Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Sự Mầu Nhiệm Được Tỏ Ra - 5/2001  


SỰ MẦU NHIỆM ĐƯỢC TỎ RA
(Ê-phê-sô 1:8-9)

Tháng Năm 2002

Kính thưa Hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi xem Ê-phê-sô 1:3-14, như chúng ta đã nhắc đến, câu 3 đến câu 14 nầy trong tiếng Hi-lạp là một câu dài. Khi đọc những câu đặc biệt nầy chúng ta thấy mỗi câu giống như một nấc thang. Mỗi nấc thang dắt chúng ta leo lên cao hơn để chúng ta có thể thấy toàn bộ kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời mà trong đó Ngài đã chọn chúng ta và khiến chúng ta trở thành dân của Ngài. Tôi nghĩ khi lên đến đỉnh chúng ta sẽ càng cảm kích hơn sự tuyệt vời của kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời mà chúng ta được thừa hưởng trong Chúa Cứu Thế Giêxu. Khi đọc câu 3 đến 14, chúng ta thấy những câu kế tiếp câu 3 như tuôn chảy ra từ câu nầy. Câu 3 bắt đầu, "Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời." Những câu kế tiếp giải thích và trình bày chi tiết hơn về câu 3 về ý nghĩa của phước thiêng liêng ở các nơi trên trời trong Đấng Christ.

Chúng ta đã xem qua vài thứ phước trong những thứ phước nầy. Trước hết nó bắt đầu từ sự lựa chọn và định sẵn của chúng ta, tức là Đức Chúa Trời bởi quyền tối cao của Ngài đã lựa chọn những người để thuộc về Ngài. Tình yêu thương Ngài đã lựa chọn họ. Chúng ta đã thấy thầm quyền tối thượng của Đức Chúa Trời trong sự cứu rỗi của chúng ta thật sự là một phước hạnh cho hội thánh. Chúng ta đã thấy thế nào bởi sự lựa chọn nầy chúng ta được nhận làm con nuôi, nhận chúng ta vào trong gia đình của Đức Chúa Trời nhờ đó chúng ta được làm con Đức Chúa Trời và là những người được ban cho lời hứa thừa hưởng cơ nghiệp. Chúng ta cũng đã thấy phước hạnh thuộc linh mà chúng ta nhận được qua Chúa Cứu Thế, như sự chuộc tội bởi huyết Ngài, sự tha thứ tội lỗi.

Tất cả chúng ta là những tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời, cần một Đấng Cứu Chuộc để nhờ đó tội lỗi chúng ta được tha thứ. Nếu chúng ta cứ ở bên ngoài Chúa Giê-xu mà ra mắt Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ phải chịu xét đoán. Nhưng nếu chúng ta ở trong Chúa Cứu Thế thì Ngài đã chịu sự xét đoán thay cho chúng ta. Ngài đã chết thế cho chúng ta. Tôi tin rằng ân điển được giải thích chi tiết hơn trong câu 8 và 9. Câu 8 và 9 trình bày cho chúng ta sự giãi bày kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời hay sự mầu nhiệm trong ý chỉ của Ngài. Chúng ta được ban cho để hiểu biết sự mầu nhiệm đó. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta khả năng để hiểu đưọc sự mầu nhiệm đang được hé mở trong Tin lành của Cứu Chúa Giê-xu.

Hôm nay chúng ta sẽ suy nghĩ ba vấn đề. Thứ nhất, chúng ta sẽ cùng suy nghĩ về ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự khôn ngoan và thông sáng để hiểu được Tin lành. Thứ nhì, bởi ân điển mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta biết được sự mầu nhiệm ấy, chúng ta sẽ cùng xem sự mầu nhiệm ấy bao gồm những điều gì. Thứ ba, chúng ta sẽ suy nghĩ đến ân điển của Đức Chúa Trời phát nguyên từ trong ý chỉ tối cao của Ngài. Trước hết chúng ta hãy cùng suy nghĩ về ân điển của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự khôn ngoan thông sáng. Nếu quí vị xem câu 8 sẽ thấy câu nầy bắt nguồn từ câu 7. "Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng, khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhơn từ Ngài." Điều nầy có nghĩa gì? Có vài cách giải thích khác nhau cho câu 8.

Nếu xem trong nguyên văn Hi-lạp, quí vị có thể đồng ý với cả hai cách giải thích sau. Nhưng tôi nghĩ ý của đoạn văn nầy sẽ cho phép chúng ta kết luận xem chúng ta phải hiểu câu nầy như thế nào cho đúng. Cách thứ nhất quí vị có thể hiểu sự khôn ngoan đó là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Sự thông sáng của Đức Chúa Trời khiến chúng ta hiểu được sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài. Cho nên sự khôn ngoan ở đây có thể hiểu là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong kế hoạch cứu chuộc của Ngài, trong đó Ngài tỏ cho chúng ta sự mầu nhiệm về Chúa Cứu Thế, tức là sự mầu nhiệm của Tin lành. Đó là một cách giải thích mà một số người ủng hộ. Chúng ta tin chắc chắn rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời là khôn ngoan. Khi tra xem trong Thánh Kinh, chúng ta thấy bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời đã định từ trước khi sáng thế mà chúng ta được cứu. Chắc chắn chúng ta không phủ nhận điều đó. Nhưng tôi nghĩ có một cách giải thích khác phù hợp hơn, ấy là Đức Chúa Trời là Đấng ban cho chúng ta sự khôn ngoan và sự khôn ngoan đó đến từ ân điển của Ngài.

Nói cách khác, theo sự dư dật của ân điển Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta dư dật sự khôn ngoan thông sáng. Chúng ta cần sự khôn ngoan thông sáng đó để hiểu được sự mầu nhiệm Ngài. Vì vậy, chúng ta không phủ nhận cách giải thích thứ nhất rằng kế hoạch của Đức Chúa Trời là khôn ngoan. Nhưng tôi tin rằng cách giải thích thứ hai cho phép chúng ta nhìn thấy vấn đề đang được đề cập đến trong khúc Kinh thánh nầy. Tôi nghĩ chúng ta có vài lý do để ủng hộ ý kiến đó. Xin mở ra với tôi trong Cô-lô-se 1. Nếu quí vị đọc qua sách Cô-lô-se và Ê-phê-sô, quý vị sẽ thấy một số vấn đề tương tự với nhau. Vì vậy tôi nghĩ Cô-lô-se là một sách tốt giải thích cho sách Ê-phê-sô. Cô-lô-se 1:9, "Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa, hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa."

Xin mở thêm ra trong Cô-lô-se 2:1-3, "Vả, tôi muốn anh em biết dường nào tôi hết sức chiến tranh cho anh em, cho những người ở Lao-đi-xê, và cho những kẻ không thấy mặt tôi về phần xác, hầu cho lòng những kẻ ấy được yên ủi, và lấy sự yêu thương mà liên hiệp, đặng có nhiều sự thông biết đầy dẫy chắc chắn, đến nỗi có thể hiểu sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, tức là Đấng Christ, mà trong Ngài đã giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng." Cô-lô-se 2:3 đặc biệt liên hệ chặt chẽ với vấn đề được nói đến trong Ê-phê-sô đoạn 1. Câu 3 nói về sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, mà Phao-lo, được Đức Chúa Trời hà hơi, đề cập đến: được giấu kín mọi sự quí báu về khôn ngoan thông sáng. Để hiểu biết sự mầu nhiệm nầy chúng ta cần sự khôn ngoan thông sáng đến từ trên cao. Tôi nghĩ ngay trong sách Ê-phê-sô ý nầy cũng được bàn sâu xa hơn.

Xin mở ra trong Ê-phê-sô 1:17-18, "Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao." Một lần nữa, tại đây sự khôn ngoan và sự thông biết là cần thiết và nó đến từ Đức Chúa Trời hầu cho chúng ta có thể hiểu được sứ điệp của Tin lành.

Cuối cùng, xin quí vị mở ra với tôi trong 1Cô-rinh-tô 2. 1Cô-rinh-tô đoạn 2 bày tỏ cho chúng ta biết sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời. Nếu muốn hiểu được sự mầu nhiệm được tỏ ra, chúng ta phải tra xem Kinh Thánh trong sự soi sáng của Thánh Linh và với sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời. "Dầu vậy, chúng tôi giảng sự khôn ngoan cho những kẻ trọn vẹn, song chẳng phải sự khôn ngoan thuộc về đời nầy, cũng không phải của các người cai quản đời nầy, là kẻ sẽ bị hư mất. Chúng tôi giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là sự mầu nhiệm kín giấu, mà từ trước các đời, Đức Chúa Trời đã định sẵn cho sự vinh hiển chúng ta. Trong những người cai quản đời nầy chẳng ai từng biết sự đó; bởi chưng, nếu đã biết thì họ chẳng đóng đinh Chúa vinh hiển trên cây thập tự đâu. Song le, như có chép rằng: Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài. Đức Chúa Trời đã dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta, vì Đức Thánh Linh dò xét mọi sự, cả đến sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời nữa. Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời. Về phần chúng ta, chúng ta chẳng nhận lấy thần thế gian, nhưng đã nhận lấy Thánh Linh từ Đức Chúa Trời đến, hầu cho được hiểu biết những ơn mà chúng ta nhận lãnh bởi Đức Chúa Trời; chúng ta nói về ơn đó, không cậy lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song cậy sự khôn ngoan mà Đức Thánh Linh đã dạy, dùng tiếng thiêng liêng để giải bày sự thiêng liêng" (1 Cô-rinh-tô 2:6-13).

Quí vị thấy không? Khi xem 1Cô-rinh-tô đoạn 2 chúng ta hiểu rằng chúng ta cần phải có sự khôn ngoan để hiểu được sứ điệp Tin lành và sự mầu nhiệm của ý muốn Đức Chúa Trời. Và sự khôn ngoan đó phải đến từ Đức Chúa Trời. Rồi chúng ta thấy câu 8 nói rộng ra về ân điển của Đức Chúa Trời. Ấy là bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà chúng ta được ban cho sự khôn ngoan thông sáng hầu cho chúng ta hiểu được sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài. Ai ở bên ngoài sự khôn ngoan Đức Chúa Trời ban cho là còn ở trong sự tối tăm, mù lòa. Tôi thấy điều này thật chính xác khi tôi đọc những bài chú giải Kinh Thánh. Người ta tưởng rằng với sự khôn ngoan của thế gian nầy người ta có thể hiểu được những câu chữ trong Kinh Thánh. Người ta có thể giải thích một cách chi tiết ý nghĩa những chữ đó. Nhưng khi vật lộn với câu hỏi liệu khúc Kinh Thánh đó nói gì về Tin Lành thì nhiều bài chú giải này không biết phải nói gì vì họ không có sự khôn ngoan từ nơi Đức Chúa Trời. Họ không được ban cho sự khôn ngoan hầu có thể hiểu được lẽ thật và sự hài hòa của cả Kinh Thánh. Sự khôn ngoan đó phải đến từ Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta muốn hiểu được Lời Chúa, chúng ta phải được mở mắt và chính Đức Chúa Trời phải thi hành điều đó trên chúng ta.

Vì vậy, một lần nữa, cũng bởi ân điển của Đức Chúa Trời, bởi ân điển tối cao của Ngài mà Ngài đã chọn dân sự Ngài hầu cho họ hiểu được sự khôn ngoan thiêng liêng. Sự mầu nhiệm được tỏ ra cho chúng ta thật tuyệt vời! Vì vậy, quí vị thấy sự khôn ngoan thông sáng phải đến từ Đức Chúa Trời và là công việc của ân điển Ngài. Chúng ta được Ngài ban cho cách nhưng không theo sự dư dật của ân điển Ngài. Thứ hai, chúng ta hãy xem xét toàn bộ sự mầu nhiệm được bày tỏ ra trong khúc Kinh thánh nầy. Câu 9, "Khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài..." Thật ra sự mầu nhiệm mà Phao-lô nói đến ở đây là gì? Khi nói đến sự mầu nhiệm chúng ta nghĩ ngay đến điều gì đó được giấu kín, không dễ hiểu, điều mà chúng ta phải đào bới sâu vào trong mới hiểu được. Tôi nghĩ khi nói đến chữ "mầu nhiệm" ở đây chúng ta nói đến sự mầu nhiệm của Tin lành, về thế nào kế hoạch cứu chuộc nầy được bắt đầu từ ban đầu và được hé mở ra đến kỳ nó được ứng nghiệm trong sự ra đời của Chúa Cứu Thế Giêxu.

Khi một tín hữu thời Cựu ước đọc Cựu Ước sẽ nhìn thấy Tin lành là một sự mầu nhiệm. Chúng ta có đặc quyền của người sống trong thời Tân ước khi nhìn lại công việc mà Chúa Cứu Thế đã làm trọn. Nhưng đối với hội thánh thời Cựu ước thì họ chăm chú mong đợi một cách hăm hở cái ngày mà lời hứa của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm. Họ vẫn chờ đợi sự mầu nhiệm được tỏ ra và thế nào Đức Chúa Trời, bởi quyền tối thượng của Ngài đã làm ứng nghiệm lời hứa của Thánh Kinh. Sự mầu nhiệm phải liên quan đến sự cứu rỗi và liên quan đến Tin lành. Tôi muốn cùng quí vị xem một số câu Kinh thánh hầu cho chúng ta cùng thấy được điều nầy.

Trước tiên chúng ta thấy chữ mầu nhiệm đóng vai trò quan trọng trong chính sách Ê-phê-sô. Xin mở ra với tôi trong Ê-phê-sô 3:2-6, "Vả, anh em có nghe Đức Chúa Trời ban chức cho tôi, là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi, thể nào bởi sự tỏ ra, tôi đã hiểu biết điều mầu nhiệm mà tôi mới bày tỏ cùng anh em mấy lời. Đọc đến thì anh em có thể rõ sự hiểu biết của tôi về lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, là lẽ mầu nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Đức Thánh Linh tỏ ra cho các sứ đồ thánh và tiên tri của Ngài. Lẽ mầu nhiệm đó tức là: Dân ngoại là kẻ đồng kế tự, là các chi của đồng một thể, đều có phần chung với chúng ta về lời hứa đã nhờ Tin Lành mà lập trong Đức Chúa Jêsus Christ."

Tại đây Phao-lô nói về sự mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế, về điều mà những người trong thời Cựu ước, các thánh trước đó không hiểu được một cách trọn vẹn. Nhưng giờ đây bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời làm việc, các sứ đồ và thầy giảng của thời đó lại hiểu được. Họ hiểu sự mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế rằng Ngài đến để cứu vớt tội nhân. Họ hiểu rằng sứ điệp nầy không chỉ dành riêng cho người Giu-đa nhưng cũng cho người ngoại nữa. Phạm vi lời hứa của Đức Chúa Trời rộng lớn hơn hiểu biết của con người. Xin mở ra với tôi trong Cô-lô-se 1:26-29, "Tức là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời các kiếp, mà nay tỏ ra cho các thánh đồ Ngài. Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển. Ấy là Ngài mà chúng tôi rao giảng, lấy mọi sự khôn ngoan răn bảo mọi người, dạy dỗ mọi người, hầu cho bày tỏ mọi người trở nên trọn vẹn trong Đấng Christ ra trước mặt Đức Chúa Trời. Ấy cũng là vì đó mà tôi làm việc, nhờ Ngài giúp đỡ mà chiến đấu, là sức hành động cách có quyền trong tôi."

Chúng ta thấy đó, Tin Lành mà Phao-lô được kêu gọi rao giảng, và sự mầu nhiệm được nói đến ở đây chính là Chúa Cứu Thế ở trong anh em. Tin Lành nầy dạy rằng chúng ta sẽ được nên trọn vẹn trong Chúa Cứu Thế. Đó là sự mầu nhiệm của khải tượng chỉ về sự ra đời của Chúa Cứu Thế và giờ đây đã được ứng nghiệm hoàn toàn trong Chúa Cứu Thế Giêxu. Cũng xin xem Rô-ma 16:25-27, "Ngợi khen Đấng có quyền làm cho vững chí anh em theo Tin Lành của tôi và lời giảng Đức Chúa Jêsus Christ, theo sự tỏ ra về lẽ mầu nhiệm, là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước, mà bây giờ được bày ra, và theo lịnh Đức Chúa Trời hằng sống, bởi các sách tiên tri, bày ra cho mọi dân đều biết, đặng đem họ đến sự vâng phục của đức tin, nhơn Đức Chúa Jêsus Christ, nguyền xin vinh hiển về nơi Đức Chúa Trời khôn ngoan có một, đời đời vô cùng! A-men." Khi chúng ta xem sự mầu nhiệm được nói đến trong Ê-phê-sô đoạn 1, quí vị đã thấy sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời được tỏ ra cho chúng ta là kẻ được Đức Thánh Linh mở mắt để hiểu được sứ điệp của Tin lành.

Khi xem sự mặc khải trong Cựu ước chúng ta chỉ thấy một phần rất nhỏ của Tin lành được tỏ ra trong Sáng-thế-ký đoạn 3:15. Đức Chúa Trời sẽ sai một Đấng đến giày đạp đầu con rắn. Khi A-đam và Ê-va nghe điều đó họ chỉ có một cái nhìn rất hạn hẹp về một thực tế trọn vẹn sẽ đến. Sự mầu nhiệm của Tin lành đó bắt đầu được hé mở dần nhưng chỉ được hiểu biết trọn vẹn khi Chúa Cứu Thế đến thế gian, khi Ngài làm ứng nghiệm lời hứa trong Cựu ước, Ngài ngự vào lòng chúng ta qua Thánh Linh.

Nếu quí vị xem trong Mác 4:11 thì sẽ thấy sự mầu nhiệm nầy chỉ được tỏ ra trong Chúa Cứu Thế. "Ngài phán rằng: Sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho các ngươi; nhưng về phần người ngoài, thì dùng thí dụ để dạy mọi sự, hầu cho họ xem thì xem mà không thấy, nghe thì nghe mà không hiểu; e họ hối cải mà được tha tội chăng." Quí vị thấy không? Ở đây và trong nhiều chỗ khác nữa, Đức Chúa Trời phán rằng, sự mầu nhiệm của Tin lành chỉ được tỏ ra cho những ai mà Ngài ban cho sự khôn ngoan thông sáng. Sự mầu nhiệm của Tin Lành được tỏ ra cho những ai được ban cho Thánh Linh. Đức Chúa Trời phải là Đấng mở mắt chúng ta qua ân điển Ngài và nhờ đó chúng ta hiểu được sự mầu nhiệm. Có thể có người hiểu được sứ điệp Tin lành hoặc nói về sứ điệp đó nhưng quyền năng của Tin lành vẫn còn là một điều bí ẩn đối với họ. Tôi tin rằng chỉ những người được chọn, chỉ những ai được chính Đức Chúa Trời, qua ân điển Ngài, mở mắt, chỉ những ai ở trong Chúa Cứu Thế, thì sự mầu nhiệm, quyền năng và lẽ thật của Tin lành mới được tỏ ra cho họ.

Khi đọc trong Ê-phê-sô 1:8-9 chúng ta thấy được một khía cạnh khác của ân điển Đức Chúa Trời, ấy là việc chúng ta hiểu được sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời là bởi ân điển Ngài. Đây là điều được nói đến trong suốt sách Ê-phê-sô. Quyền tối thượng của Đức Chúa Trời để chọn một dân cho Ngài, trong đó nhấn mạnh việc Ngài mở mắt họ. Đức Chúa Trời là Đấng mở lòng, mở mắt chúng ta để chúng ta có sự khôn ngoan trong tâm linh hầu hiểu được ân điển của Đức Chúa Trời khi cần đến. Chúng ta cũng thấy được mục đích mà Đức Chúa Trời cho chúng ta hiểu được sự mầu nhiệm của ý định Ngài hay lý do của nó là "theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhơn từ Ngài."

Một lần nữa, điều nầy nhấn mạnh quyền tối thượng của Đức Chúa Trời. Ân điển được ban cho theo ý định tốt của Ngài. Không phải Đức Chúa Trời có bổn phận phải chọn chúng ta. Không phải tự chúng ta xứng đáng để được chọn. Đức Chúa Trời chọn chúng ta để bày tỏ chính Ngài cho chúng ta theo ý định của Ngài, theo ý muốn của Ngài. Tôi nghĩ chúng ta rất cần hiểu thêm rằng đó không phải là nhờ chính chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng tự chúng ta khôn ngoan hơn những dân tộc hay những người xung quanh chúng ta. Đức Chúa Trời là Đấng mở lòng chúng ta. Đức Chúa Trời xứng đáng nhận tất cả những lời ngợi khen và vinh hiển. Bởi vì theo ý tốt Ngài mà chúng ta được cứu. Cũng rất quan trọng cho chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời không có bổn phận phải cứu tất cả chúng ta. Ngài không có bổn phận phải mở mắt chúng ta nhưng Ngài làm điều nầy theo ý muốn của Ngài. Theo ý định của Ngài mà Ngài đã chọn dân sự Ngài để bày tỏ chính Ngài hầu cho chúng ta được hiểu biết.

Chúng ta thấy rằng điều nầy cho chúng ta một cớ nữa để tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời. Chúng ta biết ơn Ngài vì ý tốt mà Ngài đã chọn chúng ta. Mặt khác chúng ta phải cẩn thận không được viện cớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng chọn chúng ta, là Đấng mở mắt chúng ta nên chúng ta không có trách nhiệm tin nhận Ngài. Vấn đề không phải như thế. Khi Đức Chúa Trời gọi, chúng ta phải lắng nghe và khi chúng ta hiểu được Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu là nhờ Đức Chúa Trời đã mở trí chúng ta. Nếu quí vị không hiểu sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, hãy quì gối xuống và cầu xin Đức Chúa Trời ban cho quí vi sự hiểu biết đó. Cầu xin Thánh Linh của Đức Chúa Trời mở mắt chúng ta, ban cho chúng ta dư dật sự khôn ngoan thông sáng để rồi Ngài cho chúng ta hiểu được sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài hầu cho chúng ta hiểu được toàn bộ sự khải thị của Ngài và thế nào Ngài đã dẫn dắt chúng ta đến cùng Chúa Cứu Thế Giêxu.

Hôm nay chúng ta học Ê-phê-sô 1:8-9 và thấy rằng ngay cả sự hiểu biết của chúng ta về Tin Lành cũng là quà tặng từ Đức Chúa Trời. Ấy là sự mầu nhiệm được tỏ ra cho chúng ta. Chúng ta thấy được những phần nhỏ trong kế hoạch của Đức Chúa Trời được ghép lại vừa khít với nhau. Chúng ta thấy được toàn bộ bức tranh của sự cứu chuộc từ đầu chí cuối và thế nào mọi sự đều hướng về một mình Chúa Cứu Thế Giêxu. Khi chúng ta hiểu Cựu ước trong ánh sáng của Tân ước, chúng ta thấy được sự vĩ đại trong kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy được sự khôn ngoan mà Ngài dùng mua chuộc chúng ta. Chúng ta thấy được vẻ đẹp của tất cả những mảnh lắp ghép nhỏ hướng đến một mình Chúa Cứu Thế Giêxu. Lòng chúng ta nóng cháy giống như hai người trên đường về làng Em-ma-út để nhìn xem sự lớn lao của sự cứu rỗi mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúa ôi, chúng con thật sự biết ơn Ngài về những gì chúng con có được trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, tức là sự giàu có của ân điển Ngài. Chúng con không những phải nhờ vào một mình Chúa Cứu Thế và công việc cứu chuộc của Ngài để được cứu rỗi mà cả mắt chúng con cũng cần được mở ra để hiểu được sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài. Lạy Chúa, con cầu xin Ngài cho mỗi chúng con hiểu được sự mầu nhiệm này để chúng con hiểu được toàn bộ vẻ đẹp của sự cứu chuộc, để mỗi chúng con được lớn lên trong sự nhận biết Chúa Cứu Thế và vẻ đẹp của sự cứu rỗi chúng con. Chúa ôi, con cầu xin Chúa ban phước cho chúng con, dạy dỗ chúng con, thêm sức cho chúng con hầu cho chúng con được khích lệ mà bước đi theo ý muốn Ngài, để chúng con bước đi trong sự nhận biết về sự cứu rỗi mà chúng con có được trong Chúa Cứu Thế, để chúng con rời khỏi đây với sự bình an, vui mừng vì biết rằng sự cứu rỗi của chúng con được bảo đảm bởi ân điển của Chúa Cứu Thế Giêxu. Chúa ôi, con cũng cầu nguyện cho những ai chưa hiểu được sự mầu nhiệm của Tin lành hầu Ngài mở măt họ để họ nhìn thấy được ân điển của Đức Chúa Trời. Con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)