Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Đá Góc Nhà - 6/2008  


ĐÁ GÓC NHÀ
(1Phierơ 2:6-7)

Kính thưa quý hội thánh trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Trong những lần vừa qua, chúng ta đã dành thời gian suy gẫm và học hỏi về những hòn đá. Không phải chúng ta nói về những hòn đá trong sân chơi của các em thiếu nhi, trong bãi đậu xe, đá ở nơi đồi núi. Chúng ta nói về những hòn đá hết sức đặc biệt. Như câu 4 và 5 có nói, những hòn đá này đang được dùng xây dựng nên một nhà. Đây là một nhà không giống nhà nào khác mà là nhà của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng không đọc thấy rằng những hòn đá này là chết, không sống động như những hòn đá ngoài kia. Trái lại, nó là những hòn đá sống. Nhà này đang được xây thành một đền thờ sống cho Đức Chúa Trời.

Tuần rồi chúng ta đã học về nhà này. Chúng ta đã thấy đây là một nhà thiêng liêng, không phải là một nhà theo nghĩa đen làm bằng gỗ đá mà là một nhà thiêng liêng làm bằng những tín hữu. Những tín hữu như là những hòn đá sống làm thành những bức tường nhà. Những hòn đá sống này được làm nên sống động nhờ mối tương giao với Hòn Đá Sống là hòn đá góc nhà, tức là chính Đấng Christ. Ấy chính là tại nơi nhà thiêng liêng này mà Đức Chúa Trời ngự. Ấy chính tại đây Đức Chúa Trời thật sự được thờ phượng. Ấy chính tại nơi nhà làm bằng những tín hữu trong mối liên hệ với Đấng Christ, là đá góc nhà, này mà những của tế lễ thiêng liêng được dâng lên. Những của lễ này nhờ Đấng Christ mà được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Sự dạy dỗ này là hết sức sâu nhiệm khi chúng ta biết rằng tín hữu chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời, là nơi ngự của Đức Chúa Trời, là nơi chúng ta có thể ngày đêm hầu việc Ngài như những thầy tế lễ trong đền thờ. Hãy suy nghĩ về điều này: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Chúng ta thật vui sướng khi biết rằng chúng ta là đền thờ của Ngài bởi một ngày trong hành lang Chúa là tốt đẹp hơn một ngàn ngày ở nơi khác, theo tác giả Thi Thiên.

Tuy nhiên sứ đồ Phierơ, trong sự linh ứng, khi viết ra sách này, thúc đẩy chúng ta đi xa hơn trong sự hiểu biết về đặc tánh của nhà đang được xây dựng này, nhà mà tín hữu chúng ta đang là một phần của nó. Ông làm điều này bằng cách một lần nữa đưa chúng ta về với Cựu ước, cụ thể là sách Êsai. Bằng cách trích dẫn Cựu ước này, ông bổ sung sự hiểu biết của chúng ta về cương vị của chúng ta trong Đấng Christ, những quyền lợi chúng ta có được khi tin cậy nơi Ngài. Ông trích dẫn từ Êsai đoạn 28 câu 16 và áp dụng nó vào sự đến của Đấng Christ. Chúa Giêxu là hòn đá góc nhà. Ngài là Đấng được Đức Chúa Trời đặt tại Siôn. Hòn đá góc nhà đó, theo Êxêchiên đoạn 10 câu 4, phải ra từ dòng dõi Giuđa. Thế nên khi chúng ta xem xét điều này, chúng ta thấy rõ rằng mục tiêu của Cựu ước là hướng chúng ta về Đấng Christ. Đấng Christ là sự ứng nghiệm của lời tiên tri về đá góc nhà này.

Chúng ta hãy xem trong Êsai đoạn 28. Tại đây những người lãnh đạo trong dân Ysơraên đang suy thoái. Họ đang bị đối chất về cung cách tội lỗi và bạn nghịch của mình. Một trong những hành động của họ là dẫn dắt dân sự đi sai lạc khỏi Đức Giêhôva. Thực chất họ đang khước từ giao ước đã được lập với họ trong thời Môise và bởi đó họ không còn tin cậy Đức Chúa Trời nữa. Thay vào đó, họ đem lòng tin cậy những thần tượng giả dối và trong sự liên minh với những dân tộc khác mà Đức Chúa Trời không cho phép. Đặc biệt là trong thời đó dân sự đang bị đối chất về mối liên kết của họ với Êdíptô là điều Đức Chúa Trời rõ ràng không cho phép. Họ đặt lòng tin cậy và hy vọng nơi mối liên minh đó rằng nó sẽ bảo vệ họ khỏi sự hủy diệt đang đến gần, theo Êsai đoạn 28, làm thế dân sự đang kết giao ước với sự chết. Giao ước với sự chết được đề cập đến vài lần trong đoạn này. Trong câu 15 và 18, "Vì các ngươi nói rằng: Chúng ta đã kết ước với sự chết, và giao ước cùng nơi âm phủ... Bấy giờ ước các ngươi kết với sự chết sẽ phế đi, ước các ngươi giao cùng nơi âm phủ sẽ không đứng được. Khi tai nạn hủy diệt trải qua, các ngươi đều bị giày đạp." Dân Ysơraên đã làm gì? Họ đã hiệp một chính mình với sự chết chắc chắn. Họ kết giao ước với sự chết. Họ không thể được bảo đảm bởi sự liên kết với kẻ ác này. Và bởi mối liên kết này, họ sẽ chắc chắn bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Những ai khước từ Đức Chúa Trời sẽ bị chính Ngài khước từ lại. Sự họ khước từ Đức Chúa Trời sẽ dẫn đến việc Ngài khước từ họ. Tuy nhiên chúng ta đọc thấy trong câu 16, xen giữa sự đối chất với những lãnh đạo Ysơraên, rằng Đức Chúa Trời sẽ không bỏ dân sự Ngài hoàn toàn. Với những ai tin Ngài, Ngài hứa ban cho một hòn đá góc nhà, một nền tảng chắc chắn, một hòn đá góc nhà quý báu, là Đấng hoàn toàn khác với những lãnh đạo Ysơraên, là Đấng họ có thể nương dựa để giải cứu họ khỏi giao ước với sự chết. Họ phải trông đợi sự giải cứu nơi hòn đá góc nhà này. Đối với dân Ysơraên, sự liên kết của họ với con người không giải cứu họ. Nó sẽ không cứu họ khỏi sự hủy diệt. Chẳng bao lâu sau trong lịch sử dân Ysơraên, thành Giêrusalem bị tàn phá. Nhưng sự liên kết với Đức Chúa Trời và hòn đá góc nhà sẽ cứu họ. Trong Đức Chúa Trời, họ sẽ tìm thấy sự giải cứu. Vấn đề mà đoạn Kinh Thánh này muốn đề cập đến là Đức Chúa Trời đang xây dựng một nhà. Ngài đang xây dựng một nhà mới không ai phá diệt được, một nhà được xây dựng xung quanh một đá góc nhà, không phải là một đá góc nhà nào đó mà là một đá góc nhà được Đức Chúa Trời chọn lựa cách đặc biệt, không ai phá diệt được, được đặt làm nền nhà, là nền chắc chắn không rúng động.

Đoạn Kinh Thánh tại đây nói đến sự xây dựng một nhà thiêng liêng, một nhà đang được xây dựng chung quanh đá góc nhà là chính Đấng Christ, một nhà không hề rúng động bởi sự liên hệ của nó với Đấng Christ. Chỉ những ai ở trong mối liên hệ với đền thờ mới này của Đức Chúa Trời mới không phải sợ hãi gì. Chỉ những ai liên hệ với đá góc nhà này mới thoát khỏi giao ước với sự chết. Chỉ những ai ở trong Đấng Christ mới có được sự bảo vệ toàn quyền của Đức Chúa Trời. Điều Phierơ muốn chỉ ra cho hội thánh là: những ai là thành phần của nhà thiêng liêng đang được xây dựng này mới hoàn toàn không phải sợ hãi gì bởi họ đã được đặt trên một nền tảng chắc chắn với Đấng Christ là đá góc nhà. Chúng ta biết rằng bởi đó mà dầu các cửa âm phủ cũng không thắng được họ.

Đoạn Kinh Thánh hôm nay mô tả Chúa Giêxu là đá góc nhà. Điều này có nghĩa là gì? Đá góc nhà trong một căn nhà là hòn đá chính. Nó là hòn đá quan trọng nhất của cả căn nhà. Khi nó được đặt xuống, nó quyết định phần còn lại của ngôi nhà được đặt như thế nào. Nó quyết định góc độ của những bức vách, hướng của ngôi nhà v.v... Nó là hòn đá quan trọng nhất và là hòn đá đầu tiên được đặt xuống. Hết thảy phần còn lại được xây dựng lên trên nó hay trong mối liên hệ với nó. Tất cả những hòn đá còn lại được đặt trong mối liên hệ trực tiếp với hòn đá đó. Vì thế chúng ta có thể nói hòn đá góc nhà này mang lấy sức nặng của toàn bộ căn nhà. Nó là hòn đá chính yếu quan trọng nhất trong toàn bộ căn nhà. Khi liên hệ đến Đấng Christ, chúng ta thấy rằng nhà thiêng liêng đang được xây dựng bằng những hòn đá sống này bắt đầu bằng Chúa Giêxu. Chúa Giêxu là hòn đá quan trọng nhất. Những hòn đá khác đặt trong nhà thiêng liêng ấy được đặt vào chỗ của nó trong mối liên hệ với Đấng Christ. Hội thánh đang được xây dựng chung quanh Ngài. Nó nhận lấy sức lực từ nơi Ngài. Nó không hề bị phá diệt nhờ vào chính Ngài mà không phải vì chính nó. Nhà này không hề bị rúng động bởi Đấng Christ đã lập nên nó bởi chính huyết Ngài. Nó không thể bị rúng động vì tội lỗi của dân sự Đức Chúa Trời đã được trả thay bởi sự công chính của Đức Chúa Trời đã được thỏa đáng. Chúng ta có thể thấy khi nhìn vào đền thờ Cựu ước và sự hủy diệt cuối cùng của nó: Vì sao nó bị tàn phá? Sách Ca Thương và tác giả Ca Thương nhận rõ ràng rằng sự hủy phá đền thờ Cựu ước đó là vì tội lỗi của dân sự Đức Chúa Trời, vì sự phản nghịch của họ. Nhưng đền thờ mới vinh hiển này mà Phierơ đang nói đến tại đây, đền thờ được đặt nền trên đá góc nhà này, không thể bị phá vỡ vì Đấng Christ đã thỏa đáp đòi hỏi công chính và sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Những ai tin nơi Đấng Christ, tìm đến trú ẩn nơi nhà này, được bảo đảm về sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở giữa họ mãi mãi. Hòn đá góc nhà này được Đức Chúa Trời chọn lựa và là quý báu đối với Ngài. Nó bảo đảm rằng tất cả những ai tin Chúa Giêxu, ở trong mối liên hệ với đá góc nhà này, cũng được Đức Chúa Trời chọn lựa và là quý báu trước mặt Ngài.

Thế thì chúng ta thấy rằng đền thờ mới này là một đền thờ không hề bị hủy phá. Tính trường tồn của nó được khẳng định bởi thực sự rằng nó được đặt tại Siôn, "Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nha." Siôn là hình ảnh của Giêrusalem. Tại đây, Đức Chúa Trời sẽ đặt một hòn đá góc nhà tại Siôn. Có phải tại đây muốn nói rằng Đức Chúa Trời sẽ thật sự đến Giêrusalem đặt một hòn đá góc nhà, hòn đá xây nhà đầu tiên trong đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời, theo nghĩa đen không? Tôi tin rằng không phải thế. Tôi tin rằng tại đây không nói đến thành Giêrusalem trên đất này bởi chính tại nơi đó đền thờ đã bị hủy phá. Hòn đá góc nhà này được đặt tại Giêrusalem mới trên trời. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này trong giây lát. Theo đoạn Kinh Thánh tại đây, Đấng Christ đang được mô tả là hòn đá góc nhà. Nhưng hiện nay Đấng Christ đang ở đâu? Kinh Thánh cho chúng ta biết Ngài đang ở trên trời. Ngài đã về trời để sửa soạn một nơi cho chúng ta. Ngài đã về trời để xây Giêrusalem mới là nơi ở cho chúng ta đời đời. Ấy là tại trên trời mà hòn đá góc nhà được đặt. Đấng Christ đang ở trên trời. Ngài là trái đầu mùa của những kẻ chết. Ngài là trái đầu mùa của nước Trời và Ngài đã thiết lập nước Trời. Vì thế, hòn đá góc nhà này được lập trên trời. Chúa Giêxu đã chết. Ngài sống lại, thăng thiên về trời. Ấy là nơi hòn đá góc nhà của chúng ta đang hiện diện, hòn đá góc nhà của đền thờ mới mà trong đó quý vị và tôi là một phần. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chúng ta là những người ở trong Đấng Christ ngay trong hiện tại đang được ngồi với Ngài trong các nơi trên trời. Ngay trong hiện tại chúng ta đã bước vào mối tương giao ấy với Đức Chúa Trời. Hội thánh được xây dựng xung quanh hòn đá góc nhà, quây quanh tâm điểm là Đấng Christ đã thăng thiên về trời và được xây dựng thành một nhà thiêng liêng. Đặc tính thiên thượng của hòn đá góc nhà cũng được mô tả cho chúng ta trong Khải Huyền đoạn 21 bởi tại đây chúng ta đọc thấy hình ảnh của Giêrusalem mới. Tại đây chúng ta đọc thấy về một hòn đá, "Sự chói sáng của thành ấy giống như của một viên bửu thạch, như bích ngọc sáng suốt." Tôi tin rằng tại đây đang đề cập đến Đấng Christ là đá góc nhà bởi ở phần sau chúng ta đọc thấy vách thành này được xây trên mười hai nền và trên những nền ấy có tên của những sứ đồ của Chiên Con. Chúng ta cũng đọc thấy trong Êphêsô đoạn 2 câu 22 rằng hòn đá góc nhà là Đấng Christ và nền là các sứ đồ và ấy là cách thức mà đền thờ của Đức Chúa Trời đang được xây dựng nên. Chúng ta thấy Siôn được mô tả là một hòn đá quý xây dựng trên mười hai hòn đá nền của những sứ đồ. Đá góc nhà của hội thánh đang ở trên trời và những hòn đá sống của nó liên hệ với hòn đá góc nhà đó. Bởi đó chúng ta có thể chắc chắn rằng không ai có thể kéo chúng ta ra khỏi vách của Siôn. chúng ta là một hội thánh thiên thượng. Những tín hữu Đấng Christ của chúng ta không thể bị lôi kéo đi. Không gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Trong sự hiệp một với Đấng Christ, là Đấng đã phục sinh và thăng thiên, chúng ta được làm thành một phần của đền thờ sống. Chúng ta đã được làm nên thánh bởi huyết Ngài, được trở nên đẹp lòng Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Bởi đó chúng ta không hề sợ sự phán xét của Ngài. Chúng ta không hề sợ hãi rằng đền thờ mới này sẽ bao giờ phải chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

Sự hiệp một của chúng ta với Đấng Christ có thể được nhìn thấy rõ hơn trong đoạn Kinh Thánh này, cũng như hội thánh cũng được mô tả tương tự như vậy, là chính Đấng Christ. Câu 4 nói về Đấng Christ rằng: "Hãy đến gần Ngài, là hòn đá sống, bị người ta loại ra, song được chọn và quí trước mặt Đức Chúa Trời". Câu 9 và 10 nói rằng những tín hữu được lựa chọn và đặc biệt. Trong phần giữa, nghĩa là câu 6, 7 và 8, ý này cũng được khẳng định. Câu 6 mô tả đá góc nhà là đá quý báu quý trọng trước mặt Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta cũng có thể đọc thấy trong câu 7 và 8 rằng hội thánh là quý báu. Tôi tin rằng trong hầu hết các bản Kinh Thánh chúng ta có trong tay thì ghi rằng "cho anh em là kẻ đã tin, thì [Ngài] là đá quí". Tôi tin rằng lời dịch tại đây là không chính xác bởi chữ "Ngài" có trong nhiều bản dịch Kinh Thánh Tiếng Anh lại không tìm thấy trong nguyên ngữ. Nếu xem trong bản Kinh Thánh King James, chúng ta sẽ thấy hai chữ "He is" (có nghĩa "Ngài là") được in nghiêng bởi nó không có trong nguyên ngữ Hy Lạp mà được thêm vào. Theo nguyên ngữ có thể dịch chính xác từng chữ như sau "sự quý báu là cho anh em là kẻ đã tin". Thế thì ý muốn nói đến tại đây là bởi Đấng Christ là quý báu, thì cũng vậy, hội thánh, hiệp một với Ngài, liên kết cùng Ngài, cũng quý báu trước mặt Đức Chúa Trời. Thật ra ý tưởng rằng hội thánh là quý báu xuất hiện chung với ý ngay trước đó rằng "Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ." Anh em sẽ không bị xấu hổ bởi anh em là quý báu, bởi anh em hiệp kết với Đấng Christ, là đá góc nhà. Đức Chúa Trời sẽ biện hộ cho hội thánh Ngài như Ngài đã biện hộ cho Đấng Christ. Những ai tin nhận Ngài sẽ không bao giờ bị xấu hổ, thất bại. Điều này trái ngược với những gì đã diễn ra với đền thờ Cựu ước bởi chúng ta thấy đền thờ đó thật sự đã bị đánh bại và dân Ysơraên thời bấy giờ thật sự đã bị xấu hổ khi họ bước đi trong chuyến phu tù tại Babylôn.

Điều mà Kinh Thánh tại đây hứa hẹn với chúng ta là những ai liên kết với đá góc nhà là Đấng Christ này sẽ không bao giờ phải thua bại bởi chúng ta ở trong Đấng Christ. Đấng Christ sẽ đắc thắng. Chúng ta tin chắc rằng điều chúng ta tin là thật. Những chữ "sẽ không bị xấu hổ" trong nguyên ngữ Hy Lạp dùng sự phủ định kép. Trái với cách dùng phủ định kép này trong tiếng Anh, trong tiếng Hy Lạp, phủ định kép này làm gia tăng tính phủ định, nghĩa là "anh em sẽ không bao giờ, không bao giờ phải bị hổ thẹn". Lời hứa của Đức Chúa Trời thật chắc chắn. Nếu chúng ta là một phần của nhà thiêng liêng này của Đức Chúa Trời, bởi tin nơi Đấng Christ, chúng ta sẽ không bao giờ phải bị thất bại. Trong Đấng Christ, chúng ta có sự bảo an đời đời và giao ước với tội lỗi mà chúng ta đáng phải chịu vì cớ tội lỗi chúng ta đã bị phá vỡ. Chủ điểm của đoạn Kinh Thánh chúng ta là chúng ta phải tin nơi Đấng Christ là hòn đá góc nhà. Chúng ta phải hướng đến Ngài bởi chỉ ở trong Ngài chúng ta mới có thể thoát khỏi giao ước của sự chết. Chỉ những ai ở trong Đấng Christ mới không bao giờ bị hổ thẹn. Chỉ những ai tin Đấng Christ làm Chúa và Cứu Chúa của mình, Đấng đã chết trên thập tự giá cho mình, mới được là một phần của đền thờ sống này làm bằng những hòn đá sống xây quanh hòn đá góc nhà. Nếu chúng ta ở trong Đấng Christ, nếu chúng ta liên hệ với hòn đá góc nhà, chúng ta có thể chắc chắn rằng dù các cửa âm phủ cũng không thắng được chúng ta. Bởi đá góc nhà đã được đặt tại Siôn, chúng ta cũng ở đó với Ngài. Amen.

Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Cầu xin Ngài ban cho chúng con nhìn thấy được sự chắc chắn mà bởi đó chúng con có thể yên nghĩ trong Đấng Christ. Đấng Christ là hòn đá góc nhà, là hòn đá mà quanh đó phần còn lại của nhà Ngài được xây dựng nên. Chúng con liên hệ với Đấng Christ, là Đấng đã ban sự sống cho chúng con, rửa sạch chúng con bởi huyết mình. Chúng con là một nơi thánh cho Chúa là Đức Chúa Trời chúng con. Chúng con đang được xây dựng nên tại Siôn. Xin cho chúng con yên nghĩ trong sự bảo đảm rằng chúng con sẽ không bao giờ bị hổ thẹn bởi chúng con biết lẽ thật của Lời Ngài, rằng Ngài không nói dối, rằng những ai ở trong Đấng Christ chắc chắn sẽ sống đời đời. Tại đó chúng con sẽ hầu việc Ngài, ca ngợi Ngài ngày đêm trong đền thờ Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)