Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 18 (Ru-tơ 2:20-21)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI MƯỜI TÁM
(Ru-tơ 2:20-21)

Chúng ta tiếp tục học một cách chậm rãi trong quyển sách tuyệt vời mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là sách Ru-tơ. Có lẽ chúng ta đã đọc nhiều lần, hầu hết những lần đọc đó chúng ta nghĩ rằng đây là một câu chuyện tình rất thú vị tỏ ra rằng dầu người đàn bà Mô-áp bị rủa sả vẫn có thể trở thành một người trong dòng dõi của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhưng khi học xuyên qua sách nầy, chúng ta tìm thấy rằng Đức Chúa Trời trình bày Tin Lành cho chúng ta bằng nhiều khía cạnh khác nhau qua quyển sách lạ lùng nầy. Bạn có nhớ trong bài học vừa rồi chúng ta đã bàn về sự đầy đủ dư dật của Tin Lành? Đó là sau khi chúng ta được cứu thì vẫn còn dư dật để chia xẻ cho những người khác.

Khi Đức Thánh Linh được đổ xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần để bắt đầu công việc mà Chúa Giê-xu đã ủy thác là giảng Tin Lành ra khắp thế gian. Đức Thánh Linh sử dụng chúng ta là những người tín hữu được sanh lại để lo cho công việc nầy. Chúa Giê-xu là đầu, chúng ta là thân thể, vì thế chúng ta hoàn tất công việc mà Chúa Giê-xu đã làm. Trong Giăng 7:38, Đức Chúa Giê-xu tuyên bố rằng: "Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình", sông nước hằng sống là hình bóng về Tin Lành. Chúa Giê-xu nói với người đàn bà Sa-ma-ri trong Giăng 4:14, "Nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời". Nước đó là Tin Lành, chúng ta sẽ không còn khát khao về sự công bình. Chúng ta không còn ở trong địa vị xa lạ với Đức Chúa Trời nữa một khi chúng ta đã uống nước Tin Lành, một khi chúng ta được sanh lại. Từ trong chúng ta sông nước hằng sống nầy sẽ tuôn chảy ra khi chúng ta chia xẻ Tin Lành với người khác.

Câu 20, "Na-ô-mi đáp cùng dâu mình rằng: Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài* không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết! Tiếp rằng: Người đó là bà con của chúng ta vốn là trong những người có quyền chuộc sản nghiệp ta lại". Chữ "làm ơn" ở đây thỉnh thoảng trong Cựu Ước dịch là Ảlàm ơnẢ, nhưng thường thường được dịch là Ảthương xótẢ. Bô-ô là hình bóng về Chúa Giê-xu đã bày tỏ lòng thương xót vô biên của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Thực tế, Chúa Cứu Thế Giê-xu là Cứu Chúa của chúng ta chỉ do lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hoàn toàn không xứng đáng với sự cứu rỗi nầy, Đức Chúa Trời nhân từ vô cùng, Ngài nhìn xem chúng ta và động lòng thương xót, nhờ đó chúng ta biết được tình yêu của Ngài khi chúng ta đáp lại tiếng gọi của Tin Lành.

Trước hết chúng ta xem xét câu văn nầy theo sự kiện lịch sử. Tại sao Na-ô-mi nói: "Nguyện Đức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài* không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!"? Ai là kẻ sống và kẻ chết mà Na-ô-mi đang muốn nói? Dĩ nhiên, người sống mà bà muốn nói là chính bà và Ru-tơ. Họ đã trở về Bết-lê-hem là những người nghèo góa bụa. Bô-ô nhận biết câu chuyện nầy, biết tất cả về Ru-tơ và Na-ô-mi bởi vì Na-ô-mi là người bà con rất gần với Bô-ô. Chắc chắn là Na-ô-mi đang nhìn thấy Bô-ô đang tỏ lòng thương xót đối với bà và dâu của bà là Ru-tơ. Khi ông làm vậy thì cũng có nghĩa là ông đang bày tỏ lòng tử tế đối với người đã chết. Chồng của bà Na-ô-mi là Ê-li-mê-léc, hai con là Mạc-lôn và Ki-li-ôn, họ đã chết. Cho nên khi Bô-ô tỏ lòng tử tế đối với Na-ô-mi, là góa bụa của Ê-li-mê-léc chỉ rõ rằng ông quan tâm và bày tỏ lòng thương yêu của ông đối với Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn và Ki-li-ôn. Khi ông bày tỏ lòng thương xót của ông đối với Na-ô-mi và Ru-tơ, ông đã không dứt "làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết".

Dĩ nhiên, có ý nghĩa thuộc linh sâu sắc ở đây. Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế, Ngài thương xót kẻ sống và kẻ chết. Trong ý nghĩa thuộc linh, chúng ta chỉ bắt đầu sống khi chúng ta có sự sống đời đời. Ê-phê-sô 2:1-3 dạy chúng ta rất rõ ràng, Cô-lô-se 3:1, Giăng 5:24 cũng dạy như vậy. Chúng ta đã chết về thuộc linh trước khi chúng ta được cứu. Khi chúng ta được sanh lại, chúng ta nhận được sự sống đời đời, linh hồn chúng ta được sống lại và sẽ không bao giờ chết nữa. Sau khi chúng ta được cứu, lòng thương xót của Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục theo chúng ta. Thực tế, những lời hứa của Ngài bắt đầu đầy tràn. Ngài nói: "Ta sẽ không lìa ngươi đâu, không bỏ ngươi đâu"; Ngài nói: Chúng ta là "kẻ kế tự và đồng kế tự với Đấng Christ". Ngài tuyên bố rằng chúng ta sẽ sống đời đời với Ngài trên trời mới và đất mới. Ngài nói rằng chúng ta có thể "dạn dĩ đến gần ngôi ơn phước của Ngài". Sự thương xót của Đức Chúa Trời nhân lên dư dật khi chúng ta sống trong Chúa Cứu Thế. Bất cứ ai đã được sanh lại có thể làm chứng về điều nầy.

Nhưng Ngài cũng là Đấng bày tỏ lòng thương xót trên những người chết. Đó là, trước khi chúng ta được cứu, về thuộc linh chúng ta đã chết, cũng như hiện nay vẫn còn nhiều người trên thế gian đang chết về thuộc linh mà Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ lòng thương xót đối với họ. Điều nầy chỉ rõ sự tuyệt vời, vô biên của lòng thương xót; sự nhân từ và tình yêu không bờ bến của Đức Chúa Trời. Chúng ta hoàn toàn không xứng đáng với sự cứu rỗi. Xin chú ý chỗ nầy, trong câu kế tiếp Na-ô-mi nói với Ru-tơ: "Người đó là bà con của chúng ta". Bà nói câu nầy bởi vì theo thực tế, Ru-tơ đã tình cờ vào trong ruộng của người bà con rất gần với họ. "Người đàn ông mà con mới quen và đã đối xử tử tế với con là bà con rất gần với chúng ta". Thật ra, chữ mà bà dùng ở đây là chữ "người chuộc", ông có quyền chuộc chúng ta.

Sự việc là như thế nầy, Ê-li-mê-léc làm chủ một sở đất ở tại Bết-lê-hem, bởi vì cơn đói kém đến trong xứ như khi chúng ta học trong phần mở đầu của sách Ru-tơ, không nghi ngờ chi cả, Ê-li-mê-léc đã bán sở đất của mình. Thật ra, sở đất đó thuộc về gia đình của Ê-li-mê-léc, mà Na-ô-mi là vợ. Theo luật pháp của người Giu-đa là luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho họ, dù thế nào đi nữa đất đó phải còn lại trong gia đình của Ê-li-mê-léc. Đất đó có thể bán đi trong lúc nghèo khổ, nhưng có thể chuộc lại bởi Ê-li-mê-léc từ người mà ông đã bán cho. Nếu Ê-li-mê-léc không có khả năng để mua lại vì ông quá nghèo thì có thể chuộc lại bởi một người bà con gần của ông. Nếu việc nầy không xảy ra thì đến năm hân hỉ, sở đất đó sẽ tự động được trả về cho gia đình của Ê-li-mê-léc.

Vì Na-ô-mi là người duy nhất còn sống trong gia đình của Ê-li-mê-léc, là bà con trực hệ, vợ của Ê-li-mê-léc. Trong khi bà vẫn còn tư cách là chủ đất theo một ý nghĩa nào đó, nhưng bà không sở hữu đất đó trong lúc nầy vì bà rất nghèo khổ, không có tài sản gì cả. Vì vậy, cần phải có người bà con gần chuộc sở đất lại cho bà để đất đó vẫn còn lại trong gia đình. Bô-ô là một trong những người bà con gần mà ông có thể hành động như là một người chuộc sản nghiệp. Ông có đủ tư cách theo như luật pháp của Đức Chúa Trời, dưới luật pháp mà những người thời đó phải tuân theo để chuộc đất và giao lại cho Na-ô-mi. Đây là một điều quá lớn lao đòi hỏi nơi Bô-ô. Điều nầy không đến với suy nghĩ của Na-ô-mi chút nào rằng Bô-ô sẽ làm như vậy thay cho Na-ô-mi hay cho Ru-tơ là góa bụa của một trong hai đứa con trai của bà. Dầu sao đi nữa khi dùng chữ "bà con" nầy, ít nhất chúng ta sẽ biết bà đang nhìn thấy điều gì. Tuy nhiên, có lẽ thật thuộc linh ở đây.

Chúng ta đã thấy Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế bày tỏ sự nhân từ đối với người sống và người chết, điều đó chỉ về sự cứu rỗi. Chúa Giê-xu tỏ lòng thương xót những người đã chết về thuộc linh bằng cách cứu họ, và Ngài cũng thương xót những người đã được cứu bởi làm Chúa và Đức Chúa Trời của họ, bởi cho họ làm kẻ kế tự v.v... Tại sao Ngài lại làm điều nầy? Lý do Ngài làm điều nầy bởi vì Ngài là người bà con của chúng ta, có nghĩa Ngài là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Đó là tại sao Ngài "không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết". Nếu Đức Chúa Trời không hoạch định chương trình cứu chuộc thì Ngài sẽ không bao giờ làm ơn cho chúng ta, chúng ta xứng đáng đi vào địa ngục.

Luật pháp của Ngài đòi hỏi rằng "Tiền công của tội lỗi là sự chết", sự thánh khiết công bình của Ngài đòi hỏi phải thi hành luật đó, và sự chết theo cái nhìn của Chúa là ở trong địa ngục đời đời. Dầu Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, không cách nào Ngài có thể cứu chúng ta được, chúng ta phải thỏa mãn công lý của Đức Chúa Trời, chúng ta phải bị quăng vào địa ngục. Nhưng Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng Tạo Hóa, Ngài cũng bày tỏ chính Ngài là Đấng Cứu Chuộc, là người bà con. Ngài là Đấng có thể chuộc chúng ta lại. Chúng ta đã bị bán cho Sa-tan vì tội lỗi của chúng ta, Sa-tan là chủ của chúng ta và chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể giải phóng chúng ta khỏi sự nô lệ nầy bằng cách trở thành Đấng Cứu Chuộc chúng ta.

Tiếp tục câu 21, "Ru-tơ, người Mô-áp tiếp rằng..." Bạn có thấy thêm lần nữa không? Đức Chúa Trời không để cho chúng ta quên đi, Ngài khăng khăng: đây là Ru-tơ, người Mô-áp. Người Mô-áp có nghĩa gì? Bạn có nhớ trong những bài học đầu không? Người Mô-áp là người bị rủa sả, là những người không thể vào trong đền thờ cho đến mười đời, người bị xem như là chó dưới con mắt của dân Giu-đa. Ở đây Đức Chúa Trời dùng Ru-tơ, người Mô-áp làm hình bóng về bạn và tôi là những người bị rủa sả bởi tội lỗi của chúng ta, nhưng chúng ta cũng kinh nghiệm được sự cứu rỗi, từng trãi tình yêu thương và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời. Cũng vậy, Ru-tơ người Mô-áp, đàn bà bị rủa sả cũng kinh nghiệm được sự tử tế của Bô-ô, là kiểu mẫu về Chúa Cứu Thế.

"Ru-tơ, người Mô-áp tiếp rằng: Người cũng có nói cùng tôi rằng: Hãy ở cùng các đầy tớ ta cho đến chừng làm xong hết mùa gặt." Chúng ta có trước mặt cuộc đối thoại giữa Na-ô-mi và Ru-tơ, sau một ngày đầu tiên Ru-tơ mót lúa trong ruộng thì Na-ô-mi và Ru-tơ vui mừng quá đỗi. Họ cứ nói về điều nầy, điều kia đã xảy ra trong ngày đó, những gì Bô-ô nói hay Ru-tơ nói hoặc người khác nói. Nhưng từ trong tất cả những câu đối thoại giữa Ru-tơ và Na-ô-mi vào cuối ngày, Đức Chúa Trời đã chọn vài câu trong đó mà Ngài muốn chép lại trong Kinh Thánh.

Điều nầy cũng thật sự xảy ra trong cả Kinh Thánh, mỗi câu trong Kinh Thánh đã được Đức Chúa Trời cẩn thận lựa chọn từ hàng triệu câu mà Ngài có thể dùng để dạy cho chúng ta tối đa về chân lý. Qua lời đối thoại trong buổi tối nầy, Ru-tơ nói với bà gia mình: "Người cũng có nói cùng tôi rằng: Hãy ở cùng các đầy tớ ta cho đến chừng làm xong hết mùa gặt". Dĩ nhiên, đó là một ơn phước tuyệt vời cho Ru-tơ, chuyện nầy rất khó có thể xảy ra được.

Bô-ô có thể nói: Cô đã mót trong ruộng nầy cả ngày nay, tôi thật sự lo cho cô nhiều, tội nghiệp cô bởi vì tôi biết cô rất nghèo; nhưng cô có một ngày thật tốt, mót được một ê-pha lúa đủ để cho cô và mẹ chồng của cô ăn chừng một tháng, cô có thể trở lại đây vào tuần tới hay vài tuần nữa để mót... nếu ông không muốn nói rằng: Cô biết không? Cô là người Mô-áp, tôi không chắc rằng tôi muốn thấy cô lãng vãng xung quanh đây. Tôi không muốn những người thợ gặt của tôi quá gần gũi thân mật với cô. Cô là người ngoại bang, là khách lạ, còn có nhiều người nữa ở tại Bết-lê-hem nầy cũng cần mót lúa.

Rất dễ cho Bô-ô nói những lời như vậy, Ru-tơ không xứng đáng hơn những điều đó bởi vì cô là người ngoại bang, là khách lạ. Nhưng, không! Bô-ô nói với Ru-tơ: "Hãy ở cùng các đầy tớ ta cho đến chừng làm xong hết mùa gặt". Thật là phước hạnh cho Na-ô-mi và Ru-tơ khi suy nghĩ điều nầy, công việc mót lúa của một người khách lạ thật không có gì là hứa hẹn, nhưng chính Bô-ô là người bà con gần, người có quyền thế và giàu có, quan tâm đến Ru-tơ và khuyến khích nàng ở lại. Hình như họ thấy sự việc tiến triển một cách rất khả quan bởi vì Ru-tơ có thể mót ở ruộng của Bô-ô, cô được tiếp đãi ân cần và được khuyến khích ở lại đó.

Nhưng áp dụng lẽ thật thuộc linh ở đây là gì? Đức Chúa Trời đã chép như vậy không phải chỉ để cho chúng ta biết Ru-tơ khích lệ Na-ô-mi bằng ngôn ngữ nầy. Thật ra, ngôn ngữ nầy nói với chúng ta nhiều điều. Tính chất tự nhiên của tín hữu là sau khi chúng ta được sanh lại, chúng ta phải gần gũi với những người cùng đức tin với mình. Những đầy tớ được nói đến ở đây là con gặt, họ là hình ảnh về những người tín hữu được sanh lại, là những người bận rộn trong mùa gặt rao giảng Tin Lành của Chúa. Nhắc lại lời của Chúa Giê-xu, "Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt" (Giăng 4:35), "Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình" (Ma-thi-ơ 9:38).

Những người rao giảng Tin Lành là con gặt. Đây là công việc, đặc ân và bổn phận của mọi tín hữu được sanh lại, Đức Chúa Trời bảo chúng ta hãy gần gũi nhau, sát vai nhau cho đến cuối mùa gặt. Câu nầy rất song song với những lời trong Tân Ước, Hê-bơ-rơ 10:25, "Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm nhưng phải khuyên bảo nhau, và hể anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy". Ngày ấy là ngày nào? Đó là ngày của Chúa, là ngày phán xét, là ngày tận thế. Chúng ta phải ở cùng nhau vì đó là chương trình của Đức Chúa Trời cho chúng ta khi chúng ta được cứu. Chúng ta phải gia nhập vào một giáo hội giữ lời dạy của Đức Chúa Trời để chúng ta có thể khuyến khích, thúc giục, thông công và thờ phượng chung với nhau. Đức Chúa Trời biết nhu cầu của chúng ta, Ngài biết điều gì tốt nhất cho chúng ta khi chúng ta được cứu. Tuyệt vời thay khi chúng ta thuộc về một hội thánh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta có thể thông công với những người cũng yêu mến Ngài.

*Chữ nầy theo nguyên văn chỉ về Bô-ô, dịch là người thì đúng hơn.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)