Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Samuên Được Gọi - 7/2004  


SAMUÊN ĐƯỢC GỌI
(1Samuên 3:1-21)

Tháng Bảy 2004

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Bài học hôm nay của chúng ta tập trung vào một câu chuyện rất quen thuộc: câu chuyện Samuên được kêu gọi. Samuên ba lần tưởng lầm Hêli gọi mình. Đang đêm tối, ông nghe tiếng gọi ông ba lần và cuối cùng ông được cho biết rằng đó là tiếng Đức Chúa Trời gọi ông. Có thể xem 1Samuên đoạn 3 là sự kêu gọi của Samuên, sự mở đầu của sự kêu gọi làm tiên tri của ông.

Sự kêu gọi này có những điểm tương đồng với sự kêu gọi những tiên tri khác trong Kinh Thánh, khi Đức Chúa Trời phán trực tiếp và cụ thể với những tiên tri kêu gọi họ làm người phát ngôn cho Ngài, đem lời Ngài cho dân sự. Chúng ta nhớ đến sự kêu gọi Môise nơi bụi gai cháy khi Đức Chúa Trời phán với Môise. Êsai đoạn 6 kể câu chuyện Đức Chúa Trời kêu gọi Êsai bằng khải tượng trên trời và phán với ông cách cụ thể. Trường hợp Giêrêmi cũng vậy, Đức Chúa Trời kêu gọi ông và khởi xướng chức vụ tiên tri của ông. Câu chuyện trong 1Samuên đoạn 3 cũng vậy, đây là sự khởi đầu chức vụ của Samuên. Tại đây chúng ta nhìn thấy sự kết thúc của Hêli và gia đình ông. Chức vụ của Hêli đang đến ngày chung cuộc. Giờ đây Hêli sắp bị thay thế bằng một thầy tế lễ mới công bình, một tiên tri mới là người sẽ rao bảo lời Đức Chúa Trời. Sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đã sẵn sàng ập xuống trên nhà Hêli. Chúng ta có thể nói đây là lễ tấn phong của Samuên. Khi còn là một cậu bé, ông đã được kêu gọi vào sự hầu việc Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, khi đọc phần này chúng ta cần hiểu rằng điều muốn nói ở đây còn xa hơn một sự kêu gọi đơn thuần vào chức vụ tiên tri. Khi đọc câu chuyện này, chúng ta phải hiểu rằng ấy không phải Samuên là trung tâm của câu chuyện mà chính Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đang phục hồi sự tương giao giữa Ngài và dân sự Ngài. Lời Đức Chúa Trời là trọng điểm của đoạn này. Ấy chính là lời Đức Chúa Trời khiến cho đoạn Kinh Thánh này trở nên một đoạn tự nó có chủ đề hẳn hoi. Câu 1 làm nổi bật ý rằng lúc bấy giờ lời Đức Chúa Trời rất hiếm hoi trong xứ Ysơraên: "Trong lúc đó, lời của Đức Giêhôva lấy làm hiếm hoi và những sự hiện thấy chẳng năng có." Điều muốn nói đến ở đây là Đức Chúa Trời đã cất đi sự truyền đạt của Ngài khỏi dân sự. Chúng ta thấy lời Đức Chúa Trời được nhắc đến lần nữa trong cuối đoạn, tạo nên một dấu ngoặc ôm chung quanh đoạn. Trong câu 21 ở cuối đoạn, chúng ta thấy Đức Chúa Trời hiện ra cùng Samuên khiến ông biết lời Ngài. Sự mặc khải của Đức Chúa Trời đã trở lại, lời Ngài đã trở lại qua tôi tớ Ngài, tôi tớ mới được nhậm chức của Ngài, là Samuên. Có một sự thay đổi từ tình trạng thiếu vắng Đức Chúa Trời và lời Ngài đến sự tái lập và tái truyền đạt lời Ngài. Chúng ta đang đi từ một giai đoạn của sự thiếu vắng sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự đến sự tái khai mạc của sự hiện diện thần linh Ngài.

Đoạn Kinh Thánh này rõ ràng bày tỏ ý đó. Tình trạng tâm linh của dân Ysơraên lúc này thật tệ hại. Nhà Hêli đang sống với cách sống kinh khiếp phá vỡ giao ước của Đức Chúa Trời. Không chỉ hai con Hêli làm suy bại sự thờ phượng Đức Chúa Trời chân thật mà họ còn bắt đầu sống một đời sống đáng khinh chê, phá vỡ giao ước với Đức Chúa Trời. Rõ ràng Đức Chúa Trời đã lìa khỏi dân sự trong nhiều phương diện bởi lời Ngài không còn được nghe thấy nữa. Chúng ta đã học từ đầu sách rằng tình trạng tâm linh của dân Ysơraên đang trong thời kỳ khủng hoảng và yếu mỏn. Sự suy bại tâm linh của dân Ysơraên cũng có thể nhìn thấy trong chính đoạn Kinh Thánh của chúng ta hay ít ra cũng được gợi ý ít nhiều tại đây. Khi xem đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy ý đó liên hệ đến nhà Hêli bởi Hêli là thầy tế lễ đương thời. Đoạn Kinh Thánh gợi ý điều này khi nói về mắt Hêli trong câu 2 rằng, "Vả, bấy giờ Hêli khởi làng mắt, chẳng thấy rõ." Dù điều này thật sự nói đến tình trạng thuộc thể của Hêli bởi Hêli càng trở nên mù mờ không thấy rõ được như trước, tuy nhiên chúng ta thử nghĩ tại sao điều này lại được đề cập tại đây? Lúc bấy giờ là vào ban đêm, Hêli đang ngủ, tình trạng mắt mờ của Hêli có liên quan gì tại đây ngoại trừ là sự ám chỉ về sự suy thoái tâm linh của ông? Chúng ta tìm thấy Kinh Thánh nhiều lần dùng ý niệm mù lòa như là một gợi ý về tình trạng sống trong tối tăm, vừa chỉ về tình trạng mù lòa thuộc thể lẫn tình trạng mù lòa thuộc linh. Thế thì người lãnh đạo của dân sự, thầy tế lễ, người lẽ ra phải dẫn dắt dân sự hướng đến Đức Chúa Trời, đang trở nên mù lòa, mắt ông đang làng đi, ông không thể thấy, không thể nhận ra Lời Đức Chúa Trời. Đó là điều đang được gợi ý tại đây.

Chúng ta cũng có thể phân tích như vậy với cụm từ kế tiếp, "đèn của Đức Chúa Trời chưa tắt, Samuên nằm ngủ trong đền thờ của Đức Giêhôva, là nơi có cái hòm thánh." Đèn trong đền thờ cũng đang mờ dần sắp hết dầu thắp. Điều đó có thể gợi ý rằng sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho Samuên đến giữa đêm khuya tối trời, chắc hẳn là ngay trước rạng đông bởi thầy tế lễ phải tỉa tim đèn, châm dầu để đèn cháy suốt đêm nên có lẽ lúc này là lúc đêm sắp tàn ngay trước khi rạng ngày. Điều này một mặt cho chúng ta biết thời điểm Đức Chúa Trời gọi Samuên nhưng mặt khác cũng thể hiện ý tưởng rằng sự tương giao tâm linh với Đức Chúa Trời, sự tương giao được đại diện bởi hòm thánh trong đền thờ, vật đại diện cho sự hiện diện của Ngài, sự tương thông này, ngọn đèn soi đường cho dân Ysơraên đến cùng Đức Chúa Trời này, đang mờ dần, le lói sắp tắt. Sự tương giao với Đức Chúa Trời đang ở trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy rằng bởi sự kiện xảy đến trước khi trời sáng, sự mặc khải đã đến giữa đêm tối khi một ngày mới sắp đến! Một sự mới mẻ xán lạn hơn đang đến!

Tuy nhiên ngữ cảnh cũng gợi ý một ý tưởng khác về tình trạng xa cách giữa Đức Chúa Trời và dân sự. Chúng ta thấy trong đoạn 3 nói đến Samuên phục sự Đức Chúa Trời tại trước mặt Hêli gợi ý rằng Hêli là cố vấn cho Samuên, rằng Samuên được huấn luyện vào chức vụ tế lễ bởi Hêli. Tuy nhiên Samuên lại không được Hêli dạy cho cách nhận ra tiếng của Đức Chúa Trời. Samuên được Đức Chúa Trời gọi ba lần. Ông nghe tiếng Đức Chúa Trời nhưng không nhận ra tiếng Ngài. Đức Chúa Trời gọi tên ông nhưng ông không biết ai gọi mình. Ông tưởng lầm đó là tiếng Hêli. Vì thế ông nghe gọi và chạy đến Hêli là người cố vấn mình "Hêli ơi, ông gọi tôi có việc gì cần vậy?" Hêli trả lời "Ta không gọi, hãy đi ngủ lại đi, chưa đến giờ dậy đâu." Cả Hêli cũng không nhận ra ngay tức khắc tiếng của Đức Giêhôva. Lời Đức Chúa Trời thật hiếm hoi trong thời ông đến nỗi ông không biết rằng Samuên được Đức Chúa Trời gọi. Có lẽ ông cho rằng cậu bé đã nghe lầm tiếng gió hay tiếng động gì đó trong đền thờ. Samuên vâng lời đi ngủ lại nhưng chẳng bao lâu lại nghe tiếng gọi tên mình nữa "Samuên! Samuên!"" Samuên chạy đến bên Hêli lần thứ 2, "Tôi đây, vì ông đã kêu tôi." Một lần nữa Hêli bối rối bảo Samuên đi ngủ lại. Đến lần thứ hai, tiếng Đức Chúa Trời vẫn không được nhận ra bởi vị thầy tế lễ cao tuổi này. Samuên cũng không biết ai gọi mình. Câu 7 nói, "Samuên chưa biết Đức Giêhôva; lời Đức Giêhôva chưa được bày tỏ ra cho người." Điều này có nghĩa là gì và tại sao nó xuất hiện trong phần này? Có phải điều này có nghĩa là Samuên lúc này chưa tin Chúa nên ông không biết Đức Chúa Trời của dân Ysơraên, rằng ông không theo Đức Giêhôva không? Tôi không nghĩ là thế. Đúng hơn tôi cho rằng câu này có ý nói rằng Samuên chưa nhận ra tiếng Đức Chúa Trời. Tiếng Ngài còn là mới mẻ cho ông. Điều này chưa bao giờ xảy ra cho ông trước đây. Ông chưa bao giờ nhận được lời Đức Chúa Trời phán bảo trực tiếp cùng mình. Hêli chưa bao giờ hướng dẫn ông điều gì để chuẩn bị cho việc lắng nghe lời Đức Chúa Trời. Vì thế ông bối rối, không biết Đức Giêhôva, không nhận ra tiếng Ngài mà tưởng lầm rằng ấy là tiếng Hêli. Mãi đến lần thứ ba khi Samuên nghe tiếng gọi tên mình, chạy đến bên người cố vấn mình và nói "Có tôi đây, vì ông đã kêu tôi" thì Hêli mới thức tỉnh nhận ra rằng có lẽ ấy chẳng phải là tiếng gió hay tiếng gì khác mà chính Đức Chúa Trời đang gọi Samuên. Lời Đức Chúa Trời là hiếm hoi trong khi đó nhưng cuối cùng một lần nữa lại đến với dân Ysơraên. Samuên được Hêli hướng dẫn phải đáp lại tiếng gọi đó như thế nào, "Xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đương nghe." Lời Đức Chúa Trời đã trở lại với dân Ysơraên.

Khi nghĩ đến lời Đức Chúa Trời, chúng ta nghĩ đến sự thạnh vượng tâm linh của dân sự Ngài. Sự thiếu vắng lời Ngài nói lên sự phân cách, rằng sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã cất khỏi nếu không có lời Ngài. Sự hiện hữu của lời Ngài nói lên sự hiện diện của Ngài. Chúng ta có thể thấy điều này đặc biệt trong sự Chúa Giêxu Christ hiện đến trong Tân Ước. Ngài đến sau một giai đoạn bốn trăm năm yên lặng. Suốt bốn trăm năm không có lời Đức Chúa Trời. Bốn trăm năm lời Đức Chúa Trời lấy làm hiếm hoi và sự hiện thấy chẳng năng có. Rồi Giăng Báptít đến. Ông là vị tiên tri Cựu Ước cuối cùng. Ông đến rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Ông đến làm vị tiên tri công bố sự đến của Đấng Chịu Xức Dầu vĩ đại, Vị Vua vĩ đại của dân Ysơraên, Đấng sẽ ngồi trên ngai Đavít đời đời. Ông đến mang theo và mang lấy Lời Đức Chúa Trời kêu gọi người ta ăn năn dọn đường cho Chúa. Tuy nhiên Lời Đức Chúa Trời không dừng lại ở sự đến của Giăng Báptít trong Tân Ước là người dọn đường cho Vua dân Ysơraên. Lời Đức Chúa Trời còn được mặc khải một cách trọn vẹn hơn bởi Chúa Giêxu qua chính mình Ngài bởi Ngài được gọi là Lời Đức Chúa Trời trong Giăng đoạn 1, "Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài." Chúa Giêxu là sự làm trọn tối cao của Lời Đức Chúa Trời. Ngài là sự mặc khải tối hậu của Đức Chúa Trời về chính mình Ngài. Ấy là bởi Ngài mà chúng ta được biết về Đức Chúa Trời thật.

Xuyên suốt một giai đoạn trống vắng về tâm linh trong dân Ysơraên, cuối cùng Đức Chúa Trời phá tan sự tĩnh lặng và bày tỏ Lời Ngài một cách trọn vẹn trong chính Đấng Christ. Một lần nữa chúng ta được kêu gọi vào sự thông công tâm linh với Đức Chúa Trời. Những ai đến với Lời ấy chắc chắn được phục hồi mối thông công tâm linh thật với Đức Chúa Trời. Hêbơrơ đoạn 1 câu 1 nói, "Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt này, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài." Chúa Giêxu là Lời cuối cùng đó đã phán và bày tỏ cho chúng ta về Đức Chúa Trời. Ngài là sự hiện diện thiên thượng giữa chúng ta. Khi đọc tiếp trong Giăng đoạn 1, chúng ta thấy rằng Ngôi Lời thật sự đến giữa dân mình, câu 5 nói rằng, "Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng." Câu 10 và 11, "Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy." Chúng ta thấy rằng ban đầu Đức Chúa Giêxu đến giữa dân mình, Ngài đến như là Lời cuối cùng nhưng Ngài không được nhìn nhận. Ngài đến với chính dân mình nhưng họ không biết Ngài. Họ không tiếp đón Ngài, không nhìn nhận Ngài là Đấng Tạo Hóa và Cứu Chúa của mình. Nhưng đối với những người tiếp đón Ngài, những người lắng nghe tiếng Ngài và nhận ra tiếng Ngài, tiếng của Chúa Giêxu đã đến để cứu họ. Trong Giăng đoạn 10, Chúa Giêxu nói về bầy chiên Ngài. Có điều gì đặc biệt về bầy chiên Ngài? Chiên Ngài nghe tiếng chủ mình. Chúng nghe tiếng người chăn mình, nhận ra và đi theo Ngài. Họ nghe Lời Đức Chúa Trời và đi theo. Khi xem đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay, chúng ta được kêu gọi nhận ra tiếng Đức Chúa Trời, nhận ra Lời Ngài, lắng nghe Lời Đấng Christ, đặt lòng tin và làm theo Lời đó.

Samuên lắng nghe Lời Đức Chúa Trời và cuối cùng mắt ông được mở ra; Ông nhận ra tiếng Ngài, vâng theo Lời Ngài. Nhưng những lời đó là gì? Không phải là những lời êm tai dễ nghe phải không? Chúa phán với Samuên, "Nầy ta sẽ làm ra trong Ysơraên một sự, phàm ai nghe đến, lỗ tai phải bắt lùng bùng..." Đức Chúa Trời bày tỏ cho Samuên rằng Ngài sẽ đoán phạt nhà Hêli. Ấy là một sứ điệp đoán phạt kinh khiếp, khó nghe cho Samuên và thậm chí còn khó hơn cho ông khi phải truyền đạt lại cho người cố vấn mình. Gia đình tội lỗi của Hêli, hai con trai bạn nghịch của ông sắp ngã xuống. Không có sự chuộc tội nào có thể xóa đi sự gian ác của họ. Họ đang ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sắp đoán phạt Hêli vì tội lỗi của các con ông và vì chính ông đã không thể ngăn trở, quở trách và đuổi họ ra khỏi đền thờ nếu họ cứng lòng không chịu ăn năn. Họ bị quở trách và đoán phạt bởi Đức Chúa Trời.

Đôi khi chúng ta thấy rất khó mang Lời Đức Chúa Trời đến cho một thế gian tội lỗi. Rõ ràng là rất khó cho Samuên khi sáng hôm sau phải đến thưa chuyện với Hêli, tuy nhiên ông vẫn phải làm điều đó. Điều này cũng là tình huống tiêu biểu đối với nhiều tiên tri thời Cựu Ước phải không? Giêrêmi được kêu gọi mang sứ điệp của Đức Chúa Trời, một sứ điệp phán xét kinh khiếp, nghịch cùng nhà Ysơraên về tội lỗi mà họ cứ tái phạm. Tuy nhiên ông được Đức Chúa Trời kêu gọi và ông phải rao báo sứ điệp đó.

Hêli gọi Samuên, Samuên đáp lời. Một điều thú vị là cách dùng từ ở đây giống nhau một cách kỳ lạ với cách dùng từ trong những câu trước khi mô tả việc Đức Chúa Trời gọi Samuên. Hêli gọi Samuên "Samuên, hỡi con" và Samuên trả lời "Có tôi đây" Tiên tri Samuên truyền đạt sứ điệp vĩ đại kinh khiếp đó cho Hêli: "Hêli ơi, nhà ông sắp bị hủy diệt. Đức Chúa Trời sẽ kết thúc nhà ông và không có sự chuộc tội hay tế lễ nào bôi xóa được tội lỗi của nhà ông. Sự rủa sả của Đức Chúa Trời sắp được bày tỏ ra nghịch cùng ông." Đây là sứ điệp phán xét nghịch cùng kẻ ác. Hêli chấp nhận lời Đức Chúa Trời.

Khi tôi đọc về Hêli trong những đoạn Kinh Thánh này, tôi thường tự hỏi về vị thầy tế lễ cao tuổi này rằng liệu câu trả lời của ông với Samuên tại đây có phải là một câu nói cách chấp nhận cam chịu: "Đức Chúa Trời sẽ làm điều Ngài muốn và ta không thể ngăn trở ý Ngài. Thôi thì hãy để Ngài làm điều chi vừa ý Ngài", hay đây là một câu nói chân thật trong tinh thần sẵn sàng đầu phục Đức Chúa Trời biết rằng Ngài luôn thi hành điều công chính. Có sự pha trộn trong những sứ điệp khi chúng ta đọc về Hêli: Trong đoạn 2 khi Hêli cảnh cáo hai con mình; Trong đoạn 1 và 2 ông chúc phước cho Anne. Tại đây ông đầu phục ý chỉ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên rõ ràng là Hêli cũng đồng lõa bởi đã chẳng đoán phạt con mình. Ông đã không sống đúng được với sự kêu gọi mà Đức Chúa Trời ban cho mình mà bảo toàn sự thánh khiết của đền thờ. Và vì điều này ông đã bị định tội cách công bình và nhà ông bị rủa sả. Samuên thay thế Hêli. Samuên trở nên tiên tri và thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Nhà Hêli bị hạ xuống và đoán phạt. Nhà Samuên được dấy lên.

Khi suy nghĩ về sứ điệp của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta thấy rằng nó cũng mang đến một sứ điệp phán xét cho thế gian, rằng nếu chúng ta cứ miệt mài trong tội lỗi và chống nghịch Đức Chúa Trời, chúng ta cũng sẽ chịu đoán phạt. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã ban sự chuộc tội cho những ai tin nhận Ngài hầu được tha thứ. Nhưng những ai cứ miệt mài trong sự chống nghịch và tội lỗi sẽ bị phán xét và sự rủa sả của Đức Chúa Trời sẽ được tỏ ra nghịch cùng họ. Vâng, đây có thể là lời khó truyền đạt cho thế gian, nhưng thế gian phải được nghe và được cảnh tỉnh bởi Lời Đức Chúa Trời là chân thật. Nguyện không ai trong chúng ta còn ở dưới sự rủa sả và đoán phạt của Ngài.

Samuên thay thế cho Hêli. Ông trở nên tiên tri của Đức Chúa Trời. Ông trở nên tôi tớ công bình của Đấng Chí Cao. Câu 19 nói rằng, "Samuên trở nên khôn lớn, Đức Giêhôva ở cùng người: Ngài chẳng để một lời nào của người ra hư." Tại đây nói đến sự trung tín của Samuên trong chức vụ tiên tri của mình. Lời ông là chân thật và có giá trị. Mọi lời ông nói ra đều ứng nghiệm, đó cũng là sự thử nghiệm một tiên tri thật theo Phục Truyền đoạn 18: Nếu một tiên tri rao ra một sứ điệp và sứ điệp đó không xảy ra thì đó là một tiên tri giả và người đó phải chết. Thế nhưng không một lời nào của Samuên ra hư. Không lời nào của Samuên tỏ ra rằng ông là tiên tri giả. Ông thật là người rao ra Lời Đức Chúa Trời. Ông là vị tiên tri mà dân Ysơraên phải lắng nghe. Ông là người phục hồi sự truyền thông giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Samuên thay chỗ cho Hêli và trong sự nhậm chức của ông, ông được dân sự nhìn nhận là một tiên tri thật của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng đây không phải là chức vụ duy nhất của Samuên. Samuên còn được xem là thầy tế lễ thượng phẩm đối với những thầy tế lễ trong nhà Đức Chúa Trời. Không những thế, ở những chỗ khác chúng ta còn thấy Samuên được xem là quan xét của dân sự. Ông nắm giữ ba chức vụ. Tại đây một lần nữa chúng ta thấy một người giống như Đấng Christ, một người báo trước sự đến của Vua Thật của dân Ysơraên, Đấng nắm giữ ba chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ và vua. Ông chỉ về Đấng Christ. Đấng Christ là Lời cuối cùng, là Thầy Tế Lễ chân thật, là Vị Vua Công Bình. Chúng ta là dân sự Ngài được kêu gọi lắng nghe tiếng Ngài bởi Ngài phán cùng chúng ta và truyền cho chúng ta theo Ngài. Nếu chúng ta không theo Ngài, chúng ta phải ở dưới sự phán xét và thạnh nộ Ngài. Lời của Vị Thầy Tế Lễ, Tiên Tri và Vua Tối Thượng đòi hỏi chúng ta đáp lại bằng câu nói "Có tôi đây". Chúng ta được kêu gọi phải vâng lời. Ngài cũng sẽ đến rao sự đoán phạt trên kẻ ác. Ngài cũng mang đến sự phục hồi của Lời Đức Chúa Trời với dân sự Ngài. Đấng Christ là Emmanuên - Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Ngài là Lời cuối cùng của Đức Chúa Trời. Ngài là sự mặc khải về chính mình Đức Chúa Trời trong xác thịt, sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời giữa dân sự Ngài. Ngày nay khi chúng ta nghe tiếng Ngài, hãy nhận Ngài làm Đức Chúa Trời mình, bước theo Ngài và mang sứ điệp Ngài cho mọi dân tộc. Amen.

Lạy Cha Toàn Năng Thiên Thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì Lời Ngài mặc khải cho chúng con trong Thánh Kinh mà bởi đó chúng con có thể học biết về Ngài. Chúng con học biết về Đấng Christ là Lời cuối cùng. Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Ngài vì đã mặc khải chính mình Ngài cho chúng con qua Đấng Christ, nhờ đó chúng con có thể học được thể nào chúng con được làm hòa cùng Ngài. Trong Lời Đấng Christ, chúng con học được thể nào chúng con có thể sống trong sự hiện diện Ngài. Xin cho chúng con có thể lắng nghe cách thận trọng và chuyên tâm nơi Lời Ngài. Xin cho sự trung tín của Lời Ngài được bảo tồn khi Lời ấy được rao giảng ra từ những bục giảng tại xứ sở này đặc biệt là từ bục giảng của ngôi nhà thờ này. Xin cho Lời đó không bị hiếm hoi giữa vòng chúng con, rằng chúng con sẽ được gây dựng và khích lệ bởi Lời đó, rằng chúng con sẽ được kéo lại gần Ngài hơn, hầu chúng con sẽ là những môn đệ của Lời Thật, là Chúa Giêxu Christ. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)