Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Chịu Khổ Không Ngã Lòng - 6/2009  


CHỊU KHỔ KHÔNG NGÃ LÒNG
(1Phierơ 3:13-15a)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Từ 1Phierơ đoạn 2 câu 17, vị sứ đồ đã cho chúng ta những lời dạy dỗ cụ thể về cách sống Cơ Đốc Nhân trong mối quan hệ với người khác, thể nào tín hữu trong Đấng Christ chúng ta, với cương vị chúng ta gắn bó mật thiết với chính Đấng Christ, phải sống giống như Đấng Christ trong bản tánh và thái độ chúng ta đối với người khác trong mối quan hệ xã hội của thế gian này. Xuyên suốt những đoạn Kinh Thánh này, chúng ta được dạy làm theo những điều tốt, công bình. Chúng ta phải đối đãi với người lân cận mình bằng sự tử tế và tôn trọng. Chúng ta được dạy phải hết sức tôn trọng thẩm quyền của những thể chế khác nhau và sống hòa thuận với mọi người trong khả năng có thể được và trong sự vâng phục Đấng Christ.

Vị sứ đồ dạy chúng ta sống đời sống như chứng nhân cho công việc của Đấng Christ trong lòng chúng ta với thế gian mà chúng ta đang sống. Đây là đời sống mà chúng ta được kêu gọi đến đang khi còn trên thế gian này, đời sống công bình, thiện hảo, đời sống hằng ngày sống theo Đấng Cứu Chuộc chúng ta là Chúa Giêxu Christ. Những ai sống theo sự dạy dỗ đó bởi có Đấng Christ ngự trong lòng mình sẽ được phước. Đức Chúa Trời dõi mắt chăm xem họ. Ngài lắng nghe và đáp lời họ cầu xin.

Lần này, chúng ta bắt đầu một phần mới của thư tín này: đoạn đặt trọng tâm vào thực tế của sự chịu khổ và thử thách của đời sống Cơ Đốc. Điều này vẫn thường được hàm ý trong nhiều đoạn Kinh Thánh trước đây nhưng tại đây được đề cập một cách hết sức cụ thể trong những câu còn lại trong đoạn 3 và 4. Đoạn Kinh Thánh lần này của chúng ta bắt đầu với câu hỏi tu từ: "Ví bằng anh em sốt sắng làm lành thì có ai làm dữ lại cho anh em?" Chúng ta có thể đoán được câu trả lời là: "Không ai hại những người làm lành cả!" Chúng ta thấy không có lý phải không nếu ai đó làm tốt cho chúng ta mà chúng ta quay lại tát vào mặt người đó? Chúng ta thấy hợp lẽ hơn nếu những người làm lành cũng được đáp lại tử tế. Tại sao chính phủ lại phải bận tâm với những công dân tốt trung thành làm việc hiệu quả của đất nước mình? Tại sao một người chủ lại trừng phạt và bức hiếp một người đầy tớ làm việc chăm chỉ? Tại sao một người chồng lại sỉ nhục một người vợ chung thủy, yêu thương và thuận phục mình? Tại sao một người chồng lại chẳng quý trọng một người vợ như thế? Tại sao người ta lại có thể tìm cách làm ác với những người làm lành? Điều đó thật không có lý chút nào! Ai lại quay gót nghịch cùng một người bạn? Ai lại khước từ một người không hề có ý làm hại mình mà chỉ tìm cách xây đắp cho quyền lợi những người chung quanh mình? Tại sao ai đó lại tìm cách tấn công những người làm việc chăm chỉ, tìm kiếm điều tốt lành và sống hòa thuận với người xung quanh? Câu trả lời tự nhiên là: điều đó dường như chẳng có lý chút nào! Chúng ta phải sống trên thế gian này tốt lành đến nỗi những người bắt bớ chúng ta phải tự đặt ra những câu hỏi như thế. Tại sao họ lại bắt bớ những người sống công bình? Chính đời sống chúng ta trở nên lời chứng cho sự tốt lành của Đấng Christ đối cùng chúng ta.

Tuy nhiên câu hỏi trong câu 13 nói nhiều hơn là chỉ ra cho chúng ta sự phi lý của những người ghét Cơ Đốc Nhân dù Cơ Đốc Nhân có làm tốt và ích lợi cho người khác. Nó liên hệ với những điều chúng ta đã học trong câu 12. Nói cách khác, ai có thể làm hại chúng ta vì chúng ta đi theo Chúa? Ai có thể làm hại bạn nếu mắt Đức Chúa Trời chăm xem bạn, nếu bạn đang sống đời sống công chính, đã được làm nên công chính bởi huyết báu Đấng Christ? Ai có thể phá hoại sự theo Chúa của chúng ta? Ai có thể đứng lên nghịch cùng Chúa, nghịch cùng những kẻ mà Đức Chúa Trời lắng nghe bởi Ngài lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta? Những người làm ác phải chịu sự thạnh nộ công bình của Đức Chúa Trời. Những người như thế sẽ không đứng nổi trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta, là những người đi theo sự công bình của Đức Chúa Trời, đang được cánh tay Ngài bảo vệ.

Sự chống đối những Cơ Đốc Nhân tin kính không chỉ là nghịch lý mà còn là việc không thể dù có người vẫn bất chấp sự nghịch lý đó mà tìm cách làm hại những người công bình. Chúa phán rằng họ không thể làm điều đó. Dù họ có thể tìm cách bắt bớ người tin Chúa, gây cho họ đủ mọi thử thách và khổ nạn, họ không có quyền ngăn cách Cơ Đốc Nhân khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Đây cũng là điều mà Rôma đoạn 8 phần cuối có đề cập đến về sự đảm bảo rằng: "Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Đấng Christ? Có phải hoạn nạn, khốn cùng, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng? Như có chép rằng: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày; Họ coi chúng tôi như chiên định đem đến hàng làm thịt. Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần. Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta" (Rôma 8:35-39). Ai có thể làm hại chúng ta? Ai có thể hại chúng ta nếu Đức Chúa Trời binh vực chúng ta? Nếu chúng ta ở trong Đấng Christ thì ai có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương Ngài? Không ai có thể làm được điều đó! Dù có người tìm cách hại chúng ta một cách vô cớ dù chúng ta sống công bình, chúng ta biết chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ những ai ở trong Ngài. Trong thực tế, Cơ Đốc Nhân thường bị coi thường dù chúng ta luôn sống bày tỏ tình yêu thương cho người khác. Cơ Đốc Nhân vẫn bị xã hội xung quanh ghen ghét. Dù bị bắt bớ hay chịu khổ vẫn không làm chúng ta lay chuyển, đó vẫn là thực tế của đời sống Cơ Đốc Nhân. Thế thì khi chúng ta bị bắt bớ, chúng ta không nên cho rằng đây là điều gì lạ. Chúa Giêxu phán rằng nếu thế gian ghét Ngài thì họ cũng sẽ ghét hội thánh Ngài nữa. Chúa Giêxu đưa ra điểm này ngay với những người bắt bớ Ngài. Một lần những người Pharisi tra tấn Ngài, Ngài nói rằng: "Vì việc gì ta đã làm mà các ngươi tìm cách giết ta?" Dù Chúa Giêxu chữa lành cho kẻ bệnh và phát bánh cho kẻ nghèo, chẳng làm gì hại ai cả lại bị coi thường. Điều này chẳng có lý chút nào. Chính quan tòa Philát khi Chúa Giêxu lên thập tự đã xử cách vô lý rằng Chúa Giêxu vô tội nhưng lại tuyên án đóng đinh Ngài.

Nếu chúng ta bị bắt bớ vì sự công bình thì chúng ta có phước. Chắc chắn sứ đồ Phierơ đang nhớ lại bài giảng trên núi trong Mathiơ đoạn 5 câu 10 rằng: "Phước cho những người chịu bắt bớ vì sự công bình vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy. Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy." Hội thánh chúng ta có thể chuẩn bị tinh thần rằng mình có thể bị thế gian ghét bỏ dù sống công bình. Chúng ta có sự bảo đảm rằng những ai bị bắt bớ vì sự công bình sẽ được phước. Chúng ta sẽ được phước bởi nước thiên đàng là của chúng ta. Đây là điều mà Chúa Giêxu đã mua lấy cho chúng ta. Chúng ta đã được chuộc bởi huyết Đấng Christ, được ban cho sự bảo đảm rằng chúng ta sẽ ở với Chúa trên trời đời đời. Ngay trong hiện tại chúng ta đã được ban cho sự sống mới. Chúng ta đã được ban cho một ơn phước lớn lao không ai cất đi được. Nếu chúng ta đang chịu khổ vì sự công bình, chúng ta thậm chí có thể vui mừng trong Chúa vì biết rằng chúng ta đang chịu khổ vì sự vinh hiển của Đấng Christ.

Chịu khổ là một thực tế của đời sống Cơ Đốc Nhân. Chúa Giêxu không giấu giếm thực tế rằng là Cơ Đốc Nhân, chúng ta sẽ bị mắng nhiếc. Ngài không nói rằng Cơ Đốc Nhân sẽ được thế gian yêu mến vì họ làm điều phải. Không! Thật ra chúng ta có thể chuẩn bị tinh thần rằng chúng ta có thể bị bắt bớ vì sự công bình. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó không chỉ ở những nơi xa xôi khi người ta phải đứng vững vì Tin Lành và đang bị bắt bớ dù đến chết. Thế nhưng ngay cả trong chính bối cảnh tại đây, chúng ta cũng thường bị bắt bớ khi công xưng danh Đấng Christ. Đa số sự bắt bớ tại đây không phải về thể xác nhưng vẫn có thể nhìn thấy rõ. Dù tôi không đồng ý với những phương thức sử dụng trong phim "Sự thương khó của Đấng Christ" của đạo diễn Mel Gibson, chúng ta có thể thấy thể nào đại đa số quần chúng tại đây đặc biệt là giới truyền thông ghét bỏ sự trình bày Tin Lành một cách chân thật. Họ không muốn tin vào tính lịch sử của sự kiện trong Kinh Thánh. Họ thấy ấy là điều phải bị rủa sả. Họ không hiểu được lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy những người chia sẻ Tin Lành cho bạn hữu mình lại còn bị ghen ghét rủa sả. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà lắm khi ngày của Chúa không còn mang tính thiêng liêng của nó nữa. Rất khó để sống trong một thế giới với ngày Chúa Nhật là ngày thánh nhật cho Chúa vì điều đó có nghĩa rằng một số hoạt động nào đó là ngoài tầm tay của chúng ta, chúng ta không thể dự phần được. Chúng ta phải hy sinh những điều đó. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những doanh nghiệp luôn gắng sức tiêu diệt đối phương dù phải gian dối lừa gạt. Cơ Đốc Nhân làm doanh nghiệp phải thành thật. Chúng ta thấy chúng ta có thể làm điều đúng, điều tốt nhưng chúng ta có thể phải chịu khổ. Chúng ta được Đức Chúa Trời ban phước bởi khi chúng ta xưng nhận Đấng Christ không chỉ bằng lời nói mà cả bằng chính cách sống thì Đấng Christ cũng sẽ xưng chúng ta trước mặt Đức Chúa Cha.

Bởi đó, đoạn Kinh Thánh chúng ta tiếp tục rằng "Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí". Chúng ta không nên rối trí vì những kẻ bắt bớ chúng ta. Nếu chúng ta đang sống vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời thì chúng ta còn phải sợ những kẻ bắt bớ chúng ta điều gì? Chúng ta đã được huyết báu Đấng Christ cứu chuộc lấy thì họ còn làm gì được để hại chúng ta? Sự cứu rỗi của chúng ta đã được bảo đảm trong Tin Lành. Ít nhiều Phierơ đang trích dẫn trong Êsai đoạn 8 câu 12 và 13, "Khi dân nầy nói rằng: Kết đảng! thì các ngươi chớ nói rằng: Kết đảng! Chớ sợ điều nó sợ, và đừng kinh hãi. Hãy tôn Đức Giê-hô-va vạn quân là thánh; các ngươi chỉ nên sợ Ngài và kinh hãi Ngài." Tại đây Êsai đang nói tiên tri rằng dân Asiri sẽ đến xâm chiếm xứ. Tại đây, bất chấp điều đó, dân Y-sơ-ra-ên được dạy chớ sợ hãi những kẻ bắt bớ họ. Họ phải kính sợ Đức Chúa Trời chớ không phải con người. Ý tưởng đó cũng tìm thấy trong Luca đoạn 12 câu 4 và 5, khi Chúa Giêxu nói cùng đoàn dân rằng: "Ta nói cùng các ngươi, là bạn hữu ta: Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa. Song ta chỉ cho các ngươi biết phải sợ ai: phải sợ Đấng khi đã giết rồi, có quyền bỏ xuống địa ngục; phải ta nói cùng các ngươi, ấy là Đấng các ngươi phải sợ!" Chúng ta thấy rằng nếu chúng ta đặt để sự sợ hãi của mình hướng về con người thì chúng ta đã để nhầm chỗ. Con người không thể làm gì linh hồn chúng ta. Họ không làm gì hại chúng ta mãi được dù chắc chắn rằng họ có thể làm thương tổn thể xác chúng ta. Họ có thể bắt bớ chúng ta qua công việc của họ, chế nhạo chúng ta, hành hạ thể xác chúng ta, ghen ghét chúng ta nhưng họ không thể đụng đến linh hồn của những người ở trong Đấng Christ. Êtiên trong sách Công vụ đoạn 7 có thể đối diện với sự ném đá mình thế nào? Ông không sợ hãi vì ông không sợ sự đe dọa của con người. Ông kính sợ Đức Chúa Trời. Bất kỳ những người tuận đạo Cơ Đốc nào đi trước chúng ta đều bước đi mà không hề sợ con người bởi họ biết rằng họ ở trong tay Chúa. Sự bắt bớ của chúng ta ngày nay thật là nhẹ so với những người ấy. Chúng ta được dạy dỗ chớ sợ hãi những điều mà người ta có thể làm trên chúng ta. Thế thì nếu chúng ta bị ghét dù là công bình, hãy đừng sợ hãi bởi chúng ta được phước.

Cơ Đốc Nhân chúng ta không tìm kiếm sự bắt bớ. Chúng ta cố gắng hết sức sống hòa thuận với mọi người. Chúng ta cố gắng công bình trong hành động và cách xử sự của chúng ta với thế gian. Tuy nhiên thậm chí khi chúng ta bị bắt bớ bởi sự công bình thì đừng lo lắng. Con người sẽ làm gì được hầu phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đấng Christ? Trái lại chúng ta hãy kính sợ Đức Chúa Trời, "nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình." Trên một khía cạnh nào đó, điều này có nghĩa là chúng ta cần đặt để sự hầu việc Chúa làm chính yếu trong đời sống mình, sống cho Ngài, tôn vinh Ngài. Điều quan tâm duy nhất của chúng ta là quy vinh hiển cho danh Đức Chúa Trời vì Ngài đã cứu chuộc chúng ta bởi huyết Ngài. Chúng ta hãy tôn Đấng Christ làm Chúa. Tại đây rất giống với lời trong Êsai đoạn 8, "Hãy tôn Đức Giê-hô-va vạn quân là thánh". Ấy là danh Đức Chúa Trời đáng được tôn thánh mà không phải là danh con người. Con người làm gì được để hại hay cất đi sự sống mà Đấng Christ đã ban cho chúng ta? Khi chịu khổ vì Đấng Christ, chúng ta hãy nói đến sự thánh khiết Ngài, tôn Ngài làm thánh, tôn vinh hiển danh Ngài.

Chúng ta hiểu điều này rằng chỉ có Đấng Christ là quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta không mấy quan tâm đến điều con người nghĩ về chúng ta. Chúng ta quan tâm đến điều Đấng Christ nghĩ về chúng ta, làm điều đẹp lòng Ngài bởi Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi mình. Xin hãy lắng nghe lời Đấng Christ. Đây chính là điều thật sự quan trọng đối với chúng ta. Tôi xin nói với các em thiếu nhi: Nếu bạn các em cười nhạo các em vì các em đi nhà thờ hay vì các em không thể làm điều này điều kia giống như các bạn thì các em không cần quan tâm đến những điều đó! Các em đang sống vì sự vinh hiển của Đấng Christ. Chúng ta đã được ban cho điều tốt đẹp hơn nhiều. Chúng ta đã được ban cho sự cứu rỗi qua Đấng Christ. Điều quan trọng là sự sống chúng ta có được trong Đấng Christ. Ấy chính là sứ điệp của đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay.

Hãy sống công bình. Nếu chúng ta phải chịu khổ, hãy chịu khổ vì sự công bình. Hãy vui mừng nếu phải chịu khổ bởi chúng ta đang được phước bởi nước thiên đàng là thuộc về chúng ta (Mathiơ 5). Đừng rối trí bởi con người. Trên hết, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không bao giờ bỏ chúng ta. Đấng Christ là hệ trọng hơn hết. Hãy hầu việc Ngài bởi không ai có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Amen.

Lạy Cha thiên thượng từ ái của chúng con. Cầu xin Chúa cho chúng con không phải rối trí bởi những kẻ bắt bớ kết án chúng con. Xin cho chúng con đừng sợ họ hầu có thể sống kính sợ Chúa là Cha chúng con. Xin cho chúng con đứng vững trên lẽ thật của Thánh Kinh mà không thối lui trong sự giảng dạy Lời ấy. Cũng xin cho chúng con có thể sống công bình trước mặt người ta hầu bởi nhìn thấy việc lành của chúng con họ có thể tôn vinh Ngài bởi chính Ngài đã làm thành điều đó trong lòng chúng con bởi Thánh Linh Ngài hầu cho đến ngày Chúa thăm viếng họ cũng ngợi khen Đức Chúa Trời. Xin ban phước cho sự giảng dạy Lời Ngài hầu chúng con hết thảy đều được khích lệ. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)