Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Nhà Hêli Sụp Đổ Thầy Tế Lễ Trung Tín Dấy Lên - 6/2004  


NHÀ HÊLI SỤP ĐỔ - THẦY TẾ LỄ TRUNG TÍN DẤY LÊN
(2Samuên 2:27-36)

Tháng Sáu 2004

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong Chúa Giêxu Christ. Đức Chúa Trời có thật sự gớm ghiếc tội lỗi không? Liệu Đức Chúa Trời có nhắm mắt làm ngơ đối với những ai tỏ thái độ khinh thường đối với Ngài, chẳng để tâm rằng mình phải sống cho Ngài và cứng lòng không chịu ăn năn không? Liệu Đức Chúa Trời có thật sự để tâm đến họ không? Với cộng đồng chúng ta đang sống, câu trả lời thật dễ thốt ra nơi cửa miệng. Vâng, chắc chắc rồi! Chắc chắn là Đức Chúa Trời gớm ghiếc tội lỗi! Tuy nhiên, dù miệng chúng ta luôn sẵn sàng trả lời như thế, vẫn có nhiều người đang sống dường như Ngài không hề quan tâm đến vấn đề tội lỗi của con người.

Không chỉ những người bên ngoài hội thánh Đấng Christ mà ngay trong phạm vi nhà thờ, ngay những người nói rằng mình tin vào Đức Chúa Trời, hành động và lời nói của họ phơi bày một tấm lòng không quan tâm chút gì đến Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài. Điều này rất đúng với đất nước chúng ta khi mà đa số mọi người đều nhận mình là Cơ Đốc Nhân. Họ gọi mình là Cơ Đốc Nhân nhưng khi nhìn vào đời sống họ, chúng ta thấy nó không thích hợp với lời xưng nhận đó. Có nhiều người thỉnh thoảng đi đến nhà thờ chỉ để mang danh là Cơ Đốc Nhân. Họ bị lừa dối khi cho rằng Đức Chúa Trời sẽ không buộc những ai xem thường Ngài phải chịu trách nhiệm, rằng Đức Chúa Trời sẽ không hình phạt những ai sống trong tội lỗi, không quan tâm đến luật pháp của Ngài. Có nhiều người trên đất nước chúng ta, có lẽ ngay trong những hội thánh của chúng ta đây, khước từ ý niệm về một Đức Chúa Trời công bình. Họ tin rằng Ngài sẽ thương xót, và mọi người, bất kể là ai, sẽ được cứu.

Đọc đến 1Samuên đoạn 2, chúng ta được biết câu chuyện của Hêli và hai con trai ông. Khi nhìn vào gia đình này, chúng ta thấy bằng nhiều cách họ đã dửng dưng với sự công chính của Đức Chúa Trời. Dù Hêli có cảnh cáo hai con mình (câu 22-25) rằng cách sống của họ sẽ gặt lấy sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời, hai con trai ông vẫn hành động như thể họ chưa bao giờ nghe hoặc không thèm quan tâm đến. Tại đây là hai con trai Hêli, thành viên của dân sự Đức Chúa Trời, thầy tế lễ trong đền thờ Đức Chúa Trời chí cao, là những người tin cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta biết được họ cũng tin cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời? Chúng ta nhớ rằng ít lâu sau họ sai mang hòm giao ước của Đức Chúa Trời ra trận vì cho rằng như thế quyền năng của Đức Chúa Trời sẽ đi trước họ. Thế thì đây là những người nhìn biết quyền năng của Đức Chúa Trời. Thế nhưng trong đời sống trước mặt Ngài họ lại bày tỏ sự khinh lờn với Ngài bởi cách sống thiếu tin kính của mình. Thậm chí Hêli cũng vậy. Dù ông cảnh cáo hai con mình, chúng ta sẽ thấy rằng chính ông cũng mắc tội của các con mình. Đức Chúa Trời đến thi hành sự công bình nghịch cùng nhà Hêli và những ai cứ bất trung và cứng cỏi sẽ bị phán xét.

Tội lỗi dẫn đến những hậu quả của nó. Đây không chỉ là vấn đề Đức Chúa Trời có làm ngơ với cách sống phóng túng hay không. Không! Chúng ta thấy trong 1Samuên đoạn 2 rằng một đời sống miệt mài trong tội lỗi là vấn đề rất hệ trọng bởi Đức Chúa Trời sẽ phán xét trên nhà Hêli. Khi Ngài thi hành sự công bình nghịch cùng nhà Hêli, Ngài cũng sẽ thay thế những thầy tế lễ không công bình của dân Ysơraên bằng một thầy tế lễ công bình.

Câu 27 cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài, người của Đức Chúa Trời, đến với Hêli với một sứ điệp hẳn hoi. Khi đọc câu này, chúng ta cần hiểu rằng người này là tiên tri của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể biết được điều này khi xem cách ông bắt đầu sứ điệp của mình: "Đức Giêhôva phán như vầy". Khi đọc những sứ điệp tiên tri Cựu Ước chúng ta sẽ thấy họ bắt đầu sứ điệp của mình như thế. Đây không phải là lời của con người, không chỉ là ý kiến của ai đó nói ra. Đây là lời chính Đức Chúa Trời đang phán bảo cho Hêli và gia đình ông. Vì thế những lời đó là đáng tin cậy bởi nó đến từ chính Đức Chúa Trời.

Điều thú vị là vị tiên tri không bắt đầu ngay bằng lời cáo tội hay ngăm dọa về sự đoán phạt nhưng bằng lời trình bày những đặc quyền mà gia đình Hêli có được. Tiên tri bắt đầu bằng ba câu hỏi. Câu thứ nhất là, "Ta há chẳng hiện ra cùng nhà tổ phụ ngươi, khi họ còn ở tại Êdíptô, hầu việc nhà Pharaôn sao?" Điều đầu tiên mà gia đình Hêli có được là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Họ đã nhận lãnh lời của Đức Chúa Trời. Hêli thuộc chi phái Lêvi cũng giống như Môise vậy. Họ được Đức Chúa Trời kêu gọi vào một chức vụ hẳn hoi. Họ đã nhận lãnh sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Con đường cứu chuộc, lời hứa của sự cứu rỗi và luật pháp của Đức Chúa Trời được ban cho qua đôi tay họ. Họ được đặc quyền có được Lời Đức Chúa Trời. Ngài mặc khải chính mình Ngài cho họ. Kèm theo đặc quyền đó, chúng ta có thể cảm nhận rằng họ buộc phải đạt một tiêu chuẩn cao hơn. Họ phải chịu trách nhiệm bởi Đức Chúa Trời đã mặc khải chính mình Ngài cho họ trong khi còn ở Êdíptô.

Câu hỏi thứ hai là, "Ta đã chọn nhà ấy trong các chi phái Ysơraên, đặng làm thầy tế lễ của ta, dâng của lễ trên bàn thờ ta, xông hương, và mang êphót trước mặt ta" *. Nhà Hêli không chỉ được nhận lãnh sự mặc khải của Đức Chúa Trời mà còn được Ngài kêu gọi cách đặc biệt vào một chức vụ cao trọng. Họ được ban cho đặc quyền là được ở trong đền tạm của Đức Chúa Trời. Tại đó họ có thể dâng những của tế lễ của dân sự Đức Chúa Trời lên cho Ngài. Họ được đặc quyền đứng trước mặt Đức Chúa Trời trong nơi thánh của Ngài. Thi Thiên 84:10, "Vì một ngày trong hành lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày khác." Dòng dõi Lêvi và chính Hêli được ban cho đặc quyền hầu việc Đức Chúa Trời, dâng tế lễ cho Ngài. Đây là một vinh dự lớn, một đặc quyền, một ơn phước cho gia đình ông. Họ được đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời để hầu việc Ngài. Họ được đặc quyền dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời. Người Lêvi là đại diện cho cả dân Ysơraên. Họ phải đại diện cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời. Họ được vinh dự lớn trong chức vụ của mình.

Câu hỏi thứ 3 là, "Ta cũng đã ban cho nhà tổ phụ ngươi các của lễ mà dân Ysơraên dùng lửa dâng lên." * Tại đây chúng ta hiểu rằng các thầy tế lễ trong chừng mực nào đó được phép ăn đến những của dâng cho Đức Chúa Trời. Họ được phép lấy cho mình một phần trong những của tế lễ. Nói cách khác họ được phép ăn bữa tại bàn của Đức Giêhôva. Họ được ban cho dư dật hơn điều họ cần. Họ được Đức Chúa Trời ban phước đủ để nuôi mình và gia đình mình.

Chúng ta thấy vị tiên tri đối chất với gia đình Hêli về đặc quyền lớn trong chức vụ mà họ được ban cho. Điều đó cũng kéo theo một sự thừa nhận rằng bởi vinh dự mà họ được ban cho, bởi đặc quyền được hầu việc trong nhà Đức Giêhôva, họ phải trung tín. Họ đang hầu việc ngay trong nhà Đức Chúa Trời, ngay trong hội mạc. Nếu chúng ta là người được Đức Chúa Trời kêu gọi phục sự trong khả năng đó, làm sao chúng ta có thể tưởng đến chuyện làm những việc tồi tệ như gia đình Hêli vậy? Làm sao chúng ta có thể tưởng đến thái độ khinh lờn khi hằng ngày đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời toàn năng? Thế mà các con trai Hêli và Hêli nữa đã tỏ thái độ khinh lờn trước mặt Đức Chúa Trời. Họ đã được Đức Chúa Trời ban cho đặc quyền cao trọng nhưng lại khinh lờn Ngài.

Khi đọc phần Kinh Thánh này, chúng ta không thể ngồi thong dong mà nói rằng "Ôi gia đình Hêli thật là kinh khủng quá!". Chúng ta phải tự xét mình nữa bởi chính chúng ta cũng đã được sự kêu gọi như thầy tế lễ dù không theo ý nghĩa của Cựu Ước. Chúng ta không được kêu gọi để dâng của tế lễ vì của tế lễ đền trả cho tội lỗi của chúng ta đã được đền trả rồi, nhưng chúng ta được kêu gọi phục sự Đức Chúa Trời. Chúng ta được kêu gọi làm của lễ sống cho Đức Chúa Trời Chí Cao. Trong Cựu Ước, dân Ysơraên được gọi là "một nước thầy tế lễ" (Xuất Êdíptôký 19). Hết thảy dân Ysơraên được kêu gọi phục sự Đức Chúa Trời. Hết thảy họ đều được phước khi có đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa mình. Khải huyền đoạn 1 câu 6 nói dân sự Đức Chúa Trời là vua và thầy tế lễ của Đức Chúa Trời**. Có người đưa ý kiến rằng, Ađam, khi phục sự trong vườn Êđen trong một khía cạnh nào đó đang hầu việc như một thầy tế lễ; Tại đó ông hầu việc Đức Chúa Trời trong nơi ngự của Ngài. Hầu việc Đức Chúa Trời là một đặc quyền lớn. Đó là mục tiêu của chúng ta. Đó là điều chúng ta có trách nhiệm phải làm khi còn sống trên thế gian này. Chúng ta phải tôn vinh hiển Đức Chúa Trời và trung tín hầu việc Ngài. Chúng ta được đặc quyền nhóm họp lại với nhau trong sự hiện diện Ngài, dâng chính mình làm của lễ sống cho Ngài để đáp lại lòng nhân từ Ngài đối cùng chúng ta. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể dễ dàng giày đạp dưới chân những của lễ và làm theo ý mình, tỏ thái độ khinh lờn trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Chúng ta đã được ban cho một đặc quyền cao trọng là nhóm họp nhau tại đây để thờ phượng Đức Chúa Trời. Chúng ta phải thận trọng không khinh lờn Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng Ngài. Nhà Hêli, bất chấp vinh dự mà Đức Chúa Trời ban cho họ, là đặc quyền của chức vụ, đã chống nghịch Đức Chúa Trời và sống tội lỗi.

Chúng ta thấy mô hình với con số ba này. Người của Đức Chúa Trời lên án nhà Hêli ba điều. Trước tiên, trong câu 29, họ bị lên án là "giày đạp dưới chân những hi sinh và của lễ chay" của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là họ tỏ thái độ khinh thường. Chúng ta biết rằng nếu muốn tỏ thái độ khinh thường ai, người ta giũ bụi vào mặt người đó, tỏ ra rằng coi thường, không để tâm gì đến. Đó là ý muốn trình bày ở đây với những chữ "giày đạp dưới chân những hi sinh và của lễ chay", nghĩa là với họ những của lễ đó là đáng khinh dễ, không được coi trọng. Rõ ràng là đây chính là thái độ của Hêli và hai con trai ông đối với những của lễ của Đức Chúa Trời như chúng ta đã thấy lần trước rằng họ tự ý lấy phần thịt ngon nhất mà mình muốn từ bàn thờ bất chấp điều Đức Chúa Trời phán dạy. Họ làm ô uế bàn thờ Đức Chúa Trời như những thầy tế lễ thời Malachi là những người cũng đã bị lên án. Họ giày đạp và khinh lờn sự hầu việc Đức Chúa Trời. Họ tỏ ra mọi sự đó trước mặt dân sự Đức Chúa Trời.

Dù chúng ta đọc thấy đây là lời mô tả hai con trai Hêli, tuy nhiên Hêli cũng có thể làm những điều đó bởi lời lên án thứ hai mà người của Đức Chúa Trời nói cùng nhà Hêli là Hêli "kính trọng các con trai" ông hơn Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy rằng dù Hêli, từ câu 22 về sau, có cảnh cáo các con mình hãy ăn năn tội, tuy nhiên ông cũng dự phần một phần trong tội lỗi của họ. Bởi Hêli không những chỉ nên cảnh cáo các con mình về tội lỗi nhưng là thầy tế lễ, trách nhiệm của ông là gìn giữ cho đền thờ Đức Chúa Trời được tinh sạch và đuổi ra khỏi đền thờ những kẻ tỏ thái độ khinh thường trước mặt Đức Chúa Trời. Việc ông đã không làm được điều đó mà lại để cho các con mình tiếp tục trong sự hầu việc chểnh mảng này tỏ ra rằng chính ông cũng khinh lờn. Ông bày tỏ sự tôn trọng đối với con mình hơn là đối với Đức Chúa Trời bằng việc cho phép họ tiếp tục trong chức vụ. Hai con trai ngang nghịch bướng bỉnh này của Hêli, bởi cách sống buông tuồng của họ, theo Phục Truyền Luật Lệ Ký, phải bị ném đá hay truất khỏi xứ Ysơraên. Hêli, bởi việc ông không tỏ thái độ với các con trai mình, đã bày tỏ chính mối quan tâm của lòng ông: ấy là ở con mình hơn là ở nơi Đức Chúa Trời.

Khi suy nghĩ về điều này, chúng ta có thể nghĩ đến Ađam trong vườn Êđen bởi tại đó Ađam cũng có một trách nhiệm. Khi Êva đã ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, trách nhiệm của Ađam không phải là nối gót bà, để đầu hàng với tội lỗi của bà, để rồi chính mình cũng ăn lấy trái cây mà Đức Chúa Trời cấm. Trách nhiệm của ông là mang bà đến trước Đức Chúa Trời hầu bà chịu hình phạt về sự chống nghịch của mình. Trách nhiệm của ông là giữ cho vườn được tinh sạch và chính ông đã thất bại trong trách nhiệm đó bởi chính ông đã dự phần vào tội lỗi của Êva.

Tại đây chúng ta cũng thấy cùng một câu chuyện đó. Không chỉ Hêli kính trọng các con trai mình hơn Đức Chúa Trời mà tại đây còn nói, "các ngươi ăn mập những của lễ tốt nhứt của Ysơraên, dân sự ta!" Đây là tội khinh lờn thứ ba: "ăn mập những của lễ tốt nhứt của Ysơraên". Theo ngữ cảnh của chúng ta ở đây, chúng ta thấy rằng không chỉ các con trai Hêli mà chính ông cũng được hưởng lợi trong sự ăn cắp của họ nơi bàn thờ. Họ ăn mập những của lễ thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta còn nhớ bài học lần trước rằng họ ăn mỡ, là phần được xem là tốt nhất trong của lễ dâng cho Đức Chúa Trời. Họ ăn mập phần thịt tế lễ tốt nhất thuộc về Đức Chúa Trời. Một điều thú vị là chữ "kính trọng" trong câu "ngươi kính trọng các con trai ngươi hơn ta" trong tiếng Hêbêrơ dịch theo nghĩa đen là "ngươi cho các con trai ngươi cân nặng hơn ta". Tại đây có sự chơi chữ có chủ ý rằng Hêli cho các con mình "cân nặng" hơn, cho phép họ "ăn mập" bởi cách sống buông tuồng của họ trước mặt Đức Chúa Trời. Họ cứ tiếp tục bạn nghịch, không hề ăn năn và giờ đây Đức Chúa Trời sắp đoán phạt họ.

Chúng ta thấy khuôn mẫu này rất giống với khuôn mẫu mà chúng ta thấy trong những lời tiên tri khác trong Thánh Kinh. Tại đây chúng ta thấy vinh dự và đặc quyền mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân sự Ngài tiếp theo bằng một lời buộc tội dẫn đến hậu quả là sự đoán phạt trên họ. Tại đây vị tiên tri đi theo một cung cách rất chuẩn mực. Giờ đây từ những lời buộc tội nghịch cùng nhà Hêli, ông chuyển đến cho họ biết hậu quả của hành động ngang nghịch đó, rằng giờ đây Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt họ. Tội lỗi của Hêli sẽ không thoát khỏi sự đoán phạt. Đức Chúa Trời gớm ghiếc tội lỗi. Ngài gớm ghiếc những ai tỏ ra khinh lờn trước mặt Ngài. Hêli và gia đình ông phải bị truất khỏi Ysơraên. Gia đình Hêli đã từng có vị trí cao trọng, vị trí của thầy tế lễ trước mặt Đức Chúa Trời. Họ đã từng được Đức Chúa Trời ban phước nhưng giờ đây phước hạnh của họ sẽ bị cất đi.

Việc họ không tôn kính Đức Chúa Trời đã dẫn đến điều nhục nhã cho họ do nơi Đức Chúa Trời mà đến. Vị tiên tri nói với họ rằng nếu họ không tôn kính Đức Chúa Trời được thì họ cũng không nhận được sự tôn vinh nào của Ngài. Tân Ước cũng nói đến điều đó khi Chúa dạy chúng ta phải xưng Chúa Giêxu ra trước mặt người ta thì Ngài cũng sẽ xưng chúng ta ra trước mặt Đức Chúa Trời. Mặt khác, nếu chúng ta hổ thẹn về Ngài thì Ngài cũng sẽ hổ thẹn về chúng ta và không xưng danh chúng ta trước mặt Cha. Chúng ta thấy những thầy tế lễ này được kêu gọi phải tôn vinh Đức Chúa Trời nhưng họ không làm theo. Vì thế Đức Chúa Trời đoán phạt họ.

Hình phạt thứ nhất cho nhà Hêli là những ngày của họ sẽ không được lâu trong xứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Kinh Thánh cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời phán rằng không ai trong vòng họ sẽ sống lâu. Không ai trong vòng họ sẽ được sống lâu trong xứ Canaan. Chúng ta thấy điều này đặc biệt liên hệ đến điều răn thứ năm, "Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho." Bởi các con Hêli không lắng nghe lời ông, không vâng theo Đức Chúa Trời, họ sẽ không được phước. Họ sẽ bị Đức Chúa Trời rủa sả và không ai trong họ sẽ sống đến cao tuổi. Thứ hai, Đức Chúa Trời phán rằng có một dấu chứng tỏ sự chân xác của lời tiên tri này. Chúng ta sẽ thấy điều đó trong đoạn kế khi hai con trai Hêli chết trong cùng một ngày. Chúng ta đọc thấy rằng đây rõ ràng là hình phạt của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi. Kinh Thánh cho chúng ta biết tiền công của tội lỗi là sự chết. Đây là hậu quả của những ai cứ miệt mài trong tội lỗi: họ sẽ chết mất, sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt.

Các con trai Hêli một ngày nào đó sẽ bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời được xem thấy rõ hơn trong câu 36: họ không chỉ không được sống lâu, không chỉ hai con trai Hêli bị đoán phạt mà nhà họ sẽ bị nghèo khổ, "Ai trong họ hàng ngươi còn sống, sẽ đi đến lạy trước mặt người, hầu cho được một miếng bạc cùng một ổ bánh." Chúng ta nhớ đến nơi mà họ đã bắt đầu, tại đó họ đã từng được chọn phần thịt ngon nhất, họ được no bụng và ăn mập những của lễ của Đức Chúa Trời, nhưng bây giờ họ phải trở về với tình trạng của một kẻ ăn xin. Đây chẳng phải là sự làm trọn phần nào của lời hứa Đức Chúa Trời mà chúng ta thấy trong lời cầu nguyện của Anne sao? Sự đảo ngược đầy kịch tính rằng, "Kẻ vốn no nê phải làm mướn đặng kiếm ăn. Và người xưa đói đã được no nê." Người giàu trở nên nghèo và người nghèo trở nên giàu. Đức Chúa Trời đã đảo ngược số phận của họ. Chúng ta thấy Hêli và hai con trai ông tiêu biểu cho những người cứ miệt mài trong sự gian tà. Những người cứ sống chống nghịch Đức Chúa Trời và không để tâm đến luật pháp Ngài, những người không quan tâm đến Đức Chúa Trời và tỏ thái độ khinh thường những của lễ của Ngài sẽ bị đoán phạt.

Hôm nay khi lắng nghe lời Chúa, lời vị tiên tri của Đức Chúa Trời phán cùng Hêli, chúng ta cũng cần lắng nghe và giữ lấy mình kẻo chúng ta cũng rơi vào hàng ngũ của những người bất trung trong sự hầu việc Ngài. Chúng ta phải ở trong hàng ngũ của những người trung tín. Sự trung tín của chúng ta chắc chắn không đến từ chúng ta mà đến từ việc chúng ta đi theo Đấng Christ là Đấng tẩy sạch chúng ta khỏi mọi sự không công bình của chúng ta, là Đấng đã khiến chúng ta được giảng hòa cùng Đức Chúa Trời, khiến chúng ta nên những người dự phần xứng đáng và thầy tế lễ của Đức Chúa Trời rất cao.

Chúng ta thấy rằng những thầy tế lễ không công bình giờ đây được thay thế bằng thầy tế lễ công bình. Đây là một lời cảnh giới cho cả Ysơraên và cũng cho tất cả chúng ta rằng những ai bất trung sẽ phải chịu sự rủa sả và đoán phạt của Đức Chúa Trời. Nhưng những ai trung tín và đi theo thầy tế lễ trung tín sẽ được cứu và được ban cho sự sống đời đời. Có một sự khác biệt trong tính chất của hai nhóm thầy tế lễ này. Hêli và hai con trai thì bất trung và chẳng để tâm đến luật pháp Đức Chúa Trời. Câu 35 nói rằng Đức Chúa Trời sẽ lập lên cho Ngài một thầy tế lễ trung tín là người sẽ bước đi theo ý muốn Ngài, người sẽ làm theo lòng Ngài và theo ý Ngài. Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một người vâng lời, một người mà dân Ysơraên có thể hướng về và tôn trọng vì ấy là người đại diện trung tín cho dân Ysơraên trước mặt Đức Chúa Trời. Thầy tế lễ trung tín này sẽ được cất cho một nhà vững bền không rúng động, không qua đi. Không giống như nhà Hêli đã không sống một đời sống tôn vinh Đức Chúa Trời được, nhà của thầy tế lễ trung tín này sẽ bước đi trước mặt Đức Chúa Trời đời đời. Người sẽ không bao giờ thất bại và sẽ bước đi trước mặt đấng chịu xức dầu của Chúa. Khi suy nghĩ về những lời hứa của Đức Chúa Trời về gia đình Hêli rằng nhà ông sắp bị thế chỗ, thầy tế lễ trung tín này rõ ràng là trước hết được biểu tượng bởi chỗ đứng của Samuên. Samuên sẽ thế chỗ cho gia đình thầy tế lễ bất trung này. Samuên sẽ là thầy tế lễ trung tín cho Đức Chúa Trời và hầu việc Ngài trong đền thờ. Ông sẽ đại diện cho dân sự Đức Chúa Trời trước mặt Ngài với lòng trung tín và sự tôn vinh dâng lên Đức Chúa Trời. Ông sẽ đứng trước đấng chịu xức dầu của Chúa khi ông xức dầu cho Đavít làm vua.

Tuy nhiên chúng ta phải nhìn xa hơn Samuên nữa bởi chúng ta biết Samuên chưa phải là người công bình trọn vẹn. Trong phần sau của sách chúng ta sẽ thấy được rằng ngay cả con cái của Samuên cũng không trung tín với Đức Chúa Trời, rằng chính ông cũng thiếu trung tín trên một phương diện nào đó trong cương vị làm cha. Vì vậy chúng ta được kêu gọi nhìn xa hơn Samuên để nhìn thấy Vị thầy tế lễ tối thượng, Vị Vua tối thượng là Đấng sẽ lập nhà đời đời cho chúng ta, một nhà bền vững là nơi mà chúng ta sẽ ở với Chúa. Samuên chỉ về Đấng Christ, Đấng trung bảo và Vua trọn vẹn hiệp làm một. Chúng ta hiểu mình là tội nhân cần ân điển. Chúng ta hiểu rằng nếu chúng ta phải đứng trước Đức Chúa Trời tối cao, chúng ta cần phải có một Đấng Trung Bảo trọn vẹn và thánh khiết, một Đấng sẽ dâng tế lễ thay cho chúng ta và được Đức Chúa Trời nhậm lấy, một Đấng không làm ô uế bàn thờ của Đức Chúa Trời. Ai là Đấng Trung Bảo đó? Ai là Của Tế Lễ đó? Chúng ta biết Ngài là Chúa Giêxu Christ. Của Tế Lễ của Ngài xứng đáng cho Đức Chúa Trời. Của Tế Lễ của Ngài sẽ được Đức Chúa Trời nhậm lấy. Hết thảy những ai ở trong Đấng Christ sẽ được tha thứ hết tội lỗi và được chấp nhận trước mắt Đức Chúa Trời.

Chúng ta cần hiểu rằng chúng ta không được sống chểnh mảng như nhà Hêli mà ngơ đi ý muốn Đức Chúa Trời để rồi cứ miệt mài trong tội lỗi mà cho rằng tội lỗi sẽ không bị đoán phạt. Vấn đề thật rõ ràng khi người Đức Chúa Trời đến với Hêli cảnh cáo ông và hai con trai ông rằng dù ông thờ phượng trong đền thờ Đức Chúa Trời rất cao, dù ông có hầu việc Ngài ngày đêm, nếu ông tỏ ra khinh lờn những của tế lễ, ông sẽ phải chịu đoán phạt. Cũng như nếu chúng ta ngày nay tỏ ra khinh lờn Đấng Christ, không tôn vinh Ngài và hầu việc Ngài là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta, chúng ta sẽ rơi vào sự đoán xét của Ngài, chúng ta sẽ phải đối diện không chỉ với sự chết thuộc thể mà còn sự chết đời đời dưới sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ đối diện với sự rủa sả của Ngài. Vì vậy, chúng ta phải ở trong hàng ngũ những người trung tín. Chúng ta phải đi theo thầy tế lễ tối cao trung tín mà Đức Chúa Trời nói đến tại đây trong đoạn Kinh Thánh này. Chúng ta, ở trong Đấng Christ, phải là những môn đệ trung tín của Ngài như là những của tế lễ sống trong mọi cách sống của mình trong mọi cách cư xử hành động của chúng ta đẹp lòng Đức Chúa Trời. Amen.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì hôm nay chúng con được nhóm nhau thờ phượng Chúa. Xin cho chúng con chú tâm đến lời cảnh giới cho Hêli hầu không rơi vào cạm bẫy đó mà tỏ thái độ khinh thường với những của lễ của Ngài và khước từ những quyền lợi mà Ngài đã nhân từ ban cho chúng con. Được làm thành viên trong hội thánh Ngài và thờ phượng Ngài là một đặc quyền cho chúng con xin cho chúng con đừng xem nhẹ việc đó. Xin cho chúng con làm môn đệ của Thầy Tế Lễ tối cao vĩ đại là chính Đức Chúa Giêxu Christ, là Đấng mà trong Ngài, nhà chúng con được lập đời đời. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)