Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Sự Thống Khổ Của Anne - 01/2004  


SỰ THỐNG KHỔ CỦA ANNE
(1Samuên 1:1-28)

Tháng Giêng 2004

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Câu chuyện của Anne và nỗi khổ của bà là một câu chuyện hết sức cảm động. Khi đọc sách 1Samuên, chúng ta phải nhận rằng sách này thật sự được bắt đầu bởi câu chuyện về sự giải cứu. Câu chuyện của Anne và lời cầu nguyện được nhậm với kết quả là sự ra đời của Samuên hướng đến điểm cuối là sự cứu rỗi mà chúng ta có được trong Đấng Christ.

Đọc câu chuyện này chúng ta nhìn thấy một sứ điệp hy vọng, một sứ điệp hy vọng đến trong một thời kỳ của sự tuyệt vọng, một sứ điệp hy vọng khi lòng người đàn bà trong câu chuyện này chỉ còn lại sự tuyệt vọng mà thôi. Tại đây là câu chuyện về một sự sống mới được ban cho, một sự sống mới ra từ sự son sẻ. Tại đây sự tuyệt vọng được đáp lời cùng với sự bày tỏ của tấm lòng ca ngợi và biết ơn dâng lên Đức Chúa Trời. Đọc câu chuyện này chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa Trời trong sự chăm sóc toàn quyền của Ngài đã ban cho Anne con trai này. Ngài làm điều đó không chỉ cho Anne mà còn cho dân Ysơraên một thầy tế lễ trung tín hầu dẫn dân sự vào sự vâng phục theo giao ước và vâng phục vua mình.

Lần trước khi học về bối cảnh của sách này, chúng ta có nói đến sự kiện xảy ra trong những đoạn cuối của sách Các Quan Xét. Tại đó chúng ta nhìn thấy dân Ysơraên đang tuột dốc vùn vụt. Dân sự ngày càng trở nên quá lắm trong tội lỗi mình. Sự bất tuân của dân Ysơraên đang dẫn đến kết cục là sự đoán phạt, mà sự đoán phạt đó cuối cùng sẽ dẫn đến sự hủy diệt dân tộc này. Xuyên suốt sách Các Quan Xét chúng ta nhìn thấy những thời gian trì hoãn của ân điển khi dân sự ở dưới sự cai trị của những quan xét để rồi theo sau đó lại là tình trạng phá vỡ giao ước càng hơn, rồi mâu thuẫn càng thêm, dân sự lại bị bức bách và rồi bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Như chúng ta học lần trước, đoạn Kinh Thánh trình bày rõ rằng "Đương lúc đó không có vua trong dân Ysơraên, ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải." Sự suy thoái về đạo đức của dân Ysơraên lên đến tột độ trong hành động của người Bêngiamin tại Ghibêa trong việc giết người vợ bé. Sự khước từ giao ước của dân sự đồng nghĩa là sự rủa sả trong Phục Truyền đoạn 28 chỉ còn chờ đến lúc là sẽ ập đến với cả dân tộc. Đến phần cuối sách Các Quan Xét, chúng ta thấy chi phái Bêngiamin gần bị tiêu diệt hoàn toàn. Hầu như không ai còn lại để duy trì sự tồn vong của chi phái đó. Việc chi phái Bêngiamin bị tận diệt minh họa trước điều sẽ xảy đến cho cả nước Ysơraên trừ khi Đức Chúa Trời can thiệp vào.

Sách Các Quan Xét nói với chúng ta xu hướng của dân Ysơraên: họ đang hướng đến sự đoán phạt công bình của Đức Chúa Trời nghịch cùng sự thất tín và miệt mài khước từ giao ước với Đức Chúa Trời của họ. Nếu Đức Chúa Trời không bước vào chặn đứng điều đó lại thì dân Ysơraên sẽ phải bị hủy diệt. Thế nhưng ở đoạn 1 của sách 1Samuên chúng ta tìm thấy sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đến với dân Ysơraên hầu cứu họ khỏi sự khốn khổ mình. Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay chúng ta được giới thiệu với một gia đình Ysơraên sống tại núi Épraim. 1Sử ký đoạn 6 câu 27 cho chúng ta biết gia đình này thuộc chi phái Lêvi. Việc gia đình này thuộc chi phái Lêvi là quan trọng vì sau cùng Samuên sẽ xét đoán như một thầy tế lễ trong xứ Ysơraên cũng như Samuên có đủ tư cách hầu việc trong đền thờ. Phân đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy Êncana cưới hai người vợ, một việc chúng ta thấy xảy ra nhiều lần trong Cựu Ước nhưng rõ ràng rằng mỗi lần được nhắc đến, chúng ta đều thấy rằng nó không được bỏ qua mà luôn dẫn đến những hậu quả tội lỗi. Những hậu quả của cách sống tội lỗi đó cho thấy rằng rõ ràng đây không phải là ý định của Đức Chúa Trời cho hôn nhân. Ngay tức khắc chúng ta bị cuốn vào mối mâu thuẩn của câu chuyện trong câu 2. Êncana có hai vợ và giữa hai người vợ có sự khác biệt rất rõ ràng. Người vợ kia sanh được nhiều con trai và con gái còn Anne thì không. Anne được mô tả là một người đàn bà son sẻ không có con. Tuy nhiên đoạn Kinh Thánh cũng mô tả bà là người vợ được yêu thương, rằng Êncana tỏ ra thương yêu bà hơn. Bà được ban cho phần bằng hai so với người khác. Dù được Êncana thương yêu hơn, bà không có con.

Đọc câu chuyện này, đặc biệt là khi đọc lần đầu tiên, chúng ta sẽ thấy lòng mình bị cuốn vào cảnh ngộ của Anne và nỗi khổ bởi sự son sẻ của bà. Khi xem xét vấn đề son sẻ trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng trong Kinh Thánh sự son sẻ mang một tầm quan trọng lớn hơn là đối với chúng ta ngày nay. Có nhiều con cái theo Phục Truyền đoạn 7 là một phước hạnh từ Đức Chúa Trời, là một phần sự ban cho của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài. Vì thế những người không có con thường bị xem là bị Đức Chúa Trời rủa sả. Con cái cũng rất quan trọng đối với dân Ysơraên bởi vì thông qua con cái mà họ tiếp tục duy trì cơ nghiệp của mình trong xứ. Vì đất sẽ được truyền lại cho con cái trong suốt lịch sử dân tộc. Họ có tư tưởng rằng việc sanh được một đứa con nghĩa là lưu truyền phần đất lại để tiếp tục đời sống trong vòng những người thuộc giao ước và trong miền đất hứa.

Thế nhưng Anne son sẻ. Bà không có con. Bà không có ai để lưu danh gia đình mình. Sự đau buồn của bà là lớn lắm. Một lần nữa, trừ khi Đức Chúa Trời can thiệp, chúng ta có thể nói rằng dòng dõi bà trong dân Ysơraên sẽ chấm dứt khi bà qua đời. Sự đau buồn của Anne càng lớn hơn. Bà đau buồn không chỉ vì bà không có con mà còn vì Phênina, người vợ kia trong gia đình, cứ liên tục chống đối bà, trêu ghẹo bà vì bà không có con. Phần Kinh Thánh gọi Phênina là kẻ phân bì hay đối thủ. Chữ được dùng ở đây trong tiếng Hêbơrơ giống với chữ dùng chỉ kẻ thù của dân Ysơraên. Bà luôn bị chế nhạo về sự son sẻ mình và Phênina được xem là kẻ thù của bà. Có lẽ một phần nguyên nhân của sự chống đối của Phênina là ganh tị vì Êncana yêu thương Anne. Kỳ lễ thờ phượng và dâng tế lễ hàng năm lẽ ra phải là cơ hội vui mừng và tạ ơn lại không phải là lúc vui mừng đối với Anne. Ngược lại nó lại là thời điểm đau đớn khổ sở rất lớn đến nỗi bà thậm chí không thể vào ăn trong đền thờ. Không có gì vui vẻ cho bà cả. Lúc đó sự xúc phạm và chế nhạo của Phênina chỉ ngày càng tăng. Bà không thể đến với tấm lòng vui mừng và biết ơn Đức Chúa Trời của một người thờ phượng thật vì cớ nỗi buồn lớn lao của mình. Thậm chí chồng bà cũng không thể làm cho bà nguôi nỗi buồn đau mình. Không gì cất nỗi buồn đó đi được. Cho nên khi đọc qua cả phần Kinh Thánh này, chúng ta nhìn thấy nỗi đau đớn trong lời cầu nguyện của bà và thể nào bà khóc lóc buồn thảm tuôn tràn giọt lệ. Người đàn bà này thật buồn thảm. Lòng bà buồn bực đến nỗi tuyệt vọng. Cảnh ngộ của Anne dường như tăm tối, tuyệt vọng và không có phương cách nào thoát khỏi.

Chúng ta đọc thấy về sự son sẻ của một người đàn bà không chỉ trong phần Kinh Thánh này mà đã được nhắc đến trước đây trong Kinh Thánh. Khi chúng ta nhìn thấy việc Đức Chúa Trời ban cho một người đàn bà son sẻ được có con cái, thường chúng ta thấy đứa con đó trở thành một nhân vật rất quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Đứa con đó được xem là một người hết sức đặc biệt duy nhất được biệt riêng ra cho ý định của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong mối quan hệ giữa Aga và Sara mà trong đó Sara cuối cùng không còn son sẻ nữa. Tại đây chúng ta cũng thấy sự chế nhạo và xích mích giữa hai người vợ của Ápraham. Thế nhưng cuối cùng Sara không còn son sẻ nữa bởi sự ra đời của Ysác là người cũng được bước vào giao ước. Lúc này chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của sự ra đời của Ysác bởi lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ được ban cho con cháu Ápraham bởi lòng Sara mà ra. Trong khi đó Sara đã già và quá tuổi sanh con vì thế sự ra đời lạ lùng của Ysác đã tiếp nối giao ước. Dân sự Đức Chúa Trời tưởng chừng như đã đến chỗ tuyệt nòi giống. Thế nhưng bởi sự ra đời lạ lùng của đứa trẻ này, Đức Chúa Trời kéo dài giao ước của Ngài.

Chúng ta cũng nhìn thấy một trường hợp nữa trong câu chuyện của Rachên và Lêa. Trong câu chuyện đó sự ra đời của Giôsép kết thúc tình trạng son sẻ của Rachên. Một lần nữa, Giôsép sau cùng trở thành vị cứu tinh cho gia đình mình, cho dân sự Đức Chúa Trời, bởi chính ông qua xứ Êdíptô, thâu trữ lương thực trong xứ và cuối cùng giải cứu gia đình mình khỏi nạn đói và khỏi sự chết. Giôsép là một nhân vật quan trọng được sanh bởi một người đàn bà son sẻ. Và vì thế khi đọc câu chuyện ra đời của Samuên trong phần Kinh Thánh này chúng ta được mớm trước rằng đây là sự ra đời của một người sẽ trở nên quan trọng trong lịch sử dân Ysơraên. Ông sẽ trở thành vị quan xét cuối cùng của dân Ysơraên trước khi có sự xức dầu làm vua cho dân sự Đức Chúa Trời.

Theo đó chúng ta cũng có thể nhìn về sự ra đời của Giăng Báptít được chép trong Tân Ước cũng bởi một người đàn bà son sẻ. Sự ra đời của ông báo hiệu sự kết thúc của chức tiên tri: ông là tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, là người loan báo sự đến của Chúa Giêxu. Giăng được sanh ra bởi một người đàn bà son sẻ, ông chỉ người khác đến với Vị Vua vĩ đại, Vị Vua thật của dân Ysơraên.

Khi chúng ta nhìn vào cảnh ngộ đau buồn của Anne và tình trạng tuyệt vọng mà dường như bà phải chịu nếu không có Đức Chúa Trời, chúng ta thấy tình trạng của Anne cũng là bức tranh về tình trạng dân Ysơraên. Tại đây chúng ta nhìn thấy dân Ysơraên không có hy vọng gì về tương lai. Khi học sách Các Quan Xét, chúng ta thấy rằng kết cục của họ phải là sự hủy diệt và sự đó đang gần kề bởi họ cứ tuột dốc vùn vụt trên con đường vô tín, gian ác và bất tuân giao ước. Họ sẽ phải bị định tội dưới sự rủa sả và bị hủy diệt trừ khi có sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Họ không có hy vọng gì cho tương lai. Không có một vua, sẽ không có cơ nghiệp hay sự sống trong đất hứa. Họ cần Đức Chúa Trời can thiệp. Họ là một dân tộc tuyệt vọng, cần được Đức Chúa Trời nhớ đến, cần một vua để dẫn dắt họ.

Giữa những tình huống tuyệt vọng này, Đức Chúa Trời nhớ đến Anne. Ngài không chỉ nhớ đến Anne mà ban cho bà con cái mà qua đó Ngài còn nhớ đến dân Ysơraên. Đức Chúa Trời ban cho họ hy vọng. Ngài sẽ là Đấng ban cho dân sự sự sống mới. Ấy chính Đức Chúa Trời sẽ giải cứu họ khỏi sự rủa sả kinh khiếp của hình phạt Ngài. Tương lai của dân Ysơraên trong thời Anne thật ảm đạm, nhưng sự ra đời của Samuên bởi lòng một người đàn bà son sẻ nói lên ân điển của Đức Chúa Trời: hy vọng được ban cho hầu dân Ysơraên có thể được dung thứ bởi vì Samuên sẽ hướng dẫn họ đến với vua mình. Tên Anne có nghĩa là "ân điển". "Ân điển" bởi Đức Chúa Trời sẽ cứu dân Ysơraên khỏi sự rủa sả một cách đầy ơn. Ngài sẽ cứu họ khỏi sự chế nhạo của kẻ thù mình. Ngài sẽ cứu họ để làm dân sự Ngài.

Khi xem những câu đầu của 1Samuên đoạn 1, chúng ta sẽ nhìn thấy những gợi ý cho những gì sắp xảy ra. Chúng ta thấy Hópni và Phinêa, hai con trai Hêli, được nhắc đến. Họ được nhắc đến tại đây bởi họ là những lãnh đạo lầm lạc của dân Ysơraên. Họ là những người gian ác làm những việc gian ác khi hầu việc trong đền thờ. Gia đình Hópni, Phinêa và Hêli hết sức trái ngược với gia đình Êncana, Anne và Samuên. Chúng ta nhìn thấy nơi Êncana rằng ít nhất trong gia đình ông có một ao ước đến nhà Đức Chúa Trời đặng thờ phượng Ngài. Chúng ta có thể nhìn thấy một tấm lòng sùng kính chân thật trong ao ước của họ muốn ra mắt Đức Chúa Trời hằng năm tại nhà Ngài ở Silô. Chúng ta nhìn thấy Anne quỳ xuống trước mặt Đức Chúa Trời hết lòng kêu xin Ngài. Thật trái ngược với những gì chúng ta thấy nơi Hópni và Phinêa. Lúc này Anne đang còn son sẻ nhưng sự son sẻ của bà được Đức Chúa Trời đáp lời bởi sự ra đời của Samuên. Sau này chúng ta sẽ thấy sự qua đời của Hópni, Phinêa và Hêli: kẻ ác sẽ phải hư mất nhưng người công bình sẽ được nâng lên. Chúng ta thấy điều đó đã được cho biết trước trong những câu này.

Một điều thú vị khác nữa, đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh mà Đức Chúa Trời được nhắc đến với danh xưng là "Đức Giêhôva của vạn quân". "Đức Giêhôva vạn quân" nghĩa là Ngài là Đức Chúa Trời trên mọi loài, Đức Chúa Trời tối cao, Đức Chúa Trời toàn quyền chủ trị, Đức Chúa Trời của vạn quân Ysơraên. Ngài phải được xem là Vị Vua thật của dân Ysơraên. Ngài phải là Đấng mà họ phải theo. Ngài được gọi là Đức Giêhôva của vạn quân, Vị Vua tối thượng của dân Ysơraên. Và đền thờ đây là nơi họ đến thờ phượng Ngài.

Khi nhìn vào câu chuyện về nỗi thống khổ của Anne, chúng ta phần nào cần nhận ra rằng chúng ta đang chứng kiến chính sự thống khổ và tuyệt vọng của mình nếu không có Đức Chúa Trời. Chúng ta ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Chúng ta như là những người không có sự sống và sẽ không có sự sống trong xứ của cơ nghiệp Đức Chúa Trời trừ khi Đức Chúa Trời can thiệp cho chúng ta. Chúng ta như những người bất lực trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta là những người son sẻ trong nỗi đau thương thống khổ mình bởi đó chính là hậu quả của tội lỗi. Chúng ta không thể cứu chính mình như Anne không thể tự sức mình làm gì để thay đổi hoàn cảnh của mình. Chúng ta không thể đi đâu được ngoại trừ đến gần ngai Đức Chúa Trời, kêu xin Ngài như Anne, cầu xin Ngài giải cứu khỏi sự rủa sả, khỏi sự thống khổ đau đớn của chúng ta.

Chúng ta được kêu gọi nhìn vào chính mình. Không phải chúng ta được kêu gọi nhìn vào con cái mình. Đoạn Kinh Thánh này kêu gọi chúng ta hướng về Đấng Christ. Ngài là sự trông cậy về sự cứu rỗi của chúng ta. Ngài là Vị Vua thật của dân Ysơraên. Ngài là Cứu Chúa của dân sự Đức Chúa Trời. Ngài sẽ giải phóng họ khỏi sự rủa sả. Ngài sẽ giải cứu chúng ta khỏi sự hủy diệt của chúng ta. Khi chúng ta đau đớn về tội lỗi mình, chúng ta hướng về Đức Chúa Trời. Phần Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự buồn rầu của Anne đổi ra vui mừng ở cuối đoạn; Sự rủa sả của bà được đảo ngược; Lời cầu nguyện của bà được đáp lời.

Hôm nay khi nhìn vào sự đau đớn của Anne, chúng ta có thể nhìn vào đó với một niềm hy vọng như bà vậy, niềm hy vọng rằng Đức Chúa Trời cũng đã đáp lời cầu nguyện chúng ta, rằng Ngài đã cất đi sự thống khổ đau đớn của chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta một Con trai, là Con Ngài, để làm Vua và Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Ngài đã can thiệp hầu chúng ta có thể được cứu. Chúng ta hãy cảm tạ Đức Chúa Trời về sự ban cho vĩ đại đó. Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Ngài vì hôm nay chúng con được có cơ hội suy gẫm Lời thánh của Ngài, khi chúng con suy nghĩ đến thể nào Ngài đáp lời cầu nguyện của Anne, cất đi nỗi buồn rầu của bà mà ban cho bà một con trai.

Lạy Chúa, lòng chúng con cũng đầy sự thống khổ buồn rầu bởi tình trạng tội lỗi của chúng con, bởi hậu quả của sự rủa sả trên chúng con nếu không có Ngài. Chúng con cầu xin Ngài giải cứu chúng con hầu chúng con được cứu, được giải phóng và đi theo Vị Vua thật của Ysơraên, hầu chúng con có thể hướng về Chúa Giêxu bằng đức tin, hầu chúng con có thể vâng phục Ngài như Vị Vua của chúng con.

Chúng con cảm tạ Ngài về Giăng Báptít là người chỉ đường đến với Cứu Chúa phục sinh, là Vua của chúng con. Xin cho mắt chúng con chăm về Ngài và thấy mình thuộc về vương quốc đời đời này nhờ ân điển Ngài bày tỏ ra cho chúng con. Chúng con cũng xin Ngài ban cho chúng con những tấm lòng cầu nguyện hầu cho khi nhìn thấy Anne cúi xuống trước ngôi Ngài với nhu cầu to lớn của bà, chúng con cũng sẽ hạ mình xuống trước Ngài trình dâng lên nhu cầu lớn nhất của chúng con hầu Ngài sẽ lắng nghe chúng con, Ngài sẽ lắng nghe tiếng kêu xin của người công bình. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)