Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Làm Vua Là Như Thế Nào - 3/2005  


LÀM VUA LÀ NHƯ THẾ NÀO
(1Samuên 11:14-12:25)

Tháng Ba 2005

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Khi xem 1Samuên, chúng ta cần phân chia sách này thành nhiều phần, đoạn 8 đến 12 là một trong những phần đó. Phần này bao gồm những đoạn nói về câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vua và Đức Chúa Trời ban cho họ điều lòng họ ao ước. Mặt khác, chúng ta có thể nói rằng đoạn 12 là đoạn cuối của một phần lớn hơn bắt đầu từ đoạn 1. Trong đoạn này, Kinh Thánh tập trung vào buổi giao thời của dân Y-sơ-ra-ên giữa thời kỳ các quan xét và thời kỳ có vua. Mặt khác, người ta có thể nói rằng đoạn 12 này là đoạn tổng kết sự dạy dỗ của Samuên về bản chất của vua. Đây là phần tóm tắt, phần kết, là điều mà Samuên muốn để lại cho dân sự trước khi ông "giã từ chính trường". Đây là một sự tóm tắt kinh điển của tất cả những gì mà giờ đây dân Y-sơ-ra-ên phải hiểu biết bởi Đức Chúa Trời đã ban cho họ một vua để cai trị trên họ. Vì thế tựa đề của bài học hôm này là "Làm Vua là Như Thế Nào."

Như đoạn trước, sự phân chia đoạn tại đây cũng chưa chính xác. Ấy là lý do tại sao tôi bắt đầu từ đoạn 11 câu 14 thay vì từ đầu đoạn 12. Việc phân chia đoạn trong Kinh Thánh là rất tiện ích, nó giúp chúng ta tìm ra những phân đoạn Kinh Thánh dễ dàng nhưng rõ ràng rằng sự phân đoạn của Kinh Thánh không nằm trong sự linh ứng của Đức Chúa Trời. Thật ra nếu chúng ta xem những tài liệu gốc, đi ngược lại trong lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng trước đây Kinh Thánh không có sự phân chia đoạn này, nghĩa là không có sự phân đoạn trong bản Kinh Thánh gốc. Tuy nhiên, nhìn chung sự phân đoạn của Kinh Thánh không phải là bừa bãi. Thường thường những sự phân đoạn là hợp lý đúng chỗ. Cũng có những trường hợp mà những chỗ phân đoạn và câu dường như chia cắt những phần đáng lẽ phải đi liền nhau. Đoạn này, cũng như đoạn trước, là một trong những trường hợp đó.

Đoạn 12 xuất phát từ một bối cảnh cụ thể và cần được hiểu trong bối cảnh đó. 1Samuên 11:14-15 cho chúng ta bối cảnh để đọc phần còn lại của đoạn 12. Tại đây, dân sự được bảo phải đi đến Ghinh-ganh. Chúng ta còn nhớ trong đoạn 11, dân Y-sơ-ra-ên vừa mới chiến thắng Na-hách người Ammôn là người đưa ra một yêu cầu hết sức tàn bạo với dân Y-sơ-ra-ên là khoét hết thảy con mắt bên phải của người Gia-be. Dân Y-sơ-ra-ên đã chiến thắng trận giặc đó và Saulơ là vị lãnh tụ được Đức Chúa Trời linh cảm. Tại đây họ được Samuên kêu gọi đi đến Ghinh-ganh hầu nhắc lại giao ước hay tái lập lại vương quyền trong dân Y-sơ-ra-ên. Tại đó họ cũng sẽ mừng chiến thắng của mình dưới sự lãnh đạo của vị vua mới. Tại đây Samuên cũng quyết định dạy họ một bài học cuối cùng về trách nhiệm của họ, những trách nhiệm của một vua trước mặt Đức Chúa Trời và nghiêm túc quở trách họ về cung cách quá táo bạo của họ trong cuộc tìm kiếm vua này.

Điều đầu tiên chúng ta nên để ý là Samuên bảo họ đi đến Ghinh-ganh. 1Samuên 11:14 chép: "Samuên nói cùng dân sự rằng: Chúng ta hãy đi đến Ghinh-ganh." Ghinh-ganh là một trong những nơi Samuên đến giảng dạy. Nếu đọc trong 1Samuên 7:16-17, chúng ta sẽ thấy ông đi đây đi đó: Ra-ma, Ghinh-ganh, Mích-ba và Bê-tên tạo thành địa phận kinh lý của ông khi thi hành chức vụ đoán xét dân sự. Ghinh-ganh là một trong những nơi đó nhưng tầm quan trọng của nó không chỉ là của một địa điểm Samuên thường xuyên đến đoán xét dân sự . Nó còn là một nơi để làm mới lại, nơi mà giao ước của dân sự với Đức Chúa Trời đã từng được phục hồi. Trở lại với sách Giôsuê, trong đoạn 5, chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên tập họp tại phía tây sông Giôđanh. Họ đã băng qua sông Giôđanh và đang có mặt tại đất hứa tại nơi Ghinh-ganh. Tại đây họ sắm sửa dao bằng đá lửa và cắt bì cho những con trai trong dân sự và một lần nữa họ cam kết với giao ước mà họ đã lập cùng Đức Chúa Trời. Tại đây, dân Y-sơ-ra-ên bước vào đất hứa. Họ hồi phục giao ước với Đức Chúa Trời. Họ làm điều đó bởi trong suốt bốn mươi năm lang thang trong đồng vắng, họ cứ vi phạm giao ước với Đức Chúa Trời luôn cho nên điều đó trở nên bình thường. Giờ đây khi bước vào xứ họ cần phục hồi giao ước với Đức Chúa Trời, cần một lần nữa đến với Ngài ăn năn xin Ngài tha thứ cũng như làm phép cắt bì cho những con trai trong vòng dân sự. Buổi lễ nhắc lại giao ước này rất giống với câu chuyện trong 1Samuên đoạn 12.

Một điều thú vị nữa về Ghinh-ganh là trong Giôsuê đoạn 5 nói Ghinh-ganh có nghĩa là "cất khỏi", là nơi mà Đức Chúa Trời đã cất tội lỗi khỏi dân Y-sơ-ra-ên. Còn trong 1Samuên 12:25 chép "nhưng nếu các ngươi cứ làm ác, thì các ngươi và vua các ngươi chắc sẽ bị diệt vong." Chữ "diệt vong" tại đây rất tương tự với sự "cất khỏi", rằng nếu họ không sống cho Đức Chúa Trời được, không trung tín với giao ước Ngài được, thì hậu quả sẽ là chính họ bị "cất khỏi" mà không phải là tội lỗi họ được "cất khỏi". Việc Samuên kêu gọi một sự lập lại tại Ghinh-ganh tự nó đã là một lời nhắc nhở dân sự về nhu cầu cần phải ăn năn của mình.

Chữ "lập nước lại" khiến chúng ta nghĩ đến sự làm mới lại, nó hàm ý rằng có điều gì đó không ổn với cái nguyên bản phải không? Chẳng hạn như khi làm mới lại cái bàn, chúng ta cần cạo bỏ lớp vẹc-ni cũ và sơn mới lại vì nó không còn bóng nữa. Lớp vẹc-ni cũ không ổn mà cần phải được làm mới lại, chỉnh sửa lại. Làm mới lại căn bản nghĩa là phục hồi hay sửa chửa một điều gì đó đã có trước. Nước đã được lập. Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Saulơ làm vua. Thế thì vương quốc đã được thành lập. Giờ đây họ được kêu gọi làm mới lại. Việc làm mới lại hàm ý rằng có điều gì đó không ổn nơi tình trạng hiện tại của vương quốc đó. Có điều gì đó cần phải được điều chỉnh.

Chúng ta cần tự hỏi tại sao tại đây Samuên lại bảo dân sự rằng họ cần phải lập nước lại. Có lẽ ít nhiều có một sự mơ hồ có chủ ý về ý nghĩa của chữ "nước" mà Samuên đang nói tại đây. Chúng ta có thể nghĩ ngay rằng Samuên đang nói đến vương quyền của Saulơ và nước cần được lập lại cũng là vương quốc của Saulơ. Tuy nhiên có ý kiến khác cho rằng vương quốc tại đây không phải là vương quốc của Saulơ mà là vương quốc của Đức Chúa Trời. Có người cho rằng, một mặt, vương quyền của Saulơ là điều cần được phục hồi tại đây bởi chúng ta còn nhớ rằng vẫn có nhiều người trong xứ Y-sơ-ra-ên không dành cho Saulơ điều mà ông được quyền hưởng: 1Samuên 10:27, "Song có mấy người phỉ đồ nói rằng: Hắn đó cứu giúp chúng ta được việc chi? Chúng nó khinh dể người, không đem lễ vật gì cho người hết." Nhóm người này vẫn hiện diện trong cuối đoạn 11 và dân sự muốn xử tử họ. Thế thì rõ ràng rằng có một nhu cầu cần phục hồi vương quốc Y-sơ-ra-ên theo nghĩa đen trong khía cạnh liên quan đến Saulơ. Giờ đây chúng ta có thể nói nước của Saulơ có thể được lập lại theo nghĩa rằng mọi người phải chính thức công nhận vương quyền của Saulơ và đặt mình thuận phục dưới thẩm quyền của ông. Cuối cùng thì vương quyền chính thức của Saulơ đã được binh vực sau chiến thắng khởi đầu trên dân Am-môn trong đoạn 11. Giờ đây cả nước Y-sơ-ra-ên, kể cả những kẻ làm loạn, cần phải được lập lại để tôn trọng vị vua được Đức Chúa Trời xức dầu là Saulơ. Thế thì có thể Samuên đang nói đến sự lập lại nước Y-sơ-ra-ên theo nghĩa đen.

Thế nhưng, có vẻ như Samuên đang trông đợi một sự phục hồi khác hơn: sự phục hồi của một nước trong vương quyền tể trị toàn năng của Đức Chúa Trời. Đọc trong Kinh Thánh, chúng ta thấy dường như tại thời điểm của những phân đoạn gần đây, dân Y-sơ-ra-ên đã rơi vào tình trạng chểnh mảng. Họ đã khước từ vương quyền của Đức Chúa Trời. Điều này thật rõ ràng. Chính Đức Chúa Trời cũng nhìn thấy thế. Bởi việc cứ khăng khăng muốn có một vua khác, họ đã sỉ nhục Đức Chúa Trời của mình. Trong đoạn 12, Samuên đã tập trung nhiều nhất vào đề tài này. Trọng tâm của ông là chỉnh đốn lại, lập lại vương quyền của Đức Chúa Trời trong cái nhìn của dân sự. Ở trên tôi đã nói đây là một sự mơ hồ có chủ ý bởi có thể Samuên, cũng như chính Đức Chúa Trời, cũng muốn dân sự phục theo vị vua được xức dầu. Tuy nhiên vấn đề vương quyền trong dân Y-sơ-ra-ên hay vương quốc của Đức Chúa Trời là vấn đề hệ trọng hơn mà Samuên đang nghĩ đến. Điều này sẽ được chứng minh khi chúng ta đi qua hết đoạn 12.

Đoạn 12 có thể được phân chia làm ba phần. Ba phần được phân ra bởi ba bài nói chuyện của Samuên. Phần thứ nhất bao gồm câu 1 đến 5. Phần thứ hai bao gồm từ câu 6 đến 18. Phần thứ ba từ câu 19 đến hết đoạn. Điều thú vị là bài nói chuyện thứ nhất và bài thứ ba có kích cỡ như nhau. Nói cách khác, hai bài này đều dài đúng tám mươi tám chữ trong nguyên ngữ Hêbơrơ. Hai bài đó được chủ ý xếp thành đôi với nhau và phần trung tâm là bài nói chuyện dài nằm ở giữa dài hơn hai trăm chữ và cũng là phần quyết định trong sứ điệp của Samuên. Bài nói chuyện thứ nhất và thứ ba ít nhiều tương tự với nhau vì cả hai đều tập trung vào cương vị quan xét và người trung bảo của Samuên trong dân Y-sơ-ra-ên. Năm câu đầu nhằm công bố sự vô tội của Samuên còn bài nói chuyện cuối chủ yếu là về lời cầu nguyện của ông cho dân sự được tha tội và vị trí trung bảo của ông. Thế thì có một sự tương đồng rất rõ rệt giữa hai phần đó. Sứ điệp trọng tâm của phần Kinh Thánh này được tìm thấy ở giữa: sứ điệp của sự quở trách tội lỗi dân sự cùng với lời cảnh cáo rằng nếu họ cứ miệt mài trong tội lỗi và sự không vâng lời thì Đức Chúa Trời sẽ nghịch cùng họ. Mặt khác, nếu họ vâng phục, họ vẫn được Đức Chúa Trời ban phước.

Chúng ta hãy cùng xem xét bài nói chuyện thứ nhất của Samuên từ câu 1 đến 3. Câu 4 và 5 là lời đáp của dân sự. Kinh Thánh ở đây cho chúng ta thấy Samuên sắp giã từ chức vụ quan xét của ông. Ông sẽ không lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên nữa. Saulơ sẽ thay chỗ ông. Chúng ta hãy xem điều ông nói. Ông đặt mình đối diện với vua: "Đây là vua các ngươi, sẵn sàng lãnh đạo các ngươi. Ta đã già, tóc bạc, ta sẽ về hưu hạ. Thế nhưng trước khi ra đi, ta muốn các ngươi hiểu điều ta dạy bảo. Ta muốn các ngươi hiểu và nhìn vào cuộc đời mà ta đã sống giữa vòng các ngươi." Ông dẫn dắt dân sự tập trung vào tính cách của ông. Tại đây ông công bố sự vô tội của mình. Ông thách thức họ "Hãy nhìn ta đây. Nếu các ngươi tìm ra điều gì sai quấy của ta giữa vòng các ngươi, hãy cho ta biết thì ta sẽ đền bù cho. Ta có từng nhận của hối lộ để rồi vì đó mà nhắm mắt không thấy lẽ công bình chăng? Ta có lấy của gì của các ngươi chăng? Có hành hung ai chăng? Ta có bao giờ thi hành chức vụ mình một cách bất công với dân sự chăng?" Và dân sự chỉ có thể trả lời là "Không! Tất nhiên là không!" Ông đã luôn là một quan xét trung tín. Một điều thú vị và có lẽ cũng châm biếm là ông chỉ ra hai con trai mình. Chúng ta nhớ đoạn 8 có nói về hai con trai Samuên phạm tội, chẳng giống như cha mình: "Nhưng hai con trai người chẳng noi theo gương người, xiêu lòng tham của, nhậm lấy hối lộ và trái lệch sự công bình." (1Samuên 8:3). Hai con trai ông không noi theo gương ông nhưng điều đó chắc chắn không làm mất giá trị sự trung tín của ông. Samuên đã luôn trung tín hết lòng trong mọi việc. Ông đã chẳng xây qua bên hữu hoặc tên tả mà cứ bước đi như một tôi tớ trung tín của Đức Chúa Trời. Ông đã chẳng lấy gì của dân sự trong suốt những năm tháng thi hành chức vụ của mình. Ông tự phô bày bản thân mình cho dân sự đánh giá. Ông nói cùng họ rằng "Các ngươi có thể thấy ta sa ngã trong việc gì, hay ta đã chẳng thực hiện vai trò quan xét của mình trong việc gì chăng?" Dân sự có thể kết án Samuên về điều gì một cách hợp pháp không?

Khi đọc phần này, với những từ "bắt" được dùng tại đây rõ ràng cho thấy cung cách của Samuên là ngược lại với cung cách của vua. Chúng ta để ý đây là điều Samuên đã cảnh cáo dân sự về cung cách của vua trong đoạn 8, "Nầy là cách của vua sẽ cai trị ngươi: Người sẽ bắt con trai các ngươi... Người sẽ bắt con gái các ngươi... Người sẽ thâu vật tốt nhứt của ruộng, vườn nho và cây ôlive của các ngươi..." Đây là điều mà họ phải chuẩn bị tinh thần khi đã có vua. Nhưng họ đã không phải đối diện với những điều đó khi có Samuên làm lãnh đạo và quan xét của họ. Dân sự không đáp gì được trước câu hỏi của Samuên. Họ không thể chỉ ra sự sai trật nào trong chức vụ quan xét của ông. Ông đã luôn là một quan xét trung tín. Samuên không phải là người để "bắt" hay lấy đi của dân sự. Dân sự nhìn nhận sự công chính của Samuên.

Samuên đã luôn trung tín hết sức trong vị trí quan xét của mình. Và bởi đó ông kêu nài trước mặt Đức Chúa Trời và vị vua mới được xức dầu để làm chứng cho ông rằng ông đã thật sự là vô tội trong suốt chức vụ của ông giữa vòng dân Y-sơ-ra-ên. Chúng ta cũng thấy trong Kinh Thánh rằng một sự thật cần phải được chứng cho bởi hai người làm chứng. Vì vậy mà Samuên cần yêu cầu hai chứng nhân đó để công bố sự vô tội mình đối với dân Y-sơ-ra-ên. Thế thì Đức Chúa Trời và vua là hai chứng nhân cho sự thật rằng Samuên là một quan xét công bình.

Có lẽ bạn đang cảm thấy bối rối, hoặc bạn lắc đầu tự hỏi "Tại sao Samuên lại để quá nhiều thời gian nói về chính mình. Tại sao ông lại đề cao bản thân mình? Tại sao ông lại nói về sự vô tội của mình trước mặt dân sự? Ông làm vậy nhằm mục đích gì? Có phải ông chờ một ai đó bước đến cạnh ông và nói: "Ông giỏi lắm, Samuên à! Chúng tôi rất biết ơn những gì ông làm cho chúng tôi. Ông làm tốt lắm." Có phải ông đang trông đợi sự phê chuẩn của dân sự không? Hay có phải ông đã quá bị thương tổn vì dân sự khước từ ông đến nỗi lúc này đây ông cần họ khẳng định lại về ông không? Tôi không nghĩ vậy. Tôi không cho rằng Samuên nói ra những lời này với mục đích đề cao bản thân mình dường như muốn nói rằng "Tôi vĩ đại đến thế đấy!" Tôi tin rằng ông nói ra những điều này nhằm nói với dân sự rằng "Tại sao các ngươi cứ khăng khăng đòi có vua trong khi đã có một lãnh đạo trung tín rồi? Có điều gì thiếu sót ở ta khiến các ngươi phải tìm kiếm một vua đời này? Ta đã thất bại ở chỗ nào đến nỗi các ngươi cần phải có một vua?" Ông muốn chứng tỏ cho dân sự rằng việc có vua là không cần thiết bởi họ đã có một Vua là Đức Chúa Trời và một người giải cứu trung tín là Samuên. Đức Chúa Trời đã cung ứng sự cần nhu cho họ. Thế thì tại sao dân Y-sơ-ra-ên lại khước từ chức vụ quan xét của ông mà khăng khăng đòi có vua một cách hấp tấp như vậy? Tôi muốn nhấn mạnh ở điểm "một cách hấp tấp". Họ đòi một vua như các dân tộc khác.

Thứ hai, Samuên lập luận chứng tỏ sự vô tội của mình không chỉ để đối chất với họ rằng ngay từ đầu họ đã không cần có một vua mà ông còn đặt mình làm tiêu chuẩn để phân xử. Giờ đây họ đã có vua Saulơ đứng cạnh họ. Vua này phải hành xử như thế nào? Vua phải hành xử như Samuên! Dân sự cần tự hỏi rằng liệu vua họ có trung tín như Samuên không? Liệu vua của họ có sẵn sàng hầu việc như Samuên đã từng làm không? Liệu vua của họ có công bằng chính trực như Samuên không? Khi suy nghĩ về bài nghị luận của Samuên ở đây, Saulơ sẽ phải hiểu rằng đây là cách ông cần noi theo nếu muốn làm vua cai trị trong ơn Đức Chúa Trời.

Samuên còn trình bày xa hơn trong phần sau. Tuy nhiên, ngay từ phần này đã thể hiện ý tưởng rằng Samuên được nêu lên như một mẫu mực. Đây là một phần trong lập luận chứng minh dân Y-sơ-ra-ên đã sai lầm khi muốn một vua trong khi đã có một quan xét công bình rồi. Họ đã sai lầm khi ao ước một vua như những dân tộc khác. Họ đã có được một người giải cứu trung tín bởi Đức Chúa Trời ban cho nhưng lại không thỏa lòng mà đi tìm một vua của đời này.

Samuên, trên một khía cạnh nào đó, là hình ảnh tiêu biểu cho Đấng Christ. Bởi khi lắng nghe lời công bố vô tội của ông, chúng ta có thể nhìn thấy một Đấng thật sự ở tầm cao đó, là chính Chúa Giêxu. Đấng Christ là Vị Quan Xét thật và công bình duy nhất. Ngài cũng đã đứng trước dân Y-sơ-ra-ên và đối chất với họ xem Ngài có phạm tội gì chăng. Chúng ta thấy điều này trong Giăng 8:46, "Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?" Ngài hỏi dân chúng và những lãnh đạo trong dân sự đang tụ tập chung quanh Ngài câu hỏi đó, "Ai có thể nói cho ta biết ta đã làm gì không phải?" Rõ ràng là không ai làm được điều đó. Trong Giăng 10:32, khi người Giuđa muốn ném đá Ngài, Chúa phán: "Ta đã làm trước mắt các ngươi lắm việc lành bởi Cha đến; vì việc chi mà các ngươi ném đá ta?" Chúa Giêxu nâng cao Ngài lên, Ngài tỏ bày sự vô tội Ngài trước mặt dân chúng, Ngài bảo họ rằng "Làm sao các ngươi có thể coi thường ta và ao ước một ai khác thay thế ta?" Đây cũng là cạm bẫy mà dân Y-sơ-ra-ên rơi vào khi họ muốn có vị vua đầu tiên. Sự vô tội của Đấng Christ được công bố không chỉ bởi sự yên lặng của dân chúng trước những câu hỏi của Ngài mà còn được biện minh bởi Philát. Chính Philát phải nhận rằng Chúa Giêxu vô tội trước lời kết tội Ngài. Ngài cũng được biện minh bởi chính Đức Chúa Trời là Đấng cũng làm chứng rằng Đấng Christ thật sự là trọn vẹn. Ngài không hề phạm tội lỗi gì. Thế nhưng dân chúng lại muốn một vua theo kiểu khác. Ngay cả trong thời Chúa Giêxu, họ cũng không muốn một vua là một tôi tớ chịu khổ và chết thay họ. Họ muốn một vua cầm quân lãnh đạo họ nơi chiến trận và lập nên cho họ một vương quốc trên đất này. Họ không ao ước Đấng Christ.

Samuên tiếp tục biện luận trong bài nói chuyện dài tiếp theo sau. Samuên nói với dân sự rằng ấy chính Đức Chúa Trời đã dấy Môise lên và mang tổ phụ họ ra khỏi xứ Êdíptô. Chúng ta để ý thể nào những điều này lại được nhắc lại. Mỗi lần nói chuyện với dân sự, dường như Samuên muốn khiến họ nhớ lại những gì Đức Chúa Trời đã làm cho họ. Ông làm điều này trong đoạn 8, 10 và một lần nữa tại đây trong đoạn 12 này. Dường như ông đang nói với họ rằng "Dân Y-sơ-ra-ên ơi! Hãy ghi nhớ Đức Chúa Trời là Vua các ngươi. Hãy nhớ Ngài đang lãnh đạo các ngươi! Các ngươi đã được ban cho rất nhiều, các ngươi không nhìn thấy sao? Đức Chúa Trời là Đấng kêu gọi Môise và Arôn hầu dẫn các ngươi ra khỏi xứ Êdíptô. Giờ đây hãy biện luận cùng ta! Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về việc có vua. Hãy xem ai là vị vua đáng được ao ước trong Y-sơ-ra-ên! Hãy dành giây lát để xem những gì Đức Chúa Trời đã làm!" Có lẽ chúng ta đã nhìn thấy sự tương đồng tại đây rồi. Samuên đã công bố sự công bình và vô tội của mình. Giờ đây ông đang muốn công bố sự công bình của Đức Chúa Trời trong cách Ngài đối cùng dân Y-sơ-ra-ên. Dân sự cứ kêu nài cùng Đức Chúa Trời. Ấy chính Đức Chúa Trời bởi Môise và Arôn đã mang họ đến ngụ trong xứ mà giờ đây họ đang sở hữu. Họ có được những điều đó không phải bởi sức riêng họ mà bởi Đức Chúa Trời đã mang họ đến đó.

Khi đã ở tại đất hứa, chúng ta thấy có một điệp khúc tại đây. Điệp khúc này xuất hiện trong sách Các Quan Xét và Samuên đang lưu ý cho dân sự về điệp khúc đó. Ông nói với họ rằng "Các ngươi không nhớ sao khi các ngươi đã bước vào xứ này, thể nào các ngươi lãng quên Đức Chúa Trời mình mà bắt đầu hầu việc Ba-anh và Át-tạt-tê và vì thế các ngươi ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời, bởi đó mà kẻ thù đã đắc thắng các ngươi. Rồi các ngươi kêu nài cùng Đức Chúa Trời và Ngài sai một người giải cứu đến giữa các ngươi để giải cứu các ngươi." Rồi họ làm gì nữa? Một lần nữa họ lại sa ngã vào sự thờ lạy thần tượng. Rồi một lần nữa họ lại kêu nài cùng Đức Chúa Trời và Ngài lại một lần nữa giải cứu họ bởi tay một người giải cứu khác. Khi xem xét sự làm việc của Đức Chúa Trời trong dân Y-sơ-ra-ên trong thời các quan xét, chúng ta thấy Đức Chúa Trời liên tục bày tỏ Ngài là thành tín, bất cứ khi nào họ kêu xin Ngài đều giải cứu họ. Ngài đã tạo nên họ mà họ cứ chống nghịch Ngài. Dân sự đang nhóm họp tại đó cần hiểu mọi điều Đức Chúa Trời đã làm cho họ. Họ cần hiểu rằng Ngài là Vua đích thực của họ. Và đó chính là điều Samuên đang nói đến trong phần Kinh Thánh này. Bằng cách lập lại vương quyền, ông đang hướng họ đến với Vị Vua thật là chính Đức Chúa Trời.

Câu 7 nói: "Vậy bây giờ hãy ra mắt trước mặt Đức Giêhôva, ta sẽ luận cùng các ngươi về hết thảy những việc công bình mà Đức Giêhôva đã làm cho các ngươi và cho tổ phụ các ngươi." Dân sự được bảo hãy đứng yên mà lắng nghe điều Samuên muốn nói. "Các ngươi phải trả lời cho được những điều mà ta sẽ nói với các ngươi đây." Tại đây Samuên không muốn nói đến sự trung tín của mình mà đến sự thành tín của Đức Chúa Trời. Dân sự được bảo hãy nhìn vào sự thành tín của Đức Chúa Trời và phán xét hành động của mình trong ánh sáng của vương quyền của Đức Chúa Trời. "Các ngươi có nhìn thấy những gì Đức Chúa Trời đã làm cho các ngươi chăng? Các ngươi có nhìn thấy Ngài giải cứu các ngươi? Ngài đã sai đến cho các ngươi một người giải cứu. Làm thế nào các ngươi cứ chống nghịch Ngài hết lần này sang lần khác? Giờ đây các ngươi lại chống nghịch Ngài một lần nữa mà đòi một vua như các dân tộc khác." Samuên quở trách họ. Trước tiên ông nói đến những người giải cứu mà Đức Chúa Trời đã cung ứng cho dân sự. Ông nói đến Bêđan. Đây là một tên mà chúng ta không tìm thấy trong Kinh Thánh. Có người thử dịch tên này khác đi. Tuy nhiên với Giépthê chúng ta nhận ra nhân vật này trong sách Các Quan Xét. Và Samuên là quan xét cuối cùng của họ. Mỗi người trong số này giải cứu dân sự khỏi tay một kẻ thù thường trực của họ. Thế thì qua những người giải cứu, Đức Chúa Trời đã tỏ ra chính mình là Vị Vua thành tín.

Samuên tiếp tục lập luận trong câu 12 khi ông quở trách dân sự nặng nề về một sự kiện vừa mới xảy ra trong đoạn 11: "Song thấy Na-hách, vua dân Am-môn, đến đánh các ngươi, các ngươi nói cùng ta rằng: Không được; phải có một vua cai trị chúng tôi." Phần trình bày tại đây dường như không đúng thứ tự phải không? Bởi chúng ta đọc trong đoạn 8 rằng dân sự đến với Samuên xin một vua. Chúng ta không đọc thấy về Na-hách mãi cho đến đoạn 11. Làm thế nào Samuên nói rằng sự kiện về Na-hách đã thúc đẩy dân sự đến với Samuên xin một vua? Tôi cho rằng có một trong hai lý do sau đây. Trước tiên, có một dị bản trong thêm vào bản văn của 1Samuên 10:27 cho chúng ta biết đôi chút về bối cảnh dẫn đến trận chiến với Na-hách. Tôi không nói rằng phần thêm vào của dị bản đó nhất thiết là được sự hà hơi của Đức Chúa Trời nhưng đọc phần đó chúng ta có thể thấy nó cũng phản ánh ý tưởng mà Josephus có nói đến rằng trong giai đoạn lịch sử đó của dân Y-sơ-ra-ên, Na-hách đã quấy phá dân Y-sơ-ra-ên trong một khoảng thời gian, rằng hắn đã là điều khó chịu cho dân Y-sơ-ra-ên trong nhiều năm rồi, hắn đã đuổi bảy ngàn người còn lại trong chi phái Rubên và Gát vào vào xứ Gia-be trong Ga-la-át. Và chính tại đây, sau khi hắn đã toàn thắng tại Gia-be trong Ga-la-át, hắn diễu võ giương oai mà nói rằng "phải khoét hết thảy con mắt hữu của các ngươi." Thế thì Na-ách không phải là một nhân vật mới xuất hiện trong đoạn 11 mà dường như đã có mặt một thời gian rồi. Một lần nữa, tôi xin nói rằng lập luận này không nhất thiết có thẩm quyền của Kinh Thánh nhưng dường như nó cũng có cơ sở về mặt lịch sử. Thế nhưng cho dù lập luận này là không chính xác thì Na-hách có thể đại diện cho hết thảy kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên. Hắn là một trong số nhiều kẻ thù đó.

Dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vua như những dân tộc khác là để họ có thể đối diện những kẻ thù thường xuyên tấn công, hầu có một vua để mách bảo họ địch lại cùng những dân tộc khác, những vua khác như kiểu Na-hách vậy. Khi họ hành động như thế thì điều gì xảy ra? Tại đây đã một sự chuyển đổi phải không? Trước đây mỗi lần dân Y-sơ-ra-ên phạm tội, đi sai lạc khỏi Đức Chúa Trời và rơi vào tình trạng cùng khốn, họ chạy ngay đến Đức Chúa Trời kêu xin Ngài tha thứ. Thế nhưng giờ đây đã có một sự thay đổi: thay vì kêu van cùng Đức Giêhôva, họ kêu van cùng Saulơ như chúng ta thấy trong đoạn 11, dù theo tôi đoạn 11 nói chung có cái nhìn tích cực về vua Saulơ và sự hầu việc của ông. Chúng ta đã thấy một sự chuyển đổi trong đoạn 11 rằng dân sự không kêu khóc cùng Đức Chúa Trời xin Ngài tha thứ và giải cứu họ. Họ không sai sứ giả đến cùng Đức Chúa Trời mà đến cùng vua Saulơ. Chúng ta thấy họ đã có một sự chuyển đổi. Đó là một sự chuyển đổi mê muội tuy nhiên vẫn là một chuyển đổi lớn: xây khỏi Đức Chúa Trời mà đến với một vua đời này. Ấy chính điều này gây buồn lòng Đức Chúa Trời nặng nề. Ngài đã luôn là Vị Vua vĩ đại trên dân Y-sơ-ra-ên. Cũng như Samuên đã luôn là một quan xét vĩ đại, Đức Chúa Trời là một Vua vĩ đại hơn. Ngài đã sai đến cho họ nhiều vị cứu tinh khác nhau. Dầu vậy, giờ đây họ lại muốn có một vua khác để chiến cự cho họ, một vua giống như những dân tộc khác. Vì vậy họ làm ngơ đi sự kêu gọi ăn năn để làm theo ý tưởng của họ.

1Samuên 12:13 cho biết họ đạt được điều họ đáng được: họ nhận được vua của mình. Samuên nói rõ rằng đây là "vua các ngươi đã chọn". Theo tôi câu này có ý mỉa mai: Samuên đang nói với dân sự rằng đây là người mà các ngươi muốn đó, là vua theo ao ước của các ngươi đó. Đây không phải là vua theo lòng Đức Chúa Trời dù rằng trong câu kế tiếp nói rất rõ rằng: "Đức Giêhôva đã lập người làm vua trên các ngươi." Đúng thật Ngài đã ban cho họ một vua. Họ phải đi theo vua đó bởi đó lòng họ muốn thế. Saulơ giờ đây là người được Đức Chúa Trời xức dầu, tuy nhiên ông lại là một vua theo kiểu mẫu lý tưởng của dân sự. Samuên cảnh báo họ và Saulơ rằng vua này phải đầu phục Vị Vua thật của dân Y-sơ-ra-ên nếu dân Y-sơ-ra-ên muốn tồn tại. Samuên đưa ra hai sự lựa chọn: Hoặc vua dân Y-sơ-ra-ên nhìn nhận vương quyền tối thượng của Đức Chúa Trời và đầu phục luật pháp Ngài hoặc vua đó sẽ bị rủa sả bởi sự chống nghịch của mình. Chỉ những vua trung tín theo Đức Chúa Trời mới có thể cai trị một cách hữu hiệu trong dân Y-sơ-ra-ên. Những vua con người phải khiến dân sự ghi nhớ trong tâm trí về vương quyền của Đức Chúa Trời như là ưu tiên một của mình. Vua đó không được quyền quên rằng mình ở dưới và Đức Chúa Trời ở trên, và vua phải luôn trình ra lẽ thật đó trước dân sự. Một khi thứ tự đó bị phá đổ, họ sẽ gặp phải vấn nạn.
(Còn tiếp kỳ tới)

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)