Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 3 (Ru-tơ 1:5-10)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI BA
(Ru-tơ 1:5-10)

Kế sau, Mạc-lôn và Ki-li-ôn cũng thác, để Na-ô-mi ở lại, không chồng không con. Bấy giờ, Na-ô-mi có nghe nói rằng Đức Giê-hô-va đã đoái xem dân sự Ngài, và ban lương thực cho, bèn đứng dậy cùng hai dâu mình, đặng từ xứ Mô-áp trở về. Vậy, người lìa bỏ chỗ mình đã ở, cùng hai dâu mình lên đường đặng trở về xứ Giu-đa. Nhưng Na-ô-mi nói cùng hai dâu mình rằng: Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi. Cầu Đức Giê-hô-va lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người thác của chúng ta, và đã đãi chính mình ta! Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được bình yên ở nơi nhà chồng mới! Rồi người ôm hôn hai nàng, còn hai nàng cất tiếng lên khóc, và nói rằng: Chúng tôi sẽ đi với mẹ đến quê hương của mẹ.

Chúng ta đã tìm thấy nơi Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi hình ảnh của Chúa và dân Ngài. Họ đã rời bỏ Bết-lê-hem như chúng ta bỏ Chúa mà trở lại với thế gian. Ê-li-mê-léc chết là hình ảnh của giáo hội không còn có Chúa nữa. Thảm kịch khủng khiếp xảy ra khi chúng ta đi theo con đường tội lỗi. Thảm kịch kế tiếp là Mạc-lôn và Ki-li-ôn cũng thác để lại Na-ô-mi không chồng không con. Họ càng ngày càng đi sâu vào tội lỗi, vì khi đói kém xảy ra họ đã rời bỏ Bết-lê-hem, Mạc-lôn và Ki-li-ôn cưới con gái Mô-áp, rồi Ê-li-mê-léc chết và hai con cũng chết.

Nếu chúng ta phạm tội với Chúa, sự chết ở khắp mọi nơi, chúng ta bị phân cách khỏi Chúa và rồi chúng ta cũng cắt đứt con cái của chúng ta đối với Chúa. Việc nầy xảy ra khi chúng ta đi theo một thần tượng khác, Chúa nói sẽ phạt con cháu đến ba bốn đời nếu chúng ta ghét Ngài, khi chúng ta quay khỏi Chúa, chúng ta không chỉ tự cắt đứt mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa mà đồng thời chúng ta cũng cắt đứt con cái chúng ta với Ngài, lý do vì Chúa phán: "Ta sẽ là Đức Chúa Trời của ngươi và con cháu ngươi" và Ngài cũng nói các ngươi phải dạy dỗ hướng dẫn con cháu đi trong đường lối Chúa, kính sợ Chúa (Châm ngôn 22:6). Nếu chúng ta đi xa Chúa thì có nghĩa là chúng ta cũng dạy con cái chúng ta từ chối Ngài, chống lại Ngài, rồi đời sống thuộc linh của chúng nó cũng chết.

Chúng ta đọc trong Sáng thế ký 6:2 "Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp bèn cưới người nào vừa lòng mình làm vợ." Từ đó tội lỗi lan tràn trên mặt đất cho nên Đức Chúa Trời quyết định sẽ hủy diệt loài người. Ngài đã thật sự mang nước lụt đến hủy diệt loài người trong thời Nô-ê.

Sách Ru-tơ là một câu chuyện tình đẹp nhưng chúng ta chưa đến đoạn đó, chỉ thấy sự chết và trình trạng bị tiêu diệt vì chúng ta có ở đây hình ảnh của một gia đình đã quay khỏi Chúa và đi sâu vào tội lỗi. Trong câu 4 chúng ta thấy họ ở trong xứ Mô-áp 10 năm, đây không phải là một việc ngẫu nhiên, quá nhiều hoạn nạn, tai họa xảy ra cho Na-ô-mi trong thời gian ngắn 10 năm. Trong Kinh thánh số mười, một trăm, một ngàn thường thường biểu hiện cho tính chất hoàn tất, cho nên mười năm nầy cũng minh họa cho tính chất hoàn tất trong chương trình của Chúa. Na-ô-mi quyết định trở về Bết-lê-hem, bà phải trở về với Chúa, bà phải ăn năn tội lỗi và quay khỏi con đường đang dẫn bà đến chỗ hư mất.

Điều nầy nhắc chúng ta về câu chuyện người con trai hoang đàng, có điểm giống nhau trong hai câu chuyện nầy, nhưng chúng ta nhớ là đứa con trai hoang đàng phải ăn vỏ đậu của heo. Nó đã tiêu xài phung phí hết những của cải mà cha nó đã cho nó, nó bị rơi vào sự nghèo túng tận cùng đến nỗi phải lấy vỏ đậu của heo mà ăn, heo là con vật bị rủa sả trong thời bấy giờ, chúng ta thấy giá trị con người nó xuống thấp đến bực nào. Nhưng khi con mắt thuộc linh của nó được mở ra, nó dự định trong lòng sẽ trở về cùng cha nó chỉ để làm đầy tớ mà thôi. Trong kế hoạch có tính chất trọn vẹn của Chúa, Chúa đã tìm đến chúng ta, mở con mắt thuộc linh của chúng ta để chúng ta bắt đầu quay lại với Ngài.

Mô-áp ở đây là hình ảnh của thế gian, mà thế gian đã bị rủa sả bởi Đức Chúa Trời, tất cả mọi người trên thế gian nầy đều chống lại Chúa. Đây là đất mà chúng ta phải từ bỏ để trở về cùng Đức Chúa Trời. Na-ô-mi góa bụa, hai nàng dâu cũng góa bụa mà cũng thuộc về một dân tộc bị rủa sả, vì tội lỗi của các con bà đã cưới họ, tội của chồng bà đã rời bỏ Bết-lê-hem và công nhận những cuộc hôn nhân nầy. Hoàn cảnh của bà tuyệt vọng hơn lúc nào hết.

"Bấy giờ Na-ô-mi có nghe nói rằng Đức Giê-hô-va đã đoái xem dân sự Ngài và ban lương thực cho, bèn đứng đậy cùng hai dâu mình, đặng từ xứ Mô-áp trở về" (Câu 6). Khi chúng ta nghe về Tin Lành, đó là nơi mà chúng ta tìm được sức mạnh, tìm được sự giúp đỡ. Chúa đã thăm viếng dân Ngài, Chúa đã thăm viếng dân Ngài một cách lạ lùng vì Chúa Giê-xu đã đến với Bánh hằng sống.

Phương diện thuộc linh của nước Y-sơ-ra-ên đã bị hạn hán từ hàng trăm năm, họ sống trong tội lỗi, càng ngày càng xa cách Chúa và cuối cùng họ ở trong trình trạng đói kém thuộc linh. Kinh Thánh nói rằng Đấng Mê-si sẽ ra đời và thăm viếng dân Ngài. Ngài đã ra đời tại thành Bết-lê-hem, đến với dân tộc Y-sơ-ra-ên để cung cấp cho họ Bánh hằng sống. Bất cứ người Y-sơ-ra-ên nào quay lại với Ngài thì sẽ được Bánh hằng sống cho chính mình. Có một số người sót lại được lựa chọn bởi ân điển Ngài bắt đầu với Si-môn và An-ne trong đền thờ khi Chúa Giê-xu sanh ra, cũng như Giô-sép và Ma-ri mẹ Ngài, Giăng Báp-tít, Xa-cha-ri, Ma-ri Ma-đơ-len, Ma-thê, mười hai sứ đồ đã đến với Ngài. Ngài đã thật sự thăm viếng dân Ngài vì Ngài là Bánh hằng sống.

Cũng vậy nếu bạn và tôi nghe về Tin Lành, nghe tin vui mừng là Chúa đã thăm viếng dân Ngài: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời" (Giăng 3:16). Chúa đã thăm viếng dân Ngài, chúng ta có thể đến Bết-lê-hem, là Nhà bánh, chúng ta có thể đến với Chúa Giê-xu để tìm Bánh hằng sống, Bánh đó có thể mang lại cho chúng ta sự sống đời đời. Chúng ta phải chỗi dậy để đi, chúng ta phải từ bỏ thế gian nầy, phải quay khỏi tội lỗi của chúng ta. Chúng ta phải ăn năn, phải quay về một hướng khác. Na-ô-mi là hình ảnh của người tin Chúa quay lại với Ngài.

"Vậy người lìa bỏ chỗ mình đã ở, cùng hai dâu mình lên đường đặng trở về xứ Giu-đa. Nhưng Na-ô-mi nói cùng hai dâu mình rằng : Mỗi con hãy trở về nhà mẹ mình đi. Cầu Đức Giê-hô-va lấy ơn đãi hai con như hai con đã đãi các người thác của chúng ta, và đã đãi chính mình ta" (Câu 7,8). Hai người nữ nầy thuộc về một dân tộc bị đã bị rủa sả, đáng lẽ Mạc-lôn và Ki-li-ôn không nên cưới họ, họ là sản phẩm của tội lỗi trong gia đình Y-sơ-ra-ên nầy. Nếu họ đến Bết-lê-hem họ sẽ không được chấp nhận vì họ đã bị rủa sả. Họ ở lại Mô-áp thì có lý hơn vì gia đình của họ ở đây, họ có thể tìm người chồng khác, họ có thể xây đắp tương lai cho chính mình. Có thể họ thương Na-ô-mi, có thể họ có mối liên hệ rất tốt đẹp với Na-ô-mi vì cả ba cùng hoàn cảnh với nhau là đều góa bụa, mà chồng của họ lại là ruột thịt với nhau. Na-ô-mi rất khôn ngoan khi nói với họ như vậy.

Trong câu 9: "Nguyện Đức Giê-hô-va ban cho hai con được nghỉ ngơi* ở nơi nhà chồng mới." Những từ ngữ nầy thật là kỳ cục! Tại sao Chúa lại dùng loại ngôn ngữ nầy? Tại sao bà không nói : "Cầu xin hai con tìm được sự phát đạt hay hạnh phúc nơi nhà chồng mới? Nói như vậy nghe nó có lý hơn trong câu chuyện tình phải không? Nhưng Chúa rất cẩn thận khi dùng chữ "nghỉ ngơi". Đây là chữ mà Na-ô-mi đã dùng, dĩ nhiên nó có thật trong lịch sử, nhưng chúng ta có cảm giác rằng dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh và câu nầy được đặt vào Kinh Thánh vì nó có một lẽ thật thuộc linh sâu sắc hơn.

Nơi nhà của ai chúng ta mới tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm linh của chúng ta? Khi chúng ta được cứu chúng ta bước vào nhà của Chúa, chúng ta ở trong Ngài (Giăng 17:21). Trước khi chúng ta được cứu chúng ta ở ngoài nhà của Chúa, là khách lạ, là kẻ ngoại bang. Nhưng khi chúng ta được cứu chúng ta ở trong nhà của Chúa và tìm được sự nghỉ ngơi ở đó. "Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ - ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu - và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Giê-xu Christ" Ê-phê-sô 2:1-6.

Sự nghỉ ngơi đó thuộc loại gì? Đó là, trước khi được cứu chúng ta cố làm hết sức mình để nối lại mối tương giao với Chúa, chúng ta cố gắng chứng minh với Ngài rằng con người chúng ta cũng có giá trị. Chúng ta làm đủ mọi việc tốt lành liên quan đến cách mà chúng ta sống, vì chúng ta nghĩ một ngày nào đó Chúa sẽ nhìn vào những công việc tốt của chúng ta và đối đãi tử tế với chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ tìm gặp sự nghỉ ngơi thuộc linh bằng cách đó, vì những việc công bình của chúng ta chỉ như áo nhớp trước mặt Chúa mà thôi. Tất cả những hành động nầy chỉ kết án chúng ta càng thêm, vì tất cả những điều chúng ta làm đều bị cám dỗ bởi tội lỗi.

Khi chúng ta đến với Chúa, chúng ta nhận ra rằng chúng ta không bao giờ được cứu bởi việc làm, nhưng do chúng ta phó thác mình nơi Chúa, nương nhờ nơi sự thương xót của Ngài, nhìn nhận mình là tội nhân. Như đứa con gieo mình vào lòng cha nó và nói rằng: "Cha ôi con có tội với cha, con đã làm những điều sai lầm", rồi cha nó quàng cánh tay yêu thương mà ôm lấy nó. Đây là hình ảnh của những người tin Chúa tìm được sự yên nghỉ nơi Chúa, nơi nhà chồng của chúng ta, vì chúng ta là cô dâu và Chúa Giê-xu là chồng chúng ta. ễ đây Na-ô-mi phơi bày một sự thật hiển nhiên là tất cả mọi người trên thế gian đều tìm sự nghỉ ngơi nơi nhà chồng.

Nhưng bất hạnh thay, chỉ có Chúa là Đức Chúa Trời của Kinh Thánh mới là chồng thật, mà người ta thì lại đi đến những người chồng khác. Chúa Giê-xu nói trong Ma-thi-ơ 11:28 "Hỡi những kẻ mệt mõi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ." Đó là lời hứa của Tin Lành, trong Chúa Giê-xu chúng ta sẽ tìm được sự yên nghỉ. Ngài trở thành chồng của chúng ta và nhà của Ngài là nơi chúng ta sẽ vào ở. Na-ô-mi đã đưa ra lẽ thật thuộc linh của Thánh Kinh là chúng ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi nếu chúng ta bước vào nhà của Chúa.

Câu 10 là một lời tuyên bố làm cho ngạc nhiên: "Chúng tôi sẽ trở về** với mẹ đến quê hương của mẹ" . Câu nói nầy không có lý chút nào cả, chỉ có Na-ô-mi mới có thể trở về còn Ọt-ba và Ru-tơ thì không phải là trở về vì họ chưa bao giờ ở Bết-lê-hem, họ không phải là công dân của Bết-lê-hem, họ là công dân của Mô-áp. Đáng lẽ họ phải nói"Chúng tôi sẽ đi với mẹ đến cùng dân sự của mẹ", nhưng họ lại nói: "Chúng tôi sẽ trở về** với mẹ".

Có lẽ đây là sự sai lầm trong ngôn ngữ? Nếu Chúa chép câu chuyện nầy cho chúng ta như là một câu chuyện lịch sử thì chắc chắn phải viết là chúng tôi sẽ đi với mẹ. Nhưng, không! Chúa có lẽ thật thuộc linh sâu hơn cho chúng ta nên Ngài đã hướng dẫn cho họ nói: chúng tôi sẽ trở về** với mẹ. Mặc dù theo bối cảnh lịch sử là một sự chọn chữ sai lầm nhưng về thuộc linh thì đây là sự chọn chữ đúng vì Chúa muốn dạy chúng ta về một lẽ thật khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về điều nầy trong bài học tới.

"Vậy nó mới tỉnh ngộ mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng Cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với Trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy." Lu-ca 15:17-19.

"Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Lu-ca 18:13.

* Theo nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ là nghỉ ngơi.

** Theo nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ là trở về.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)