Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Ơn Ban Cho Từ Đức Chúa Trời - 12/2009  


ƠN BAN CHO TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI
(1Phierơ 4:10-11)

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh của Cứu Chúa Giê-xu Christ. Tôi xin được hỏi các em nhỏ: Giả sử các em được mời đến dự một bữa tiệc sinh nhật. Mẹ đi mua sắm và em chọn được một món quà rất xinh cho bạn, món quà mà em biết rằng bạn sẽ thích, rằng bạn thật sự rất cần. Món quà rất mắc tiền nhưng mẹ tin rằng nó rất đáng giá và thật sự có ích lợi cho bạn em. Khi đi dự tiệc, mẹ bảo em đem quà đó vào nhà cho bạn. Nhưng em đi vào tay không và để quà lại trong xe. Em để nó lại trên ghế sau xe không phải vì em không thể lấy quà được nhưng đơn giản chỉ vì em không muốn cầm, không muốn mất thời gian. Thử nghĩ em làm thế có tốt không? Chắc chắn điều đó không hài lòng mẹ vì mẹ đã trả một số tiền lớn cho món quà đó, mà chắc chắn hơn là nó khiến bạn em thất vọng lắm vì quà đó thật cần cho bạn em.

Đoạn Kinh Thánh hôm nay của chúng ta nói về những món quà mà Đức Chúa Trời đã và đang ban cho. Những ơn mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Ngài hầu cho nhiều người được ích lợi chung. Đây là những món quà khiến cho hội thánh mạnh mẽ, là sự ban cho nhưng không của ân điển qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Những ơn đó thật cần thiết cho hội thánh mà một khi được sử dụng thì ích lợi cho thành viên của hội thánh. Một số sự ban cho đó bị quên lửng theo thời gian, bị đóng bụi ở những hàng băng ghế phía sau. Vị sứ đồ khuyên độc giả tận dụng những quà tặng của ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Ngài đã được ban cho hội thánh vì cớ sự vinh hiển của hội thánh.

Khi chúng ta nhìn vào bối cảnh trực tiếp của khúc Kinh Thánh nầy bắt đầu từ câu 7, khúc Kinh Thánh nầy đề nghị rằng những ơn nầy nên được sử dụng với tinh thần khẩn cấp. "Sự cuối cùng của muôn vật đã gần", chúng ta được báo cho biết trong câu 7. Đây là thời kỳ thử thách, đây là thời kỳ hoạn nạn, thời kỳ khó khăn, thời kỳ thách thức. Đây là thời kỳ, theo 1Phierơ 5:8, "...ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được". Chúng ta cần những sự ban cho nầy từ Đức Chúa Trời. Kẻ thù nghịch của chúng ta không phải là thịt và huyết mà là chủ quyền và thế lực. Hội thánh ngày hôm nay sẽ đối diện với sự bắt bớ, sự giảng dạy giả dối, sự tấn công, sự cám dỗ để phạm tội... Ngày của Chúa đang đến gần, Thánh Kinh cho chúng ta biết ngày của Chúa đến như kẻ trộm trong ban đêm và chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời phải sẵn sàng để gặp Cứu Chúa của chúng ta. Để làm điều đó chúng ta phải khích lệ lẫn nhau trong đức tin kẻo chúng ta bị bắt gặp đang ngủ mê khi Chúa đến như trong 1Têsalônica chép. Chúng ta cần phải khích lệ lẫn nhau trong đức tin. Chắc chắn rằng, theo bài học hôm nay, Đức Chúa Trời biết nhu cầu của hội thánh Ngài. Đức Chúa Trời tỏ tường những gì xảy ra dưới đất nầy. Ngài biết sự khó khăn của chúng ta nên đã cung cấp cho chúng ta điều mà chúng ta cần: Ngài đã ban ân điển (ơn) cho hội thánh. Chúng ta đọc trong Êphêsô đoạn 4, "Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, và ban các ơn cho loài người." Ngài đã ban các ơn cho loài người hầu đáp ứng nhu cầu gây dựng cho hội thánh của Chúa Cứu Thế. Những ơn đó được ban cho qua Thánh Linh vì sự thạnh vượng của hội thánh Đấng Christ. Thế nên chúng ta đọc trong đoạn Kinh Thánh hôm nay rằng: "Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện. Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng." Và trong sự vận dụng tình yêu thương đó, hội thánh phải sẵn sàng sử dụng những ơn mà Đức Chúa Trời đã ban cho.

Khi đọc trong câu 10, điều đầu tiên nổi bật là những ơn này không phải chỉ ban cho một số ít người nào đó, những người cao cấp mà thôi mà là cho mọi tín hữu. Những sự ban cho đó chẳng phải chỉ ban cho những người dường như sốt sắng phục vụ mà được Đức Chúa Trời phân phát cho mỗi một ai xưng nhận đức tin mình nơi Chúa Giêxu Christ. Mọi tín hữu đã được Đức Chúa Trời ban ơn vì sự gây dựng hội thánh. Thế thì không ai trong chúng ta được phép thu mình trong góc mà bảo rằng tôi không có ơn gì để chia sẻ với anh em, bảo rằng mình chẳng ích lợi gì, rằng Đức Chúa Trời chẳng thể dùng mình bằng cách nào đó để mang phước hạnh cho anh em tín hữu khác. Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi thành viên một mục tiêu trong thân thể Ngài. Dù đã lập gia đình hay còn độc thân, là trẻ em hay người lớn, mỗi người đã được ban cho một vị trí và ơn đã sử dụng cho mục vụ của hội thánh. Ngay cả những trẻ em cũng không cần phải đợi đến lớn mới sử dụng những ơn mà Đức Chúa Trời đã ban cho các em để phục sự hội thánh.

Những ơn này đã được ban cho để hầu việc lẫn nhau. Cơ Đốc Nhân không nên xem mình như một cá nhân tách mình khỏi tập thể. Khi đã được giải phóng khỏi sự thống khổ bởi huyết báu Đấng Christ và được mang vào mối thông công với nhau. Chúng ta đã được đặt vào thân thể Đấng Christ để hầu việc lẫn nhau như những phần của thân thể bằng xương thịt của chúng ta hầu việc cả thân thể vậy. Tay, chân, mắt của chúng ta góp phần bảo vệ phần còn lại của thân thể. Cũng thế, chúng ta được ban cho những ơn tứ để phục vụ cho những mục tiêu của hội thánh. Sự phục vụ đó chắc hẳn phải được thực hiện trong tình yêu thương.

Chúng ta xem trong câu 10 rằng trong khi được dạy dỗ phải sử dụng những sự ban cho đó, chúng ta cũng được dạy phải làm người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được ban cho ân điển (ơn) qua Chúa Giêxu Christ và cả công việc của Thánh Linh trong lòng chúng ta để được kêu gọi vào sự phục vụ thân thể Đấng Christ. Chúng ta nhớ lại ẩn dụ về các ta-lâng trong Mathiơ đoạn 25. Chúng ta thấy rằng ẩn dụ này ở trong bối cảnh của những ngày cuối cùng với tâm trạng khẩn cấp. Chúng ta được cho biết rằng những người khác nhau được ban cho số ta-lâng khác nhau: người năm ta-lâng, người hai ta-lâng, người một ta-lâng. Mỗi người này phải sử dụng những sự ban cho này như người quản lý cho chủ. Chúng ta nhớ rằng người được ban cho năm ta-lâng và người được ban cho hai ta-lâng làm lợi ra được gấp đôi và sử dụng điều đó để làm vinh hiển cho chủ. Người cuối cùng thì đào lổ chôn ta-lâng dưới đất và chỉ đưa trả lại chủ y như cũ mà thôi. Chúng ta thấy rằng một người quản lý giỏi biết sử dụng tốt những gì được ban cho. Đức Chúa Trời đã ban ơn cho hội thánh Đấng Christ. Sự ban ơn của Đức Chúa Trời không hề thiếu hụt. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết là "các thứ ơn của Đức Chúa Trời" đã được bày tỏ ra bằng nhiều cách khác nhau và có thể sử dụng trong phạm vi hội thánh.

Những ơn ban cho hội thánh được phân chia thành hai loại: ơn giảng luận và ơn phục vụ. Chúng ta hãy cùng xem về ơn giảng luận, "Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời." Chúng ta thấy rằng những người giảng phải giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời. Tại đây Đức Chúa Trời dạy chúng ta phải giống như Đấng Christ trong lời giảng dạy của mình. Khi xem sách Phúc Âm Giăng, chúng ta thấy khi Đấng Christ giảng dạy, Ngài nói rằng Ngài chẳng nói gì hơn là những lời mà Cha đã sai mình nói. Nói cách khác, Chúa Giêxu đang nói ra Lời Đức Chúa Trời. Ngài đang dạy dỗ và đối diện với họ chẳng phải bằng ý riêng mình mà bằng Lời Đức Chúa Trời. Đấng Christ cũng là Đức Chúa Trời nên mọi lời Ngài nói ra đều là Lời Đức Chúa Trời. Ngài đang nói ra Lời và ý chỉ của Đức Chúa Trời cho thế gian. Kinh Thánh tại đây dạy chúng ta rằng chúng ta cũng phải làm như Ngài không phải với ý nghĩa là những lời nói của chúng ta đều được linh cảm bởi Đức Chúa Trời. Chắc chắn rằng lời nói chúng ta không được linh cảm như các sứ đồ xưa. Tuy nhiên lời nói của chúng ta cần phải thích hiệp với Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta phải vận dụng nhiều Lời Thánh Kinh, trích dẫn lời Ngài trong sự giảng dạy của chúng ta. Tín lý và cách sống của chúng ta phải thích hiệp với Lời Đức Chúa Trời. Những gì chúng ta dạy dỗ người khác phải ra từ hay bắt nguồn từ sự dạy dỗ của Thánh Kinh.

Khi suy nghĩ về vấn đề nói ra Lời Đức Chúa Trời, một trong những sự ứng dụng hàng đầu là trong sự rao giảng Thánh Kinh trên bục giảng. Điều này đặc biệt áp dụng cho các mục sư truyền đạo với trách nhiệm rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Mục sư không được tự tiện triển khai ý riêng mình, nói ra kế hoạch riêng, khiến hội thánh phải đi theo ý mình. Mục sư trung tín phải công bố Lời Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải là ý riêng của mục sư, sự phỏng đoán hay lời người ta mà chính là Lời Đức Chúa Trời phải là nền tảng cho mọi sự giảng dạy. Khi giảng dạy Lời Đức Chúa Trời phải đặt trọng tâm trên công tác của Đấng Christ trong sự cứu chuộc chúng ta. Mục vụ rao giảng phải luôn hướng người ta đến với Đấng Christ mà tại đó người ta tìm thấy sự cứu rỗi. Chúng ta thấy rằng ngày nay nhiều người đến với chức vụ giảng dạy không luôn thực thi trách nhiệm này cách trung tín. Tôi biết có nhiều mục sư thay vì rao giảng từ Thánh Kinh lại rao giảng từ một sách vỡ hay đề tài nào đó mà mình lựa chọn. Họ giảng dạy ý riêng mình mà không có thẩm quyền của Lời Đức Chúa Trời. Rõ ràng điều này là sai trật. Những gì được rao ra từ bục giảng phải được châm rễ vững vàng trong Thánh Kinh mà thôi. Sự giảng dạy Thánh Kinh mà chúng ta thấy trong các lẽ thật của tín lý là sự giảng dạy những tín lý của Đức Chúa Trời chớ chẳng phải là sự sáng tạo của con người. Sự ứng dụng từ Thánh Kinh không phải là sự ứng dụng của con người đặt ra mà là sự ứng dụng của Đức Chúa Trời, không phải là áp dụng cá nhân của mục sư nào đó. Những ai lắng nghe sự giảng dạy Lời Đức Chúa Trời phải hiểu rằng họ không đang nghe lời con người. Khi mà sự giảng dạy đó trung tín theo Kinh Thánh, thì người ta đang lắng nghe Lời Đức Chúa Trời. Họ phải đến với Đấng Christ để được cứu. Ấy chính là điều cần được giảng ra nơi bục giảng.

Điều này cũng đúng với những người được kêu gọi làm chức trưởng lão trong hội thánh là những người được kêu gọi để lãnh đạo và có thẩm quyền trên các thành viên của hội thánh. Khi đến nhà trò chuyện với các tín hữu, họ đến với thẩm quyền tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời. Thật không chính xác nếu đọc đoạn Kinh Thánh này mà cho rằng nó chỉ áp dụng cho mục sư và các trưởng lão mà dường như những tín hữu khác không phải làm như thế. Tất cả chúng ta đã được kêu gọi để rao giảng và chia sẻ đức tin với người khác. Một số người được kêu gọi vào sự giảng dạy chính thức như dạy những lớp học Kinh Thánh hay Trường Chúa Nhật là những người phải nói ra chính Lời Đức Chúa Trời. Khi chúng ta có cơ hội phải chia sẻ Tin Lành cho những người chưa nghe đến, khi truyền giảng, hoặc khích lệ anh em chúng ta đang tranh chiến với tội lỗi hay nãn lòng... chúng ta không đưa ra những lời hướng dẫn hay bảo đảm lệch lạc, chúng ta rao ra Lời Đức Chúa Trời. Ấy là sự an ủi và khích lệ. Điều được rao giảng ra là Tin Lành của ân điển, rằng có sự trông cậy trong Đấng Christ, rằng những ai đã chết trong Đấng Christ giờ đây được sống với Ngài. Ấy là sự bảo đảm về sự cứu rỗi rằng những ai đã tin nhận Ngài sẽ được cứu. Ấy là sự khích lệ hãy bước đi trong đức tin vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự giảng dạy này bắt nguồn từ Thánh Kinh. Khi chúng ta nói ra, chúng ta nói như rao ra lời sấm truyền của Đức Chúa Trời.

Ơn tứ thứ hai liên quan đến những người có chức vụ hầu việc: "Nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban." Trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp, chữ "làm chức" liên quan đến sự hầu việc. Rõ ràng đây là một khía cạnh của chức chấp sự nhưng không chỉ giới hạn trong lãnh vực đó. Các chấp sự được kêu gọi hầu việc thân thể Đấng Christ. Họ phải sử dụng ơn của mình để giúp những ai có cần trong lĩnh vực tài chính hay những lĩnh vực khác. Chấp sự được kêu gọi hầu việc. Tuy nhiên điều này cũng không chỉ giới hạn cho những chấp sự mà thôi. Tất cả chúng ta là những tín hữu đã được kêu gọi hầu việc. Một lần nữa điều này châm rễ trong Đấng Christ. Đức Chúa Trời đã hầu việc các môn đồ, rửa chân họ. Ngài là tấm gương cao nhất cho tinh thần phục vụ phó chính mình Ngài cho hội thánh. Khi suy nghĩ về những công tác phục vụ mà chúng ta được kêu gọi đến, chúng ta thấy những ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Ngài hết sức đa dạng, không xiết kể, có rất nhiều cách hầu chúng ta có thể hầu việc Chúa. Chúng ta có thể giúp những người gặp khó khăn, chẳng hạn làm giúp những bữa ăn, giúp dọn nhà... chúng ta đều có thể làm được. Chúng ta có thể cầu nguyện cho những người đang tranh chiến với những vấn đề khó vượt qua. Chúng ta vẫn có thể cầu thay cho những người mình ít có dịp gặp gỡ. Chúng ta có thể hầu việc người khác chỉ bằng cách tham gia vào những chương trình của hội thánh, bằng cách có mặt khi người khác gặp chuyện buồn. Là tín hữu của hội thánh, chúng ta không chỉ được kêu gọi làm ấm những hàng băng ghế nhà thờ. Chúng ta được kêu gọi hầu việc. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ơn và khả năng để làm điều đó. Chúng ta phải ý thức tận dụng mọi cơ hội để hầu việc. Tại một số hội thánh có những chương trình cuối tuần cho những ân tứ thuộc linh mà trong đó mỗi người cố gắng xem mình có ân tứ gì. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng chúng ta cần những buổi hội thảo như thế để biết xem mình có ơn gì. Trước nhất, chúng ta có thể nhìn vào danh sách những ơn tứ mà sứ đồ Phaolô liệt kê ra trong các thư tín của ông, chẳng hạn trong 1Côrinhtô đoạn 12 đến 14. Tuy nhiên, Phaolô cũng không liệt kê ra hết được. Đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay cho chúng ta biết rằng những ơn tứ đó là đa dạng, đủ mọi ơn như chính ân điển của Đức Chúa Trời vậy. Chúng ta không nên tự giới hạn mình với một bản liệt kê những ơn tứ nào. Chúng ta cần nhìn thấy cơ hội, tìm cơ hội, nếu có thể được, nếu có khả năng và thời gian. Chúng ta cần trung tín trong sự phục vụ. Nếu chúng ta cứ thấy mình không có thời gian, có lẽ chúng ta cũng cần xem lại cách sử dụng thời gian của mình, làm sao để ích lợi nhất cho vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban cho các thứ ơn khác nhau, chúng ta được kêu gọi phục vụ như chính Đấng Christ. Chính Đấng Christ sẽ ban sức và khả năng cho chúng ta để hầu việc.

Cuối cùng, chúng ta học thấy trong đoạn Kinh Thánh này là Đức Chúa Trời đã ban những ơn này cho chúng ta với một mục đích hẳn hoi. Ngài ban cho chúng ta những ơn tứ này hầu trong mọi sự Đức Chúa Trời được vinh hiển qua Đức Chúa Giêxu Christ. Khi suy nghĩ đến sự sử dụng những ơn tứ, đôi khi chúng ta có thể muốn dùng những ơn tứ mình hầu cho bản thân mình được tôn trọng. Hoặc chúng ta có thể phục vụ người khác chỉ vì nghĩa vụ mà thôi. Đây không phải là tinh thần mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến với hội thánh Ngài. Mục tiêu mà chúng ta được dạy trong sự sử dụng những ơn tứ là hầu cho chúng ta có thể tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Khi suy nghĩ đến việc sử dụng ơn tứ giữa hội thánh, dù là ơn tứ nào, tôi không muốn sau bài học này chúng ta sẽ bị thúc đẩy bởi mặc cảm tội lỗi rằng tôi không đóng góp đủ cho sự thạnh vượng của hội thánh. Tôi muốn chúng ta được thúc đẩy với ao ước muốn tôn vinh Đức Chúa Trời. Ngài đã ban sức và khả năng cho chúng ta để phục vụ. Chúng ta có đang tận dụng mọi cơ hội với ao ước tôn vinh Ngài? Chúng ta không nên mang lấy động cơ là sự ràng buộc của nghĩa vụ mà phải là ao ước muốn tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng không nên phục vụ vì vinh hiển của bản thân mình. Chúng ta không đi đây đó mà khoe khoang thể nào chúng ta đã phục vụ trong hội thánh, đã sốt sắng, và biểu dương danh sách những gì chúng ta đã làm được hay so sánh mình với người khác. Chúng ta cần nhìn những gì Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta và thể nào chúng ta có thể dùng những điều đó để tôn vinh Ngài. Chúng ta làm điều đó vì yêu mến Ngài, vì sự cứu rỗi mà Ngài đã ban cho chúng ta. Mọi sự vinh hiển quy về Đức Chúa Trời. Ấy chính là ân điển Ngài hành động trong chúng ta, ấy chính là ơn tứ Ngài ban cho chúng ta mà thôi. Ngài đáng được mọi sự tôn quý.

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu, tôi muốn chúng ta suy nghĩ về vị trí của mình trong hội thánh tại đây và thể nào Đức Chúa Trời đã ban ơn cho chúng ta để phục vụ người khác. Xin đừng để những ơn tứ của mình nằm trơ trọi nơi băng ghế sau xe mà không sử dụng bởi anh em trong hội thánh cần dùng những ơn tứ đó. Đức Chúa Trời đã ban ơn tứ cho chúng ta, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Ngài đã ban cho chúng ta để sử dụng cho sự gây dựng hội thánh. Hội thánh Ngài cần những ơn tứ này. Xin hãy vận dụng chúng để tôn vinh hiển cho danh Ngài!

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Hôm nay chúng con cảm tạ Ngài về sự ban cho lớn nhất là chính Đấng Christ mà Ngài đã ban cho chúng con cách nhưng không. Sự ban cho này đã biến cải tấm lòng và tâm trí chúng con. Ngài đã đổ đầy lòng chúng con bởi Thánh Linh Ngài. Chúng con xin Ngài cho chúng con sử dụng những ơn tứ Ngài ban để có thể gây dựng các thánh đồ, nâng đỡ những ai đang gặp khó khăn. Những người đang cần giúp đỡ sẽ được phước khi chúng con sử dụng những ơn tứ đó hầu tôn vinh Ngài. Trên hết mọi sự đó, chúng con nguyện xin chính Ngài được tôn quý khi người ta nhìn thấy Đấng Christ sống trong chúng con hầu chính Đấng Christ chớ chẳng phải là chúng con sẽ được tôn vinh. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)