất trong Chúa Cứu Thế. Chúng ta đã bị đoán xét trong Ngài. Đây là sự việc đã hoàn tất.

Xin xem câu 7, "Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài". Chú ý thì hiện tại của động từ đó. Đây không phải là điều chúng ta còn trông đợi. "Chúng ta SẼ được cứu chuộc bởi huyết Ngài, chúng ta SẼ được chuộc khỏi tội lỗi", lời dạy của Thánh kinh không phải như vậy. Thánh kinh dạy rằng, BÂY GIỜ, trong thì hiện tại tội lỗi chúng ta được tha thứ. BÂY GIỜ chúng ta đã được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được làm cho sống lại trong Ngài. Đây là thực tế trong hiện tại. Thực tế hưởng trước chính thiên đàng nơi mà chúng ta sẽ hoàn hảo trong mọi cách, nơi mà chúng ta không còn phạm tội nữa. Trong sự mong đợi đó chúng ta được nếm trước thiên đàng trong cuộc đời nầy. Chúa Cứu Thế đã cất tội lỗi khỏi chúng ta. Chúng ta không chỉ kinh nghiệm được phước hạnh của Chúa Cứu Thế, tội lỗi chúng ta được cất khỏi để chúng ta có thể đứng trước Đức Chúa Trời nhưng chúng ta cũng chia xẻ thực tế đó vì biết rằng chúng ta là con nuôi của Đức Chúa Trời.

Câu 5, "...đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ..." Một lần nữa điểm nhấn mạnh ở đây là: Khi chúng ta xem ý định của những chữ nầy nói điều không thuộc về tương lai. Quí vị bây giờ là con trai, con gái nuôi của Chúa Cứu Thế, của Đức Chúa Trời. Quí vị bây giờ đã là một phần trong gia đình của Ngài. Quí vị bây giờ đã được nhận làm con nuôi trong Ngài nếu quí vị là người tin nhận Ngài.

Sứ đồ Giăng trong 1Giăng 3 lấy làm ngạc nhiên, "Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài." Không phải "Đức Chúa Cha SẼ tỏ cho chúng ta" nhưng "Đức Chúa Cha ĐÃ tỏ cho chúng ta". Chúng ta ĐÃ là con cái của Đức Chúa Trời, Ngài chăm sóc chúng ta như người cha chăm sóc con cái mình. Chúng ta là con nuôi của Ngài, phước hạnh thiên đàng đã thuộc về chúng ta.

Chúng ta cũng nhận lấy cơ nghiệp thiên đàng. Cơ nghiệp chúng ta có trong Chúa Cứu Thế là chắc chắn. Không phải giống như điều gì đó mà chúng ta lo sợ có ngày sẽ bị cất mất khỏi chúng ta. Không phải điều gì đang nằm đó để dụ chúng ta mà chúng ta hy vọng sẽ nhận được. Nhưng chúng ta ở trong Chúa Cứu Thế thì cơ nghiệp chúng ta là chắc chắn không thể bị lấy khỏi.

"Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em, là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho, để được sự cứu rỗi gần hiện ra trong kỳ sau rốt!" (1Phi-e-rơ 1:3-5). Quí vị thấy không? Món quà thiên đàng là cơ nghiệp của quí vị không phải thuộc về tương lai nhưng là bây giờ nếu quí vị tin nhận Chúa Cứu Thế.

Không ai có thể chia cách quí vị khỏi Đức Chúa Trời. Không có gì, kể cả sự chết cũng không có thể chia cách quí vị khỏi cơ nghiệp được hứa cho quí vị. Cơ nghiệp của quí vị là chắc chắn. Khi nói về điều nầy là chúng ta nói về tính vững bền của các thánh. Nếu quí vị được chọn, quí vị có thể an tâm rằng thiên đàng thuộc về quí vị, là cơ nghiệp của quí vị, được hứa cho quí vị mà không gì có thể cất khỏi. Nó là một chắc chắn. Chú ý, Ê-phê-sô 1:11, "Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta ĐÃ nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán". Chúng ta ĐÃ nên kẻ dự phần kế nghiệp. Chúng ta đã có được bây giờ nhưng chúng ta còn đợi sự hoàn tất trọn vẹn khi Chúa Cứu Thế trở lại. Khi đó thì cơ nghiệp thuộc về quí vị là những người tin nhận Ngài.

Không chỉ những điều đó mà thôi, nhưng khi nói đến các nơi trên trời, chúng ta cũng nói đến thế nào chúng ta được ban cho khả năng, qua Đức Thánh Linh để sống vâng phục theo ý Đức Chúa Trời. Trái của Đức Thánh Linh đầy dẫy lòng của chúng ta. Chúng ta đang sống cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Điều đó cũng là sự hưởng trước thiên đàng là nơi chúng ta sống theo ý Đức Chúa Trời. Không phạm tội. Chúng ta sẽ sống trọn vẹn theo ý chỉ của Đức Chúa Trời. Ngay cả bây giờ chúng ta đã nếm trước được điều đó. Đức Thánh Linh đã tạo ra những việc lành cho chúng ta làm trong việc hầu việc Ngài.

Xin xem lại câu 12, tôi tin rằng câu nầy cho thêm chi tiết cho câu 3, "hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen." Chúng ta sống trên thế gian nầy bằng quyền năng của Thánh linh để ngợi khen vinh hiển Chúa trong mỗi hành động của chúng ta khi chúng ta nếm trước thiên đàng. Khi nói về công việc hoàn tất của Chúa Cứu Thế chúng ta không chỉ nói về sự cứu chuộc của Ngài, huyết Ngài đổ ra để làm tế lễ chuộc tội chúng ta nhưng chúng ta cũng nói về sự sống lại của Ngài.

Vâng, thật vậy thưa dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta đã được sống lại đó cũng là thực tế trong hiện tại. Quí vị đã được ban cho một đời sống mới. Quí vị đã từng chết vì lầm lỗi và tội ác mình, xa cách Đức Chúa Trời, đã được chia phần trong sự sống lại của Chúa Cứu Thế. Lòng bằng đá của quí vị đã đổi lại thành lòng bằng thịt. Quí vị là những xương khô trong trũng bây giờ đã được làm cho sống lại trong Chúa Cứu Thế. Thực tế của hiện tại nầy đó là quí vị được Đức Chúa Trời ban cho sự sống mới, được dựng nên mới, được sanh lại.

Những phước hạnh trong các nơi trên trời nầy thuộc về chúng ta bây giờ dù cho chúng ta còn đang nóng nảy trông đợi hưởng được trọn vẹn khi Chúa Cứu Thế trở lại. Cuối cùng, chúng ta phải đưa ra câu hỏi: Nguồn của phước hạnh nầy là gì? Ai là người làm xong những phước hạnh nầy cho chúng ta? Dĩ nhiên câu trả lời đơn giản tìm thấy trong hai chữ, "trong Đấng Christ". "trong Đấng Christ", "trong Ngài" lặp đi lặp lại nhiều lần từ câu 3 đến câu 14. Nguồn của những phước hạnh của chúng ta, của sự cứu rỗi chúng ta là Chúa Cứu Thế. Điểm nhấn mạnh của câu Kinh thánh nầy là những người được phước, những người nhận được phước do Đức Chúa Trời ban cho từ các nơi trên trời là vì cớ Chúa Cứu Thế Giê-xu chớ không phải bởi ai cả.

Chúng ta không thể tìm đến ai để tìm được sự hi vọng mà chúng ta có trong Chúa Cứu Thế. Không ai có thể ban cho chúng ta phước hạnh từ các nơi trên trời trừ ra Chúa Cứu Thế. Sự chết của Ngài là nguồn phước hạnh mà chúng ta nhận được, là sự hi vọng của sự sống đời đời chúng ta, hi vọng của sự sống lại của chúng ta. Chúng ta đang đọc Ê-phê-sô chương một nầy không được phép rời mắt khỏi Chúa Cứu Thế. Trong Ngài mà chúng ta được chọn. Trong Ngài mà chúng ta được nhận làm con nuôi. Trong Ngài mà chúng ta nhận được sự cứu chuộc. Trong Ngài mà chúng ta nhóm họp lại với nhau. Trong Ngài mà chúng ta nhận được cơ nghiệp. Trong Ngài mà chúng ta đặt sự tin cậy của mình vào. Sự cứu rỗi thuộc trong Chúa Cứu Thế được ban cho bởi Cha. Bởi Ngài, trong Ngài, qua Ngài mà chúng ta được cứu chuộc.

Chúng ta là những người hiệp làm một với Ngài trong sự chết, sự sống lại và sự hớn hở của Ngài. Chúng ta không có công gì trong sự giàu có phước hạnh của thiên đàng. Chúng ta đã từng nghèo túng mà đã trở thành hoàng tử, con của Đấng Chí Cao. Chúng ta là những người thích đi rong trên thế gian nầy bây giờ được kêu gọi để sống trong các nơi trên trời. Tại sao vậy? Bởi vì Chúa Giê-xu đã chết trên thập tự giá cho nên thực tế nầy là thực tế trong hiện tại chúng ta có bây giờ. Đó là tại sao Cơ-đốc-nhân có thể sống trên đất nầy bằng sự vui mừng và bình an.

Sự vui mừng vượt quá ngay cả thời gian khó khăn nhất trong đời sống chúng ta bởi vì nguồn của sự vui mừng chúng ta tìm được trong Chúa Cứu Thế. Nguồn của sự ngợi khen chúng ta dâng lên cho Đức Chúa Trời là Chúa Giê-xu. Khi chúng ta leo từng nấc của sự vinh hiển của câu nầy tôi cầu xin rằng chúng ta càng thấy được điều kỳ lạ và nỗi kính sợ trong sự cứu rỗi của chúng ta hầu cho lòng quí vị dâng lên lời ngợi khen Đức Chúa Trời là Cha và Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con cảm tạ Ngài về sự giàu có mà chúng con nhận được nơi Ngài. Sự giàu có ở các nơi trên trời được mua cho chúng con bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúa ôi chúng con cám ơn Ngài về ơn phước đó mà chúng con nhận được ngay cả bây giờ dù chúng con còn chờ đợi cho điều nầy được hoàn tất trọn vẹn khi thời gian sẽ chấm dứt.

Chúng con cám ơn Ngài vì chúng con được chia xẻ những phước hạnh đó ngay cả bây giờ để chúng con có được sự vui mừng trong đời sống nầy vì chúng con biết rằng chúng con thuộc về Ngài. Chúng con có sự vui mừng trong đời nầy vì chúng con biết Chúa Cứu Thế khiến chúng con nên trọn vẹn. Chúng con có sự vui mừng và bình an vì chúng con biết cơ nghiệp của chúng con không gì có vồ mất đi được bởi vì Ngài đã làm xong công việc của Ngài trong chúng con.

Chúa ôi chúng con ngợi khen công việc của Chúa Giê-xu. Chúng con cầu xin rằng chúng con sẽ yên tâm một cách tự tin về ân điển mà Ngài tỏ ra cho chúng con trong khúc Thánh kinh nầy. Cầu xin Chúa cho chúng con yên nghỉ bình an và trong sự nhận biết mà Ngài ban cho chúng con. Cầu xin cho lòng chúng con đáp lại bằng sự ngợi khen. Xin đừng để cho chúng con là người nhận được nhiều nhưng không đáp lại bằng tấm lòng biết ơn. Xin đổ đầy lòng chúng con bằng sự ngạc nhiên, bằng sự mong muốn tôn kính Ngài bằng môi miệng, tấm lòng và đời sống của chúng con. Cầu xin Chúa cho chúng con làm những đầy tớ vâng phục và trung tín của Ngài bởi vì chúng con yêu Ngài, bởi vì chúng con đã nếm được sự nhơn từ của Đức Chúa Trời chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giê-xu. A-men.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)