Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Chịu Khổ Như Đấng Christ - 01/2009  


CHỊU KHỔ NHƯ ĐẤNG CHRIST
(1Phierơ 2:21-25)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Khi đọc 1Phierơ chúng ta thấy thơ tín này được gởi đến cho một dân tộc đang chịu khổ. Rất có thể dân tộc mà ban đầu lá thơ này được gởi đến đang phải trải qua một sự bắt bớ dữ dội. Họ đang khổ sở vì trung tín với Đấng Christ. Đang khi chịu khổ, họ cần hiểu được vì sao họ phải chịu khổ. Vì sao hội thánh Đấng Christ chúng ta đang phải chịu khổ? Nếu Đấng Christ đã chết cho tội lỗi chúng ta và chúng ta đang ở dưới sự chăm sóc toàn quyền của Đức Chúa Trời quyền năng thì vì sao hội thánh vẫn đang chịu khổ và thử thách? Ngoài ra, họ cũng cần biết mình phải cư xử thế nào trong những thử thách đó. Họ phải chịu đựng những giai đoạn thử thách mà chính Chúa đã nói họ sẽ phải đối diện.

Tại đây cũng rất hay là tại trong bối cảnh của sự chịu khổ, chúng ta được Chúa ban cho danh vị của chúng ta. Ngay trong phần đầu sách 1Phierơ, Đức Chúa Trời ban thơ tín cho một dân đang chịu khổ, rằng danh vị của họ liên hiệp với Đấng Christ, với Đức Chúa Trời. Chúng ta đã học qua phần này nhưng tôi muốn nhấn mạnh tại đây một lần nữa. Những Cơ Đốc Nhân nhận thơ này, mà nhiều người trong số họ là nô lệ, đôi khi cũng bị chủ hà hiếp, những nô lệ này được bảo cho rằng họ đã được ban cho một sự trông cậy sống. Những người trước đây từng sống trong tuyệt vọng giờ đây được ban cho sự hy vọng. Những người hoàn toàn không có tài sản sở hữu gì mà chính mình còn bị người khác sở hữu như một tài sản được bảo đảm rằng họ đã được ban cho một cơ nghiệp không bao giờ hư đi (đoạn 1). Những người mà tài sản của họ có thể bị chủ lấy đi bất cứ lúc nào, bởi họ không có sở hữu gì, được bảo cho rằng cơ nghiệp của họ được giữ trên trời cho họ. Không những cơ nghiệp họ được giữ mà Kinh Thánh 1Phierơ đoạn 1 còn bảo rằng họ cũng đang được gìn giữ cho cơ nghiệp mình. Thế thì cơ nghiệp của họ là chắc chắn. Trước đây họ chẳng có gì. Giờ đây họ nhận lãnh sự vinh hiển của thiên đàng và không ai có thể cướp đi điều đó khỏi họ. Những người không có tự do, không hề biết được làm người tự do là thể nào, không thể nào dùng vàng bạc mua lấy sự tự do cho mình, được bảo rằng sự tự do của họ đã được mua bởi huyết báu Đấng Christ. Những người sống trong cảnh tối tăm so với những đền thờ tráng lệ, đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay bảo họ rằng họ là những đền thờ còn vinh hiển hơn những đền thờ nguy nga tráng lệ nhất của thời đó. Họ là một đền thờ của những viên đá sống là nơi Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng trời và đất, Đức Chúa Trời có một và thật, ngự giữa. Đây là điều Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Họ là thầy tế lễ hầu việc Đức Chúa Trời tại đền thờ này. Những kẻ chẳng là ai, chẳng có danh vị gì ngoài thân phận nô lệ cho chủ, những kẻ trước đây chẳng phải là một dân, trước đây chẳng được ai thương xót, giờ đây được bảo đảm rằng họ giờ đây là một dân được chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thuộc riêng của Đức Chúa Trời.

Đây cũng là điều mà Đức Chúa Trời đã ban cho chính chúng ta, được làm một phần của hội thánh Đấng Christ là vinh hiển. Ấy là được thuộc về một thân thể thiêng liêng. Đây chính là câu chuyện của chúng ta, là những người tin nhận Đấng Christ. Chúng ta được mang lên trên núi cao để nhìn xuống xung quanh và Chúa đang nói với chúng ta rằng những điều này là của chúng ta. Chúng ta như Ápraham hay Môise được Đức Chúa Trời mang lên đỉnh núi để xem xứ Canaan. Chúa phán với chúng ta rằng những ơn phước này là thuộc về chúng ta. Chúng ta là chức thầy tế lễ nhà vua trong vương quốc thiên thượng của Ngài và thiên đàng là quê hương chúng ta. Không gì vĩ đại tuyệt vời hơn thế. Không gì ngăn trở chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời. Khi suy niệm về những điều này, chúng ta thấy chúng ta, những tội nhân chẳng ra gì, từng phạm tội và chống nghịch Đức Chúa Trời, giờ đây được ban cho một nơi ở trong nước Trời của Đức Chúa Trời toàn năng. Điều này không phải là một ước muốn xa xôi, không phải một hy vọng hảo huyền, không phải một tương lai xa vời mà là một sự ban cho trong hiện tại đã được ban cho chúng ta ngay giờ này bởi công việc đã làm trọn bởi Đấng Christ, được bảo đảm bởi sự hiện diện của Thánh Linh Đức Chúa Trời trong tấm lòng và linh hồn của chúng ta. Ấy là cương vị của chúng ta.

Thế thì chúng ta đặt câu hỏi: "Nếu điều này là thật đối với chính tôi, thì cương vị lớn lao của việc làm tuyển dân của Đức Chúa Trời chẳng bị mất đi khi đối diện với hiện trạng của bản thân tôi trong hiện tại sao?" Chẳng phải cương vị lớn lao này mâu thuẫn với sự dạy dỗ về sự chịu khổ và thuận phục mà chúng ta đã đọc thấy sao? Chúng ta có nghĩ rằng sự tự do mà chúng ta mới tìm thấy trong Đấng Christ sẽ cho chúng ta có khả năng vất đi ách áp bức của nhà cầm quyền, của những người chủ hà hiếp và những người chồng không tin Chúa không? Địa vị là dân của Đức Chúa Trời chẳng nên ban cho chúng ta sự tự do khỏi sự chịu khổ sao? Tại sao chúng ta vẫn còn phải chịu khổ? Kinh Thánh cứ nhắc đi nhắc lại cho chúng ta câu trả lời "Không! Cơ Đốc Nhân chúng ta thật sự sẽ phải chịu khổ!" Ấy là sự kêu gọi cho chúng ta. Ấy là điều chúng ta có thể chuẩn bị tinh thần để đối diện. Những người giảng dạy một Phúc Âm "Mạnh lành và Thạnh Vượng" dạy rằng nếu chúng ta chỉ cần có đủ đức tin thì chúng ta sẽ được miễn trừ khỏi mọi đau khổ. Những người dạy rằng nếu chúng ta cầu xin thì Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta mọi sự chúng ta muốn, rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải chịu khổ, đang giảng dạy một Tin Lành sai lạc. Đó chẳng phải là điều Đức Chúa Trời đã phán dạy. Kinh Thánh không hề ban cho chúng ta những lời hứa như thế.

Thật ra, Kinh Thánh lại nói ngược lại! Chúng ta sẽ phải chịu khổ. Cương vị của chúng ta cũng không hề mâu thuẫn với từng trải trên đất này của chúng ta. 1Phierơ đoạn 2 chép rằng chúng ta được kêu gọi khỏi sự tối tăm mà đến sự sáng láng lạ lùng của Đức Chúa Trời, ánh sáng của sự hiện diện Đức Chúa Trời, ánh sáng thiên đàng. Ấy là thực tế của chúng ta, là điều mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Tuy nhiên, đồng thời chúng ta cũng được cho biết rằng chúng ta được kêu gọi để chịu khổ. Chúng ta được kêu gọi để hưởng sự vui mừng tuyệt vời của thiên đàng và cả thực tế chịu khổ trong hiện tại. 1Phierơ đoạn 1 nói rằng chúng ta vui mừng vì sự khổ sở này là tạm thời. Sự chịu khổ mà chúng ta đang chịu đựng đây mang vinh hiển cho Đức Chúa Trời và sự chịu khổ mà chúng ta đang phải đối diện được ban cho chúng ta như là sự theo gương Đấng Christ. Ấy là sự kêu gọi của chúng ta, là thực tế trong hiện tại của chúng ta.

Sự chịu khổ được đề cập đến trong phần Kinh Thánh của chúng ta là sự chịu khổ của những nô lệ làm việc dưới những người chủ bất công có thể đánh đập, hà hiếp hoặc kết tội họ khi họ chỉ làm điều đúng. Thế nhưng khi chúng ta học tiếp thơ tín này, chúng ta thấy rằng ý này cũng mở rộng cho cả những người vợ nữa. 1Phierơ đoạn 3 câu 1 chép: "Cũng vậy, hỡi người làm vợ..." Chữ "cũng vậy" đưa chúng ta trở về với những câu trước đó. Những người vợ cũng vậy, đôi khi họ phải chịu khổ dưới tay những người chồng không tin Chúa. Nhưng ý này cũng tiếp tục mở rộng đến sự chịu khổ nói chung trong đoạn 4 câu 13. Cơ Đốc Nhân chúng ta cần hiểu rằng sự chịu khổ là sự kêu gọi của chúng ta, thực tế của chúng ta bởi mối tương giao của chúng ta với Đấng Christ. Chúng ta có thể trông đợi điều đó. Chúa Giêxu không cho các môn đồ Ngài một ảo tưởng nào khi nói về sự chịu khổ. Ngài phán rằng như thế gian đã ghét Ngài, họ cũng sẽ ghét chúng ta. Sứ đồ Phierơ nói trong 1Phierơ đoạn 4 câu 12 rằng chúng ta không nên ngạc nhiên khi chịu khổ.

Chúng ta đang chịu khổ như chính Đấng Christ. Thế gian ghét Đấng Christ, thế gian cũng sẽ ghét những ai đứng lên công xưng Đấng Christ trước mặt thiên hạ. Chúa Giêxu dạy chúng ta rằng chúng ta được kêu gọi mang lấy thập tự mình mà theo Ngài. Đỉnh điểm của sự chịu khổ của Đấng Christ, là chính thập tự giá, nói với chúng ta rằng chúng ta được kêu gọi theo dấu chân Ngài thậm chí đến thập tự giá, để chịu khổ bên cạnh Đấng Christ. Trong sự chịu khổ của chúng ta trên đất này, chúng ta chỉ bước theo dấu chân Đấng Christ, là Đấng đã chịu khổ vì chúng ta. Chúng ta được kêu gọi chịu khổ vì Đấng Christ đã chịu khổ vì chúng ta. Đoạn Kinh Thánh hôm nay chép rằng Đấng Christ đã chịu khổ vì chúng ta, để lại cho chúng ta một gương. Giả sử chúng ta lấy một tờ giấy đặt chồng lên một tờ giấy khác mà trên đó có một hình vẽ. Chúng ta có thể dùng viết đồ lại hình dạng hình vẽ đó. Cũng giống như thế, sứ đồ Phierơ tại đây muốn nói rằng chúng ta là bản sao của Đấng Christ, giống như Ngài. Thế nên sự chịu khổ của chúng ta cũng phản ánh sự chịu khổ của Đấng Christ.

Chúng ta không chỉ được kêu gọi làm mô hình của Ngài mà còn được kêu gọi theo dấu chân Ngài. Chúng ta phải bước theo dấu chân của Đấng đã bước đi vì chúng ta. Có lẽ các em thiếu nhi đã làm điều này rồi khi đi theo dấu chân ba mẹ khi đi trên tuyết hay trên bùn. Tại đây chúng ta được kêu gọi bước theo dấu chân của Đấng Christ để bước đi như chính mình Ngài. Chúng ta biết rằng Phierơ hiểu biết rất tường tận về điều này. Chúng ta nhớ rằng Phierơ đi theo Đấng Christ vào tòa công luận nơi Đấng Christ bị thầy tế lễ xử án. Phierơ đi theo Chúa Giêxu, ông bước vào sân tòa công luận. Nhưng thay vì đi theo Chúa Giêxu đến tận thập tự giá, ông đã chối Ngài ba lần. Giờ đây cuộc đời Phierơ đã hoàn toàn thay đổi. Giờ đây ông đi theo Đấng Christ đến tận sự chịu khổ tột cùng. Theo truyền thuyết giáo hội, ông đã bị đóng đinh ngược vì tin Đức Chúa Giêxu Christ, vì làm chứng về Ngài. Chúng ta không tìm kiếm sự khổ sở, chúng ta không cố gắng mang vạ vào thân hay mang lấy thử thách, tuy nhiên, chúng ta không nên sợ phải chịu khổ vì Đấng Christ vì sự vinh hiển Ngài.

Đoạn Kinh Thánh hôm nay kêu gọi chúng ta nhìn vào Đấng Christ như tấm gương cho chúng ta. Khi xem xét sự chịu khổ của Đấng Christ trong phần sau của đoạn Kinh Thánh hôm nay chúng ta thấy có nhiều sự gợi ý và trích dẫn từ Êsai đoạn 53. Trước hết, Kinh Thánh chép rằng Chúa Giêxu nêu gương cho chúng ta là Ngài chẳng hề phạm tội. Trong miệng Ngài không có điều gì dối giả. Khi nhìn về Đấng Christ, về sự chịu khổ của Ngài, điều đầu tiên chúng ta nhận thấy là Ngài hoàn toàn vô tội, công bình và trọn vẹn trên mọi phương diện. Rõ ràng là sự chịu khổ của Ngài không phải là hậu quả tội lỗi của chính Ngài, hay của điều gì Ngài đã làm mà là bởi sự cứng cõi của những kẻ bắt bớ Ngài. Chúa Giêxu không bao giờ phạm tội. Ngài hoàn toàn công bình. Mọi sự khốn khổ Ngài chịu bị đổ trên Ngài một cách bất công. Kinh Thánh nói tiếp rằng: "Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình". Chúng ta thấy Chúa Giêxu khi chịu khổ, khi đối diện với sự chế nhạo của người ta, không trả miếng lại theo cách người ta đối với Ngài. Khi người ta nhạo báng Ngài, Ngài không quay lại quở trách họ. Chúng ta còn nhớ khi bị treo trên thập tự giá và đám đông chế giễu Ngài, Ngài chẳng đáp lại họ theo cách đó mà lại cầu xin Đức Chúa Trời rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì." Ngài chịu khổ cách nhẫn nại, đứng trước mặt Philát mà không thốt lên lời nào để binh vực mình. Ngài chịu sự mắng nhiếc, ghen ghét, chẳng đáp lại sự thù oán mà mình phải chịu. Đấng Christ thể hiện sự kiên nhẫn, tử tế, tốt đẹp của Ngài trước sự bắt bớ và khổ nạn dữ dội. Dù làm lành, Ngài bị khinh ghét .

Đấng Christ cũng được mô tả như là một người phó mình cho đấng xử đoán công bình. Ngài không tự mình hành động. Khi sứ đồ Phierơ rút gươm chém đứt tai của đầy tớ Man-chu, Chúa Giêxu chữa lành tai đứt đó. Dù Ngài nói cùng Phierơ rằng bất cứ lúc nào Ngài đã có thể sai mười hai đạo thiên sứ đến bảo vệ Ngài hầu dễ dàng thoát khỏi sự hành hình trên thập tự giá. Chúa Giêxu sẵn sàng bước đi, tin cậy Đức Chúa Trời rằng trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ thực hiện sự phán xét công bình. Đức Chúa Trời phán: "Sự báo thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng" và Chúa Giêxu tin cậy vào lời đó. Khi nhìn vào tấm gương của Đấng Christ, đây là cách chúng ta được kêu gọi phải chịu khổ. Chúng ta được kêu gọi chịu khổ như thế, chịu khổ vì sự công bình. Khi chúng ta chịu khổ vì hành vi phạm phép của chúng ta mà chúng ta đáng phải chịu điều đó thì đó không phải là cách chúng ta nên chịu khổ. Nhưng khi chúng ta chịu khổ vì làm sự công bình thì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời. Trong sự chịu khổ của chúng ta, chúng ta cần phải không chỗ trách được. Chúng ta cần phải như Đấng Christ trong sự công bình. Hẳn nhiên, chúng ta không thể nào trọn vẹn như Đấng Christ. Tuy nhiên, là Cơ Đốc Nhân, sự chịu khổ chúng ta cần phải phản ánh sự công chính của Đấng Christ. Chúng ta chịu khổ một cách không chỗ trách được khi chúng ta bị hình phạt cách bất công. Như Đấng Christ chịu sự hung bạo của con người, khi bị mắng nhiếc, chúng ta không nên trả miếng lại. Khi ai đó mắng nhiếc chúng ta tại trường học hay tại sân chơi, khi họ không thích chúng ta vì chúng ta là Cơ Đốc Nhân, vì chúng ta yêu mến Chúa, vì chúng ta đi nhà thờ, đọc Kinh Thánh... Chúng ta không xoay qua họ và nói "Tôi cũng không thích anh nữa!" Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta phải yêu thương họ, chăm sóc họ và ao ước chia sẻ Tin Lành của Chúa Giêxu cho họ hầu họ có thể biết tình yêu thương của Đấng Christ. Chúng ta muốn chịu đựng sự mắng nhiếc đó một cách nhẫn nại và tử tế. Chúng ta không nên trả miếng lại. Khi phải chịu khổ, chúng ta không hăm dọa những người làm khổ chúng ta. Chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng phán xét. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta phải chịu khổ cách bất công thì Đức Chúa Trời biết tấm lòng chúng ta. Chúng ta chịu khổ vì Đấng Christ, tin cậy rằng cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ biện minh cho hội thánh Ngài. Sách Khải Huyền bày tỏ điều này rất rõ ràng. Khi những thánh tuận đạo kêu cầu cùng Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đáp rằng trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ thi hành sự công bình cho họ. Sự chịu khổ vì Đấng Christ đi theo kiểu mẫu đó. Chúng ta có thể bị bạn bè chúng ta gây cho khốn khổ vì chúng ta là Cơ Đốc Nhân. Có thể chúng ta sẽ phải đứng một mình nhưng chúng ta hãy đứng cách công chính và đừng chưởi rủa. Xin hãy chịu khổ cách nhẫn nại. Nếu tại nơi làm việc, chúng ta bị qui lỗi một cách sai trật, đừng nổi giận với chủ mà hãy bình tĩnh lý giải cho bản thân mình và để Đức Chúa Trời phán xét. Ngài biết tấm lòng chúng ta. Ngài biết chúng ta đã làm gì. Các em nhỏ, nếu các em cho rằng ba mẹ đối với các em không công bằng hay cũng có khi các em bị kỷ luật không đúng, chẳng phải là bởi cha mẹ chủ tâm xử quấy cho các em nhưng không phải lúc nào cha mẹ cũng biết hết mọi sự. Tuy nhiên là con cái, các em không có quyền coi thường thẩm quyền của cha mẹ hay cãi lại cha mẹ. Đức Chúa Trời biết tấm lòng của các em. Chẳng phải Ngài sẽ phán xét ba mẹ các em vì điều đó nhưng Ngài biết sự kỷ luật không công bằng. Điều quan trọng là Ngài nhìn biết tấm lòng.

Khi đọc tiếp đoạn Kinh Thánh này, chúng ta sẽ nhìn thấy phạm vi sự chịu khổ của Đấng Christ. Chúa Giêxu mang lấy tội lỗi chúng ta. Một lần nữa, tại đây liên hệ đến Êsai đoạn 53. Ngài mang lấy tội lỗi chúng ta trên Ngài và chịu hình phạt. Việc mang lấy tội của một người trong tâm trí của người Do Thái là một hình ảnh sinh động. Người Do Thái có ngày lễ chuộc tội và trong ngày lễ đó, hai con dê được mang đến cho thầy tế lễ. Thầy tế lễ sẽ lấy một con dê để dâng lên làm của lễ. Thầy tế lễ sẽ đặt tay trên con dê kia, biểu tượng rằng ông đang chuyển tội lỗi dân sự lại trên con dê đó. Nó sẽ mang lấy tội lỗi của dân sự Đức Chúa Trời. Con dê này sẽ được mang thả vào đồng vắng và đoán chừng cuối cùng sẽ chết ở đó cho tội lỗi của dân sự Đức Chúa Trời. Đây chính là điều Chúa Giêxu đã làm cho dân sự Ngài. Ngài đã mang lấy tội lỗi chúng ta. Ngài đã cất lấy nó khỏi chúng ta. Ngài đã ra ngoài thành, tại đó Ngài chịu lấy sự thạnh nộ và rủa sả của Đức Chúa Trời cho tội lỗi chúng ta. Ngài mang lấy nó như con dê bị đuổi đi mang lấy tội lỗi của dân Ysơraên vào đồng vắng. Chúa Giêxu thực hiện điều mà con dê bị đuổi đi làm hình bóng tượng trưng. Đây cũng là điều mà đích thân Chúa Giêxu đã chịu lấy. Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh nhấn mạnh rằng đây là điều chính Chúa Giêxu, trong xác thịt Ngài, mang lấy trên thân thể Ngài. Ngài mang lấy hết mọi sự đau đớn và khốn khổ khi đinh xuyên qua tay Ngài, khi ngọn roi quất trên lưng Ngài, khi mão gai đặt trên đầu Ngài, khi đinh đâm lủng hông Ngài. Ngài chịu lấy sự đau đớn khốn khổ của mọi sự đó. Khi nhìn về Đấng Christ khi Ngài chết một cái chết đau đớn, chúng ta thấy đây là đỉnh điểm của sự bất công. Đấng trọn vẹn chết trên thập tự giá mang lấy tội lỗi chúng ta trên thân thể Ngài. Ấy chính tội lỗi chúng ta khiến Ngài lên thập tự giá. Chính tội lỗi chúng ta khiến Ngài phải chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Ấy chính tội lỗi chúng ta gây nên tiếng kêu thương thống thiết: "Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?" Ấy chính là vì chúng ta mà Chúa Giêxu mang lấy gánh nặng của địa ngục này. Chúng ta thấy Chúa Giêxu đau đớn trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Ngài mang lấy tội lỗi chúng ta trên thân thể Ngài. Chúa Giêxu chịu hình trên cây gỗ. Cây gỗ được đề cập đến tại đây chẳng phải là tình cờ. Nó được đề cập đến bởi vì việc bị treo trên cây gỗ là một sự rủa sả. Vì lý do đó mà Chúa Giêxu bị nhiều người Do Thái khước từ, "Ngài không thể là Đấng Mêsi bởi Ngài bị Đức Chúa Trời rủa sả". Họ không thể hiểu được vì sao Đấng Christ phải chết như một kẻ bị rủa sả. Họ không hiểu được rằng Chúa Giêxu khi giang tay Ngài ra vào cái ngày đã định trước ấy, Ngài mang lấy sự rủa sả thay cho chúng ta.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng bởi sự chết này mà chúng ta được ban cho sự sống. Chúng ta được chữa lành. Chúng ta bị mắc phải chứng bịnh chết chóc nhất không chỉ trong phần xác mà còn mang ý nghĩa của sự chết thứ hai. Chúng ta lẽ ra đã chết sự chết thứ hai, là sự chết dẫn đến sự định tội đời đời nơi hỏa ngục. Chúng ta lẽ ra đã chết nếu bị bỏ mặc trong tội lỗi mình. Nhưng Chúa Giêxu đã chữa lành căn bịnh trầm trọng nhất của chúng ta, phục hồi cho chúng ta sự công bình trọn vẹn hầu chúng ta có thể đứng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà còn sống. Ngài đã khiến chúng ta xứng đáng được hưởng thiên đàng. Ngài làm điều này qua sự chịu khổ của Ngài. Khi nhìn về Đấng Christ, chúng ta chỉ có thể nói rằng sự chịu khổ của chúng ta thật mờ nhạt khi so với sự chịu khổ của Đấng Christ. Rõ ràng rằng bằng cách đưa ra cho chúng ta tấm gương này Kinh Thánh không hề có ý nói sự chịu khổ của chúng ta bên cạnh Đấng Christ góp phần nào trong sự chuộc tội chúng ta. Đấng Christ đã trả hết cho chúng ta một lần đủ cả. Chúng ta không thể chuộc tội mình bởi chính chúng ta là tội nhân. Như câu 22 nói, chúng ta không thể nói rằng mình không hề phạm tội. Đấng Christ chết thay chúng ta. Trong sự chịu khổ vì sự công bình, chúng ta được nhắc nhở về sự chịu khổ của Đấng Christ. Khi chúng ta chịu đau đớn, chúng ta chỉ nếm thử những gì Đấng Christ đã chịu vì chúng ta. Tuy nhiên sự chịu khổ của chúng ta có thể mang lại cho chúng ta sự chữa lành, đưa chúng ta đến gần Đấng Christ hơn khi chúng ta nhìn biết sự phụ thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Ngài. Chúng ta sẽ nhìn thấy thế gian này không phải là nơi mà chúng ta muốn nắm giữ như quê hương mình. Chúng ta muốn được bám chặt vào Đấng Christ là Đấng một ngày nào đó sẽ ban cho chúng ta một cơ nghiệp không bao giờ bị cất đi khỏi chúng ta, là nơi không hề có tội lỗi, không có khổ đau, nơi Đức Chúa Trời lau ráo hết nước mắt chúng ta. Lời hứa này dành cho chúng ta. Sự chịu khổ kéo chúng ta đến gần Chúa. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này nơi những xứ sở bị bắt bớ. Thay vì khiến người ta xây bỏ Chúa, nhiều lần sự bắt bớ kéo người ta đến gần Ngài hơn bởi họ nhận biết tình yêu và sự phụ thuộc của họ nơi Đấng Christ. Là Cơ Đốc Nhân, cách chúng ta chịu khổ cuối cùng có thể quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Bởi khi người ta nhìn thấy cách chúng ta chịu khổ, họ có thể nhìn biết Đấng Christ. Cách chúng ta chịu khổ, khi chúng ta nhẫn nại, khiêm cung sống đời sống Cơ Đốc Nhân của mình khiến người khác nhìn biết Chúa chúng ta.

Chúng ta, những con chiên tan lạc, trước đây chẳng phải là một dân, giờ đây được kêu gọi đi theo người chăn, đi theo bước chân Ngài. Vâng, Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta dù trong bóng sự chết, dù qua những thời điểm khốn khổ tận cùng. Tác giả Thi Thiên cũng không khước từ điều này, bởi ông nói: "Người công bình bị nhiều tai họa." (Thi Thiên 34:19) Khi chúng ta đi theo người chăn chúng ta, Đấng Christ sẽ dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh, đến mé nước bình tịnh nơi linh hồn chúng ta được yên nghỉ. Ngài sẽ dẫn chúng ta đến thiên đàng. Thế nên, giờ đây, là dân sự Đức Chúa Trời, chúng ta cần chịu khổ như thế nào? Chúng ta cần chịu khổ như những người biết rằng đây là điều chúng ta đã được kêu gọi đến. Chúng ta cần chịu khổ như Đấng Christ. Chúng ta hãy ghi nhớ sự chịu khổ Ngài chịu vì chúng ta và những lời hứa chúng ta có được trong Ngài và biết rằng những thử thách của chúng ta thì ngắn ngủi nhưng sự sống chúng ta với Đấng Christ là đời đời vô cùng. Amen.

Lạy Cha thiên thượng từ ái của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì lời Ngài khích lệ chúng con. Hết thảy chúng con đều chịu khổ cách này cách khác. Hết thảy chúng con đều sẽ phải chịu khổ trong tương lai. Xin ân điển Ngài dẫn dắt chúng con qua mọi điều đó. Xin ban cho chúng con sự nhẫn nại và thái độ sống như Đấng Christ hầu chúng con có thể chịu khổ cách khiêm nhường và nhẫn nại. Xin cho chúng con đối đãi tử tế với những người hiếp đáp chúng con. Xin cho chúng con thật sự yên nghỉ vì biết rằng Ngài sẽ phán xét công bình. Xin cho chúng con trong thời điểm hiện tại có thể sống một cách công chính trong sự chịu khổ. Xin cho chúng con nhìn về sự vinh hiển của thiên đàng và lời hứa rằng mọi sự khổ nạn của chúng con sẽ được cất đi, Ngài sẽ lau ráo nước mắt chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)