Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Tôi Tớ Vâng Phục - 12/2008  


TÔI TỚ VÂNG PHỤC
(1Phierơ 2:18-20)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Chính vị sứ đồ Phierơ này đã nói với chúng ta ở đầu sách rằng chúng ta đã được ban cho một cơ nghiệp trên trời qua sự sống lại của Đấng Christ. Vị sứ đồ này nói với chúng ta về Tin Lành từ trời, ông cũng nói rằng chúng ta chỉ là những khách bộ hành trên đất. Ông cho chúng ta biết cương vị của chúng ta là Ysơraên mới của Đức Chúa Trời, là đền thờ thiêng liêng của Ngài. Giờ đây ông trở lại với những vấn đề tại thế. Sứ điệp của ông trở nên rất thực tiển: Chúng ta, những công dân thiên quốc, phải sống thế nào trên đất này? Chúng ta phải liên hệ với nhà cầm quyền, với chủ, với vợ, chồng và mọi người khác như thế nào? Đức Chúa Trời muốn dân sự Ngài phải cư xử thế nào hầu tôn vinh danh Ngài? Ông đưa chúng ta về lại với những vấn đề tại thế nhưng chúng ta cũng không được quên cương vị thiên thượng của chúng ta. Chúng ta cần nhớ rằng chúng ta là những người khách bộ hành, người ở trọ tại đây. Ấy là trên nền tảng của cương vị này mà chúng ta học cách sống thể nào cho đúng và chúng ta có thể nhờ ơn Chúa cư xử một cách công bình giữa mọi người trên thế gian này, cư xử thể nào hầu cuối cùng quy vinh hiển cho Chúa và Vua chúng ta ngay giữa những người ngoại. Ngay trung điểm của sự dạy dỗ của thư tín này, tại đây là sự dạy dỗ về sự vâng phục, khiêm nhường vâng phục đối với những người được ban cho thẩm quyền trên chúng ta.

Lần trước chúng ta bắt đầu xem xét vấn đề vâng phục này trong mối quan hệ của chúng ta với nhà cầm quyền. Lần này chúng ta tập trung vào sự vâng phục những người chủ dưới đất này. Đây không chỉ là sứ điệp dành cho những người đi làm việc mà còn là điều chúng ta cần dạy dỗ con cái mình bởi chúng nó chẳng bao lâu sẽ bước ra làm việc. Chúng ta cần dạy dỗ con cái chúng ta vâng phục những người mà Đức Chúa Trời đã đặt để với quyền hạn trên chúng ta. Lần này chúng ta sẽ xem xét hai điểm: Thứ nhất, là sự kêu gọi vâng phục người chủ dưới đất. Thứ hai, chúng ta sẽ xem xét lý do đầu tiên vì sao chúng ta phải vâng phục. Đoạn Kinh Thánh đưa ra hai lý do để vâng phục nhưng lần này chúng ta sẽ xem xét lý do thứ nhất mà thôi.

Trong 1Phierơ đoạn 2 câu 18, Cơ Đốc Nhân làm tôi tớ được kêu gọi vâng phục chủ. Tại đây chữ "tôi tớ" và "chủ" trong nguyên ngữ Hy Lạp không phải là những chữ thường dùng trong quan hệ ấy. Thay vì là chữ "dulos" thường dùng trong tiếng Hy Lạp dịch là "tôi tớ", chúng ta thấy tại đây là chữ "oyketes", nghĩa là tôi tớ trong nhà. Thay vì chữ "kurios", chữ tiêu biểu dùng cho người chủ, chúng ta thấy chữ "despotes". Sự thay đổi trong cách dùng từ tại đây không phải là tình cờ mà là có chủ ý. Bởi lẽ sứ đồ Phierơ dành chữ "dulos" và "kurios" cho mối tương giao giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Chúng ta thấy những chữ đó được dùng trong câu 16 khi nói đến chúng ta là tôi mọi của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên mối quan hệ giữa người chủ dưới đất và chúng ta là những tôi tớ dưới đất thì khác. Sứ đồ Phierơ để dành những từ ngữ đó để mô tả mối liên hệ tối thượng của chúng ta với Đức Chúa Trời. Sự vâng phục của chúng ta đối với Đức Chúa Trời như là tôi tớ Ngài vượt hơn mọi mối quan hệ con người khác. Vị sứ đồ phân biệt điều này rõ ràng bằng cách dùng những từ ngữ khác để chỉ những người chủ con người.

Khi xem xét về những tôi tớ đề cập đến trong đoạn Kinh Thánh chúng ta, đôi khi chúng ta có cái nhìn lệch lạc về sự làm tôi tớ trong thời cổ bởi chúng ta nghĩ về điều đó theo cách nghĩ quen thuộc của chúng ta ngày nay. Trong thời đó, nô lệ thật sự bị chủ coi như một tài sản thuộc về riêng mình. Thế nhưng nói chung những tôi tớ đó không bị bạc đãi. Đế quốc La mã có luật lệ rất nghiêm về việc sử dụng, trao đổi nô lệ. Chúng ta có thể thấy trong số nô lệ đó có người sanh ra là nô lệ, có người là chiến lợi phẩm được đem về, người khác được mua ở chợ. Tuy nhiên nô lệ dưới đế quốc La Mã phục vụ với nhiều vai trò khác nhau, từ vai trò quản gia, quản lý chuyện làm ăn, bác sĩ, y tá, giáo viên, nhạc sĩ, họa sĩ v.v... Họ làm hết thảy mọi loại công việc thế mà họ vẫn là tôi tớ trong nhà. Dù có một sự khác biệt rõ rệt về sự tự do và lương bổng so với những tôi tớ này, nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu mối quan hệ đó tương đương với quan hệ chủ và nhân viên trong xã hội hiện đại. Trong mối quan hệ này, những người được thuê mướn phải vâng phục những người thuê mướn mình. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: Chúng ta là công dân thiên quốc. Chúng ta là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được ban cho sự tự do trong Đấng Christ. Chúng ta đã được ban cho sự kêu gọi trên cao. Tuy nhiên Kinh Thánh hôm nay kêu gọi chúng ta vâng phục người chủ trên đất của chúng ta. Cơ Đốc Nhân là tôi tớ không được dùng sự tự do trong Đấng Christ để làm giấy phép cho sự thiếu sót của chúng ta đối với người chủ dưới đất. Ngược lại những tôi tớ Cơ Đốc được kêu gọi phải hầu việc cách khiêm nhường, dùng sự tự do trong Đấng Christ để hầu việc Ngài và phục vụ người khác như chính Đấng Christ đã phó chính mình cho chúng ta. Chúng ta không dùng sự mình làm tôi tớ Đấng Christ để làm cớ mà chểnh mảng với ý muốn của người chủ trên đất, trừ khi ý chủ đó trái với ý của Chủ thiên thượng của chúng ta. Chúng ta không dùng quốc tịch thiên thượng của chúng ta để đòi hỏi đặc quyền hay cương vị gì bởi xét cho cùng, chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải thuộc về Đấng Christ, phải sống giống như Ngài vì chúng ta hiệp một với Ngài và là dân sự Ngài. Khi nghĩ đến điều này chúng ta nghĩ đến đoạn Kinh Thánh trong Philíp đoạn 2, "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có." Ngài tự rời thiên đàng, mặc lấy hình tôi tớ để hầu việc chúng ta. Làm điều đó, Ngài chịu khổ, vâng phục nhà cầm quyền trên đất dù Ngài có năng quyền và thẩm quyền trên hết thảy những người đó. Ngài tình nguyện vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà thuận phục, thậm chí dưới sự bất công của họ, vì chúng ta và vì vâng phục Đức Chúa Cha. Thế thì chúng ta là dân sự Đức Chúa Trời cũng được kêu gọi đến sự thuận phục người chủ dưới đất của chúng ta.

Điều này có nghĩa là gì trong mối quan hệ của chúng ta với chủ nơi làm việc? Điều này rõ ràng có nghĩa là chúng ta cần vâng phục những người quản lý chúng ta. Chúng ta cần lắng nghe điều họ bảo chúng ta làm, đáp ứng một cách sẵn lòng, vui vẻ, tôn trọng và nhanh chóng với những công tác họ giao cho chúng ta. Chúng ta phải cư xử như thế không những khi họ có mặt mà cả lúc vắng mặt nữa. Chắc chúng ta đã biết một mẫu quảng cáo trên truyền hình: khi người chủ đi vắng, hết thảy nhân viên chạy lòng vòng chơi trò chơi rồi khi người chủ bất ngờ xuất hiện thì mọi người đột nhiên chạy về chỗ mình. Đó không phải là cách chúng ta nên cư xử nơi làm việc. Chúng ta không làm để trình diễn bên ngoài mà trung tín chăm chỉ thực hiện những công tác người chủ muốn nơi chúng ta. Là những người làm việc Cơ Đốc, chúng ta cần tìm cách làm tốt nhất cho chủ. Chúng ta có thể xem trong Cựu Ước và tìm thấy một tấm gương về vấn đề này nơi người nô lệ Giôsép đương khi hầu việc tại nhà Phôtipha. Giôsép này sẽ là người cai trị tại Êdíptô. Ông đã biết trước điều đó trong giấc chiêm bao rằng cả nhà ông sẽ cúi mình xuông trước mặt ông. Ông sẽ trở thành người cai trị trong xứ Êdíptô nhưng khi còn là nô lệ, ông hầu việc cách chăm chỉ đến nỗi Phôtipha nhận thấy điều đó rõ ràng và cất nhắc Giôsép lên một vị trí rất cao trong nhà ông. Dù là nô lệ, Giôsép chăm chỉ, bền bĩ hầu việc chủ và bởi đó ông là lời chứng vững chắc cho Đức Chúa Trời là Đấng ngự trong lòng ông. Cũng thế, chúng ta ngày nay cần sử dụng thời gian làm việc của mình một cách thành thật chân chánh. Điều này có nghĩa là nơi công sở, chúng ta sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng gánh vác lấy công việc nặng nhọc nhất để phục vụ những người mà Đức Chúa Trời đã đặt để có thẩm quyền trên chúng ta. Chúng ta không làm điều đó chỉ vì nghĩa vụ phải làm nên miễn cưỡng mà làm. Không, chúng ta làm điều đó vì chúng ta không chỉ hầu việc người chủ dưới đất mà còn đang hầu việc Chủ trên trời của chúng ta. Chúng ta đang hầu việc Đức Chúa Trời, Đấng chúng ta yêu mến, Đấng đã bày tỏ tình yêu thương đối cùng chúng ta trong Cứu Chúa Giêxu Christ chúng ta. Đức Chúa Trời là Chủ chúng ta. Và công việc làm tại công sở của chúng ta, bởi ơn Ngài, chúng ta đang làm cho Ngài vậy. Bởi ơn Ngài, bởi Thánh Linh Ngài, công việc chúng ta làm tốt đẹp mang vinh hiển cho Ngài.

Đoạn Kinh Thánh tại đây nói rằng sự phục theo chủ phải được thực hiện với hết cả lòng kính sợ. Điều này có nghĩa là gì? Chúng ta cần kính sợ điều gì? Hay chúng ta cần kính sợ ai? Tham khảo đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy rằng chúng ta cần kính sợ Đức Chúa Trời, kính sợ chủ mình hay kính sợ cả hai? Chúng ta thấy rằng chủ đề sự kính sợ được nêu lên nhiều lần trong sách 1Phierơ. 1Phierơ đoạn 3 câu 2 cũng đề cập đến cách cư xử của người vợ đối với chồng trong sự cung kính. Rõ ràng tại đây đoạn Kinh Thánh muốn nói đến sự cung kính đối với chồng. Tuy nhiên chúng ta có thể xem trong câu 17 rằng chúng ta được kêu gọi kính sợ Đức Chúa Trời. Thế thì chúng ta có thể nói rằng sự kính sợ này nói đến mối tương giao giữa con người và cả mối tương giao giữa chúng ta với Đức Chúa Trời nữa. Chúng ta được kêu gọi kính sợ Đức Chúa Trời. Tôi cho rằng chỗ này có vẻ như cố tình viết một cách hơi nước đôi. Chúng ta được kêu gọi kính sợ Đức Chúa Trời và phục theo chủ mình vì Đức Chúa Trời là Quan Án tối cao. Chúng ta được kêu gọi kính sợ chủ dưới đất vì chủ đó được đặt để có thẩm quyền trên chúng ta. Thế thì chúng ta được kêu gọi kính sợ Đức Chúa Trời và kính sợ chủ nhưng rõ ràng sự kính sợ Đức Chúa Trời vượt trên mọi sự kính sợ đối với con người.

Kinh Thánh dạy chúng ta phải phục không những người chủ hiền lành mà còn phục cả những người chủ gay gắt nữa. Chúng ta không thể viện cớ rằng "Chủ tôi thật tệ, chẳng ai thích ông ta cả. Thế nên tôi có lý cớ để không cần phục ông ta." Không, theo đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay đây không phải là cái cớ cho chúng ta. Chúng ta được kêu gọi phục những người mà chúng ta tự nhiên cảm mến, người hiền lành tốt bụng và cả những người khắt khe nữa. Tôi muốn chúng ta suy nghĩ về điều này bởi toàn bộ ý niệm về sự thuận phục trái ngược với nền văn hóa mà chúng ta đang sống đây, trái ngược với nền văn hóa Mỹ. Người Mỹ thường muốn khẳng định quyền hạn của mình. Chúng ta có những đặc quyền nào đó mà chúng ta không chịu để mất. Chúng ta cảm thấy rằng mình có quyền được những điều gì đó nên chúng ta không thể nào bị bắt buộc phải làm điều này điều kia. Hoặc chúng ta nhìn vào những đồng nghiệp chúng ta và thấy rằng mình không được đối xử công bằng nên phải đòi hỏi quyền lợi mình. Thật không công bằng nếu những người kia tự họ không làm mà lại buộc chúng ta làm. Tôi còn nhớ trước đây có lần tôi có một công việc làm tạm ở Michigan tại một nhà máy. Không hiểu thế nào mà cuối cùng thì những nhân viên tạm như tôi làm hết việc còn những nhân viên cao hơn lại không làm gì chỉ nói điện thoại, tán gẫu, chơi lòng vòng trong văn phòng. Tôi với một người bạn cùng làm việc tạm như tôi mới lên văn phòng của những nhân viên tạm trình bày vấn đề rằng những nhân viên tạm như chúng tôi làm hết mọi việc mà những nhân viên chính thức lại không làm gì. Gần một tuần sau thì chúng tôi được thuyên chuyển khỏi công ty đó đến một chỗ khác. Tuy nhiên, tại đây ý của đoạn Kinh Thánh là bất chấp tình huống có công bằng đối với chúng ta hay không, chúng ta được kêu gọi phải phục vụ và vui lòng mà phục vụ cách khiêm nhường, chuyên cần và hết khả năng với những gì được giao trong tinh thần hầu việc Đức Chúa Trời.

Lý do đầu tiên chúng ta phải hầu việc với tinh thần đó được tìm thấy trong câu 19 và 20 là vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Tôi đã đề cập đến ý này trong câu 17. Câu 17 được sắp đặt theo cấu trúc chéo. Chúng ta cũng gặp cấu trúc chéo trong câu 19 đến 20. Cấu trúc chéo là cấu trúc bắt đầu bằng một ý nào đó và kết thúc cũng giống như vậy. Dòng thứ nhì thường giống với dòng thứ tư và phần giữa thường mang ý chính. Tại đây chúng ta có thể thấy cấu trúc chéo trong câu 19. Câu 19 bắt đầu bằng "ấy là một ơn phước" và câu 20 kết thúc cũng với "ấy là một ơn phước", thế thì phần đầu và phần cuối giống nhau. Kế tiếp, chúng ta thấy "Vì nhơn cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức" (câu 19), "Nhưng nếu anh em làm lành, mà nhịn chịu sự khốn khó" (câu 20). Cả hai phần này đều nói đến sự chịu khổ. Phần trọng tâm là: "Vả, mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn chịu, thì có đáng khoe gì?" Trọng tâm ở đây là "Có gì đáng khoe nếu chúng ta bị chủ phạt một cách phải lẽ?" Đặt vấn đề một cách rõ ràng, điều này có nghĩa là không có gì vinh dự cho những người chịu khổ không phải vì sự công bình. Vinh dự chỉ dành cho những ai làm đúng mà lại chịu hình phạt. Không có gì đáng khen hay vinh dự cho những ai bị hình phạt là hậu quả của những sai quấy của mình. Chúng ta thấy điều này ngay trong thế giới của chúng ta. Chúng ta bảo rằng thật công bình khi ai đó gặt lấy điều mình gieo. Đó là điều chúng ta có thể trông đợi, là hậu quả hiển nhiên của cách sống mình. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Chúng ta nói họ phải chịu như thế là hợp lý. Ngược lại, người ta sẽ lưu tâm nếu ai đó làm đúng mà lại chịu khổ một cách bất công. Chúng ta thấy rằng người ta chỉ chú ý đến việc làm sai trật khi chúng ta làm sai và phải chịu hậu quả xứng đáng với hành động của mình. Nhưng khi chúng ta chịu khổ vì làm đúng, chúng ta khiến người ta chú ý đến sự công bình. Những ai bị kết án một cách không công bằng và chịu khổ cách nhẫn nại khiến người ta để tâm đến những gì thiện hảo công chính bởi điều đó khác hơn tiêu chuẩn thông thường. Nó khiến người ta chú ý không phải về điều ác mà về điều thiện. Nó khiến người ta chú ý đến công việc của Đấng Christ trong chúng ta. Nếu chúng ta là con cái Chúa và chúng ta chịu khổ cách nhẫn nại thì điều đó khiến người ta để ý không phải đến chúng ta mà đến sự hành động của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Điều đó trở nên đáng ngợi khen, sự ngợi khen không chỉ cho chúng ta thôi mà qua chúng ta dâng lên cho Đức Chúa Trời bởi Ngài là Đấng hành động trong chúng ta. Bởi lẽ khi họ nhìn thấy chúng ta, họ nhìn thấy Đấng Christ làm việc trong chúng ta và điều đó quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

Mục tiêu của Cơ Đốc Nhân chúng ta là chịu khổ với lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Như thế, có một sự tự do thật sự cho những người làm việc. Chúng ta tự do khỏi sự bất công của những người chủ dưới đất này. Chúng ta được tự do bởi biết rằng cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ phán xét hết thảy. Ngài biết tấm lòng chúng ta. Nếu người ta nghĩ rằng chúng ta làm ác, Đức Chúa Trời biết chúng ta công bình. Đức Chúa Trời là Quan Án mà chúng ta phải để tâm đến, chúng ta có thể để cho Ngài phán xét. Chúng ta không sợ dầu đang bị đối xử công bằng hay không. Chúng ta vui mừng vì được dự phần trong sự chịu khổ của Đấng Christ bởi trong điều đó chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời. Trong sự vâng phục người chủ dưới đất chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng ta, ban sức cho chúng ta chịu đựng. Chúng ta có thể hướng về Ngài. Trong sự vâng phục của chúng ta, chúng ta tôn vinh Đức Chúa Trời, và điều đó là có phước. Chúng ta phải nhận rằng ít nhiều chúng ta đều chưa đạt được điều này. Có thể trong những trách nhiệm của mình, chúng ta chưa làm trọn điều phải làm. Đoạn Kinh Thánh hôm nay cũng kêu gọi chúng ta ăn năn. Ăn năn có nghĩa là hướng về Đức Chúa Trời qua ân điển của Chúa Giêxu Christ để tẩy sạch mọi tội lỗi chúng ta, nhưng nó cũng có nghĩa là sự thay đổi trong cách sống chúng ta. Chúng ta sống trước mặt chủ trên đất thể nào để bày tỏ sự hành động của Đấng Christ trong lòng chúng ta. Chúng ta sống với thái độ phục vụ khiêm tốn. Kinh Thánh cũng có nhiều chỗ dạy dỗ về trách nhiệm của người chủ đối với người làm công nhưng tại đây tập trung vào trách nhiệm của người làm công đối với chủ. Họ phải hầu việc Đức Chúa Trời bằng cách hầu việc chủ mình cách chăm chỉ, khiêm nhường hầu tôn vinh hiển Đức Chúa Trời.

Khi suy nghĩ thấu suốt về điều này, chúng ta thấy nó mang những ứng dụng rất sâu rộng cũng giống như vấn đề về mối quan hệ của chúng ta với nhà cầm quyền vậy. Tại đây chúng ta không đủ thời gian để thảo luận hết những vấn đề nảy sinh từ chủ đề này nhưng có lẽ ai đó sẽ suy nghĩ đến ý nghĩa của nó trong mối quan hệ với chủ? Trong việc chúng ta tham gia công đoàn lao động? Khi chúng ta công khai chỉ trích những cách làm không công bằng trong môi trường làm việc? Đây là những vấn đề rất thực tế trong xã hội của chúng ta. Tôi tin rằng khi suy nghĩ về sự dự phần của chúng ta vào những vấn đề này, Cơ Đốc nhân cần phải thật thận trọng, tự xét mình và suy xét khi dự phần vào những việc đó. Vâng, những điều đó cũng có thể dẫn đến những kết quả tốt, nhưng lắm khi họ khích lệ một sự vi phạm rõ ràng đối với sự dạy dỗ này của Thánh Kinh. Thế thì chúng ta phải cân nhắc cẩn thận khi dự phần vào đó. Là tôi tớ Chúa, chúng ta được kêu gọi hầu việc và thuận phục những người chủ dưới đất. Hội thánh chúng ta hãy quyết tâm mang vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách làm những tôi tớ vâng phục như Thánh Kinh dạy. Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì lời Ngài dạy dỗ chúng con cách sống thế nào cho đúng với cương vị là công dân thiên quốc trên đất này. Xin ban cho chúng con sự khôn ngoan hầu chúng con có thể khiêm nhường và trung tín vâng phục những người mà Ngài đặt để có thẩm quyền trên chúng con, hầu chúng con có thể chuyên cần trong sự làm việc của chúng con đồng thời cách sống chúng con cũng phản ánh sự công bình của Đấng Christ và bởi đó mà tôn vinh hiển danh Ngài bởi chính Ngài đang hành động trong chúng con. Xin ban cho chúng con tấm lòng sẵn sàng phục vụ bởi chúng con là tôi tớ của Đấng đã chuộc mua chúng con khỏi tội lỗi chúng con. Nếu chúng con chưa làm đúng theo ý muốn Chúa, xin cho chúng con ăn năn thật lòng và tin cậy ân điển Đấng Christ. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)