Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Ăn ở Cách Hiệp Một A - 02/2003  


ĂN Ở CÁCH HIỆP MỘT
(Êphêsô 4:3-6)

Tháng Hai 2003

"Dùng dây hòa bình mà gìn giữ sự hiệp một của Thánh Linh. Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp têm; chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người."

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Khi chúng ta nghĩ đến nguyên tắc của sự hiệp một, chúng ta phải nhận rằng sự hiệp một giữa những Cơ Đốc Nhân là điều được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, chúng ta xem trong Thi Thiên 133 chẳng hạn, tại đây chúng ta thấy tác giả Thi Thiên tuyên bố rằng: "Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau. Thật tốt đẹp thay!" Dân Ysơraên lúc bấy giờ rất cần ăn ở hòa thuận nhau để hiểu được sự hiệp nhất của họ trong Tin Lành giống như chúng ta ngày nay vậy. Khi chúng ta nghĩ đến Chúa Giêxu trong lời cầu nguyện như thầy cả của Ngài trong Giăng đoạn 17, "Ấy chẳng những vì họ mà Con cầu xin thôi đâu, nhưng cũng vì kẻ sẽ nghe lời họ mà tin đến Con nữa, để cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta." Đức Chúa Trời và Đấng Christ muốn thấy sự hiệp một trong hội thánh Ngài.

Sứ đồ Phaolô trong 1Côrinhtô đoạn 1 quở trách hội thánh vì sự thiếu hiệp một của họ, kêu gọi họ ăn năn, trở lại với ý tưởng về một Tin Lành duy nhất hiệp họ lại làm một, ấy là Tin Lành của Cứu Chúa Giêxu. Nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh cũng đề cập đến mối thông công và sự hiệp một của chúng ta là của những người tin vào Tin Lành của Chúa Giêxu. Ấy là một mối thông công gắn chặt chúng ta với nhau vượt khỏi ranh giới của chủng tộc, giới tính hay tầng lớp xã hội. Hội thánh của Chúa Giêxu bao gồm những thành viên gắn bó với nhau như là những tế bào trong một thân thể. Sự hiệp một của hội thánh Đức Chúa Trời thật là quan trọng. Tầm quan trọng đó được Chúa nhấn mạnh xuyên suốt Kinh Thánh.

Khi nói đến sự hiệp một của Cơ Đốc Nhân, chúng ta phải ý thức được những sai lầm của cả hai phía trong toàn bộ phạm vi của vấn đề. Tôi nói thế vì có nhiều người cho rằng nguyên tắc hiệp một này có nghĩa là phải có một hội thánh duy nhất mà thôi mà không có nhiều giáo phái. Xuyên suốt dòng lịch sử hội thánh, nguyên tắc hiệp một Cơ Đốc này đã nhiều lần bị sử dụng cách sai lệch hầu cố gắng kết lại với nhau giữa những người trung tín với những người không trung tín. Điều này rất thường xảy ra và chính tôi cũng đã chứng kiến. Khi giáo hội đi sai lệch đường lối Chúa mà bước theo những giáo lý sai lầm, khi nó bị dẫn dụ bởi chủ nghĩa phóng khoáng hay những giáo lý Tin Lành lầm lạc, khi ấy những người trong giáo hội nói với những người trung tín rằng "Quý vị phải ở lại với chúng tôi vì Đấng Christ muốn hội thánh Ngài được hiệp một." Và rồi họ lên án những người trung tín ra khỏi giáo hội vì sự thiếu trung tín của giáo hội là ly giáo, là phá vỡ sự hiệp một của hội thánh Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này rõ ràng trong thời kỳ Cải Chánh khi nhiều người thuộc giáo hội Công Giáo La Mã lên án người Tin Lành là phá vỡ sự hiệp một của hội thánh dù những người Tin Lành đã lên tiếng với những sự giảng dạy sai lệch đang lan tràn trong giáo hội. Sự lên án còn gia tăng hơn khi nhiều nhóm phân lập phát sinh ra từ trong giáo hội Tin Lành.

Vì vậy chúng ta nên hiểu rằng sự hiệp một giữa Cơ Đốc Nhân mà chúng ta có được không chỉ là một sự hiệp một bên ngoài thôi. Nó không có nghĩa là chúng ta được hiệp nhất bởi một giáo hội có tổ chức. Nhưng sự hiệp một của chúng ta xoay quanh một tâm điểm là lẽ thật Tin Lành của Cứu Chúa Giêxu Christ. Nó đặt trọng tâm nơi lẽ thật. Ấy chính Tin Lành của Chúa Giêxu hiệp nhất chúng ta lại với nhau. Tin Lành của Chúa Giêxu có khả năng vượt qua những ranh giới của giáo hội. Tất nhiên nhiều người trong chúng ta có thể gọi những anh em trong giáo hội Báptít là anh chị em trong Chúa dù chúng ta có thể có những khác biệt về tín lý nhưng chúng ta vẫn có thể xưng rằng chúng ta cùng tin nhận một Tin Lành của Chúa Giêxu. Chúng ta được kêu gọi phải tách khỏi mối thông công hiệp một với những ai đi sai lệch khỏi Tin Lành của Chúa Giêxu Christ. Chúng ta được hiệp một xung quanh lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta rất cần nhớ rằng nếu ai đó buộc chúng ta hiệp một với những sai trật thì họ chắc chưa hiểu được đúng điều Chúa muốn kêu gọi chúng ta trong Êphêsô 4:3.

Nhưng cũng giống như sai lầm của một số người cố gượng ép một sự hiệp một với những sai quấy thì một số khác cũng phạm sai lầm trong việc chối bỏ sự hiệp một hay chiều sâu của sự hiệp một Cơ Đốc. Có những người cứ khăng khăng đòi chia rẽ với mọi vấn đề khác biệt dù không đáng kể. Đó không phải là cách chúng ta nên cư xử trong hội thánh Cơ Đốc. Trái lại, chúng ta phải hiệp một quanh lẽ thật của Tin Lành và kiên nhẫn dạy dỗ khích lệ người khác hiểu biết Lời Chúa cũng như hiểu biết chúng ta một cách đúng đắn hơn. Không nhìn thấy được sợi dây hiệp một Cơ Đốc là một sai lầm cũng như khi chúng ta không nhìn thấy được sự hiệp một của chúng ta trong Đấng Christ. Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là việc làm một tín đồ trong hội thánh Đấng Christ không giống như làm một thành viên trong một tổ chức nào đó. Chúng ta thấy rằng mối dây hiệp một mà tôi và quý vị cùng chia sẻ vượt quá giới hạn của sợi dây hiệp một trong tình bằng hữu. Tất nhiên chúng ta có thể là bạn bè với nhau, cùng vui vẻ thông công với nhau. Nhưng đó không phải là ý chính khi nói đến sự hiệp một Cơ Đốc. Sự hiệp một Cơ Đốc sâu xa hơn tình bằng hữu nhiều. Nó vượt xa hơn một sự tụ tập bè phái.

Là con cái Chúa, chúng ta luôn dang rộng cánh tay đón chào những thành viên mới vào bầy chiên của hội thánh Đức Chúa Trời. Chúng ta không bao giờ được cư xử kiểu bè phái ngăn trở không cho những người quan tâm đến Tin Lành của Chúa đến với chúng ta. Chúng ta ao ước chào đón những thành viên mới vào ràng hầu họ cũng được biết và chia sẻ mối thông công mà chúng ta có được với Đấng Christ. Nó vượt xa hơn sự hội họp của những người có đồng tâm trí trong nhiều vấn đề. Ấy không phải chúng ta nhóm họp nhau vì chúng ta đồng ý với nhau trong mọi vấn đề. Nó vượt xa hơn thế nữa, nếu không chúng ta cũng chỉ giống như một đảng phái chính trị hay đại loại như vậy khi chúng ta nhóm họp với nhau vì chúng ta tán đồng ý kiến của nhau. Sự hiệp một chúng ta có trong Đấng Christ vượt xa hơn sự đồng ý đơn thuần. Tất nhiên, nó cũng bao hàm ý đó. Nhưng sự hiệp một Cơ Đốc hướng đến một sự hiệp một về tâm linh kết nối chúng ta lại thành một thân thể. Và ấy chính là vấn đề muốn nói đến trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta ngày hôm nay.

Khi chúng ta đọc đoạn Kinh Thánh này từ câu 4 đến 6 có một từ nổi bật lên. Và từ đó tất nhiên là chữ "một". Khi chúng ta xem trong câu 4 đến 6 và đếm số lần chữ này được nhắc đến, chúng ta sẽ thấy nó được dùng 7 lần. Con số 7, con số trọn vẹn, hoàn hảo, với trọng tâm nơi sự hiệp một mà chúng ta có được trong Đấng Christ. Chúng ta không thể đọc phần Kinh Thánh này mà không được ấn tượng với ý tưởng rằng chúng ta được kêu gọi hiệp một với nhau. Chúng ta là một thân thể, một Thánh Linh, một sự trông cậy, một Chúa, một đức tin, một phép báp têm, một Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ nhận ra khi quan sát những từ này rằng 3 ngôi Đức Chúa Trời đều được kể đến. Chúng ta thấy câu 4 nói rằng có một Thánh Linh. Câu 5 nói đến một Chúa. Tôi tin rằng trong ngữ cảnh mà sứ đồ Phaolô đang viết, chữ "Chúa" đó nói đến Chúa Giêxu. Thường khi chúng ta đọc thấy trong các thư tín được Đức Chúa Trời hà hơi qua Phaolô thì chữ "Chúa" chỉ về Đấng Christ. Và cuối cùng trong câu 6 chúng ta thấy đề cập đến một Đức Chúa Trời, Cha của mọi người. Ba ngôi Đức Chúa Trời được đưa lên hàng đầu. Chúng ta phải hiệp một cũng như Đức Chúa Trời hiệp một. Mối tương giao chúng ta có được với tư cách là hội thánh Đấng Christ phản chiếu mối tương giao mà chúng ta thấy trong sự hiệp một của Đức Chúa Trời. Như chúng ta đọc trong Giăng 17 rằng chúng ta là hội thánh Đức Chúa Trời phải hiệp làm một như Cha và Đấng Christ hiệp một. Sự hiệp một của chúng ta phải phản chiếu sự hiệp một của Đấng Christ. Chúng ta phải nhìn thấy mình theo cách đó.

Chúng ta thấy cùng với 3 ngôi Đức Chúa Trời được đề cập đến, đoạn Kinh Thánh còn đề cập đến bốn khía cạnh khác của sự cứu rỗi. Hôm nay chúng ta sẽ cùng học hỏi ba khía cạnh đầu tiên và lần tới, nếu Chúa cho phép, chúng ta sẽ cùng học hỏi tiếp phần còn lại của sự hiệp một được đề cập đến từ câu 4 đến câu 6.

Khía cạnh đầu tiên trong sự hiệp một là chúng ta là một thân thể. Ý tưởng rằng chúng ta là một thân thể được giải thích rõ hơn trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta và cũng trong 1Côrinhtô 12 nữa. Cả Kinh Thánh khích lệ chúng ta nghĩ về mình như là thân thể của Đấng Christ. Khi chúng ta nghĩ đến MỘT thân thể theo 1Côrinhtô 12, chúng ta cần thấy rằng chúng ta dính liền với nhau, rằng chúng ta tất cả đều là những chi thể cần thiết và quan trọng của một thân thể. Mỗi chi thể đều phụ thuộc vào những chi thể khác. Chúng ta không thể tâng bốc một chi thể này lên cao hơn một chi thể kia. Mọi chi thể đều được Đức Chúa Trời dùng cho sự phát triển tốt đẹp hơn của thân thể Đấng Christ. Hãy thử cắt một phần thân thể ra, phần đó sẽ chết đi. Nếu chúng ta cắt một ngón tay mình ra để một bên thì ngón tay đó chắc sẽ khô và hư thối đi. Chúng ta thấy rằng Kinh Thánh dạy chúng ta không được xem mình là một cá nhân chiến đấu cô đơn giữa thế gian này nhưng chúng ta cần xem mình là thân thể của Đấng Christ hiệp một với nhau. Chúng ta thấy rằng khi chúng ta nghĩ đến điều đó thì cái ý niệm về một nhà tu ẩn dật Cơ Đốc, tách rời mình khỏi thế giới, tự cô lập mình khỏi mọi người khác quả thật không phải là điều mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta. Chúng ta được kêu gọi làm thân thể Đấng Christ, hiệp một với nhau, cùng tiến bước cho nước Đức Chúa Trời.

Ý niệm cơ bản của việc chúng ta là một thân thể ấy là chúng ta là thân thể của Đấng Christ, tất nhiên không phải theo nghĩa đen mà theo nghĩa thuộc linh. Chúng ta là những người tin Chúa được liên kết thân mật về tâm linh với đầu. Chúng ta được liên kết thân mật về tâm linh với đầu của chúng ta là Đấng Christ. Chúng ta thấy trong câu 15 có chép "nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc, chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ." Đấng Christ là đầu của hội thánh và chúng ta là thân thể Ngài. Chúng ta là chi thể của Ngài, chúng ta được hiệp một với Ngài. Kinh Thánh dạy rất rõ về sự hiệp một tâm linh của chúng ta với Đấng Christ. Chúng ta nhớ đến Côlôse đoạn 3 câu 1 đến 3 nói rằng chúng ta đồng chết với Đấng Christ, đồng sống lại với Ngài và được mang lên với Ngài ở các nơi trên trời. Sự hiệp một của chúng ta với Đấng Christ nằm ở trung tâm vấn đề. Thế nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng chúng ta cùng chia sẻ sứ điệp đó không chỉ một cách cá nhân mà một cách tập thể như là một thân thể của Đấng Christ. Là thân thể Đấng Christ, chúng ta hiệp một với Ngài. Chúng ta được hiệp một với Ngài và cùng chia sẻ những lời hứa của Tin Lành. Điều gắn bó chúng ta lại với nhau không chỉ là mối tình bằng hữu mà quan trọng hơn là chúng ta được cùng sống lại trong Đấng Christ. Chúng ta cùng là chi thể của thân thể Ngài. Chúng ta được hiệp một qua Ngài một cách không thể tách rời được. Chúng ta được hiệp một bởi Đấng đã chết thay chúng ta. Ấy là một sự hiệp một thuộc linh đã kết liên tấm lòng chúng ta lại thành những chi thể trong một thân thể.

Dù chúng ta là thành viên của một hội thánh địa phương hay chúng ta là thành viên của hội thánh Đấng Christ trên toàn thế giới, chúng ta đều được hiệp một bởi đồng một mối dây hiệp một trong Chúa Giêxu này, được sống lại trong Ngài. Sự hiệp một của Đấng Christ liên kết chúng ta với nhau. Chúng ta có thể nói đến những nhóm người khác nhau, những màu da khác nhau, những tầng lớp khác nhau. Chúng ta có thể giàu hay nghèo, chúng ta có thể là người Giuđa hay là người ngoại như sứ đồ Phaolô có nói đến trước đó trong sách Êphêsô rằng người Giuđa và người ngoại giờ đây cùng nhau được phục hòa với Đức Chúa Trời. Họ là những người trước đây chia rẽ, xa cách giờ đây trong Đấng Chrsit được hiệp một vì họ có cùng một Chúa. Bức tường những tưởng có thể ngăn cách chúng ta không thể ngăn cách một chi thể của thân thể Đấng Christ khỏi một chi thể khác. Chúng ta được hiệp một bởi thân thể Đấng Christ vì chúng ta là chi thể của thân thể đó. Ấy là cách chúng ta cần nhìn nhận nhau như là những chi thể cần thiết và bình đẳng trong thân thể Đấng Christ.

Thứ hai, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta được ban cho một Thánh Linh, là Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy rằng sự cứu rỗi của chúng ta không bắt nguồn từ trong chúng ta. Rõ ràng rằng chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời soi sáng và mở mắt chúng ta để nhìn thấy lẽ thật. Chúng ta thấy rằng không có Thánh Linh của Đức Chúa Trời thì ai trong chúng ta sẽ tin? Không ai trong chúng ta sẽ xưng nhận đức tin nơi Đấng Christ trừ khi Thánh Linh Đức Chúa Trời trước hết đã mở mắt chúng ta để hiểu và tin nhận lẽ thật đó. Chúng ta có một Thánh Linh và Thánh Linh đó hướng chúng ta đến một Chúa Giêxu. Khi Chúa Giêxu sai các môn đồ Ngài ra đi trước khi Ngài về trời, Ngài ban một Đấng Yên Ủi, một Thánh Linh sẽ dạy họ những lời Ngài đã phán. Ấy chính là Thánh Linh đó làm việc trong lòng chúng ta và biến cải đời sống chúng ta. Thánh Linh thay đổi lòng chúng ta dù chúng ta có giàu hay nghèo, là người tự do hay nô lệ, người Do Thái hay là người ngoại. Ấy chẳng phải tự chúng ta tìm kiếm Ngài nhưng chính Thánh Linh Ngài khiến chúng ta bước theo Đấng Christ. Ngài làm việc trong lòng chúng ta hầu chúng ta tin nhận Ngài. Đoạn 2 nói về chúng ta được cùng nhau gây dựng như một đền thờ của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta. Ấy chính Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta ràng buộc chúng ta lại với nhau. Và đây là điều giống nhau giữa chúng ta. Không ai đến với Chúa Giêxu mà không bởi Thánh Linh và cũng không ai hư mất mà không bởi công việc Ngài. Vì thế mà khi sứ đồ Phaolô viết cho người bạn của mình là Philêmon, người có một đầy tớ là Ônêsim. Ông viết thơ cho Philêmôn nhìn nhận có sự khác biệt giai cấp xã hội giữa hai người: Philêmôn là chủ còn Ônêsim là đầy tớ. Nhưng sứ đồ Phaolô trong sự cảm động của Chúa chỉ ra rằng họ đều bình đẳng trong Đấng Christ. Cả hai đều là công việc của Đức Chúa Trời làm nên. Cả hai đều tin nhận Đấng Christ và là chi thể của cùng một thân thể đó. Chúng ta thấy rằng hai người đó dù là chủ tớ nhưng được hiệp một với nhau trong Đấng Christ, hiệp một qua Thánh Linh Đức Chúa Trời đang làm việc trong lòng khiến họ tin nhận.

Cuối cùng, hôm nay chúng ta được ban cho một sự trông cậy theo Kinh Thánh, một sự trông cậy của sự kêu gọi của chúng ta. Ý tưởng ở đây là muốn nói đến điều sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng ta có một sự trông cậy, sự trông cậy rằng bởi lời hứa của Đức Chúa Trời chúng ta sẽ nhận lãnh sự cứu rỗi. Đây là điều chúng ta đã biết là thật. Đây là điều đã được hoàn tất thông qua công việc được làm trọn của Đấng Christ trên thập tự giá. Đây là điều chúng ta đang có được nhưng cũng là điều mà chúng ta hy vọng và trông đợi. Chúng ta trông đợi nó được hoàn tất. Chúng ta đã có được rồi nhưng vẫn còn một khía cạnh khác của sự cứu rỗi còn phải hoàn tất mà chúng ta trông đợi cho được hoàn tất trọn vẹn. Và điều đó cũng hiệp một chúng ta lại với nhau. Chúng ta được hiệp một trong mục tiêu của chúng ta bởi cùng nhau chúng ta hướng mắt về sự đến của Chúa Giêxu, bởi chúng ta cùng nhau chờ đợi ngày Ngài trở lại giữa những đám mây, như khi Ngài thăng thiên thì Ngài cùng sẽ trở lại như cách Ngài thăng thiên vậy. Chúng ta chờ đợi ngày Ngài trở lại. Chúng ta trông đợi được ở trong sự hiện diện Ngài. Chúng ta cùng chia sẻ ao ước được ở đời đời cùng Ngài. Chúng ta cùng chia sẻ ao ước và niềm hy vọng rằng chúng ta sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và sự thống khổ mình trong ngày mà chúng ta sẽ không còn đau khổ, tội lỗi, đau đớn nữa. Ấy là những gì mà người tin Chúa chúng ta cùng có chung với nhau. Chúng ta được hiệp một trong sự trông cậy mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta hướng về sự giàu có của thiên đàng mà chúng ta sẽ được ban cho bởi công việc đã hoàn tất của Đấng Christ.

Chúng ta thấy là dân sự của Đức Chúa Trời chúng ta cần hiểu rằng chúng ta được hiệp một trong Đấng Christ. Chúng ta được hiệp một trong sự trông cậy này của Tin Lành rằng chúng ta sẽ cai trị đời đời cùng Ngài. Chúng ta được hiệp một trong Đấng Christ bởi chúng ta là một thân thể. Chúng ta là thân thể của Đấng Christ. Đây không chỉ là một phe nhóm, một nhóm bạn bè. Đây là một nhóm người tin tưởng nơi sự trông cậy trong Tin Lành của Đấng Christ. Ấy là những người nhóm nhau lại đây cùng chia sẻ một Thánh Linh đã biến cải lòng mình. Chúng ta được hiệp một một cách sâu sắc hơn những người bạn trong thế gian rất nhiều. Chúng ta chia sẻ một Tin Lành của Chúa Giêxu Christ. Chúng ta rất cần hiểu được sự hiệp một đó khi chúng ta gây dựng nhau trong đức tin nơi Chúa Giêxu Christ chúng ta. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con cảm ơn Ngài vì thời giờ chúng con được suy gẫm Lời Ngài. Chúng con cảm tạ Ngài vì cơ hội chúng con được học hỏi về lẽ thật rằng chúng con được hiệp một trong Tin Lành của Chúa Giêxu, rằng chúng con là thân thể Ngài. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Ngài cho chúng con hiểu được rằng chúng con hiệp một với nhau và thông công với nhau trong lẽ thật đó. Và chúng con cũng xin Ngài cho chúng con cũng khích lệ người khác được biết sự hiệp một và thông công là mối dây của đức tin nữa.

Lạy Chúa, chúng con cũng cầu xin Chúa dùng chúng con rao giảng Lời Ngài hầu nhiều người sẽ được mang vào ràn chiên của Ngài. Cầu xin Ngài cho mối hiệp một của chúng con được mạnh mẽ, một sự hiệp một không dựa trên tình bằng hữu, không dựa trên bất kỳ điều gì bên ngoài mà là mối hiệp một trên cơ sở Lời Ngài, trên lẽ thật mà Ngài đã bày tỏ trong sứ điệp của Tin Lành. Chúng con cầu xin rằng khi chúng con hiệp một cùng nhau, chúng con sẽ rao giảng Lời đó ra cho thế gian hư mất này. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)