Trang Bìa > Đời Sống & Đức Tin > Gây Dựng Đức Tin > Tìm Biết Ý Chúa Cho Đời Sống Bạn  


TÌM BIẾT Ý CHÚA CHO ĐỜI SỐNG BẠN

Dịch của Philip Jensen và Tony Payne

Ít lâu trước đây, tôi có nói chuyện tại một hội nghị với bốn mươi sinh viên y khoa. Tôi bắt đầu tiến hành bằng câu hỏi: "Trong vài năm tới các bạn sẽ phải đối diện với những quyết định quan trọng nào?" Tôi có thể đoán tương đối đúng câu trả lời của các sinh viên: hôn nhân, làm việc ở bịnh viện nào, đi theo chuyên khoa nào, sử dụng tiền bạc ra sao, làm thế nào đối phó với những vấn đề khó xử về đạo đức như phá thai và sự làm chết không đau đớn, có nên đi truyền giáo không hoặc khi nào sẽ đi v.v...

Những quyết định như thế dường như choán lấy tâm trí của những thanh niên Cơ đốc (và cả những Cơ Đốc nhân lớn tuổi hơn nữa!). Chúng ta muốn tìm kiếm chương trình của Đức Chúa Trời cho chúng ta trong những quyết định quan trọng này, vì thế chúng ta tra xem Thánh Kinh để được hướng dẫn. Tuy nhiên, Kinh Thánh dường như không giúp ích mấy. Kinh Thánh dường như chỉ trình bày chung chung. Nó không giúp tôi quyết định làm thợ máy hay làm bác sĩ phẩu thuật não, hoặc quyết định kết hôn với cô Dung hay cô Mai.

Cách thức thường thấy xưa nay cho vấn đề này là phân biệt giữa ý muốn tổng quát và ý muốn đặc biệt của Đức Chúa Trời. Người ta cho rằng Đức Chúa Trời có một ý muốn tổng quát cho cả nhân loại và ý muốn đó được mặc khải trong Thánh Kinh, và Ngài cũng có một ý muốn đặc biệt cho mỗi chúng ta mà ý muốn đó không được tìm thấy trong Thánh Kinh. Ý muốn tổng quát của Đức Chúa Trời dạy chúng ta, chẳng hạn, không phạm tội tà dâm và không "mang ách chung với kẻ chẳng tin" nhưng để biết được phải lựa chọn cô Dung hay cô Mai, chúng ta phải tìm kiếm ý muốn đặc biệt của Ngài cho chúng ta.

Làm thế nào biết được ý muốn đặc biệt của Đức Chúa Trời? Thường với cách thức này có nhiều đề nghị kết hợp nhiều phương pháp như: tham khảo ý kiến những Cơ Đốc Nhân lớn tuổi hơn, cầu nguyện, thấy lòng bình an không, "để lốt chiên ra ngoài trời" (Các Quan-xét 6:37), chờ đợi Đức Chúa Trời, xem có dấu hiệu nào không, hy vọng Chúa mở đường v.v... Gần đây hơn bùng nổ phong trào "lắng nghe tiếng Chúa" phán trực tiếp với chúng ta qua ấn tượng, tiếng nói trong tư tưởng, chiêm bao, dị tượng hay tương tự như vậy.

Cách thức này đi trật khá xa vì một số lý do và để giải thích vì sao, chúng ta hãy trở lại với cuộc gặp gỡ của tôi với những sinh viên y khoa.

Tôi hỏi họ một câu hỏi nữa "Đường xích đạo màu gì?" Họ không trả lời. Tôi hỏi lại lần nữa. Họ vẫn không trả lời. Thật ra, họ bảo tôi rằng họ không thể trả lời và rằng câu hỏi đó thật ngớ ngẩn.

Giả sử tôi đã thật tình muốn hỏi để biết đường xích đạo màu gì thì chắc tôi đã phải thất vọng lắm. Giả sử nếu tôi thật sự nghĩ rằng đường xích đạo có màu thì sao? Nếu các bạn tôi cứ ngăn trở, chắc tôi đã phải xoay qua hướng khác để tìm câu trả lời.

Vấn đề là: nếu chúng ta hỏi một câu hỏi sai thì hoặc chúng ta sẽ nhận được một câu trả lời sai hay chúng ta sẽ không được trả lời gì cả. Và nếu chúng ta không được trả lời, chúng ta bị cám dỗ mà xoay qua nơi khác để tìm lời đáp. Nhiều trục trặc của chúng ta trong việc tìm sự hướng dẫn xuất phát chính từ điều này: chúng ta hỏi những câu hỏi sai, và rồi tự hỏi tại sao chúng ta không tìm ra câu trả lời. Chúng ta lẩn quẩn trong nỗi lo lắng to lớn cố gắng tìm ra xem đường xích đạo màu gì.

Sự hướng dẫn và tính đầy đủ của Kinh Thánh

Làm thế nào chúng ta biết câu hỏi của mình sai hay không thích hợp? Từ những gì chúng ta biết về sự đầy đủ của Lời mặc khải của Đức Chúa Trời, vấn đề có vẻ đơn giản. Chúng ta nên hỏi những câu hỏi mà Đức Chúa Trời cho là quan trọng và đó là những câu hỏi mà Ngài đã trả lời trong Thánh Kinh.

Đức Chúa Trời không có hai kế hoạch: kế hoạch tổng quát và kế hoạch đặc biệt. Ngài chỉ có một chương trình thôi và chương trình đó vừa tổng quát và vừa đặc biệt. Ngài muốn mọi người, và từng người trong chúng ta, ở dưới Đấng Christ (Êphêsô 1:3-10). Ngài có một chương trình cho mỗi Cơ Đốc Nhân để khiến chúng ta nên như Chúa Giêxu bằng cách hướng dẫn chúng ta trên con đường làm việc lành cho đến khi chúng ta đạt đến sự trọn vẹn trong Ngày Cuối Cùng (Rôma 8:28-30; Êphêsô 2:8-10)

Đây là ưu tiên của Đức Chúa Trời cho tất cả chúng ta. Đây là điều quan trọng hàng đầu trong chương trình của Ngài. Điều không may là đó không phải lúc nào cũng là điều quan trọng bậc nhất của chúng ta. Chúng ta quan tâm hết sức đến vấn đề chọn lựa giữa cô Dung và cô Mai. Chúng ta cho rằng thành công trong cả đời sống hôn nhân của chúng ta sẽ phụ thuộc vào quyết định đúng đắn, và chúng ta vật lộn với nó. Tuy nhiên, điều ưu tiên một của Đức Chúa Trời cho chúng ta là chúng ta trở nên tin kính, dù lập gia đình hay không, và dù chúng ta kết hôn với cô Dung hay cô Mai. Trên hết, đó là hành trình của chúng ta: trở nên giống như Đấng Christ.

Hơn nữa, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta tất cả những gì cần thiết để hoàn tất chuyến hành trình này. Nếu có điều gì đó quan trọng và chúng ta cần biết đề hoàn tất chương trình của Đức Chúa Trời, thì điều đó đã được ban cho chúng ta trong Kinh Thánh:

Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta (2Phierơ 1:3)

Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẳn để làm mọi việc lành (2Timôthê 3:16-17)

Đức Chúa Trời không bỏ mặc chúng ta trong bóng tối hay tình trạng lờ mờ. Ngài không bỏ sót điều nào mà chúng ta cần biết trên cuộc hành trình của chúng ta với Ngài.

Sự khôn ngoan

Khi đem áp dụng điều này cho những việc thực tế hàng ngày, Đức Chúa Trời cũng đã cung cấp cho chúng ta sự trợ giúp: sự khôn ngoan theo Kinh Thánh.

Sự khôn ngoan là một ý niệm phong phú và rộng trong Kinh Thánh và tại đây chúng ta không có đủ chỗ để thảo luận cho đúng đắn đầy đủ. Nói đơn giản là, sự khôn ngoan là nghệ thuật sống thành công trong thế giới của Đức Chúa Trời. Người khôn ngoan hiểu thế giới này vận hành theo một cách nào đó vì Đức Chúa Trời đã tạo ra nó để vận hành theo cách đó. Thế giới của Đức Chúa Trời là một nơi có thứ tự và hợp lý. Chắc chắn nó bị phá hỏng bởi sự sa ngã của con người, nhưng nó vẫn là sự sáng tạo có thể dự đoán được, cư trú được và tốt lành của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, Ngài đã sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài để quản trị sự sáng tạo này, để đặt tên cho nó, khai thác nó, chinh phục nó và sanh sản thêm nhiều trên đó. Người khôn ngoan hiểu được điều này và bước đi trên con đường mình trong thế gian này một cách khéo léo và thành công trên cơ sở này.

Hiểu biết sự khôn ngoan trước tiên và cơ bản là qua sự mặc khải của ý tưởng Đức Chúa Trời. "Kính sợ Đức Giêhôva, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan, sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng." (Châm ngôn 9:10) Bởi thế giới này là vật thọ tạo của Đức Chúa Trời, chúng ta chỉ có thể hiểu được nó ăn khớp với nhau thế nào và đang đi về đâu bởi sự thông biết Đức Chúa Trời và kế hoạch của Ngài. Chỉ bởi mối tương giao đúng đắn với Đấng Tạo Hóa và Đấng quản trị thế giới này chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu biết thể giới và được giải phóng để sống một cách đúng đắn tại đó. Cách thức sống theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời luôn luôn tốt đẹp nhất vì Ngài tạo nên thế giới này và biết phải sống thế nào là tốt đẹp nhất ở đó.

Sự bày tỏ tột đỉnh của sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là Chúa Giêxu Christ "mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quý báu về khôn ngoan thông sáng." (Côlôse 2:3) Bởi hiểu biết Đấng Christ, chúng ta được hiểu biết ý tưởng của Đức Chúa Trời. Chúng ta không chỉ nhìn thấy Đức Chúa Trời ra sao mà còn liên hệ với Ngài cách cá nhân. Chúng ta được tỏ bày và dạy dỗ cách sống thể nào cho đẹp lòng Đức Chúa Trời và những mục tiêu tối hậu của Ngài cho cả loài thọ tạo.

Tuy nhiên, dù sự khôn ngoan chỉ có thể được biết cách tột đỉnh bởi sự hiểu biết Đức Chúa Trời, tâm trí con người cũng hiểu biết được phần nào của sự khôn ngoan bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Thế giới đã được dựng nên theo sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và nó vận hành một cách đúng đắn khi nhhững nguyên tắc khôn ngoan được áp dụng. Vì thế, thậm chí những người không tin Chúa cũng có thể lãnh hội được phầ nào sự khôn ngoan bởi quan sát điều gì có hiệu quả và điều gì không trên thế giới này. Bất kỳ ai với một chút lương tri cũng có thể thấy chẳng hạn như lười biếng dẫn đến sự nghèo khó hoặc lắm lời thì bị rắc rối, hoặc siêng năng và quản lý tốt dẫn đến sự thạnh vượng. Đơn giản đây là cách thế giới này vận hành, vì Đức Chúa Trời đã tạo nên nó như thế. Bằng cách quan sát và kinh nghiệm, và bằng cách áp dụng trí tuệ mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta, chúng ta có thể thực hiện được một số điều qua nguyên tắc nầy. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy những mô hình, nguyên nhân và hậu quả. Chúng ta bắt đầu thu nhặt sự khôn ngoan.

Tuy nhiên, dù ai nấy cũng có thể hiểu biết được phần nào sự khôn ngoan theo loại này, Kinh Thánh cũng dạy rằng nếu chúng ta không kính sợ Đức Giêhôva, sự khôn ngoan của chúng ta sẽ bị méo mó và sai lệch. Thế giới trong sự khôn ngoan của nó không nhìn nhận Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, bởi nếu không, họ đã chẳng đóng đinh Ngài. Sự khôn ngoan của thế gian này, vì nó bắt nguồn và hướng đến mục tiêu khác sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, nên nó chống nghịch lại sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ tại nhiều điểm. Dù có một vài điểm trùng hợp- ở mức độ cùng tán đồng rằng một số điều nào đó dẫn đến thành quả tốt đẹp trong thế giới của chúng ta- hãy còn rất nhiều điểm khác biệt lớn. Sự khôn ngoan của thế gian cuối cùng không thật sự là khôn ngoan, bởi không nhìn nhận Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa và là nguồn của mọi sự khôn ngoan thật, nó cứ đưa ra những phán quyết sai lầm. Ở nhiều điểm, sự khôn ngoan của thế gian này không có hiệu quả.

Với sự phát thảo ngắn gọn về sự khôn ngoan, chúng ta có thể chia những quyết định mà chúng ta phải đối diện hằng ngày thành ba loại. Mỗi loại không hoàn toàn khít khao và một số quyết định bao gồm những yếu tố của từng loại. Chúng ta có thể phân chia như sau:
1. Những vấn đề của sự công chính.
2. Những vấn đề của sự phán đoán đúng đắn.
3. Những vấn đề không đáng kể.

1. Những vấn đề của sự công chính.

Khi nào Lời Chúa dạy chúng ta rõ ràng chính xác phải làm gì và không được làm gì, quyết định rất đơn giản: chúng ta phải vui mừng mà vâng phục.

Kinh Thánh nhìn thấy một số vấn đề là luôn luôn đúng và một số vấn đề khác luôn luôn sai. Chẳng hạn như Đức Chúa Trời dạy chúng ta không được ăn cắp, phạm tội tà dâm hay chối Chúa. Ngài muốn chúng ta yêu thương người lân cận như mình, vui mừng trong sự trông cậy về sự cứu rỗi, mặc lấy sự khiêm nhường v.v...

Chúng ta thường phải quyết định ở chính mức độ rõ ràng này của sự vâng lời. Chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn phải hành động công bình hay không, và là những người kính sợ Đức Chúa Trời, Cơ Đốc Nhân cần chọn lựa làm theo điều công bình, thánh khiết và đẹp lòng Ngài. Sự vâng lời này không phải là gánh nặng. Sự đáp ứng của Đức Chúa Trời đối với Lời Đức Chúa Trời phải là một thái độ tin cậy vững vàng và ăn năn tự nguyện. Chúng ta là những con nuôi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ, và chúng ta có Thánh Linh Ngài ngự trong chúng ta, dẫn dắt chúng ta vâng theo luật pháp và làm cho chết những việc làm xấu xa của thân thể. Vâng lời Đức Chúa Trời (hay chọn lựa hành động công chính) là một đặc quyền vui mừng và như một người khôn ngoan nhìn nhận một cách đúng đắn, nó cũng là cách sống tốt nhất.

Tại đây chúng ta cũng cần làm rõ một điểm. Đôi khi không phải là vì một việc làm nào đó tự nó là sai hay đúng. Đôi khi bối cảnh hay tình huống sẽ quyết định nó là đúng hay sai. Chẳng hạn như việc giết người đôi khi có thể là đúng (Xuất 21:14-17) và đôi khi là sai (Xuất 20:13) và Đức Chúa Trời dạy chúng ta cách để phân biệt giữa hai trường hợp này. Tương tự như thế, dù mọi thức ăn đều sạch, Phaolô cảnh báo người Rôma rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có phép sử dụng quyền tự do mình mà ăn:

Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc Đức Chúa Trời. Thật mọi vật là thanh sạch; nhưng ăn lấy mà làm dịp cho kẻ khác vấp phạm, thì là ác. Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình. (Rôma 14:20-21)

Tương tự như vậy, động cơ của hành động chúng ta có thể là công bình hay không công bình dù rằng hành động đó tự nó không thành vấn đề. Chẳng hạn như quyết định về chỗ ở tự bản thân nó không phải là vấn đề thuộc về sự vâng phục. Tuy nhiên, động cơ của chúng ta trong việc di chuyển đến nơi này thay vì một nơi khác có thể rất sai lệch (chẳng hạn như vì địa vị, tự cao, tham lam) và chúng ta cần phải ăn năn vì những tội lỗi đó. Khi đã giải quyết vấn đề đó rồi, khu ngoại ô hay thành thị tự nó là một vấn đề tương đối không có gì quan trọng, và chúng ta có thể sử dụng những phương cách khác để quyết định (chúng ta sẽ thảo luận thêm về khía cạnh này dưới đây)

Thỉnh thoảng, có khi, có vài khía cạnh của quyết định chúng ta thuộc về lãnh vực của sự công chính và một số khía cạnh khác lại không. Chúng ta cần phải đặt ưu tiên một cho những vấn đề thuộc về sự công chính vì những vấn đề đó là quan hệ nhất trước mặt Đức Chúa Trời.

2. Những vấn đề của sự phán đoán đúng đắn

Dù có nhiều quyết định trong đời sống chúng ta rõ ràng thuộc về lãnh vực của sự công chính, có nhiều quyết định khác không thuộc loại đó. Đôi khi chúng ta đối diện với hai sự chọn lựa có vẻ đúng cả nhưng chúng ta vẫn phải lựa chọn.

Lập gia đình là một ví dụ thuộc loại này như trong 1Côrinhtô đoạn 7. Phaolô thận trọng không áp đặt việc ở độc thân trên người khác như là một vấn đề của sự công chính hay vâng phục. Lập gia đình cũng đúng và ở độc thân cũng đúng. Đây là sự lựa chọn giữa "hai điều đúng." Thế thì tôi biết chọn lựa sao đây? Phaolô cho chúng ta một vài lời khuyên thực tế về lợi ích của đời sống hôn nhân và đời sống độc thân. Nếu ước muốn tình dục của bạn mạnh mẽ và khiến bạn bị lửa tình ung đốt, tốt hơn là bạn nên lập gia đình. Đó là điều tốt hơn cho bạn. Nếu bạn có ơn sống độc thân và lành mạnh, thì điều đó là tốt hơn cho bạn, vì trong một thế gian sa ngã, một người độc thân có thể làm được nhiều điều cho Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, quyết định khôn ngoan không chỉ là vấn đề hành động công chính. Khi chúng ta đã lắng nghe lời Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh, đã nhìn thế gian trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, quyết định đúng còn bao gồm sự quan sát, kinh nghiệm và phán đoán đúng để đưa ra cách hành động đúng đắn nhất trong một trường hợp nào đó. Đây là một phần của sự khôn ngoan, như chúng ta đã thấy ở trên. Một vài tình huống và cách giải quyết tỏ ra trôi chảy hơn trong thế giới này bởi cách Đức Chúa Trời đã tạo dựng ra thế gian này như thế. Sách Châm ngôn có nhiều sự quan sát như thế về cuộc sống:

Thà một món rau mà thương yêu nhau, còn hơn ăn bò mập béo với sự ghen ghét cặp theo (Châm ngôn 15:17)

Ai giao tiếp với người khôn ngoan, trở nên khôn ngoan; Nhưng kẻ làm bạn với bọn điên dại sẽ bị tàn hại (Châm ngôn 13:20)

Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; Còn lời xẳng xớm trêu thạnh nộ thêm (Châm ngôn 15:1)

Hãy sửa sang công việc ở ngoài của con, và sắm sẵn tại trong ruộng con; Rồi sau hãy cất nhà của con (Châm ngôn 24:27)

Đây là những đánh giá sắc sảo về đời sống trong thế giới của Đức Chúa Trời. Thế nhưng trên một khía cạnh, chúng không xuất phát từ sự mặc khải thiên thượng đặc biệt. Mọi người có thể thấy rằng nếu bạn để thời gian xây nhà mình trước khi dự bị sẵn một nguồn thu nhập hay lương thực, bạn sẽ chết đói- rồi thì căn nhà đẹp đẽ của bạn cũng không ích lợi gì. Bất kỳ ai chịu quan sát cuộc sống, suy tưởng về nó, cũng có thể đưa ra kết luận này.

Nói cách khác, ngay cả trong trường hợp Đức Chúa Trời không cho chúng ta những sự hướng dẫn trực tiếp, Ngài vẫn nhân từ dự phòng cho chúng ta. Ngài đặt chúng ta vào một thế giới tốt lành và là nơi chúng ta có thể cư trú, nó không phải là nơi hỗn độn và không thể dự đoán được. Ngài ban cho chúng ta khả năng (và sự đòi hỏi) để cảm nhận thế giới đủ để sống trong đó và quản trị nó dù là một cách không hoàn hảo trọn vẹn. Ngài không bỏ mặc chúng ta hoàn toàn lạc lối và kém cỏi trong một môi trường hoàn toàn thù nghịch. Bất chấp những sự mất trật tự và đau đớn mà chúng ta đối diện (là hậu quả của tội lỗi và sự sa ngã của con người), chúng ta có khả năng suy nghĩ về đời sống và quyết định. Bất chấp sự thất vọng và vô lý là một phần của thế giới sa ngã của chúng ta, chúng ta có khả năng đạt được phần nào sự khôn ngoan.

Cơ Đốc Nhân thường hoang mang nhầm lẫn giữa những quyết định của "sự công chính" và những quyết định của "sự phán đoán đúng đắn." Nếu chúng ta đối diện với vấn đề thuộc sự công chính, chúng ta không cần tìm kiếm sự hướng dẫn hay bàn cãi gì thêm nữa- chúng ta phải làm theo điều Kinh Thánh nói là đúng và lánh xa điều sai. Tuy nhiên, nếu một quyết định không thuộc vấn đề công chính mà chỉ là vấn đề phán đoán đúng, chúng ta cần tra xem sự dạy dỗ của Kinh Thánh (để tìm xem những nguyên tắc và cách nhìn mà Kinh Thánh có thể cung cấp cho chúng ta), cân nhắc những yếu tố liên quan, và sau đó quyết định chọn lựa- mà không cần cảm thấy có lỗi vì mình có thể chọn lựa "sai". Nếu vấn đề không thuộc loại đúng hay sai thì chúng ta không thể chọn lựa sai được. Chọn lựa cách nào cũng hoàn toàn đúng và đẹp ý Đức Chúa Trời.

Trở lại ví dụ của chúng ta về việc chọn lựa chỗ ở, chúng ta không cần lo lắng rằng Đức Chúa Trời đã chọn sẵn một khu ngoại ô nào đó cho chúng ta và chúng ta sẽ hành động cách không vâng lời nếu chúng ta chọn lựa một nơi chốn "sai". Không có lời nào của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh chỉ ra rằng sống ở một khu vực nào đó thì công bình hơn một chỗ khác. Với điều kiện là chúng ta đã xử lý vấn đề động cơ của chúng ta và ăn năn những tội tham lam, ham muốn và kiêu ngạo, thì việc lựa chọn vùng ngoại ô chỉ là vấn đề thuộc sự phán đoán đúng đắn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta có thể di chuyển tới một địa phương nào đó để không phải mắc nợ, hay dời đến sống ở nơi gần với một nhà thờ đi đúng Kinh Thánh hơn, hay để mang Tin Lành đến cho một cộng đồng nào đó, hay giảm bớt thời gian đi đến chỗ làm để có nhiều thời gian cho gia đình hơn, hoặc vì nhiều lý do khác thể hiện một cách nghĩ khôn ngoan lấy Đức Chúa Trời làm trung tâm của đời sống mình- và vì thế đó sẽ là một quyết định tốt hơn chớ không phải là xấu hơn.

Bất kỳ quyết định nào trong đời sống chúng ta, từ việc mua sắm, đến việc bầu cử cho chính trị gia nào, đến cách sử dụng thời gian nhàn rỗi của chúng ta, có thể chịu ảnh hưởng của sự khôn ngoan này.

Điều này có nghĩa là những Cơ Đốc Nhân khác nhau sẽ quyết định khác nhau tùy theo hoàn cảnh và cách nhìn khác nhau. Với những động cơ tin kính, một gia đình có thể quyết định sống tại vùng thôn quê, trong khi một gia đình khác lại quyết định sống tại thành phố. Có khi chúng ta sẽ đáp lời kẻ ngu dại theo sự ngu dại nó; lúc khác chúng ta lại chọn lựa không đáp lời (xem Châm ngôn 26:4-5) . Với những vấn đề thuộc sự phán đoán, điều này là rất có thể. Một người trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, sẽ chọn tiến đến hôn nhân với cô Dung; nhưng một người khác, cũng trong sự khôn ngoan Ngài, sẽ chọn cô Mai. Tại điểm này, một số Cơ Đốc Nhân do dự. Nói như vậy có vẻ như chúng ta phải mang lấy quá nhiều trách nhiệm. Nếu lỡ chúng ta quyết định "sai" và bước ra ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời cho chúng ta thì sao? Đây là một phản xạ tự nhiên bởi cách suy nghĩ theo thói quen xưa cũ của chúng ta. Nếu cả hai phương cách đều đúng, thì không phương cách nào là ý muốn của Đức Chúa Trời cho chúng ta cả. Chúng ta không thể bước ra "ngoài ý muốn Đức Chúa Trời"- chương trình của Ngài không bao giờ có thể bị ngăn trở (Gióp 42:2)

Giả sử một vấn đề nào đó thuộc "vấn đề của sự phán đoán", và chúng ta quyết định thiếu khôn ngoan (nghĩa là một sự chọn lựa không có gì là không công bình cả, chỉ có điều nó không được khôn ngoan mà thôi)? Liệu tôi có phải chịu đựng hậu quả của nó không? Thường là có. Đức Chúa Trời muốn chúng ta học tập sự khôn ngoan, và ít ai học được sự khôn ngoan nếu sự dại dột của họ cứ được ban thưởng.

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn bảo vệ dân sự Ngài- chúng ta không cần phải lo lắng về điều đó. Ngài không để chúng ta hư mất vì cớ sự dại dột của chúng ta hay bị cám dỗ quá sức chúng ta đâu (1Côrinhtô 10:13). Ngài sẽ đỡ chúng ta dậy từ trong sự đổ vỡ và bảo đảm rằng chúng ta sống sót và lớn lên qua từng trải đó. Nếu như việc chịu đựng hậu quả của dại dột mình là có lợi nhất cho chúng ta thì Ngài sẽ mang những điều đó đến, còn nếu không, Ngài sẽ cứu chúng ta khỏi đó. Chúng ta có thể tin cậy sự rộng lượng và quyền năng của Ngài.

3. Những vấn đề không đáng kể

Sự khôn ngoan cũng cho chúng ta biết rằng một số quyết định không dẫn đến hậu quả gì nghiêm trọng, rằng chúng ta không đáng phí thời gian và sức lực cho những quyết định đó. Đó không phải là vấn đề của sự công chính, hoặc giả cách này hay cách khác là đặc biệt tốt hơn hay xấu hơn. Chúng ta có thể lấy ví dụ như việc chọn lựa mua một trong hai món đồ chất lượng và giá cả tương tự nhau. Trong những vấn đề như vậy, chúng ta nên cứ quyết định và hành động mà không cần suy nghĩ nhiều.

Thật ra, người không ngoan sẽ nhận ra rằng đặt nặng quá những quyết định không đáng kể mới là sai. Để quá nhiều thời gian và sức lực cho những quyết định hơn mức độ cho phép, cuối cùng chúng ta có thể mắc phải việc xem nhẹ những điều quan trọng, như những vấn đề thuộc sự công chính hay những vấn đề thuộc sự phán đoán đúng đắn. Chúng ta sẽ thấy mình lọc một con ruồi mà lại nuốt một con lạc đà.

Sau khi đã sơ lược về ba loại quyết định này, chúng ta có thể bắt đầu thấy rằng một số khá nhiều những quyết định mà chúng ta đối diện bao gồm nhiều khía cạnh. Nghĩa là, nó bao gồm những yếu tố của sự công chính, những yếu tố của sự phán đoán đúng đắn và những yếu tố không quan trọng nữa. Tất nhiên, khôn ngoan cũng là khả năng nhận ra sự khác biệt đó.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)