Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Ân Điển và Bình An - Một Lời Chào Tuyệt Vời - 01/2001  


ÂN ĐIỂN VÀ BÌNH AN MỘT LỜI CHÀO TUYỆT VỜI
(Ê-phê-sô 1:2)

Tháng Giêng 2001

"Nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ!"

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giê-xu của chúng ta. Thường thường, cách của chúng ta khi ngồi xuống để đọc một trong những lá thư của sứ đồ Phao-lô đó là đọc nhanh qua mấy câu đầu bởi vì đối với chúng ta những câu đó đơn giản chỉ là lời chào hỏi. Chúng ta đọc qua những câu nầy nhanh để có thể nhanh chóng đọc đến phần giữa của Tin lành xem ông Phao-lô nói gì. Khi làm như vậy thì chúng ta bị bỏ lỡ một phần nào đó đặc biệt là khi chúng ta đọc lời chào hỏi của Phao-lô đến với hội thánh tại Ê-phê-sô. Khi xem câu nầy thì chúng ta sẽ thấy sự sâu sắc của Thánh kinh, đặc biệt trong lời chào hỏi đem đến cho tín hữu niềm vui, lòng biết ơn. Bởi vì trong nhiều ý nghĩa câu mở đầu trong lá thư nầy cũng như những lá thư khác của Phao-lô tóm tắt cho chúng ta lẽ thật của Tin lành.

"Nguyền xin ân điển và sự bình an". Ân điển và sự bình an không được tìm thấy trong thế gian, từ những nguồn bên ngoài nhưng trong Đức Chúa Trời là Cha và trong Chúa Giê-xu. Trong một mức độ nào đó đây là lời tóm tắt của tất cả những gì theo sau. Phao-lô sẽ dạy cho chúng ta biết về ân điển, về sự bình an đến từ Đức Chúa Trời của chúng ta. Nói cách khác, đây là những chữ rất đầy ý nghĩa.

Khi nói về lời mở đầu trong một lá thư như lá thư nầy được viết theo một kiểu cách của người ta thường viết vào thời đó. Đầu tiên họ tự nhận diện mình, rồi bắt đầu là những lời chúc phước. Đối với người Giu-đa lời chào hỏi khi mở đầu lá thư hoặc khi gặp nhau trên đường phố sẽ bắt đầu bằng Sa-lôm, dĩ nhiên Sa-lôm trong tiếng Hê-bơ-rơ là bình an. Tôi nghĩ ở đây Phao-lô bước một bước xa hơn những gì người Giu-đa thường làm rồi ông áp dụng vào những gì đã hoàn tất trong Chúa Cứu Thế. Nhóm từ trong lời chào hỏi của Phao-lô rất đầy ý nghĩa không thể nào đi lướt qua được bởi vì nó có ý nghĩa cho phần còn lại của lá thư. Như tôi đã đề cập đến, khi chúng ta đọc những lá thư của Phao-lô thì đều thấy rằng lời chào của ông đều giống nhau, ông dùng cùng những chữ quen thuộc "Nguyền xin ân điển và sự bình an của Chúa Cứu Thế Giê-xu đến với anh em...". Rô-ma, 1&2Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Cô-lô-se, Phi-líp. tất cả những lá thư chính đều bắt đầu bằng một cách giống nhau. Vì vậy, rất quan trọng cho chúng ta suy gẫm về lời mở đầu chào hỏi, không chỉ riêng cho lá thư nầy nhưng cho những lá thư khác nữa. Hôm nay tôi muốn chúng ta sẽ xem xét nhóm từ đặc biệt nầy, xem xét lời chào hỏi nầy từng chữ một. Chúng ta sẽ xem những chữ đặc biệt: "ân điển", "bình an", "từ nơi Đức Chúa Trời", "Đức Chúa Giê-xu Christ".

Trước hết Phao-lô nói đến chữ "ân điển". Chúng ta là những người lớn lên trong hội thánh "ân điển" thì chữ nầy rất quen thuộc. Chữ nầy nói đến việc Đức Chúa Trời ban cho chúng ta điều mà chúng ta không xứng đáng được. Khi nói đến điều mà chúng ta được Đức Chúa Trời ban cho trong Chúa Cứu Thế rõ ràng là không phải chúng ta nói đến những gì chúng ta xứng đáng được nhưng là món quà của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Xuyên suốt Kinh thánh thường nhấn mạnh rằng con người không xứng đáng nhận bất cứ điều gì từ nơi Đức Chúa Trời hơn là cơn giận và sự phẫn nộ của Ngài.

Từ khi con người sa ngã thì mối liên hệ của chúng ta với Ngài chỉ bởi do ân điển và lòng yêu thương của Ngài mà thôi. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, họ không bị đánh chết ngay tức thì đó là hành động ân điển của Đức Chúa Trời. Sau khi loài người sa ngã Đức Chúa Trời bắt đầu thường nói đến giao ước ân điển với con người. Lời hứa của Ngài trong Sáng-thế-ký 3:15, rằng Ngài sẽ sai một Cứu Chúa đến để giày đạp đầu con rắn. Dĩ nhiên, Cứu Chúa đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngay từ lúc đầu Đức Chúa Trời đã đề xướng giao ước gọi là giao ước ân điển. A-đam và Ê-va không xứng đáng với ân điển đó, chúng ta cũng vậy. Đức Chúa Trời đề xướng giao ước ân điển với chúng ta ngay cả chúng ta không xứng đáng. Kinh thánh chép, "Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết." (Rô-ma 5:8).

Khi nói về ân điển là nói về điều tương tự như sự thương xót. Khi đọc Thi-thiên trong Cựu ước chúng ta thấy những người chép Thi-thiên nhiều lần nhắc đến Đức Chúa Trời và mối liên hệ giữa họ với Ngài khi Ngài đối với họ đầy lòng thương xót. Thương xót giống như ân điển, là điều mà người nhận không xứng đáng. Chữ ân điển mà chúng ta thấy trong Thánh kinh không phải chỉ có trong Tân-ước mà thôi nhưng xuyên suốt trong Kinh thánh. Chúng ta tin rằng chỉ có một giao ước ân điển làm trọn mọi sự. Nói cách khác, A-đam và Ê-va là người tin nhận Chúa và chết trong Chúa được cứu bởi ân điển tìm thấy trong Chúa Cứu Thế Giê-xu dự phần trong sự đến của Ngài.

Cũng giống vậy, chúng ta được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời sau khi Ngài đã đến và chúng ta nhìn lại những việc Ngài đã làm trọn. Khi chúng ta xem xét toàn bộ vấn đề ân điển chúng ta thấy đây là một chữ đóng một vai trò nổi bật. Tôi muốn hướng dẫn quí vị đến một vài câu nhấn mạnh đến ân điển của Đức Chúa Trời được chỉ ra. Ê-phê-sô 1:6, "để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!" Dĩ nhiên ở đây nói đến ân điển của Chúa Cứu Thế bởi đó mà khiến chúng ta trở nên được chấp nhận trước mặt Chúa. Câu 7, "Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài". Quí vị thấy không? Ân điển đã ban cho chúng ta được bày tỏ ra trong huyết của Chúa Cứu Thế.

Hôm nay chúng ta dự tiệc thánh, chúng ta thấy thế nào huyết đã đổ ra cho chúng ta. Chúng ta có xứng đáng để Chúa Cứu Thế chết trên thập tự giá không? Hầu như không ai xứng đáng. Nhưng Chúa Giê-xu đã chết thay cho tội lỗi của chúng ta bằng cách đổ huyết của Ngài ra. Đó là hành động của ân điển Ngài. Xin quí vị xem với tôi trong đoạn 2:5, "nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu". Một lần nữa, chúng ta được cứu bởi ân điển của Chúa. Câu 7,8, "Hầu cho về đời sau tỏ ra sự giàu có vô hạn của ân điển Ngài, mà Ngài bởi lòng nhơn từ đã dùng ra cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ.

"Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời." Ở đây Phao-lô giải thích chi tiết hơn lẽ đạo "ân điển" mà ông nói đến trong câu thứ 2 của sách Ê-phê-sô chỉ ra cho chúng ta biết không chỉ ân điển ban cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế mà kể cả đức tin của chúng ta, kể cả việc chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu cũng là hành động ân điển của Đức Chúa Trời. Đức tin không thể trở thành việc làm đầu tiên của chúng ta khi chúng ta với đến Đức Chúa Trời. Không! bởi ân điển của Đức Chúa Trời Ngài ban cho chúng ta đức tin. Tất cả những gì trong sự cứu rỗi của chúng ta được ban cho nhưng không trong Chúa Giê-xu.

Xin mở Kinh thánh ra xem với tôi trong Ê-phê-sô 3:2, "Vả, anh em có nghe Đức Chúa Trời ban chức cho tôi, là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi, thể nào bởi sự tỏ ra, tôi đã hiểu biết điều mầu nhiệm mà tôi mới bày tỏ cùng anh em mấy lời. Đọc đến thì anh em có thể rõ sự hiểu biết của tôi về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ." Ở đây Phao-lô nói, bởi ân điển mà họ có thể hiểu được lẽ mầu nhiệm của Tin lành. Nhiều người bị mù lòa đối với lẽ thật, nhưng Đức Chúa Trời qua ân điển của Ngài, khiến chúng ta hiểu được lẽ mầu nhiệm của Tin lành, lẽ mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế khi chúng ta đọc Kinh thánh, lời của Ngài. Vì vậy điều nầy không còn là giấu kín đối với chúng ta nữa hầu cho chúng ta hiểu được rằng chúng ta được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời.

Đoạn 3, câu 7 và 8, "còn tôi đã trở nên kẻ giúp việc Tin Lành ấy cứ sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời, là ân điển đã ban cho tôi bởi công hiệu của quyền phép Ngài. Phải, ân điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ, để rao truyền cho dân ngoại sự giàu có không dò được của Đấng Christ". Ân điển đã ban cho sứ đồ Phao-lô không chỉ đơn giản hiểu được ân điển của Chúa Cứu Thế cho chính ông mà thôi nhưng cũng có thể rao truyền cho những người chưa hiểu. Đức Chúa Trời, bởi ân điển của Ngài đã khiến Phao-lô trở thành người giảng dạy, rao giảng lời thánh của Ngài. Còn một câu chót, 4:7, "Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ." Khi xem thư cho người Ê-phê-sô chúng ta thấy sự trình bày rất rõ của Phao-lô khi ông được Đức Chúa Trời hà hơi hầu cho chúng ta hiểu được điều muốn nói trong câu 2 của thư nầy, "nguyền xin ân điển... ban cho anh em".

"Ân điển", sự chiếu cố của Đức Chúa Trời đến những người không xứng đáng qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ân điển là trung tâm của Tin lành, là nền tảng của mối liên hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Bởi ân điển chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi. Bởi ân điển Chúa Cứu Thế đến để đền trả cho tội lỗi. Bởi ân điển tội lỗi được cất khỏi chúng ta. Vì vậy, ân điển đóng vai trò nền tảng quan trọng cho chúng ta để chúng ta có thể hiểu được Tin lành. Khi Phao-lô chúc phước cho hội thánh ở đây, "nguyền xin ân điển... ban cho anh em", cầu xin họ có ân điển của Chúa để hiểu được sứ điệp mà ông sắp mang đến.

Như chúng ta thấy, Phao-lô không chỉ chào hội thánh Ê-phê-sô bằng ân điển khi ông viết thư nầy nhưng cũng nói "bình an". Như tôi đã có nhắc đến, "bình an" là một chữ chào hỏi tiêu biểu của người Hê-bơ-rơ. Đối với họ điều tiêu biểu trong cách chào hỏi khi hai người đi ngang qua là "bình an" , "bình an". Khi chúng ta xem cách dùng chữ "hòa bình" (bình an) trong Kinh thánh bắt đầu tại vườn Ê-đen, sự hòa bình mà con người một lần có với Đức Chúa Trời hoàn toàn bị phá hủy . Khi nói đến hòa bình chúng ta không chỉ đơn giản nói đến sự không có chiến tranh.

Có một chiến trận đang tiếp diễn không chỉ đơn giản giữa con người với con người. Chiến trận nầy bắt đầu khi con người sa vào tội lỗi, gây ra một sự thù nghịch giữa con người và Đức Chúa Trời. Chúng ta không có sự hòa bình với Đức Chúa Trời nếu chúng ta ở ngoài Chúa Giê-xu, khi chúng ta sống chống nghịch lại cùng Đức Chúa Trời. Thánh kinh mô tả tội lỗi của chúng ta là một sự phản loạn. Vì vậy, khi chúng ta phản loạn cùng Đức Chúa Trời, chúng ta ở trong sự thù nghịch Ngài, chiến tranh với Ngài. Khi con người sa vào tội lỗi thì con người có chiến tranh với Đức Chúa Trời. Bởi ảnh hưởng của chiến tranh với Đức Chúa Trời con người có chiến tranh với nhau, ngay cả tự tranh chiến với chính mình. Xa cách Đức Chúa Trời thì không thể có hòa bình. Khi con người rơi vào tội lỗi thì sự hòa bình bị tiêu tan.

Chúng ta đọc trong Sáng-thế-ký về mối liên hệ của A-đam và Ê-va với Đức Chúa Trời trước khi sa ngã. Chúng ta thấy họ trong vườn Ê-đen sống hòa bình cùng Đức Chúa Trời. Họ đi bộ và nói chuyện với nhau trong vườn. Không có tội lỗi xen vào cuộc đối thoại giữa họ. Ngay tức thì trong Sáng-thế-ký đoạn 3 khi con người sa ngã, mối liên hiệp giữa họ với Đức Chúa Trời bị chẻ rời, bị tách rời ra cho đến khi Đức Chúa Trời khôi phục lại. Không có sự bình an khi xa cách Đức Chúa Trời. Cho nên chúng ta thấy tại sao rất thích đáng khi Phao-lô không chỉ nói đến ân điển mà cũng nói đến bình an. Sự bình an được xây dựng trên ân điển. Chúng ta đã có chiến trận cùng Đức Chúa Trời, chúng ta cần phục hòa lại với Ngài. Chúng ta phục hòa lại cùng Ngài qua hành động của ân điển, qua việc sai Con Ngài đến thế gian. Ngoài điều đó ra sự bình an không thể có được.

Chúng ta thấy thế giới nầy kể từ lúc ban đầu cho đến bây giờ không lúc nào là không có chiến tranh. Không lúc nào là không có sự đấu tranh giữa con người với nhau. Không lúc nào không có sự tranh chiến trong lòng của con người. Không một giây phút nào có được sự hòa bình giữa Đức Chúa Trời và con người ngoại trừ qua Chúa Cứu Thế. Sau khi dân Y-sơ-ra-ên bước vào xứ Ca-na-an và sau thời vua Đa-vít cai trị mở rộng bờ cõi thật nhiều họ mong đợi vua Sa-lô-môn, vua của sự hòa bình, mang sự hòa bình vào trong xứ sở. Chữ Sa-lô-môn là chữ được chuyển hóa từ chữ hòa bình. Vâng, thật sự trong thời Sa-lô-môn cai trị tương đối chỉ có đánh nhau nhỏ trong dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên không thể mong đợi nơi Sa-lô-môn mang sự hòa bình đến vì sau khi Sa-lô-môn qua đời có nhiều chiến tranh, thực tế đất nước của họ bị chia cắt ra.

Vua Sa-lô-môn không thể mang sự hòa bình trường cữu được. Dân Y-sơ-ra-ên phải trông đợi một Đấng sẽ đến để mang sự hòa bình mà sẽ tồn tại mãi mãi. Sự hòa bình đó đến từ dòng dõi của Sa-lô-môn, dòng dõi của Đa-vít, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Con người không thể kinh nghiệm được sự hòa bình nếu ở bên ngoài Ngài. Rồi chúng ta đọc đến sự ra đời của Chúa Giê-xu. Rất thú vị khi biết được thiên sứ thông báo sự ra đời của Ngài trong Lu-ca 2 là sự bình an đến. Sự bình an được mang đến bởi Chúa Cứu Thế. Trong Giăng 14:27, chính Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là Đấng ban sự bình an. "Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi." Quí vị thấy không? Sự bình an mà Chúa Giê-xu mang đến không phải là sự bình an của thế gian nầy. Sự bình an đó là sự phục hồi mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và loài người. Mang chúng ta trở lại sự thống nhất.

Trong Giăng 20:26, sau khi Chúa Giê-xu sống lại Ngài đến cùng các môn đồ có Thô-ma, Ngài phán "Bình an cho các ngươi!". Trước đó vài câu, câu 19, 21 Ngài cũng phán "Bình an cho các ngươi!". Sau khi Chúa Giê-xu sống lại, Ngài đến mang thông điệp bình an. Sự bình an khôi phục mối liên hệ của chúng ta với Chúa Cứu Thế. Sách Ê-phê-sô cũng được chiếm hữu lại bởi sự bình an. "Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai làm một, phá đổ bức thường ngăn cách, là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới ở trong Ngài, và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời. Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa, và sự hòa bình cho kẻ ở gần. Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh." (Ê-phê-sô 2:14-18).

Sách Ê-phê-sô quan tâm đến việc dạy chúng ta biết Chúa Cứu Thế là Đấng phục hồi sự liên hiệp của chúng ta với Đức Chúa Trời. Sách nầy chỉ cho chúng ta biết, có một lần chúng ta từng là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời nhưng trong Chúa Cứu Thế chúng ta được ban cho sự bình an. Ê-phê-sô 4:3, "dùng dây hòa bình mà giữ gìn sự hiệp một của Thánh Linh". Không chỉ mang lại mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa Cứu Thế nhưng cũng mang lại sự liên hiệp giữa con dân của Đức Chúa Trời. Câu 15, đoạn 6 nói về khí giới mà chúng ta mang lấy "dùng sự sẵn sàng của Tin Lành bình an mà làm giày dép". Sứ điệp Tin lành là sứ điệp của sự bình an. Sự bình an đến từ kết quả của ân điển Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Điều nầy rất đầy ý nghĩa.

Có một ngày tất cả chúng ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời, nếu chúng ta ở bên ngoài Đức Chúa Trời, bên ngoài Chúa Cứu Thế thì sẽ không có sự bình an. Nếu quí vị còn ở bên ngoài Đức Chúa Trời thì quí vị còn ở dưới cơn thạnh nộ của Ngài cho đến ngày nay. Không có sự hi vọng, chỉ có chiến tranh và chiến tranh giữa Đức Chúa Trời và quí vị không bao giờ chấm dứt. Kết quả của cuộc chiến đó là quí vị bị hình phạt đời đời xa cách khỏi Đức Chúa Trời. Nhưng trong Chúa Cứu Thế Giê-xu thì có sự bình an và sự bình an nầy là sự bình an đời đời, bắt đầu bởi Đức Chúa Trời và ban cho bởi Ngài.

Khi chúng ta hiểu được lời chào hỏi nầy trong đoạn 1, "ân điển và sự bình an" thì chúng ta sẽ sống một đời sống tự tin, hiểu được ân điển của Đức Chúa Trời và sống trong sự bình an không hề lo sợ là một ngày nào đó sẽ bị cất mất hay có gì sẽ phân cách chúng ta với Chúa. Rô-ma đoạn 8 chép không gì có thể phân cách chúng ta khỏi sự yêu thương của Chúa được. Chúng ta có thể sống trong sự bình an biết rằng mình thuộc về Chúa. Cơ nghiệp được để dành cho chúng ta như 1Phi-e-rơ chép rất rõ. Chúng ta không sợ chết, không sợ sự thử thách trong cuộc đời nầy, chúng ta có thể sống trong sự bình an nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chú ý chỗ nầy, ân điển và sự bình an không đến từ bất cứ ai, nhưng đến từ Đức Chúa Trời là Cha. Một lần nữa tôi tin rằng, khi nhìn xem lời chào nầy của sứ đồ chúng ta thấy nó được mở rộng ra trong những câu kế tiếp. Ân điển và sự bình an ban cho quí vị bởi Đức Chúa Trời. Bằng cách nào chúng ta hưởng được ân điển và sự bình an từ Đức Chúa Trời? Chúng ta cần đọc những câu kế tiếp, "Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời". Chúng ta được ban phước một cách khác thường bởi Đức Chúa Trời là Cha như câu 4 chép, "trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ". Sự bình an và ân điển mà chúng ta là tín hữu kinh nghiệm là bởi "Đức Chúa Trời ban cho một cách nhưng không" vì Ngài đã chọn chúng ta.

Đức Chúa Trời chọn chúng ta và khiến chúng ta thuộc về Ngài, vì cớ đó chúng ta nói đến ân điển và sự bình an được bắt đầu bởi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chúng ta có được sự bảo đảm vì cớ Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Khi chúng ta tiếp tục học thêm những câu nầy thì chúng ta sẽ hiểu đầy trọn hơn trong công việc của Đức Chúa Trời trong công cuộc cứu chuộc chúng ta. Ngài không chỉ chọn chúng ta mà thôi nhưng Ngài là Đấng sai Con Ngài đến thế gian để chết thay cho chúng ta. Đó là bởi ân điển Ngài mà chúng ta được cứu và sự bình an mà chúng ta có trong Ngài là sự cứu rỗi mà Chúa Giê-xu đã hoàn tất trên thập tự giá mà cuối cùng là giải quyết vấn đề tội lỗi.

Chúng ta không chỉ có ân điển và sự bình an từ nơi Đức Chúa Trời nhưng ở đây cũng chép, "và từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ". Chúng ta đã suy gẫm buổi sáng nay khi dự tiệc thánh của Chúa trên thực tế nầy. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã bày tỏ cho chúng ta ân điển của Ngài. Ân điển mà chúng ta mới hát là ân điển lạ lùng. Đức Chúa Trời qua Con Ngài là Chúa Giê-xu đền trả tội lỗi cho chúng ta. Ngài chết trên cây thập tự giá là người thay thế cho chúng ta. Ngài chết làm một người gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời cho tội lỗi. Bởi ân điển của Ngài mà chúng ta được cứu. Tình yêu của Ngài thiết lập sự bình an cho chúng ta để bảo đảm rằng tội lỗi chúng ta được cất khỏi và chúng ta có thể đứng trước mặt quan án thánh khiết và công bình.

Rất quan trọng cho chúng ta khi chúng ta xem chữ "Chúa Giê-xu" ở đây. Đây chỉ là một tên như chữ "Đức Giê-hô-va" trong Cựu ước. Chữ nầy cũng được dịch là chữ "Chúa". "Giê-xu" là "Chúa". Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng cai trị. Tên Giê-xu có nghĩa Cứu Chúa được đặt cho Giê-xu nghĩa là để cứu. Vì vậy, Chúa Giê-xu đến thế gian để chết thay cho tội lỗi của chúng ta, để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng khi chúng ta xem chữ Cứu Chúa (Christ), chữ nầy không phải là một tên mà là một chức vụ. Chúa Giê-xu là Đấng chịu xức dầu, là vua. Vua nầy thành lập một vương quốc cho chúng ta và vương quốc nầy sẽ không bao giờ qua đi. Vua nầy sẽ cai trị trên ngôi Đa-vít cho đến đời đời. Vua nầy không phải như vua Sa-lô-môn. Vua Sa-lô-môn không thể cống hiến một sự bình an lâu dài, ông chỉ cai trị một thời gian ngắn. Vua mà chúng ta phục vụ là Đấng chịu xức dầu, ban cho chúng ta sự bình an không bao giờ chấm dứt.

"Ân điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, và từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ!" Đây thật là một lời chào tuyệt vời. Đây là lời chào cần được trình bày chi tiết khi chúng ta học sách Ê-phê-sô nầy. Đây là một lá thư tuyệt vời bởi vì nó cho chúng ta biết về lẽ thật. Nó thật sự là nền tảng cho mỗi sứ điệp mà quí vị nên nghe từ bục giảng nầy. Nó là nền tảng cho mỗi sứ điệp khi quí vị rao truyền Tin lành cho thế gian lạc lối nầy. Ân điển, chúng ta cần nói về ân điển mà Chúa Giê-xu ban cho, cần nói về ân điển mà chúng ta có trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là một lời chào hỏi tuyệt diệu. Tôi cầu nguyện để quí vị tìm được sự yên ủi lớn lao và bình an trong lời chào nầy.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúa ôi, con cầu xin Ngài rằng khi chúng con xem Lời Ngài thì chúng con hiểu được chiều sâu của nó. Chúa ôi, chúng con chỉ mới đụng đến bề mặt thôi khi nói về ân điển, bởi vì ân điển của Chúa được bày tỏ ra từ đầu cho đến cuối trong Thánh kinh. Thế nào chúng con được buông tha khỏi tội lỗi bởi sự đổ huyết ra của Chúa Giê-xu, Cứu Chúa của chúng con. Kinh thánh cũng tỏ cho chúng con biết nhiều của lễ dâng lên. Khi huyết của thú vật bị đổ ra suốt trong Cựu ước thì chúng con thấy ân điển của Chúa được tỏ ra một cách hoàn hảo trong Con của Ngài.

Chúng con cầu xin Chúa giúp cho chúng con thấy và hiểu được điều nầy bởi vì chúng con biết đức tin của chúng con cũng là món quà từ nơi Ngài, là hành động của ân điển Ngài. Cầu xin Chúa cho chúng con hiểu được điều đó. Chúa ôi, chúng con cũng cầu xin cho chúng con sống trọn đời sống nầy bằng sự bình an. Sự bình an mà thế gian không hiểu được. Khi chúng con ở trong Chúa Cứu Thế thì dù giữa chiến tranh chúng con cũng có được sự bình an. Chúng con có sự bình an ngay cả thế gian nầy hoàn toàn chống lại chúng con. Chúng con có sự bình an bởi vì sự thù nghịch mà một lần đứng giữa chúng con với Ngài đã được cất đi bởi Chúa Cứu Thế. Không gì có thể chia cách chúng con khỏi sự yêu thương của Cứu Chúa chúng con là Giê-xu. Vì thế, Chúa ôi, xin ban cho chúng con sự dạn dĩ để rao truyền lời đó cho mọi dân tộc, hầu cho họ là những người chúng con giao tiếp với có thể hiểu được ân điển và sự bình an đến từ Đức Chúa Trời là Cha, và từ nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. A-men.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)