Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Cuộc Thảm Sát Tại Nóp - 12/2005  


CUỘC THẢM SÁT TẠI NÓP
(1Samuên 22)

Tháng Mười Hai 2005

Kính thưa quý hội thánh trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy sự tương phản giữa Saulơ và Đavít không còn có thể nào nổi bật hơn nữa. Saulơ lún sâu hơn bao giờ hết khi ông đổ cơn giận của mình lên các thầy tế lễ tại Nóp. Rõ ràng là khi đọc qua sách 1Samuên, chúng ta bị cuốn vào mối thiện cảm càng lớn đối với Đavít và buộc phải ác cảm với Saulơ. Tôi tin rằng đó chính là chủ ý của tác giả khi ông viết ra sách này. Ông đang muốn độc giả mình đứng về phía Đavít hay phát triển một tình cảm mạnh mẽ cho Đavít và đồng thời cảm thấy phản đối Saulơ và sự độc ác của ông. Chúng ta được khích lệ trung thành với nhà Đavít và khước từ nhà Saulơ và sự độc ác ông. Chủ đề tại đây là hình bóng của một chủ đề lớn hơn mà chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh. Điều chúng ta tìm thấy trong 1Samuên thật sự là sự dạy dỗ của Kinh Thánh cho chúng ta: Chúng ta được kêu gọi đi theo Đấng Christ là Đấng chịu xức dầu, Con trai Đavít, ra từ dòng dõi Đavít. Chúng ta được khích lệ không đứng trong hàng ngũ của những người khước từ Đavít đi theo Saulơ, người mà sách Samuên mô tả là hình ảnh đối nghịch với Đấng Christ, một tôi tớ của vương quốc tối tăm. Chúng ta sẽ thấy điều đó rõ ràng hơn khi đọc qua đoạn Kinh Thánh.

Khi đọc những câu mở đầu của 1Samuên 22, chúng ta được thu hút chú ý đến Đavít. Đavít chạy trốn khỏi Gát. Ông giả điên trước mặt vua xứ Gát. Vua Gát cho dẫn ông ra đến cổng và bảo ông đi. Đavít trốn khỏi đó và đi đến hang đá Ađulam. Tại đó ông gặp những thành viên của gia đình mình. Chắc chắn rằng trong tình hình này chính sinh mạng của gia đình ông đang bị đe dọa. Họ bị tác động rất nhiều bởi quyết tâm chết người của Saulơ muốn cất mạng Đavít. Chúng ta cần để ý một số điểm trong năm câu đầu đoạn này là năm câu ít nhiều tách rời khỏi phần còn lại.

Thứ nhất, chúng ta thấy Đavít săn sóc gia đình mình. Ông tìm cách bảo vệ họ khỏi bàn tay trả thù của Saulơ. Vì vậy, Đavít đưa gia đình mình đi đến xứ Môáp. Một số người nhìn hành động này của Đavít khi ông mang gia đình mình khỏi đất hứa Canaan mà đến xứ Môáp như là một việc làm thiếu đức tin của ông. Nhưng một lần nữa như nhiều lần khác trong Kinh Thánh, những gì hàm ý trong đoạn Kinh Thánh không nhất thiết là những câu chữ bên ngoài của nó. Không có gì chứng tỏ hành động đó của Đavít là bởi thiếu đức tin cả. Môáp ít nhiều là sự lựa chọn tự nhiên cho gia đình Đavít. Chúng ta nhớ trong sách Rutơ, Rutơ là người nữ Môáp. Bà là tổ mẫu của Đavít và gia đình ông. Đavít tìm chỗ trú ẩn tại đây chỉ cho đến khi ông xác định được điều Đức Chúa Trời sẽ thi hành cho ông. Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy Đavít chỉ làm theo ý Đức Chúa Trời. Tại đây Đavít không tìm cách di chuyển hẳn gia đình mình về xứ Môáp ra khỏi đất hứa của Đức Chúa Trời. Đây không phải là nơi cư ngụ cố định lâu dài mà là tạm thời để được an toàn. Tuy nhiên điều mà chúng ta nhìn thấy trong đoạn Kinh Thánh này là Đavít thương yêu gia đình mình. Ông quan tâm đến họ và sự an toàn của họ. Chúng ta nhìn thấy ở Đavít một con người yêu thương những người ở dưới sự bảo bọc của mình. Chúng ta thấy điều này hết sức trái ngược với Saulơ. Saulơ cư xử rất tàn ác với chính những thành viên trong gia đình mình. Chúng ta nhớ điều Saulơ làm đối với Micanh trong việc tìm cách giết chồng Micanh. Chúng ta thấy điều Saulơ làm đối với Giônathan, ném giáo mình vào Giônathan và trong đoạn 15 sẵn sàng giết Giônathan sau trận chiến với người Philitin. Saulơ chẳng có tình cảm đó. Ông chẳng có thái độ chăm sóc đối với gia đình mình. Ngược lại chúng ta nhìn thấy nơi Đavít một tấm lòng yêu thương quan tâm đến hạnh phúc gia đình mình. Đó là một điểm mà chúng ta có thể rút ra trong năm câu đầu.

Thứ hai, chúng ta cũng có thể xem xét những người xung quanh Đavít. Câu 2 chép: "Phàm kẻ nào bị cùng khổn, kẻ nào mắc nợ, và những người có lòng bị sầu khổ cũng đều nhóm họp cùng người." Đây thật là một đội ngũ không ra gì, sự nhóm hiệp của những người bất mãn. Hết thảy những người bất mãn, không vui về những gì đang xảy ra trong xứ Ysơraên nhóm hiệp lại. Đây là những người ở bên lề xã hội, cùng khổn, bất mãn nhóm hiệp xung quanh Đavít. Rõ ràng không phải những người quyền thế, giàu sang, thế lực mà là những người bị ruồng bỏ trong xã hội đi theo Đavít. Khi nhìn vào số bốn trăm người đi theo Đavít này, chúng ta thấy họ giống như những người đi theo Chúa Giêxu. Chúa Giêxu nói Ngài gọi họ từ trên đường phố ngõ hẻm. Trong số những người theo Chúa Giêxu, chúng ta tìm thấy những người nghèo nàn, bị khước từ, những người bị ruồng bỏ, những người đánh cá, người thâu thuế, người ăn xin, người bán phấn buôn hương, người bịnh hoạn, người có lòng khó khăn, mà không phải là những người tự hào, người lãnh đạo trong dân Ysơraên thời bấy giờ. Đây là những người trở thành công dân nước Ngài. Đây cũng là những hạng người đi theo Đavít.

Điểm thứ ba chúng ta nhìn thấy tại đây là trong câu 5, rằng Đavít rất quan tâm đến việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Khi tiên tri Gát đến cùng ông, ông được bảo phải đi đến xứ Giuđa. Ai đó có thể dễ dàng cho rằng khi nghe sứ điệp của tiên tri Gát, chắc Đavít có thể phản đối dữ dội. "Đi đến xứ Giuđa à, thưa ông Gát? Ông nói như vậy có thực tế không? Ông chẳng biết là Saulơ có ảnh hưởng trên xứ đó sao? Nếu tôi đi đến đó thì Saulơ sẽ biết ngay. Ông chẳng biết là yêu cầu của ông nguy hại đến tính mạng tôi sao? " Đavít có thể dễ dàng phản đối lời của tiên tri Gát phán cùng ông nhưng ông đã không làm thế. Chúng ta thấy Đavít sẵn sàng vâng lời Đức Chúa Trời bất chấp sự nguy hiểm gắn liền. Ông ra đi vâng phục.

Thế thì chúng ta nhìn thấy trong những câu đầu của đoạn Kinh Thánh này thái độ và tấm lòng của Đavít đối với gia đình mình, với Đức Chúa Trời và đối với những người hiệp lại xung quanh ông. Chúng ta nhìn thấy sự trái ngược với Saulơ. Chúng ta xem xét điểm nổi bật nhất trong hành động của Saulơ trong câu 6 về sau, chúng ta thấy Saulơ ngồi dưới cây liễu tại Ghibêa, trong xứ Rama. Khi đọc điều này, chúng ta có xu hướng cho rằng Saulơ đang ở cùng chỗ trước đây được chép trong đoạn 14. Tại đó, Saulơ ngồi dưới cây lựu với Ahigia, con trai Ahitúp. Ahigia hoặc là anh em của Ahimêléc hoặc chính là Ahimêléc. Cả hai đều là con của Ahitúp. Tại đó, Saulơ cũng đang chờ đợi lời truyền, lời của Đức Giêhôva trước khi khởi sự chiến đấu nghịch cùng người Philtin. Tuy nhiên, chúng ta đã đọc đoạn 14 rằng lời truyền phán đó không bao giờ đến. Đức Chúa Trời không phán cùng Saulơ bởi ông chống nghịch Ngài. Lời của Đức Chúa Trời không bao giờ đến. Thế thì chúng ta thấy có một sự trùng lập chủ đề một cách có chủ ý giữa đoạn 14 và đoạn 22. Chúng ta tìm thấy sự lặp lại của cùng những nhân vật: Saulơ, Ahigia hay Ahimêléc và chủ đề về lời Đức Chúa Trời ban cho Đavít mà không cho Saulơ. Nếu xem xét sự so sánh một cách kỹ lưỡng hơn, chúng ta sẽ nhận ra đây là nguồn gốc của sự ganh tị từ phía Saulơ. Saulơ biết rằng mình đã bị bỏ. Ông biết rằng Đavít đã nhận lãnh sự chúc phước của Đức Chúa Trời. Khi đụng phải vấn đề lời của Đức Chúa Trời mà Đavít được nhận lãnh, vấn đề được tỏ ra rõ rệt hơn bao giờ hết cho Saulơ rằng ông đã bị Đức Chúa Trời bỏ và khước từ. Vì điều này hay ít ra một phần của việc nầy mà vương quyền của Saulơ sẽ không lưu truyền lại cho con trai mình.

Chúng ta nhìn thấy trong đoạn 22 câu 6 rằng Saulơ ngồi đó tay cầm giáo. Đây là một chi tiết rất thú vị. Mỗi khi đọc thấy Saulơ tay cầm giáo, chúng ta nghĩ đến điều gì? Chúng ta nghĩ rằng cây giáo đó sẽ phóng đi, phải không? Bởi chúng ta đã thấy cây giáo đó phóng đi nhiều lần, nhiều lần nhắm vào Đavít, rồi sau đó vào chính Giônathan. Thế nên giờ đây chúng ta đọc thấy Saulơ cầm giáo nơi tay và chúng ta chờ đợi xem ai là mục tiêu kế tiếp. Chúng ta cảm giác rằng ai đó tốt hơn là nên bỏ chạy trốn. Chúng ta hình dung trước xem điều gì sẽ xảy ra. Một điểm nữa chúng ta để ý rằng khi Saulơ ngồi cầm giáo, chúng ta biết rằng ông đang ở trong tâm trạng không vui, rằng ông đang bị ác thần khuấy khuất. Đó là những lúc mà Đavít ở trước mặt ông gảy đàn để làm dịu tâm thần Saulơ. Vì thế chúng ta có thể đoán rằng trong bức tranh này, Saulơ đang bị ác thần khuấy khuất. Khi đọc tiếp đoạn Kinh Thánh, sự điên cuồng của Saulơ trở nên rõ ràng. Thái độ và lời nói của Saulơ bày tỏ rõ ràng một người bị hoang tưởng, sợ hãi hết thảy mọi người chung quanh mình. Chúng ta thấy rằng nỗi lo sợ của Saulơ hoàn toàn vô lý. Điều này trái ngược với Đavít. Chúng ta nhớ Đavít giả điên. Tuy nhiên sự điên của Đavít thật ra là có lý. Ông giả điên để chạy thoát.

Tại đây Saulơ tỏ ra có lý nhưng lời nói và tư tưởng của ông lại tỏ ra vô lý. Chúng ta hãy để ý điều ông nói, "...các ngươi hết thảy đồng mưu nghịch ta... chẳng ai cho ta hay rằng con trai ta đã kết ước cùng con trai Ysai..." Chúng ta thấy cảm giác bị cô lập của Saulơ. Ông cảm thấy mọi người đều bỏ mình, mọi người đều đồng mưu nghịch cùng mình, mọi người đều theo phe Đavít. Điều này là không chính xác. Rõ ràng có những người đứng về phía Saulơ chưa đứng về phía Đavít. Rõ ràng là không phải mọi người đều nổi nên nghịch cùng ông, lập mưu hại ông như lời ông mô tả. Chắc chắn là lời buộc tội đó không thể đem gán cho chính con trai ông hoặc Đavít được. Cách dùng từ "lập mưu hại" tại đây thật thú vị. Cách dùng từ này là châm biếm mỉa mai bởi rốt cuộc có phải Đavít là người lập mưu hại Saulơ không hay ngược lại? Sau này khi đọc tiếp chúng ta thấy Đavít không phải chỉ có một cơ hội để cất mạng sống Saulơ. Đavít không lập mưu hại Saulơ nhưng ông chờ đợi thời điểm của Đức Chúa Trời. Ông không tìm cách tiêu diệt Saulơ. Giônathan cũng vậy. Thật ra điều mà Ahimêléc nói về Đavít là hoàn toàn thật: "Vậy, trong vòng đầy tớ vua, ai là người trung tín như Đavít, làm phò mã vua, dự hội mật nghị của vua, và được tôn quý hơn hết trong nhà vua?" Chúng ta nhớ rằng lập luận này giống y như lập luận của Giônathan trước đây và cha ông là Saulơ không thể phản đối gì cả. Đavít luôn là một tôi tớ trung thành đối với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên chúng ta tìm thấy trong lời nói của Saulơ từ câu 6 đến 9 sự hiểu biết về mối quan hệ của mình với Đavít. Chúng ta để ý rằng ông không gọi Đavít bằng tên mà gọi bằng "con trai Ysai". Trong câu 8 ông gọi Đavít là "kẻ tôi tớ ta". Đối với Saulơ, việc Đavít khuất phục mình là điều hết sức hệ trọng. Saulơ muốn nhìn thấy Đavít là con của ai đó, hay một tôi tớ mà không phải Đavít là vua. Saulơ cố tình giữ Đavít trong vai trò quị lụy. Sự điên cuồng của Saulơ tỏ rõ ra trong lời nói của ông. Khi xem về một khía cạnh của khúc Kinh Thánh nầy chúng ta thấy phía Đavít thật tội nghiệp. Saulơ nói những lời lẽ như: "Nhân sao chẳng ai thương xót ta, cho ta hay trước rằng con trai ta đã xui kẻ tôi tớ ta nghịch cùng ta... sau khi ta đã lập những người Bêngiamin các ngươi làm trưởng ngàn người và trăm người. Các ngươi tưởng Đavít sẽ làm cho các ngươi điều đó sao? Tại sao các ngươi không làm điều đó cho ta? Các ngươi cứ theo phe Đavít." Chúng ta có thể nhìn thấy sự hoang tưởng của Saulơ, lời phàn nàn của Saulơ rõ ràng là sai trật. Nỗi sợ của Saulơ rằng Đavít mưu hại mạng sống ông là hoàn toàn không có cơ sở.

Tuy nhiên chúng ta tìm thấy một tôi tớ của Saulơ là Đô-e người Êđôm sẵn sàng phản Đavít. Đô-e là một người Êđôm, là dân tộc không thân thiện với người Ysơraên. Họ là con cháu Êsau. Suốt lịch sử dân Ysơraên, họ luôn là kẻ thù của dân tộc này. Vì vậy bất kỳ người Ysơraên nào đọc đoạn Kinh Thánh này cũng đều hiểu ngay rằng Đô-e không đứng về phía dân Ysơraên. Hắn là một tên lính đánh thuê cho Saulơ. Đoạn 21 cũng cho chúng ta biết Đô-e làm đầu các kẻ chăn của Saulơ, một người làm trưởng trong các tôi tớ. Biết được điều này chúng ta cũng thấy một sự mỉa mai châm biếm: Đô-e chịu trách nhiệm coi sóc bầy súc vật của Saulơ còn Đavít là người chăn bầy của Đức Chúa Trời. Điều châm biếm là Đô-e, người chăn chiên, lại hành động hoàn toàn trái ngược đối với bầy của Đức Chúa Trời: Ông chẳng phải là người chăn chút nào cả mà là kẻ phản bội và giết hại bầy. Chúng ta cũng biết Đô-e là người phản bội tố giác Đavít cùng Saulơ.

Saulơ khi biết tin Đavít đã đến Nóp liền cho đòi Ahimêléc, không chỉ thầy tế lễ này thôi mà còn cả nhà thầy tế lễ nữa. Saulơ đối chất hết thảy họ dù Ahimêléc là người duy nhất có mặt tại đó trong lúc ấy như trong đoạn 21 cho biết Ahimêléc là người trao thanh gươm và bánh cho Đavít. Tuy nhiên hết thảy các thầy tế lễ bị triệu tập để biện hộ cho hành động của mình trước mặt Saulơ. Saulơ đối chất hết thảy họ về tội mưu nghịch Saulơ. Chúng ta để ý khi Ahimêléc ra mắt Saulơ, Saulơ nói rằng: "Cớ sao ngươi đồng mưu cùng con trai Y-sai mà nghịch cùng ta? Ngươi có cấp bánh cho nó và trao cho nó một cây gươm, cầu vấn Đức Chúa Trời cho nó..." Chúng ta để ý giọng điệu của Saulơ tại đây không phải là "Có phải ngươi đã làm thế không?" mà là "Sự việc đã thế, tại sao ngươi lại làm thế?" Saulơ không hề hỏi han gì để tìm ra sự thật. Ông tự động kết tội họ mưu nghịch ông. Từ câu hỏi của Saulơ chúng ta đã cảm nhận rằng bản án đã quyết rồi, rằng Ahimêléc có nói gì để binh vực mình đi nữa thì chắc cũng sẽ bị đánh gục. Ahimêléc sẽ là đối tượng của thanh gươm trong tay Saulơ. Chúng ta đã cảm giác rằng chuyện đó sắp xảy ra. Khi xem xét câu trả lời của Ahimêléc trước câu hỏi của vua rằng: "Vậy, trong vòng đầy tớ vua, ai là người trung tín như Đavít, làm phò mã vua, dự hội mật của vua..." Đây là một cách biện hộ thú vị trong bối cảnh này. Chúng ta có thể trông đợi Ahimêléc bào chữa rằng: "Tôi không hề liên can gì đến Đavít" hoặc "Tôi không muốn can hệ gì đến Đavít." Thay vào đó Ahimêléc lại đáp lời hoàn toàn ngược lại, không ai muốn khen ngợi kẻ thù của vua mà luôn muốn hạ họ xuống. Thế mà Ahimêléc lại làm hoàn toàn ngược lại. Ông lại khen ngợi Đavít. Chắc chúng ta thắc mắc tại sao ông lại làm thế. Tôi tin rằng ý chính trong lời bào chữa của ông là: Không phải Ahimêléc biết rằng mình đang làm nghịch ý Saulơ. Ý ông muốn nói rằng ông đang trung thành với vua đó thôi bởi ông đã giúp cho một tôi tớ khác của vua. Đavít là người trung thành hơn hết mọi người. Vì thế giúp Đavít cũng có nghĩa là giúp vua. Ahimêléc nói: "Có phải ngày nay tôi mới khởi cầu vấn Đức Chúa Trời cho người sao? Tôi quyết không làm như vậy! Xin vua chớ ngờ một lời nào cho tôi tớ vua..." Điều ông muốn nói là Đavít bảo rằng ông có việc vua sai ông đi và Ahimêléc chỉ hành động vì lợi ích của vua mà thôi. Ông không hề biết mình đang giúp đỡ kẻ thù của vua. Ahimêléc nói sự thật. Điều ông nói cũng giống lời của Giônathan trong đoạn 19 rằng Đavít không phạm tội gì cùng Saulơ; Đavít luôn cư xử rất tốt với ông. Điều đó thật rõ ràng trước mắt mọi người. Thật khó hiểu nỗi sự phi lý của Saulơ. Không ai có thể hiểu tại sao Saulơ cứ kiên quyết nghịch thù cùng Đavít.

Bất chấp lời biện hộ của Ahimêléc rằng ông đứng về phía vua mà không phải là kẻ thù, không hề có ý làm hại gì cho nhà Saulơ, Ahimêléc bị kết tội. Ông bị kết tội chỉ vì tiếp tay cho Đavít. Saulơ truyền rằng:"Hỡi Ahimêléc, thật ngươi và cả nhà cha ngươi đều sẽ chết!" Sau đó Saulơ quay sang những thị vệ đứng gần mình. Điều bày tỏ sự kinh khủng của tội lỗi sắp được thi hành đây là khi vua quay sang những tôi tớ mình bảo họ giết các thầy tế lễ, những tôi tớ đó không thể thi hành mệnh lệnh đó. Họ lặng người đi bất động không thể thực hiện mệnh lệnh vua. Làm thể nào họ, những người Ysơraên, có thể quay lưng lại với những thầy tế lễ của Đức Giêhôva? Chúng ta để ý Kinh Thánh nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng đây là những thầy tế lễ của Đức Giêhôva. Họ biết rằng quay lưng lại cùng những thầy tế lễ và giết họ đi là một sự sỉ nhục Đức Chúa Trời và họ không thi hành mệnh lệnh của Saulơ.

Tuy nhiên, Đô-e không cảm nhận được sự ràng buộc đó. Ông không thuộc trong dân Ysơraên. Ông không phải phàn nàn gì khi phải giết các thầy tế lễ. Đô-e vâng lời và đặt các thầy tế lễ dưới sự hành quyết. Chúng ta đã quen thuộc với lịch sử dân Ysơraên, chúng ta đã trình bày về điều này trong đoạn 15. Chúng ta biết sự tuyệt diệt là điều Đức Chúa Trời đòi dân Ysơraên phải thi hành khi bước vào xứ Canaan, họ phải tiêu diệt hết mọi kẻ gian ác kể cả đàn bà, con nít và súc vật. Mọi kẻ gian ác tội lỗi, hết thảy dân Canaan đều phải bị ở dưới sự tuyệt diệt. Trong đoạn 15, Đức Chúa Trời truyền cho Saulơ rằng ông có trách nhiệm phải giết hết thảy dân Amaléc, dùng gươm diệt hết thảy chúng nó. Thế nhưng Saulơ đã làm gì trong tình hình đó khi Đức Chúa Trời truyền cho ông phải thi hành sự tuyệt diệt bởi những gì dân Amaléc đã làm cho dân Ysơraên? Saulơ có tuyệt diệt hết họ không? Không! Saulơ trong sự khôn ngoan riêng mình quyết định dong thứ cho Aga, vua Amaléc và để dành lại những con thú vật tốt nhất. Ông chẳng thi hành mạng lịnh của Đức Chúa Trời khi việc đó trái ý dân Ysơraên. Thế mà đến việc giết các thầy tế lễ ông lại quá nhiệt tình tuyệt diệt họ đi. Ông đặt dân sự Đức Chúa Trời, chớ không phải là kẻ thù, dưới sự tuyệt diệt.

Đồng thời khi đọc câu chuyện này chúng ta cũng phải hiểu rằng đây là sự ứng nghiệm của lời tiên tri. Trong sự hủy diệt nhà Ahimêléc, chúng ta thấy sự ứng nghiệm lời của người Đức Chúa Trời trong đoạn 2 cùng Hêli rằng nhà Hêli sẽ bị tiêu diệt ngoại trừ một người sẽ trở lại bàn thờ với lòng đau thương và khóc lóc. Người đó chính là Abiatha, còn cả nhà Hêli đều bị tiêu diệt. Thế thì, một mặt chúng ta nhìn thấy sự hủy diệt nhà Ahimêléc là sự hủy diệt những người vô can đến tội ác nghịch cùng họ, mặt khác nó là sự ứng nghiệm lời tiên tri nghịch cùng nhà Hêli.

Khi đọc đoạn Kinh Thánh này tôi cho rằng chúng ta có thể được thu hút nghĩ về Đấng Christ. Khi nhìn về Tân Ước, chúng ta thấy một người Êđôm ngồi trên ngai vàng của Ysơraên mang tên vua Hêrốt. Giống như vua Saulơ, vua Hêrốt rất sợ người khác chiếm mất ngai vàng của mình. Có người đến báo cho ông về ngôi sao phương Đông loan báo vị vua Giuđa ra đời trong khi Hêrốt đang ngồi trên ngai Giuđa. Ông sợ vương quyền này. Nhiều người Pharisi trong thời đó cũng sợ Vị Vua đã đến này. Vì nỗi sợ này Hêrốt đã sai người của mình đi giết những người vô tội, những em bé trong xứ Bếtlêhem với cùng ao ước như Saulơ: Saulơ hủy diệt nhà Ahimêléc với hy vọng hủy diệt Đavít. Trên một khía cạnh nào đó, Ahimêléc đứng thế chỗ của Đavít. Bởi không bắt được chính Đavít, Saulơ đổ cơn giận dữ và trả thù mình lên Ahimêléc, những người giúp Đavít.

Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết Abiatha, một trong số họ, thoát được. Đavít khích lệ Abiatha ở với mình. Đavít bảo Abiatha rằng: "Hãy ở cùng ta, chớ sợ chi; kẻ nào tìm hại mạng sống ta, cũng tìm hại mạng sống ngươi; ngươi ở cùng ta, thì sẽ được bảo toàn." Một lần nữa, chủ đề tổng quát kéo chúng ta đến với Đấng Christ. Sứ điệp của Đấng Christ cũng như thế đối với chúng ta: Thế gian ghen ghét Ngài cũng sẽ ghen ghét chúng ta; Thế gian căm ghét Ngài và không cho Ngài yên nghỉ cũng sẽ không để cho hội thánh được ngơi nghỉ; Thế gian tìm cách hủy diệt Đấng Christ cũng sẽ tìm cách hủy diệt dân sự Ngài. Rõ ràng điều này phản ánh điều chúng ta thấy trong Khải Huyền đoạn 12 với câu chuyện người đàn bà bị con rồng đuổi theo. Khi con rồng không thắng được người đàn bà và con bà, nó liền quay sang dòng dõi người đàn bà là hội thánh. Chúng ta tìm thấy câu chuyện tương tự như thế tại đây: Khi xem xét hành động của Saulơ xuyên suốt sách 1Samuên, chúng ta thấy nó gắn bó rất chặt chẽ với công việc của Satan trong ước muốn hủy diệt dòng dõi người đàn bà và hội thánh Đấng Christ. Chúng ta thấy khi đọc đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta phải được lôi kéo đến với Đavít. Như Abiatha, chúng ta phải tìm thấy sự yên nghỉ trong nhà Đấng Christ, ở với Ngài và không sợ hãi, ở với Ngài vì Ngài sẽ bảo an cho chúng ta.

Một điểm thú vị cuối cùng tại đây là Saulơ đã nhất định trong một mức độ nào đó về việc Đavít đã nhận được sự truyền phán. Đoạn 22 có đề cập đến lời phán nhưng chúng ta để ý đoạn 21 không đề cập gì đến điều này. Vì thế có một câu hỏi đưa ra giữa những nhà bình giải rằng thật sự Ahimêléc có ban lời truyền nào cho Đavít không, ông có ban sứ điệp nào của Đức Chúa Trời cho Đavít không. Đoạn 22 chưa bao giờ làm rõ điểm này. Tuy nhiên vấn đề này chiếm vai trò quan trọng trung tâm đối với Saulơ bởi ông không muốn Đavít tìm được sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Điều rất thú vị được tìm thấy ở phần sau trong đoạn 23. Tại đây Abiatha chạy trốn với Đavít ở Kêila có mang theo cái êphót. Đây chính là điều Saulơ không muốn. Ông không muốn Đavít có lời Đức Chúa Trời nhưng thầy tế lễ Abiatha chạy trốn và cho Đavít con đường tiếp cận, ít nhất là bên ngoài, với lời Đức Chúa Trời. Không phải Đavít phải cần đến cái êphót mới có lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên điều đó bày tỏ cách công khai rằng ông đang có được lời Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời đang ở cùng Đavít mà không phải là Saulơ. Điều đó khiến Saulơ điên tiết đến nỗi ông sẵn sàng hủy diệt cả nhà Ahimêléc.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Giờ đây chúng con đang dừng lại giây lát để suy gẫm Lời Ngài mà chúng ta vừa đọc đây. Chúng con cảm ơn Ngài về Lời này đã nuôi dưỡng chúng con, nhắc nhở chúng con đứng về phía nhà Đavít, tin cậy nơi Chúa Giêxu Christ. Xin cho chúng con hướng về Ngài tìm sự trú ẩn bình an, yên nghỉ bởi chúng con biết dù Đavít không có chỗ gối đầu, dù ông bị ghen ghét và bắt bớ bởi thế gian, bởi Saulơ, chúng con biết rằng Ngài bảo toàn Đavít. Ngày nay Ngài cũng ban lời hứa đó cho hội thánh Ngài rằng chúng con sẽ thuộc về vương quốc đời đời của Ngài, rằng Đấng Christ, từ dòng dõi Đavít sẽ ngồi trên ngai đó đời đời còn chúng con là công dân của vương quốc đó. Xin cho chúng con tìm thấy sự yên nghỉ và bình an khi biết điều đó. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)