Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Không Bởi Việc Làm - 4/2002  


KHÔNG BỞI VIỆC LÀM
(Ê-phê-sô 2:9)

Tháng Tư 2002

Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Tuần rồi chúng ta đã học trong Ê-phê-sô đoạn 2 và thấy mặt chủ động trong sự cứu rỗi chúng ta. Chúng ta đã thấy rằng chúng ta được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin, điều đó không phải bởi chúng ta nhưng là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã tập trung nhấn mạnh thực tại rằng chúng ta được cứu bởi Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta. Tuần nầy chúng ta muốn đi ngược lại, nghĩa là xem xét mặt thụ động của sự cứu rỗi đó. Mặt thụ động của sự cứu rỗi chúng ta cho chúng ta biết rằng chúng ta không được cứu bởi việc làm của chúng ta. Đây cũng là vấn đề rất quan trọng.

Nếu quí vị nhìn vào lịch sử hội thánh, qui vị sẽ thấy ngay từ ban đầu vấn đề nầy gây sự chia rẽ trong hội thánh nhiều hơn những vấn đề khác. Quí vị thấy sứ đồ Phao-lô trong sách Ga-la-ti đã phải đối diện với vấn đề vai trò của đức tin trong mối liên hệ với việc làm. Dĩ nhiên điều nầy đóng một vai trò rất quan trọng và là điểm chính trong cuộc cải chánh giáo hội khi mà Luther, Calvin và những nhà cải chánh khác bắt đầu nghi ngờ về thần học lý tưởng của giáo hội Công giáo La mã. Có sự mập mờ trong vấn đề ân điển và việc làm.

Ngay cả cho đến ngày hôm nay "việc làm" trong sự cứu rỗi vẫn thường bị hiểu sai. Điều thú vị là nó đến từ cả hai phía của cái toàn thể. Nhiều người trong thời đại của chúng ta cho rằng Cơ đốc giáo đơn giản chỉ là đạo đức hay "việc làm". Điều này rất rõ ràng trong các giáo phái chủ trương tự do. Nếu quí vị nhìn vào những quan điểm của nhiều giáo phái thì thấy rằng quan điểm của họ về Tin lành là làm những điều phải lẽ trong xã hội. Điều đó khiến Cơ đốc giáo trở nên Tin lành có tính chất xã hội. Đạo đức đã thay thế những việc lạ lùng mà Chúa Cứu Thế đã làm cho chúng ta. Vì vậy, khi họ xem xét toàn bộ Kinh Thánh, họ diễn dịch Kinh Thánh theo quan điểm đạo đức phổ biến. Công việc tuyệt vời của Chúa Cứu Thế đối với họ là không quan trọng nên họ chỉ chú trọng đến vấn đề cốt lõi của mình là chủ đề đạo đức trong sự giải thích Kinh Thánh. Bằng cách đó họ làm giảm giá trị Cơ-đốc-giáo thành một Tin lành có tính chất xã hội.

Điều trớ trêu là những Cơ Đốc Nhân phía bên kia về cơ bản cũng không khác hơn. Mặc dù họ chú trọng vào Chúa Cứu Thế là Đấng tha thứ tội lỗi cho chúng ta cũng như tin tưởng chắc chắn và mạnh mẽ vào thẩm quyền Thánh Kinh. Nhưng cả họ khi giải thích Kinh Thánh, đặc biệt là Cựu ước, họ rất thường hạ thấp Thánh kinh xuống thành những bài học đạo đức mà thôi. Họ dạy quí vị thế nào là một công dân tốt, cách sử dụng thời gian khôn ngoan ra sao, hoặc đưa ra những nguyên tắc của Thánh kinh cho những người làm thương mại hay tương tự như thế. Dù họ cũng coi trọng Thánh Kinh nhưng điều họ làm là hạ thấp Thánh Kinh thành một quyển sách đạo đức. Nhưng rõ ràng là Tin Lành của Chúa Cứu Thế thật cao trọng hơn điều đó. Tin lành đó không thể bị hạ thấp thành vấn đề đạo đức, nó đặt trọng tâm nơi ân điển của Chúa Cứu Thế.

Tôi cũng muốn nói rõ điều nầy, không phải tôi phản đối việc làm đúng trước mặt Chúa, chắc chắn là Ngài biết rõ hơn chúng ta. Chúng ta phải làm điều đúng đắn theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, chúng ta phải sống một đời sống đạo đức trước mặt Đấng dựng nên chúng ta. Nhưng không phải đạo đức đi tiếp theo việc làm của Chúa Cứu Thế. Chúng ta không khiến Cơ-đốc nhân trở nên thiện hảo và có đạo đức. Điều mỉa mai là Thánh Kinh nhắc đến điều nầy nhiều lần và chúng ta phải nhận thấy rõ ràng. Nhiều lần, đặc biệt là Tân ước, Kinh Thánh chép rất rõ là việc làm của chúng ta không có hiệu lực gì trong sự cứu rỗi chúng ta. Ngay cả việc làm thiện hảo nhất của chúng ta cũng còn thiếu sót lớn.

Hôm nay chúng ta sẽ xem xét bốn điều liên quan đến Ê-phê-sô đoạn 2:9. Thứ nhất chúng ta sẽ suy nghĩ về sự thiếu hụt của việc làm của con người. Thứ nhì, chúng ta sẽ suy nghĩ về thực chất của sự khoe khoang của con người. Thứ ba, chúng ta sẽ xem xét một số điểm tương phản với thần học nầy của Thánh Kinh. Cuối cùng chúng ta sẽ xem xét hàm ý nầy của lẽ đạo này.

Trước hết chúng ta sẽ xem xét về sự thiếu sót trong việc làm của con người. Thánh Kinh chép rất rõ là việc làm của chúng ta không thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Việc làm của chúng ta cũng không thể nào đền trả cho tội lỗi chúng ta được. Ê-phê-sô 2:9 là một ví dụ rõ ràng. Không thể nói cách nào khác rõ ràng và dễ hiểu hơn câu nầy: "Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình". Điều gì không phải bởi việc làm? Quí vị đi ngược lại câu 8 thì sẽ thấy chúng ta được cứu như thế nào, "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu". Tại đây nói lên rằng sự cứu rỗi giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta "Ấy chẳng phải bởi việc làm" mà chúng ta được cứu hay được tự do khỏi tội lỗi. Đây là một lời tuyên bố rất quả quyết. Nói cách khác, Thánh Kinh muốn bày tỏ rõ ràng rằng việc làm của chúng ta không thể giúp chúng ta thoát khỏi tội lỗi của chúng ta được. Chúng ta không thể làm gì để đến trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời và được thánh hóa. Việc làm của chúng ta không đủ sức thực hiện điều đó . Đây không phải là câu duy nhất của Thánh Kinh chép về điều nầy. Xin mời quí vị mở ra với tôi một vài chỗ khác.

Trong Rô-ma đoạn 3, "Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời; vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi" (Rô-ma 3:19-20). Chúng ta thấy sứ đồ Phao-lô chép rất rõ trong Rô-ma đoạn 3 rằng chúng ta không thể được xưng công bình bởi vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Thay vào đó như chúng ta học Kinh Thánh Chúa Nhật nầy đến Chúa Nhật khác, chúng ta phải đứng trước một thực tế rằng chúng ta đều phạm tội trước mặt Đức Chúa Trời. Luật pháp của Đức Chúa Trời chép rất rõ ràng rằng mỗi chúng ta đều có tội, không ai trong chúng ta được cứu bởi làm theo luật pháp. Nếu chúng ta thật sự xét mình theo nền tảng của luật pháp của Đức Chúa Trời thì không ai trong chúng ta dám nói là mình giữ luật pháp đó một cách hoàn hảo. Sự giữ luật pháp một cách hoàn hảo là điều bắt buộc nơi chúng ta nếu chúng ta muốn được cứu bằng cách vâng giữ theo luật pháp.

Cũng xin xem trong câu 28 của đoạn 3, "Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp", tiếp theo trong đoạn 4, "Vậy, chúng ta sẽ nói Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, theo xác thịt đã được ích gì? Thật thế nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy. Vì Thánh Kinh dạy chi? Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người. Vả, đối với kẻ nào làm việc, thì tiền công không kể là ơn, nhưng kể như là nợ" (Rô-ma 4:1-4). Quí vị thấy không, nếu chúng ta cố gắng bởi cộng việc làm của mình thay vì đến cùng Đức Chúa Trời thì trong Rô-ma đoạn 4 chép rằng chúng ta xem sự cứu rỗi chỉ là sự trả nợ cho chúng ta. Trong Ê-sai 64:6 chép rất rõ rằng ngay cả sự công bình của chúng ta, ngay cả công việc chúng ta làm để phục vụ Đức Chúa Trời cũng bị vấy bẩn, ô uế như áo nhớp. Nếu công việc hầu việc Đức Chúa Trời của chúng ta giúp chúng ta có được sự cứu rỗi thì việc làm đó đòi hỏi phải hoàn hảo. Nếu thế, không ai trong chúng ta, không ai trong quí vị có thể đạt đến yêu cầu đó. Không ai trong quí vị có thể vâng phục Đức Chúa Trời một cách hoàn toàn để kiếm được sự cứu rỗi cho mình.

Cả sách Ga-la-ti chép về sai lầm của người Ga-la-ti nghĩ rằng họ có thể được cứu bởi làm theo luật pháp. Trong Ga-la-ti 2:19 chép lại lần nữa, "Vả, bởi luật pháp, tôi đã chết cho luật pháp, để sống cho Đức Chúa Trời." Quí vị thấy không? Luật pháp đem đến sự phán xét nhưng Chúa Cứu Thế là Đấng đem đến sự cứu rỗi. Chúng ta không thể làm gì để có được sự cứu rỗi. Mỉa mai thay, đây là vấn đề dẫn đến sự tranh luận lớn trong suốt các thời đại của hội thánh. Có nhiều người có quan điểm ngược lại, bao gồm những người theo dị giáo Pelagius, đã cải vả chống lại Augustin trong hội thánh thời xưa. Họ dạy rằng chúng ta có thể làm gì đó để có được sự cứu rỗi, rằng chúng ta cần có ân điển để được tha thứ những tội trước kia nhưng sau khi đã tin nhận Chúa Cứu Thế Giêxu, tin nhận Đức Chúa Trời rồi thì việc làm của chúng ta có thể được hoàn hảo. Rằng chúng ta có thể sống một đời sống tốt trước mặt Đức Chúa Trời rồi Ngài sẽ chấp nhận nó như là một sự đền trả. Khái niệm sai lầm như vậy rõ ràng là chống lại những sự dạy dỗ trong Thánh Kinh.

Ê-phê-sô đoạn 2 câu 9 không chấp nhận cái nhìn như vậy. Chúng ta được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin, không phải tự chúng ta mà là sự ban cho của Đức Chúa Trời, "Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu". Pelagius xứng đáng bị lên án trong thời hội thánh đầu tiên vì sự dạy dỗ sai như vậy. 1Giăng 1 chép rằng, "Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta". Chúng ta là tội nhân, việc làm của chúng ta không đủ để cho chúng ta được cứu. Nhưng sau những sách viết của Pelagius thì có những người được biết đến là nửa Pelagius (Semi-Pelagius). Khi quí vị nhìn vào bản tín lý của giáo hội Công Giáo La-mã thì quí vị phải nói rằng họ là những người tin theo Pelagius phân nửa. Điều họ muốn làm là muốn có một sự phối hợp giữa hai phương diện, đó là chúng ta cần ân điển của Đức Chúa Trời và đồng thời cũng cần việc làm của chúng ta. Giáo hội Công giáo La-mã thường phối hợp hai điều nầy rằng chúng ta có thể góp phần vào sự cứu rỗi của chúng ta bằng việc làm rồi cộng thêm việc làm của Chúa Cứu Thế. Họ nhìn nhận rằng việc làm của chúng ta thôi không đủ cho nên chúng ta cần thêm điều gì đó nhưng chắc hẳn là việc làm của chúng ta có góp phần vào sự cứu rỗi của chúng ta!

Chúng ta thường nói rằng giáo lý của Giáo hội Công Giáo La-mã là sai lầm, không nhất quán trong vấn đề xưng công bình, sự hòa thuận lại với Đức Chúa Trời và sự nên thánh. Họ làm lẫn lộn hai điều nầy với nhau. Điều họ dạy giống như là chúng ta có một chiếc ly, chúng ta góp phần đổ nước vào và có thể không làm đầy tới miệng ly được nhưng Chúa Cứu Thế sẽ làm đầy phần còn lại. Bằng cách như vậy chúng ta sẽ có được tất cả ân điển mà chúng ta cần nhưng việc làm của chúng ta có góp phần vào điều đó. Thực tế như Giáo hội Công giáo La-mã dạy rằng nếu quí vị thực sự là một vị thánh theo cái nhìn của họ thì quí vị có thể làm những việc khác gọi là vượt quá trách nhiệm, quí vị có thể làm những việc xa hơn bổn phận của quí vị đến nỗi quí vị có nhiều hơn điều mà quí vị cần. Một lần nữa ý kiến như vậy là ngược lại với lời của Đức Chúa Trời. Việc làm của chúng ta và việc làm của Chúa Cứu Thế không góp phần vào sự cứu rỗi của chúng ta được. Chỉ có việc làm của Chúa Cứu Thế, chỉ nhờ ân điển, chỉ bởi đức tin mà chúng ta được cứu. Việc làm của chúng ta không có góp một phần gì cả trong việc chúng ta được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. "Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu", Ê-phê-sô 2:9 chép "hầu cho không ai khoe mình".

Một quan điểm kết hợp việc làm và ân điển được biết đến nữa là Arminianism. Chúng ta rất cần hiểu rõ rằng Arminianism thì không giống như Capotalism. Người tin theo Arminius tin vào ân điển của Chúa Cứu Thế và ân điển của Chúa Cứu Thế thì có thể ban sự cứu rỗi. Trong quan điểm của người tin theo Arminius chỉ có một chữ, duy nhất chỉ có một chữ đòi hỏi nơi người tin Chúa để nhận được ân điển của Chúa Cứu Thế. Chữ đó là "đức tin" của chúng ta. Chúng ta thấy không, như vậy thì ân điển của Đức Chúa Trời bất lực cho đến khi chúng ta vươn tay mình ra đến với Đức Chúa Trời và tin nhận nơi Ngài. Như vậy, đức tin thực tế trở thành việc làm. Đức Chúa Trời không thể nào ban ân điển cho đến khi chúng ta trước hết đưa tay mình ra đến với Đức Chúa Trời để được cứu.

Chúng ta đã nói đến điều nầy trong tuần rồi khi chúng ta học trong Ê-phê-sô 2:8 rằng ngay cả đức tin cũng không phải là đức tin của chúng ta. Đức tin không phải là một việc mà chúng ta phải làm để được cứu. Theo quan điểm của Kinh Thánh, và tôi tin rằng đó cũng là cái nhìn của Giáo hội Cải Chánh thì Đức Chúa Trời ban ân điển qua Chúa Cứu Thế Giêxu. Việc làm của chúng ta không góp phần chút gì vào sự chúng ta được cứu. Việc làm của chúng ta chỉ là kết quả của tấm lòng được thay đổi. Tuần tới khi chúng ta học trong câu 10 thì chúng ta sẽ xem xét một cách kỷ lưỡng hơn về chức năng của việc làm theo quan điểm của Kinh Thánh nhưng quan điểm của giáo lý Cải Chánh thì việc làm của chúng ta không góp phần gì vào sự xưng nghĩa của chúng ta. Chúng ta được xưng công bình qua Chúa Cứu Thế chớ không phải bởi việc làm của chúng ta. Quan điểm của Thánh Kinh loại trừ sự khoe khoang của con người. Chúng ta không có gì để khoe khoang khi chúng ta nhận biết rằng sự cứu rỗi của chúng ta hoàn toàn đến từ Đức Chúa Trời.

Tôi muốn quí vị xem với tôi một số câu Kinh Thánh tóm tắt điều nầy. "Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Đã bị trừ bỏ rồi. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin" (Rô-ma 3:27), "Thật thế nếu Áp-ra-ham đã được xưng công bình bởi việc làm, thì có cớ khoe mình; nhưng trước mặt Đức Chúa Trời không có như vậy" (Rô-ma 4:2). Sự khoe khoang bị loại trừ khi chúng ta thấy được rằng mối liên hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời là điều được ban cho chúng ta bởi ân điển Ngài. Thay vào đó có sự thay đổi trong sự khoe đó bởi vì chúng ta không phải khoe về chính mình nữa mà về Đức Chúa Trời. Rô-ma 5:2, "Là Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững; và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời." Đức Chúa Trời là Đấng nhận sự vinh hiển về sự cứu rỗi của chúng ta, 1Cô-rinh-tô 1:31, "hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa", cuối cùng trong Ga-la-ti 6:13, "Vì chính những kẻ đó đã chịu cắt bì, không vâng giữ luật pháp đâu, nhưng họ muốn anh em chịu cắt bì, hầu để khoe mình trong phần xác của anh em. Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!"

Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta đang khoe mình về điều gì? Chúng ta có công trạng gì trong sự cứu rỗi của chúng ta không? Thưa không, sự khoe mình của chúng ta là khoe mình trong Chúa Cứu Thế. Chúng ta khoe về Đức Chúa Trời bởi vì ngay cả đức tin, đời sống, việc làm của chúng ta, tất cả đều được ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời. Giáo hội Công giáo La mã có quyền khoe khoang nếu quí vị tin vào giáo lý ân điển của họ. Họ nghĩ sự khoe khoang của họ là đúng vì họ đã làm đầy "ly nước", họ đã làm những công việc Đức Chúa Trời đòi hỏi vì vậy tự họ làm cho Đức Chúa Trời vui lòng. Cũng giống như vậy, người tin theo Arminian cũng có thể khoe khoang, họ có thể nói với người hàng xóm của họ rằng tôi khôn ngoan hơn bạn, tôi khôn hơn bạn bởi vì tôi đã đi đến một quyết định và một sự lựa chọn rằng tôi cần Đức Chúa Trời. Bởi vì tôi đạt đến sự nhận biết như vậy cho nên tôi khôn ngoan hơn bạn. Quí vị thấy không? Thái độ khoe khoang như thế làm lu mờ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh chép rất rõ về vấn đề nầy vì Chúa muốn cho quí vị biết rằng sự cứu rỗi không phải bởi quí vị nhưng là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đáng nhận lãnh hết thảy sự vinh hiển. Chúng ta phải ngợi khen Ngài.

Một số người chống lại giáo lý về việc làm như tôi mới vừa tóm tắt, họ mở ra trong Gia-cơ đoạn 2 và nói rằng được cứu chỉ bởi ân điển mà không có việc làm thì mâu thuẫn. "Hoặc có kẻ nói: Ngươi có đức tin, còn ta có việc làm. Hãy chỉ cho ta đức tin của ngươi không có việc làm, rồi ta sẽ chỉ cho ngươi đức tin bởi việc làm của ta. Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ. Nhưng, hỡi người vô tri kia, ngươi muốn biết chắc rằng đức tin không có việc làm là vô ích chăng? Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, khi dâng con mình là Y-sác trên bàn thờ, há chẳng từng cậy việc làm được xưng công bình hay sao? Thế thì, ngươi thấy đức tin đồng công với việc làm, và nhờ việc làm mà đức tin được trọn vẹn. Vậy được ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công bình cho người; và người được gọi là bạn Đức Chúa Trời, nhơn đó anh em biết người ta cậy việc làm được xưng công bình, chớ chẳng những là cậy đức tin mà thôi" (Gia-cơ 2:18-24). Dường như tại đây xuất hiện một câu hỏi rất lý tưởng cho chúng ta. Nếu chúng ta tin rằng chúng ta được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin chớ không phải bởi việc làm thì làm sao chúng ta trả lời được câu hỏi nầy: Chúng ta được xưng công bình bởi đức tin và việc làm, có phải điều đó được dạy ở đây không? Tôi cho rằng phần Kinh Thánh nầy rõ ràng là loại trừ điều đó.

Có một số người cho rằng Gia-cơ mâu thuẫn với Phao-lô ở đây, một số người thắc mắc không biết Gia-cơ có phải là một phần trong Thánh Kinh không vì dường như có sự mâu thuẫn. Nhưng nếu quí vị học phân đoạn Kinh Thánh nầy một cách kỹ lưỡng hơn thì sẽ thấy rằng không có gì mâu thuẫn cả. Đức tin bày tỏ ra trong việc làm. Vấn đề được đề cập ở đây là việc làm trở nên bằng chứng của đức tin thật. Nếu Đức Chúa Trời thật sự hành động trong chúng ta thì chúng ta sẽ vâng theo Ngài và điều đó sẽ được nhìn thấy dưới mắt của người ta.

Tôi muốn trình bày điều nầy rõ ràng hơn cho chúng ta hiểu rõ. Khi Phao-lô dạy rằng sự xưng công bình chỉ bởi đức tin chớ không phải bởi việc làm, ông nói đến sự xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Điều nầy nói đến thế nào chúng ta được làm nên hòa thuận cùng Đức Chúa Trời thánh khiết và công bình. Ông nhấn mạnh rằng chúng ta được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết không phải bởi việc làm của chúng ta mà bởi công việc được làm trọn bởi Chúa Cứu Thế. Không có cách nào khác hơn, việc làm của chúng ta không bao giờ đạt đến tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời đòi hỏi. Tuy nhiên, khi quí vị đọc đến thư tín Gia-cơ thì quí vị sẽ thấy một vấn đề khác được đề cập đến. Gia-cơ không nói đến sự xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu quí vị xem phần Kinh Thánh nầy ngay từ đầu đoạn 2 thì thấy nó nói đến minh chứng của đức tin người ta trước con người. Phần Kinh Thánh nầy rất rõ ràng dạy rằng chúng ta không nên tây vị.

Nếu quí vị xem bắt đầu từ câu 18 và những câu tiếp theo thì sẽ thấy tại đây đề cập đến vấn đề người khác đang quan sát quí vị. Ở đây hoàn toàn không nói đến việc xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Điều Gia-cơ viết là đức tin của chúng ta tỏ ra cho người khác thấy được là bởi việc làm của chúng ta. Nếu người khác nhìn chúng ta và thắc mắc chúng ta có phải là người tin Chúa hay không thì họ sẽ nhìn vào bằng chứng. Đức tin của chúng ta được minh chứng bởi những gì chúng ta làm và họ thấy được bằng chứng và kết quả của đức tin thật. Việc làm không thể nào khiến chúng ta hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời hay xưng công bình cho chúng ta, nhưng việc làm tỏ ra rằng chúng ta thật sự thuộc về Đức Chúa Trời nếu chúng ta cho rằng chúng ta thuộc về Chúa. Nếu chúng ta cho rằng mình có đức tin mà việc làm của chúng ta đi ngược lại thì chúng ta không thành thật và đức tin của chúng ta chỉ là đức tin chết, không thật. Việc làm của chúng ta không thể khiến chúng ta được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Gia-cơ chép về đức tin của chúng ta được xưng công bình trước mặt con người. Phao-lô nói về sự xưng công bình cao hơn nhiều, đó là được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời Chí Cao.

Một ý kiến phản đối nữa là nếu chúng ta không được cứu bởi việc làm thì tại sao chúng ta không cứ bỏ mặc đừng làm gì hết. Thánh Kinh cũng rất rõ ràng trong vấn đề nầy. Trong Rô-ma đoạn 6 có nói đến vấn đề nầy sau khi sứ đồ Phao-lô được Đức Chúa Trời cảm ứng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng không phải bởi việc làm của chúng ta, không phải bởi sự vâng theo luật pháp mà chúng ta được cứu. Rồi ông tự hỏi mình câu hỏi trong đoạn 6, "Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi, hầu cho ân điển được dư dật chăng? Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết về tội lỗi, lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?" Lời lẽ tại đây thể hiện một sự nhấn mạnh đặc biệt. Việc được xưng công bình bởi ân điển không cấp cho chúng ta giấy phép để không vâng phục Chúa mà đi theo đường lối riêng của mình.

Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta là người tin Chúa thật thì việc làm chỉ là kết quả của một tấm lòng được thay đổi và đó là điều được nói đến trong Rô-ma đoạn 6. Nếu chúng ta thật sự được cứu thì chúng ta đã chết đối với tội lỗi, tội lỗi không còn ở trong chúng ta nữa và con người mới được Chúa Cứu Thế ban cho trong chúng ta sẽ cố gắng vâng phục và làm theo ý muốn của Ngài. Không phải bởi việc làm của chúng ta có thể cứu chúng ta mà việc làm của chúng ta là sự đáp ứng lại công việc của Đức Chúa Trời. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta không được thúc giục phải làm lành để mua được sự cứu rỗi, thay vào đó chúng ta được thúc giục bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời là Đấng ngự trong chúng ta.

Vậy hàm ý của giáo lý nầy là gì? Tôi tin rằng chúng ta rất cần hiểu rằng đây không phải là một lẽ đạo thần học không đáng cho chúng ta trân trọng, không có gì quan trọng, muốn tin cũng được hay không tin cũng được. Không, nó có ảnh hưởng rất lớn trên chúng ta. Nếu chúng ta cho rằng chúng ta được cứu bởi bất cứ một sự đóng góp nào của chúng ta thì trước nhất chúng ta có quyền để khoe khoang ít nhất một chút nào đó về con người chúng ta. Nhưng Thánh Kinh cấm chúng ta khoe khoang về chính mình, sự khoe mình của chúng ta là trong Chúa Cứu Thế, là Đấng ban cho chúng ta sự cứu rỗi. Nếu quí vị hiểu được rằng Tin lành của ân điển là chỉ bởi ân điển ban cho quí vị thì làm sao quí vị có thể không đáp lại công việc của Chúa Cứu Thế bằng sự yêu mến và vâng phục Ngài cũng như tôn vinh hiển lên Đức Chúa Trời là Đấng ban sự cứu rỗi cho chúng ta? Đây chắc cũng là điều được nói đến trong Khải huyền. Nếu quí vị xem trong Khải huyền thì sẽ đọc thấy đám đông tụ lại xung quanh ngôi của Đức Chúa Trời vì nhận biết rằng họ được ở đó là nhờ Chúa Cứu Thế Giêxu. Họ không hát để ngợi khen chính họ nhưng để ngợi khen công việc đã hoàn tất của Chúa Cứu Thế hầu họ được bước vào nơi đó. Đức Chúa Trời nhận lãnh hết thảy mọi sự vinh hiển. Không gì có thể làm lu mờ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bất cứ quan điểm nào khác với cái nhìn của Thánh Kinh đều cướp đi vinh hiển của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi của chúng ta.

Điều thứ hai tôi tưởng rằng nếu chúng ta tin rằng chúng ta được cứu không phải bởi việc làm của chúng ta mà là bởi công việc đã làm trọn bởi Chúa Cứu Thế thì nó cất đi khỏi chúng ta sự nghi ngờ bởi chúng ta cứ nhìn xem thập tự giá. Việc làm của Chúa Cứu Thế đã được hoàn tất. Nếu chúng ta đặt lòng tin vào công việc của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá và việc làm của chúng ta là để đáp lại công việc đó chớ không góp phần gì vào sự cứu rỗi của chúng ta thì chúng ta sẽ yên nghỉ bằng một lòng tin tưởng bảo đảm rằng dù chúng ta có làm tốt hay xấu trong những ngày nào đó thì chúng ta cũng được cứu bởi ân điển của Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúng ta đến với Chúa Cứu Thế nhìn xem thập tự giá Ngài.

Nhiều khi người ta nhìn vào con người mình và thấy rằng hôm nay họ được vô thiên đàng rồi ngày kế tiếp thì không được và cứ thế. Quí vị thấy không, làm như vậy là tự lừa dối. Không ai có thể tin cậy vào việc làm của chính mình để được cứu mà phải tin cậy vào công việc đã làm trọn của Chúa Cứu Thế và việc đó đã được hoàn tất. Người ta không tự dối mình khi biết rằng mình không được cứu bởi việc làm của mình. Bởi vì nếu quí vị tin rằng quí vị được cứu bởi việc làm của quí vị hay sự góp phần nào đó của quí vị thì quí vị sẽ lên mình kiêu ngạo, quí vị sẽ tin rằng bằng cách nào đó quí vị tốt hơn con người thật của quí vị. Quí vị cần hiểu rằng ngay cả việc làm tốt nhất của quí vị cũng thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Nhiều lần chúng ta bắt đầu nghĩ rằng chúng ta gần gũi Đức Chúa Trời và làm nhiều điều đẹp lòng Ngài nhưng thật ra chúng ta đang coi thường sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và những đòi hỏi của luật pháp. Chúng ta không nên tự lừa bằng suy nghĩ rằng chúng ta đã tự mình gần đạt đến sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Ấy là bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà chúng ta được cứu. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần quan tâm gì đến việc mình làm và cứ sống một đời sống vô nghĩa. Rõ ràng là không phải thế. Tuần tới khi xem tiếp trong Ê-phê-sô đoạn 2 thì quí vị sẽ thấy rằng việc làm có một vị trí trong đời sống của người tin Chúa, nhưng vị trí của nó không phải là để xưng công bình hay khiến cho quí vị được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con cám ơn Ngài về sự thực rằng sự cứu rỗi là sự ban cho nhưng không của Đức Chúa Trời, ấy là nhờ ân điển chớ không phải bởi chúng con, cũng không phải bởi việc làm của chúng con. Chúa ôi, khi nhìn vào tấm lòng mình và xét mình theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh thì chúng con biết rằng chúng con thiếu hụt rất xa với sự vinh hiển của Ngài. Trí chúng con rất dễ bị cám dỗ, lòng chúng con cứ nhìn sang bên nầy bên kia.

Chúa ôi, chúng con cần ân điển của Ngài, chúng con cần sự tha thứ của Ngài, chúng con cần sự thương xót của Ngài, ngay cả chúng con cần được Ngài mở mắt để thấy được lẽ thật trong Lời Chúa. Chúa ôi, xin đừng để chúng con tự khoe mình, nhưng chúng con sẽ khoe mình trong Tin lành của Chúa Cứu Thế và sự hi vọng mà chúng con có trong Ngài rằng tội lỗi của chúng con đã được tha thứ, những việc làm tội lỗi của chúng con đã bị đóng đinh vào thập tự giá, và công việc của Chúa Cứu Thế, sự công bình của Ngài, đã được đổ trên chúng con. Chúng con cám ơn Ngài về lẽ thật cao cả và vinh hiển đó. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)