Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Ăn ở Cách Xứng Đáng - 12/2002  


ĂN Ở CÁCH XỨNG ĐÁNG
(Êphêsô 4:1)

Tháng Mười Hai 2002

"Vậy tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em."

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu của Cứu Chúa Giêxu Christ, trong phạm vi của hội thánh xuyên suốt lịch sử của giáo hội vẫn luôn có một số người cho rằng có một mối căng thẳng giữa những người đặt nặng về giáo lý và những người đặt nặng về sống đạo. Trong suốt lịch sử hội thánh đã có những người xem thường sự quan trọng của giáo lý vì quá chú trọng đến tri thức của con người mà thôi, điều đó dẫn đến sự lên án cho rằng tôn giáo đối với những người chú trọng đến giáo lý chỉ là vấn đề của lý trí mà không phải là của tấm lòng.

Trong chúng ta có mấy ai chưa từng tận tai nghe người khác lên án những người thuộc các giáo hội Cải Cách rằng Tin Lành của chúng ta chỉ đặt nền tảng trên giáo lý chớ không phải thực hành. Đó là phản ứng của những người thuộc phái Kiến Thành (Pietist) của những năm 1700,c 1800 đáp lại những học giả thuộc phái Cải Cách là những người giảng dạy rất cụ thể những lẽ đạo như được mặc khải trong Thánh Kinh. Chúng ta cũng nghe thấy những lời phê phán đại loại như thế trong nhiều giới ngày nay từ những người cho rằng giáo lý là không quan hệ gì, rằng giáo lý có thể khác nhau nhưng chúng ta cứ hãy sống với nhau như những Cơ Đốc Nhân và hãy sống hòa hảo với nhau. Tuy nhiên, chúng ta không thể tìm thấy trong Kinh Thánh sự tách rời giữa giáo lý và đời sống đạo đức. Thực tế, trong Kinh Thánh chúng ta thấy rằng giáo lý là nền tảng của thực hành và thực hành là kết quả của một giáo lý đúng. Mối tương quan đó thật rõ ràng trong Tân Ước đặc biệt là trong những thơ tín của sứ đồ Phaolô. Những thơ tín này được phân chia ra làm hai phần: lời trình bày rồi đến lời mệnh lệnh. Có lẽ chúng ta cũng đã được nghe những thuật ngữ này rồi. Từ "trình bày" chỉ một lời nói liên quan đến giáo lý, trình bày điều Chúa đã làm. Nó bày tỏ ra vị trí của chúng ta trong Đấng Christ. Và rồi theo sau lời trình bày đó là đến một lời mệnh lệnh, nghĩa là mạng lịnh mà Chúa muốn chúng ta làm theo trên nền tảng của lẽ đạo mà chúng ta vừa được nghe đến. Êphêsô là một trong những thư tín được phân chia theo cách đó.

Đoạn 1, 2 và 3 mà chúng ta vừa mới học xong là phần trình bày trong thư tín gởi cho người Êphêsô. Phần này trình bày những gì chúng ta được ban cho trong Tin Lành của Cứu Chúa Giêxu. Chúng ta được mang lên cao và được ban cho sự cứu rỗi được bày tỏ ra trong Chúa Chúa Giêxu. Giờ đây chúng ta bước đến đoạn 4 đến đoạn 6 với trọng tâm là phần mệnh lệnh. Giờ đây đã nếm biết Tin Lành của Chúa Giêxu, chúng ta phải làm gì, có mạng lịnh gì của Chúa cho chúng ta? Rõ ràng rằng không có một sự phân chia rõ ràng tại đây, nghĩa là không phải chúng ta sẽ không thể tìm thấy một sự dạy dỗ về giáo lý nào trong đoạn 4. Nhưng vấn đề là trọng tâm của nó có thay đổi. Trong đoạn 4 đến 6, trọng tâm là ở sự ứng dụng của những gì chúng ta đã được học trong đoạn 1,2 và 3. Êphêsô 4 câu 1 bắt đầu phần mệnh lệnh của thơ tín Êphêsô.

Hôm nay chúng ta muốn cùng học hỏi trong câu 1 bằng cách xem xét một số điểm cụ thể. Đầu tiên, chúng ta sẽ xem xét chữ "Vậy" trong câu 1. Sau đó, chúng ta sẽ cùng suy nghĩ về sự kêu gọi, sự kêu gọi mà chúng ta có được đó chính xác nghĩa là gì. Cuối cùng chúng ta sẽ cùng xem xét việc "ăn ở xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi" nghĩa là gì.

Khi xem xét phần Kinh Thánh này, chữ "vậy" là quan trọng vì hai lý do. Chữ "vậy" hàm ý rằng những gì theo sau nó đặt nền tảng trên những điều đàng trước nó. Điều đi trước nó làm nền để xây dựng những gì được kể ra sau nó. Chúng ta không thể có điều này mà loại trừ điều kia. Nói cách khác, chính vì những lẽ thật được bày tỏ trong đoạn 1 đến đoạn 3 mà ngày nay chúng ta được kêu gọi sống một đời sống như thế. Trước đây chúng ta đã nói đến điều này, rằng sự vâng phục Đấng Christ của chúng ta phát xuất từ sự hiểu biết của chúng ta về những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Nếu không hiểu biết về những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta, chúng ta sẽ không có nền tảng cho sự vâng phục của mình với Ngài và cũng không có lý do nào để vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh là những luật pháp dạy chúng ta phải sống thế nào cho Đức Chúa Trời. Điều này thật rõ ràng trên nhiều phương diện.

Có lẽ quý vị cũng đã từng nghe rằng chúng ta không thể đặt ra trong những luật về đạo đức mà buộc người ta phải làm theo những gì Kinh Thánh dạy. Nếu không có mối tương quan với Đấng Christ, người ta không có động cơ nào khiến họ phải làm theo những luật đó cả. Dù người ta có thể có nhiều động cơ sống đời đạo đức, chẳng hạn có người có động cơ vì lợi ích cá nhân thì muốn sống trinh bạch và phản đối cách sống buông thả vì muốn tránh những bịnh tật phát sinh từ cách sống đó. Khi ấy động cơ lợi ích cá nhân trở thành mấu chốt của đạo đức. Đối với nhiều người khác việc sống đạo đức là để làm hài lòng những người xung quanh.

Một nền tảng đạo đức như thế không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đó chắc chắn không phải là nguyên nhân Ngài muốn chúng ta vâng theo ý chỉ của Ngài. Đối với người tin Chúa, nếu chỉ sống đúng cũng chưa đủ, nếu chỉ sống đạo đức cũng chưa đủ. Nhưng cách sống của chúng ta phải châm rễ và phát xuất từ lòng khao khát chân thành muốn hầu việc Chúa. Chỉ có cách sống muốn làm vinh hiển danh Chúa là thật sự làm sáng danh Ngài. Cách sống của chúng ta phải xuất phát từ một tấm lòng đã được biến cải. Chúng ta thấy rằng chúng ta không thể và cũng không nên trông đợi một người không tin Chúa sống một đời sống theo như Kinh Thánh dạy nếu người đó không có động cơ để làm điều đó. Một khi tấm lòng người đó chưa được biến cải người đó thậm chí không có khả năng sống tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

Ấy chính là vì những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta khi Ngài ban sự cứu rỗi cho chúng ta, ấy là vì những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta như trong đoạn 1, 2 và 3 nên Cơ Đốc Nhân chúng ta sống đời sống như chúng ta đang sống ngày nay. Tôi thấy có nhiều người "đặt chiếc xe trước con ngựa". Khi chúng ta cố gắng giúp người khác bằng cách dạy người ta sống đạo đức mà không rao giảng sứ điệp cứu rỗi thì chúng ta chỉ thất bại mà thôi. Chúng ta không thể làm được điều đó. Đời sống một người phải được biến cải rồi mới có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời được. Đầu tiên người đó phải có một mối tương quan đúng đắn với Chúa Giêxu. Vì vậy sự sống của chúng ta trong Đấng Christ đi trước cách sống của chúng ta. Thế thì chúng ta không thể đặt cái xe trước con ngựa được. Thứ hai, chữ "vậy" cũng hàm ý rằng cách sống của chúng ta cũng là kết quả tự nhiên của một đời sống được biến cải. Dù nó được đặt nền tảng trên điều đó, chúng ta cũng không được quên rằng một đời sống được biến cải phải dẫn đến đó. Nói cách khác, dù chúng ta không thể đặt cái xe trước con ngựa, chúng ta cũng không thể bỏ cái xe nằm lẻ loi bên đường. Chúng ta không thể nắm lấy lẽ thật của Tin Lành mà quên đi những mạng lịnh của Đức Chúa Trời hầu sống cho Ngài. Chúng ta không thể chỉ có con ngựa mà bỏ quên cái xe ngựa đi. Chúng ta không thể nhận lấy những phước hạnh của Tin Lành là cứ miệt mài trong đời sống bội nghịch.

Có nhiều người trong những cái gọi là "Giáo hội Tin Lành" ngày nay đưa ra những ý kiến ngược lại rằng chúng ta có thể đặt lòng tin nơi Chúa Giêxu, chúng ta có thể cầu nguyện thế nầy, thế nầy, rồi có thể cứ tiếp tục sống như trước đây, sống một đời sống mà họ gọi là "đời sống Cơ Đốc nhân" và vẫn có thể an tâm rằng rồi cũng sẽ được cứu. Rõ ràng rằng đó không phải là điều Kinh Thánh dạy. Nếu chúng ta đã nếm biết sự tốt đẹp của Tin Lành như chúng ta đã học trong đoạn 1, 2 và 3, sứ đồ Phaolô muốn hàm ý dạy chúng ta rằng "vậy" chúng ta sẽ và phải ăn ở xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi chúng ta. Hai điều đó đi đôi với nhau và không thể tách rời được. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng việc làm của chúng ta là bằng chứng của đức tin chúng ta. Trong Giacơ đoạn 2, vị sứ đồ dạy chúng ta rằng đức tin của chúng ta được tỏ ra bởi việc làm của chúng ta. Giacơ không mâu thuẩn với Phaolô. Việc làm của chúng ta lưu xuất từ đức tin mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Chữ "vậy" hàm ý rằng những gì theo sau đó buộc phải theo sau. Đó là kết quả tự nhiên của một cuộc đời thật sự được thay đổi.

Nói cách khác những gì trình bày trong đoạn 4 đến 6 không phải là điều tự do chọn lựa mà là điều xảy ra như là kết quả tự nhiên của những gì chúng ta đã học trước đó. Không có sự tách rời giữa giáo lý và thực hành trong khúc Kinh Thánh của chúng bởi giáo lý củng cố và điều khiển hành động của chúng ta. Lòng tin vào Tin Lành chính là nguyên nhân khiến chúng ta sống như thế. Thế thì điều mà phân đoạn Kinh Thánh này muốn dạy chúng ta là gì? Câu trả lời trong phân đoạn Kinh Thánh này ấy là chúng ta được kêu gọi "phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi."

Để hiểu được hàm ý của câu này, trước hết chúng ta phải tìm hiểu xem sự kêu gọi đó là gì. Trong thần học, khi chúng ta nghiên cứu từ "kêu gọi" chúng ta thấy rằng căn bản có hai cách dùng khác nhau của từ này. Có sự kêu gọi bên ngoài của Tin Lành. Một sự kêu gọi bên ngoài là sự rao giảng Tin Lành cho người tin và người không tin một cách giống như nhau. Khi ông Alan đi Ấn Độ, ông phát truyền đạo đơn cho nhiều người. Nhiều tờ truyền đạo đơn đó được nhận và người nhận đó đọc được về Tin Lành. Họ được sự kêu gọi bên ngoài của Tin Lành tức là Lời Đức Chúa Trời mang đến cho họ. Có lẽ nhiều người bởi sự truyền giảng mà được nghe sự kêu gọi bên ngoài của Tin Lành nhưng lại không tin. Mặt khác chúng ta cũng cầu xin rằng một số người nghe và tiếp nhận sứ điệp đó bằng đức tin, nghĩa là tiếp nhận sự kêu gọi bên trong.

Sự kêu gọi bên trong đó là sự kêu gọi được ban cho tất cả những ai tin nhận. Ấy là sự kêu gọi của Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Giáo lý trình bày rằng sự kêu gọi này là sự kêu gọi có hiệu lực cho sự cứu rỗi. Nó đưa chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Ấy chính Thánh Linh Đức Chúa Trời hành động trong lòng chúng ta khiến chúng ta tin nơi Chúa Giêxu Christ. Ấy chính là Đức Chúa Trời kêu gọi người ta đến cùng Ngài. Tất cả những thành viên của hội thánh thật của Chúa Giêxu đều nhận được sự kêu gọi bên trong này. Chúng ta học chữ "hội thánh" trong tiếng Hylạp, chữ ecclesia, theo nghĩa đen có nghĩa là những người được kêu gọi riêng ra. Chúng ta là những người đó. Chúng ta đã tiếp nhận sự kêu gọi của Tin Lành bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời mà bởi đó chúng ta đã được kêu gọi ra khỏi thế gian. Tôi tin rằng sự kêu gọi được nói đến trong đoạn Kinh Thánh này là sự kêu gọi bên trong. Nó nói đến những người mà theo Tin Lành Giăng đoạn 6 đã được kéo đến sự sống trong Tin Lành của Chúa Giêxu Christ một cách không thể cự kháng. Sự kêu gọi mà họ được kêu gọi đến đó là một sự kêu gọi tỏ ra hết mọi phước hạnh và sự giàu có trong sự cứu rỗi trong Đấng Christ.

Nói cách khác, chúng ta phải trở lại với những gì chúng ta đã học trong Êphêsô đoạn 1, 2 và 3. Sự kêu gọi mà chúng ta đã được ban cho là phước hạnh của việc được kêu gọi từ sự chết mà đến sự sống. Chúng ta đã được kêu gọi ra khỏi vương quốc của ma quỷ mà đến vương quốc của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được kêu gọi từ sự tuyệt vọng mà đến sự hy vọng, từ những sự dưới đất mà đến những sự trên trời. Nếu chúng ta là người tin Chúa, chúng ta đã được kêu gọi khỏi quyền cai trị của Satan mà đến với sự hầu việc Đấng Christ, từ sự sống dưới quyền lực của tội lỗi và đau khổ mà đến sự sống tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời cách vui mừng. Nói cách khác, sự kêu gọi của chúng ta là sự kêu gọi đến Tin Lành của sự cứu rỗi. Sự kêu gọi của chúng ta là sự kêu gọi đến sự tương giao với Đức Chúa Trời và với Đấng Christ. Ấy là Đấng mà chúng ta đã được kêu gọi đến.

Giờ đây, là dân sự của Chúa, chúng ta được kêu gọi để ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi đó. Là dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta đã được ban cho nhiều lắm: Chúng ta đã được nâng lên đến những nơi trên trời, chúng ta có sự bảo đảm trong lòng về cơ nghiệp của chúng ta bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Giờ đây chúng ta được kêu gọi phải ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi đó. Rõ ràng điều này không có nghĩa rằng chúng ta được kêu gọi để sống tách rời khỏi ân điển của Đấng Christ bởi tự chúng ta không bao giờ xứng đáng với ân điển của Đức Chúa Trời hay sự cứu rỗi cả. Không thể nào sứ đồ Phaolô lại bảo chúng ta trong Êphêsô đoạn 4 này rằng giờ đây chúng ta được kêu gọi để bằng sức mình giành được sự cứu rỗi hoặc giả việc làm của chúng ta tự nó xứng đáng để quyết định cho sự cứu rỗi của chúng ta. Đúng hơn, chúng ta được kêu gọi phải sống thích hiệp với sự kêu gọi mà Đức Chúa Trời đã đặt trong lòng chúng ta. Chúng ta phải sống trong ánh sáng của lẽ thật rằng chúng ta thuộc về Đấng Christ. Tôi tin rằng điều này có nghĩa rằng chúng ta được kêu gọi phải sống hướng về mục tiêu thiên thượng.

Chúng ta thấy rằng chúng ta đã được kêu gọi ra khỏi thế gian, đã được kêu gọi đến sự thánh khiết, được biệt riêng ra, "thánh khiết" có nghĩa là "được biệt riêng". Ấy chính là điều chúng ta được kêu gọi đến. Chúng ta được kêu gọi biệt riêng ra khỏi thế gian. Tâm trí chúng ta được kêu gọi hướng về những gì trên trời mà không phải theo đuổi những việc dưới đất. Thế thì khi chúng ta nghĩ đến đời sống chúng ta trên đất và chúng ta đang sống thích hiệp với sự kêu gọi đó, chúng ta được kêu gọi phải sống với một mục tiêu thiên thượng trong tâm trí mình, hướng tâm trí mình về những điều trên trời bởi đó chính là sự kêu gọi của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi phải sống một đời sống thoát khỏi sự ràng buộc của tư dục xác thịt khác với những người khác trong thế gian này. Chúng ta phải đóng đinh con người cũ cùng dục vọng nó như trong Êphêsô đoạn 4 câu 17 và những câu tiếp theo. Chúng ta đã bỏ đi cách sống đó. Nó đã được đóng đinh với Đấng Christ. Giờ đây chúng ta phải sống chăm về những gì thanh sạch, công bình và thiên thượng. Chúng ta đã nói về điều này sáng nay khi suy gẫm trong Philíp đoạn 4 rằng chúng ta hướng tâm trí mình vào điều chi thanh sạch, đáng yêu chuộng, thánh khiết. Chúng ta thấy rằng chính Thánh Linh Đức Chúa Trời ban cho chúng ta được nếm biết thiên đàng. Ấy là cách chúng ta phải sống tại nơi đất này vì chúng ta đã được Chúa cứu và được Ngài nâng lên trên các nơi trên trời. Chúng ta không được để mình bị vướng vào cuộc đua chen của tiền tài vật chất và thành tựu trong thế gian này bởi tâm trí của chúng ta đã hướng về những gì có giá trị đời đời trên trời là những điều sẽ không qua đi. Chúng ta cũng được kêu gọi sống đời sống theo gương Đấng Christ.

Tôi tin rằng không phải tình cờ mà trong Êphêsô đoạn 4 câu 1, sứ đồ Phaolô gọi mình là kẻ tù trong Chúa. Chúng ta thấy rằng Phaolô đang sống một cuộc đời tỏ ra rằng ông sống thích hiệp với sự kêu gọi của mình. Ông đang sống xứng đáng với sự kêu gọi của mình. Ông đang bắt chước Đấng Christ. Ông đang bắt chước Đấng Christ thậm chí trong sự chịu khổ của mình. Vị sứ đồ đang chịu khổ như chính Đấng Christ chịu khổ. Sống xứng đáng với sự kêu gọi của mình nghĩa là chúng ta phải bắt chước Đấng Christ, chúng ta phải hy sinh bản thân mình. Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, đôi khi chúng ta phải chịu hoạn nạn, thử thách, đôi khi chúng ta phải chịu sự giễu cợt vì cớ Tin Lành, đôi khi chúng ta phải chịu khổ vì danh Đấng Christ. Ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi nghĩa là sống cuộc đời mình theo gương Đấng Christ.

Chúng ta còn được kêu gọi ăn ở xứng đáng bằng cách bước đi trong mối tương giao với Ngài bởi một trong những điều chúng ta được kêu gọi đến là sống trong mối thông công với Đức Chúa Trời, với Con Ngài và với Đức Thánh Linh. Chúng ta sống trong mối tương giao với Ngài. Vì thế lời kêu gọi chúng ta phải ăn ở xứng đáng với sự kêu gọi nghĩa là chúng ta phải sống trong mối thông công với Ngài, nghĩa là chúng ta phải để tâm trí vào trong sự học hỏi Lời Ngài, trong sự lắng nghe sự rao giảng Lời đó, trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời, không chỉ khi chúng ta nhóm họp lại với nhau mà còn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta nữa. Chúng ta thấy rằng hiểu biết giáo lý, hiểu biết những gì chúng ta được ban cho trong Đấng Christ, đặt lòng tin vào lẽ đạo ân điển trong những đoạn đầu của sách Êphêsô chắc phải mang đến trong lòng chúng ta, theo như Êphêsô đoạn 4 câu 1, một ao ước muốn ăn ở xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi chúng ta.

Đã được nếm biết sự tốt đẹp của Đấng Christ, chúng ta hãy sống cho Ngài, sống xứng đáng với sự kêu gọi của chúng ta, hầu việc Đấng Christ, vâng lời Ngài, yêu mến Ngài, bắt chước Ngài, hướng tâm trí mình về những gì trên trời mà không phải là những gì trên đất này. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con cảm tạ Ngài vì cơ hội chúng con được học Lời Ngài hôm nay. Lạy Chúa, cầu xin Chúa cho chúng con nhìn thấy phước hạnh của sự kêu gọi mà Ngài ban cho chúng con trong Đấng Christ rằng chúng con đã được nâng lên đến các nơi trên trời để được ở cùng Ngài. Cầu xin Ngài cho chúng con sống xứng đáng với sự kêu gọi đó trong những ngày trên đất này hầu cho chúng con có thể hầu việc Ngài, sống trong sự tương giao và thông công với Ngài, hầu cho chúng con có thể sống học theo gương Đấng Christ mà bỏ đi những gì của thế gian này, hướng lòng và tư tưởng chúng con về những gì trên trời, những gì thánh khiết, công bình.

Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa đổ đầy lòng chúng con ao ước đó. Xin cho chúng con ăn ở xứng đáng với chức phận mà Ngài đã kêu gọi chúng con. Chúng con cầu xin Chúa bấy nhiêu điều trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)